Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho hay, so với nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Lào, Campuchia… số ngày nghỉ của Việt Nam vẫn thấp hơn.
Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho hay, so với nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Lào, Campuchia…số ngày nghỉ của Việt Nam vẫn thấp hơn.
Cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ Tết 9 ngày. Dịp Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 sắp tới, công chức, viên chức lại được nghỉ 6 ngày liên tiếp (từ 28/4 đến 3/5).
Nhiều người phấn khởi với thông tin này vì sẽ không phải nghỉ xen kẽ nhiều ngày, thay vào đó sẽ được nghỉ liên tục, như vậy sẽ tiện cho việc sắp xếp, giải quyết các kế hoạch cá nhân, gia đình như: về quê, du lịch v.v..
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang bị xếp vào nhóm các nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều người lo ngại việc nghỉ lễ kéo dài nhiều ngày sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất lao động, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, đình trệ công việc của nhiều doanh nghiệp.
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Quang Tuấn - Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội.
Ông Lưu Quang Tuấn - Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội.
Ông Lưu Quang Tuấn Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội. |
*Ông đánh giá như thế nào về quyết định nghỉ 6 ngày trong dịp 30/4 và 1/5 sắp tới?
Thực ra, số ngày được nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ là 3 ngày, không phải là 6 ngày. Tổng số 6 ngày người lao động được nghỉ liên tục trong dịp các ngày lễ này là do người lao động đi làm ngày thứ Bảy (25/4) để nghỉ ngày 29/4.
Như vậy, người lao động sẽ được nghỉ ngày 28/4 (tức 10/3 âm lịch - Giỗ tổ Hùng Vương), ngày 29/4 (nghỉ bù do đã làm ngày thứ Bảy 25/4), ngày 30/4, ngày 1/5 và ngày 2 và 3/5 là ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Về mặt kinh tế, một bộ phận người lao động sẽ không bị ảnh hưởng về thu nhập nhưng một số khác sẽ có.
Dưới góc độ xã hội, kỳ nghỉ lễ dài hẳn là dịp để người lao động nghỉ ngơi, giải quyết các công việc và nhu cầu của gia đình như đi du lịch, tham gia vào các lễ hội, gặp mặt bạn bè, họ hàng, v.v...
Số ngày được nghỉ như vậy là hoàn toàn hợp lý, tuân thủ đúng các quy định chính sách hiện hành và đảm bảo quyền làm việc và nghỉ ngơi của người lao động.
* Thời gian nghỉ lễ của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới như thế nào, thưa ông?
So với nhiều nước trên thế giới, số ngày nghỉ lễ của nước ta không phải là quá nhiều. Không tính những ngày nghỉ trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật thì một năm người lao động ở nước ta được nghỉ lễ, Tết tổng cộng là 10 ngày.
Trong khi đó, rất dễ kiểm chứng về những quốc gia/vùng lãnh thổ có số ngày nghỉ lễ trong năm trên 10 ngày, chẳng hạn như: Campuchia nghỉ tới 27 ngày; Lào: 12 ngày; Ấn Độ: 21 ngày; Philippines: 18 ngày; Trung Quốc: 17 ngày; Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ: 16 ngày; Nhật Bản, Malaysia,Thụy Điển: 15 ngày; Mỹ 10 ngày…
Như vậy, có thể thấy thời gian nghỉ lễ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Biểu đồ so sánh thời gian nghỉ lễ trong năm của Việt Nam với các nước (không tính ngày chủ nhật) - Nguyễn Lý
*Cả nước vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết 9 ngày, sắp tới lại nghỉ 6 ngày, liệu việc nghỉ lễ liên tiếp có đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và năng suất lao động nói chung?
Trong điều kiện hoạt động sản xuất bình thường, doanh nghiệp tạm dừng không hoạt động sản xuất sản phẩm trong kỳ nghỉ lễ dài thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng.
Ngược lại, với các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thì kỳ nghỉ lễ này lại là cơ hội để tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận do cầu về tiêu dùng ít nhiều sẽ tăng, kể cả các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe; đồng thời góp phần giảm hàng tồn kho.
Với những gì đã nói ở trên, tôi cho rằng kết luận việc sắp tới người lao động được nghỉ 6 ngày sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động quốc gia là chưa đủ căn cứ.
* Có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ dài sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với các nước xung quanh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng không có bằng chứng để kết luận việc người lao động được nghỉ lễ 6 ngày nhân dịp 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương như năm nay sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước xung quanh.
Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng như: sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, trình độ công nghệ, chất lượng lao động, chất lượng kết cấu hạ tầng cơ sở, năng lực quản trị điều hành ở cấp quốc gia và cấp doanh nghiệp, v.v...
* Cá nhân ông, ông có muốn 1 kỳ nghỉ lễ dài?
Với những người lao động hưởng lương theo sản phẩm thì chưa chắc họ đã muốn có một kỳ nghỉ dài ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Có chăng chỉ là một số trường hợp thuộc nhóm có kinh tế khá giả, không quá bị áp lực về vấn đề cơm áo, gạo tiền.
Thông thường, đa số người lao động đều mong muốn làm việc để trước hết là tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Tuy vậy, với từng người lao động mà trong đó có cả bản thân tôi thì việc có 1 kỳ nghỉ lễ dài mà không ảnh hưởng đến tiền lương tháng thì đương nhiên tôi muốn được nghỉ.
Xin cảm ơn ông!