Trong dịp Tết có rất nhiều trẻ đã phải nhập viện cấp cứu do hóc hạt hướng dương, thậm chí có trẻ còn nguy kịch đến tính mạng.
Hạt hướng dương, hạt dưa, hạt bí…dường như không thể thiếu trong ngày tết ở các gia đình. Tuy nhiên, những loại hạt có vỏ này lại tiềm ẩn nguy cơ rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ là hóc dị vật.
Theo thông báo của các cơ sở y tế, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2016, đã có khá nhiều trường hợp trẻ nhỏ phải nhập viện vì hóc dị vật, trong đó có những trẻ hóc hạt hướng dương vào đường thở. Điển hình như trường hợp được cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đúng ngày mùng 1 Tết.
Theo đó, sáng mùng 1 Tết, bệnh viện đã tiếp nhận bé trai Bàn Nhật Tiến 30 tháng tuổi, dân tộc Dao, thường trú tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Bé được chuyển đến viện trong tình trạng khó thở, bứt rứt, tím tái, quấy khóc.
Sáng hôm đó, bé đột ngột khó thở, thở rít nên được gia đình đưa đến bệnh viện. Tại đây, bé được các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán có dị vật đường hô hấp. Qua hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa hình ảnh và tiến hành nội soi họng thanh quản và chụp CT scan đường thở cho bé, kết quả trên phim cho thấy có dị vật ở phần chia đôi phế quản gốc.
Dị vật được lấy ra từ đường thở một cháu bé trong dịp Tết.
Ngay sau đó, các bác sĩ Khoa Ngoại đã nội soi đường thở gắp ra dị vật ở phế quản gốc phải và trái. Sau gắp dị vật, hiện tại bé hết khó thở và ổn định.
Hay như trường hợp Dương Thị B. Ng, 5 tuổi, Mỹ Lộc, Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cũng nhập viện viện trong tình trạng tương tự. Theo đó, ngày 12/02/2016, cháu đang ăn hạt hướng dương thì xuất hiện ho sặc sụa, khó thở dữ dội, tím tái.
Gia đình liền đưa cháu lên bệnh viện Kỳ Anh khám và điều trị, sau 2 ngày cháu vẫn xuất hiện ho nhiều, từng cơn nên Bệnh viện Kỳ Anh chuyển cháu ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị tiếp.
Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm thấy tất cả đều bình thường, nhưng triệu chứng ho của bệnh nhân không thuyên giảm. Khoa Tai Mũi Họng đã tổ chức hội chẩn và chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở, hướng xử trí chuyển khoa Gây mê hồi sức soi kiểm tra và gắp dị vật.
Trước thực trạng trên, chia sẻ với phóng viên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, đối với những trường hợp trẻ bị hóc dị vật, các bậc phụ huynh cần phải hết sức bình tĩnh để xử lý. “Nhiều phụ huynh khi thấy con bị hóc thường dùng tay móc dị vật hoặc cho ăn miếng thật to để làm trôi dị vật, điều là là vô cùng sai lầm bởi nó đẩy dị vật vào sâu hơn”, bác sĩ Thường khuyến cáo.
Theo đó, khi trẻ bị hóc dị vật, cần phải dùng biện pháp Heimlich để sơ cứu cho trẻ ban đầu. Đối với trẻ lớn có thể để trẻ nằm sấp sau đó vỗ lưng để dị vật bật ra ngoài. Còn đối với trẻ nhỏ có thể để nằm sấp trên một cánh tay, tay còn lại vỗ lưng trẻ để đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi sơ cứu bước đầu, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.