Loài "thủy quái" được biết đến với cái tên "rồng biển" vốn là một trong những linh vật kỳ lạ bậc nhất của đại dương. Hiếm khi "rồng biển" xuất hiện, thế nhưng mỗi lần loài thủy quái này "lộ diện" thì y như rằng đó là điềm báo không may.
Bởi thế, việc một "cần thủ" ở Đà Nẵng vừa "săn" được "rồng biển" nhìn qua thì đó có vẻ như một kỳ tích hiếm có nhưng kỳ thực với dân biển đó lại mang dự cảm chẳng lành về một cơn đại hồng thủy hoặc động đất sắp sửa xảy ra (?)
"Cần thủ" Nguyễn Văn ánh và chiến lợi phẩm "rồng biển".
Nửa giờ kịch chiến với "rồng biển"
Dù đã bước qua tuổi lục tuần, thế nhưng "cần thủ" Nguyễn Văn Ánh (Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) vẫn nhớ "mồn một" từng chi tiết cuộc kịch chiến với "thủy quái" cách đây một tuần với PV báo Đời sống và Pháp luật tại cuộc gặp chiều 7/6. Ông Ánh cho biết: "Sáng 30/5, chúng tôi gồm năm người, đều thuộc CLB câu cá Hải Vân hẹn nhau chạy xe máy ra Huế đi câu ở ghềnh Chân Mây. Tôi với anh Trần Thế Dũng ra chỗ bờ ghềnh, ba người còn lại khi đi xa tít kè đá mới chịu buông câu...
Đến tầm hơn 1h chiều, bỗng nhiên có một làn gió mạnh thốc ngược vào chỗ tôi đang đứng làm cái mũ phớt chực rớt xuống biển. Linh cảm mách bảo có điều gì đó không bình thường khiến tôi ngẩng đầu lên nhìn ra xa. Lúc đó, tôi không còn dám tin vào mắt mình nữa, cách chỗ tôi đang đứng khoảng 20m là một vật thể di dộng có hình thù rất lạ.
Đó là một con vật có cái đầu màu bạc bằng cái mũ lưỡi trai, trên đỉnh có sừng, hai bên là hai con mắt sáng lấp lánh giữa mặt biển. Con vật rẽ sóng, di chuyển với tốc độ khá nhanh, chốc chốc lặn ngụp xuống chừng hai ba giây, sau đó lại ngoi lên bơi tiếp. Mất một vài giây định thần, tôi nhanh chóng thay lưỡi câu bằng loại lưỡi lục, ngắm nghía thật kỹ rồi phóng lưỡi câu đi. Không biết là phong độ hay "mát tay" mà ngay lượt tiêu đầu tiên, đã trúng ngay đầu cá "lạ".
Con cá quẫy rất mạnh, sóng nước bắn tung tóe. ống dây trên cần câu xoay vòng liên tục. Biết là cá to nên tôi chậm rãi "dìu" nó từ từ vào bờ. Tuy nhiên, con cá vùng vẫy rất mạnh, vào được một đoạn nó giật ngược lại kéo căng dây cước, khiến một số thời điểm tôi ngã dúi dụi. Giằng co, giành giật với tôi gần nửa tiếng đồng hồ, cá "lạ" bắt đầu có dấu hiệu đuối sức.
Khi đưa được lên bờ tôi mới có cơ hội "chiêm ngưỡng" sinh vật kỳ lạ này. Hình thù nó quái lạ, dài quá khổ, bản thân tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ. Con vật dài khoảng 4,2m, nặng 29,6kg, màu bạc, thân hình dẹt nhìn chẳng khác gì mái chèo. Trên sống lưng lại phủ một lớp vây màu đỏ, khi bơi lớp vây uốn lượn vô cùng đẹp mắt. Theo như hình dáng thì loài cá này rất giống với cá hố phướng, cá hố rồng mà các lão ngư kỳ cựu từng mô tả".
Ông Nguyễn Văn Ánh trao đổi với PV.
Động đất, sóng thần chuẩn bị "đổ bộ" vào Đà Nẵng(!?)
Những hình ảnh, clip về con cá "lạ" do ông Nguyễn Văn ánh "săn" được nhanh chóng đăng tải tên các phương tiện thông tin đại chúng. Và gần như ngay tức khắc, danh tính của loài "thủy quái" đã được hé lộ. Anh Trần Hải Sơn (khoa Sinh - Môi trường, đại học Sư phạm Đà Nẵng) cho biết, theo như hình ảnh, clip có thể chắc chắn một điều rằng, đây chính là một loài có tên khoa học là Oarfish mà người dân Việt Nam vẫn hay gọi là cá hố phướng, cá hố rồng... Còn người Nhật thì mệnh danh loài này là "rồng biển".
Tuy nhiên từ đây cũng rộ lên những thông tin về một cơn đại hồng thủy hoặc một cơn địa chấn chuẩn bị ập vào Đà Nẵng? Thông tin trên bắt nguồn từ những kết quả thống kê, nghiên cứu về quá trình sinh hoạt và tập tính của loài sinh vật kỳ lạ này. Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết: "Oarfish là loài động vật đơn độc, tránh sự ồn ào. Chúng ẩn thân dưới mực nước sâu tới cả ngàn mét. Chính vì vậy, thông tin về loài, cũng như đặc điểm giao phối của chúng vẫn là một điều bí ẩn. Chúng chỉ thường được nhìn thấy trên mặt nước, lúc chúng bị bão xô lên, đang gặp nạn, hoặc sắp chết.
Theo thống kê, cứ mỗi khi có những xác cá Oarfish trôi vào bờ là điềm báo trước sắp có động đất? Năm 2010, một số người Nhật đã hết sức lo lắng sau khi họ biết có xác cá Oarfish dạt vào bãi cát. Không lâu sau đó, động đất đã xảy ra tại Haiti, Chile làm hơn 200.000 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người khác bị ảnh hưởng. Sự việc trên tiếp tục được lặp lại đúng một năm sau đó và nạn nhân lần này chính là Nhật Bản.
Không chỉ Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận những trường hợp tương tự. Khi nhìn thấy hai con cá Oarfish trôi dạt vào một bãi biển ở miền Nam California nhiều nhà khoa học ở đây đã lo ngại về một trận động đất có thể xảy ra. Những cảnh báo này giúp cho nhiều người dân ở đây tránh được một trận động đất".
Vì thế, việc loài "thủy quái" này đã mất tích nhiều năm, nay đột ngột xuất hiện trở lại ở vùng biển Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Lời đồn về một cơn địa chấn xuất phát từ đáy đại dương là hoàn toàn có thể xảy ra!?. Thông tin trên đã và đang được không ít người bàn tán xôn xao và truyền đi với một tốc độ chóng mặt...
Chỉ là sự trùng hợp
Trao đổi với PV, anh Trần Hải Sơn (khoa Sinh - Môi trường, đại học Sư phạm Đà Nẵng), người đã bỏ rất nhiều thời gian để nghiên cứu về loài "rồng biển" cho biết: "Không chỉ được xem là điềm báo về động đất, sóng thần, cá Oarfish còn là nguồn gốc của nhiều câu chuyện lịch sử về quái vật biển với kích thước và hình dạng khổng lồ. Chúng thường được liên tưởng với những hung thần của biển cả, chuyên làm đắm tàu bè nhưng thực tế chúng hầu như không nguy hiểm cho người dân.
Các câu chuyện này một phần là do khi đang thở phì phì có thể trông giống như một con quái vật biển đáng sợ. Oarfish chỉ ăn sinh vật phù du nhỏ bé. Chúng thậm chí không có răng thực, mà thay vào đó là cái lược mang để bắt sinh vật nhỏ bé. Bên cạnh đó, Nhật Bản vốn là nơi vỏ Trái đất kém ổn định nhất, động đất xảy ra như cơm bữa mỗi ngày. Do đó, việc người dân có sự liên tưởng giữa "rồng biển" với động đất cũng là điều dễ hiểu. Còn vụ động đất, sóng thần ở Haiti diễn ra sau khi phát hiện cá Oarfish "lụy bờ" đến hai tháng. Thời gian quá dài nên không thể xác định được mối tương quan của hai sự kiện này...".
Trong khi thực hư về tin đồn điềm báo sóng thần chưa biết thế nào thì số phận "rồng biển" đã được xử lý nhanh gọn.
Được biết, ngay sau khi "bại trận" dưới tay ông ánh, "rồng biển" đã được ướp đá đem về TP. Đà Nẵng làm... đồ nhậu. "Thú thực nếu biết trước là loài cá quý thì tôi sẽ không bắt. Nhưng đã lỡ câu lên rồi, con cá cũng đuối sức không bơi trở lại biển được nữa, bỏ thì phí nên anh em quyết định ướp đá đem về Đà Nẵng tổ chức liên hoan. Từ hôm đó đến giờ, tuần hơn rồi còn gì, có thấy động đất, sóng thần nào đâu...", ông ánh bật cười chia sẻ.
Tuổi thọ lên đến 100 tuổi? Oarfish là loài cá khổng lồ được đưa vào danh mục phân loại đầu tiên vào năm 1772. Chúng thường sống ở độ sâu 1.000 mét và có thể đạt tuổi thọ lên tới cả trăm năm. Cơ thể thuôn nhọn không có gai, tuy nhiên khi lần đầu chạm nhẹ vào da loài này cũng tạo một cảm giác nhói nhẹ như một cú sốc điện. |