Một nữ sinh ở Quảng Nam đã có một phương pháp học Lịch sử hay giúp em đạt điểm 10 trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 vừa qua. Ước mơ của em sau này trở thành một phóng viên để khám phá, tìm hiểu về cuộc sống xung quanh mình.
Bí quyết học Sử khi có tâm trạng vui vẻ
Nhiều học sinh trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, TP. Hội An khen ngợi không ngớt lời trên mạng xã hội khi biết tin bạn mình là Lê Thị Thanh Phương Thảo đạt điểm 10 Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.
Trò chuyện với chúng tôi, Thảo cười vui chia sẻ: “Đến bây giờ em cũng không tin được mình đạt điểm 10 môn Lịch sử. Dù ôn tập tốt, nắm chắc kiến thức để làm bài nhưng em nghĩ mình cũng có một chút may mắn trong đó…”.
Thảo là thí sinh duy nhất cụm thi ĐH Đà Nẵng chủ trì đạt điểm 10 môn Lịch sử
Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Thảo đạt tổng 26 điểm với môn Lịch sử 10 điểm, Ngữ văn 8 điểm và Địa lý 8 điểm. Khi biết tin mình đạt điểm cao, lại được điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử khiến Thảo vui mừng hơn bao giờ hết. Người đầu tiên em báo tin đó chính là cha mẹ khiến cả hai rất tự hào về em.
Thảo cho biết, em học chuyên Ngữ văn nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với môn Lịch sử từ khi bước chân vào lớp 10. Điều Thảo lo sợ nhất ở môn này chính là lượng kiến thức quá lớn, nếu không có một phương pháp học tập khoa học thì chỉ là học vẹt, học đối phó sẽ không mang lại hiệu quả.
“Người giúp em định hình phương pháp học chính là thầy giáo Lê Văn Tri cùng các thầy cô giáo bộ môn Lịch sử của trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Các thầy cô đã truyền cảm hứng và niềm đam mê cho em, chỉ dẫn phương pháp học theo sự điều tiết của cảm xúc. Đó chính là khi có tâm trạng tốt, vui vẻ, thoải mái thì lượng kiến thức sẽ “dung nạp” được nhiều, khắc sâu nhất!”, Thảo chia sẻ.
Cũng theo Thảo, ngoài cảm xúc khi học thì Thảo thường xem thời sự, các chương trình xã hội, đọc báo để nắm kiến thức đời sống thực tế từ đó vận dụng dẫn chứng vào quá trình làm bài đạt điểm cao.
Thảo nói: “Khi làm bài, em cũng cố gắng trình bày thật súc tích, ngắn gọn vấn đề chứ không làm dàn trải, phô trương trình bày. Em nghĩ chính cách làm khoa học, hiểu rõ hình thức vấn đề muốn nói cũng đã quyết định điểm số của mình!”.
Ước mơ thành phóng viên
Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ của Thảo kể, cuộc sống gia đình không khá giả gì, ngoài làm nông mỗi khi tới vụ thì thời gian nhàn rỗi hai vợ chồng đi phụ hồ thuê. Nhiều lúc cực khổ, khó khăn nhưng hai vợ chồng chị Lan động viên nhau, dù thế nào vẫn luôn cho các con được đến lớp để học tập con chữ.
“Đời hai vợ chồng tôi cực khổ cũng vì chữ nghĩa không nhiều như người ta. Vậy nên tâm nguyện cho các con được học tập đàng hoàng, vào Đại học là mừng để sau này có tấm bằng ra đời làm việc không phải vất vả”, chị Lan tâm sự.
Thương cha mẹ, Thảo quyết tâm học thật giỏi, em ước mơ trở thành phóng viên
Nghĩ đến con nhiều hơn nghĩ đến mình, vậy nên bao năm qua dù đi làm xa, cực khổ nhưng hai vợ chồng chị Lan không mua chiếc xe máy chạy, cả hai đạp xe đạp đi làm, có được đồng nào đều tiết kiệm sau này “nhỡ con Thảo đậu Đại học thì có cái mà lo!”
Thảo bảo, nhiều khi đi làm nắng non mệt nhọc nhưng mua chai nước giải khát cha mẹ còn phân vân. Cả hai tiết kiệm như vậy nên em chỉ muốn học ra trường thật nhanh để phụ giúp cho cha mẹ không khổ.
Khi đạt điểm cao, Thảo đã rất phân vân giữa dự định học ngành sư phạm không tốn học phí hay theo đuổi ước mơ học ngành báo chí để trở thành phóng viên.
Sau khi chia sẻ với cha mẹ, biết cả hai lo lắng khi tính Thảo nhút nhát, vào TP. HCM cuộc sống đắt đỏ tốn kém khiến họ không yên tâm thì Thảo đã trấn an cha mẹ rằng: “Con sẽ đi làm thêm, gia sư để phụ giúp vào ăn ở, đi học. Cha mẹ yên tâm ở con”.
Nói về ước mơ trở thành phóng viên, Thảo bảo em thích đi nhiều nơi khám phá, đưa thông tin đến mọi người nên quyết định chọn ngành báo chí làm nghề nghiệp tương lai của mình. Dù đã rất phân vân chọn lựa do nghĩ tới hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng Thảo nghĩ mình cần bản lĩnh để vươn lên phía trước.