Tiếng chuông không đủ để cứu người

Ngày 26/03/2018 13:59 PM (GMT+7)

Trong đêm xảy ra vụ cháy chung cư Carina, một cậu thanh niên đã phải gọi điện thoại cho bố ở tận Hà Nội tư vấn để thoát trong vụ hỏa hoạn đó. Tôi tự hỏi, tại sao ở độ tuổi ấy, cậu vẫn phải cầu cứu người lớn?

Nhiều người bước chân ra thành phố lập nghiệp, gom góp cả đời mua được căn hộ chung cư để có “chỗ đi chỗ về”. Vui đấy nhưng có lẽ, thực lòng, không ít người cũng đã từng nơm nớp lo sợ. Bởi thi thoảng lại xảy ra cháy ở chung cư.

Chúng ta luôn mong muốn về nhà nghĩa là về bến đỗ bình yên, được ngủ giấc ngủ ngon lành. Nhưng làm sao có thể ngon lành khi mà nỗi lo còn đó? Nhiều đêm ngủ, tôi vẫn phải lục đục dậy kiểm tra xem bình ga đã vặn chưa? Đi đâu xa, tôi vẫn cẩn thận kiểm tra xem nguồn điện đã cắt chưa? Không thể để khi sự việc xảy ra, chúng ta mới vội vã học tập kinh nghiệm.

Lại nhớ vụ cháy tại một căn hộ thuộc tòa nhà Rainbow (Khu đô thị Linh Đàm – Hà Nội) hồi tháng 10/2016. Khi đó, người dân cũng kể lại là hệ thống chuông báo cháy không hoạt động. Tại sao sau hai năm vẫn diễn ra một sự việc đáng tiếc tương tự? Lỗi tại cái chuông câm hay sự lỏng lẻo của việc phòng cháy tại các tòa chung cư đang có vấn đề?

Tiếng chuông không đủ để cứu người - 1

Tự trang bị kiến thức để thoát hiểm phải là kỹ năng không thể thiếu của mỗi người, y như việc ai cũng phải biết đọc biết viết vậy.

Nếu được bảo trì thường xuyên và nghiêm túc, chắc chắn một tòa chung cư cao cấp như Carina sẽ không cháy dữ dội như vậy. Một chung cư mang tên cao cấp mà tình trạng chuông báo cháy tê liệt thì với những chung cư “không cao cấp” khác, mức độ an toàn đảm bảo được bao nhiêu phần trăm?

Tại sao chúng ta đủ tiền mua nhà nhưng bất đắc dĩ cũng phải mua luôn đủ nỗi lo sợ, nơm nớp trước những nguy hiểm rình rập khi đang ở trong nơi nương náu của mình? Sống ở chung cư, chúng ta buộc phải học cách sống cùng nhau, bởi đôi khi chúng ta đã cẩn thận lắm rồi, nhưng nếu nhà ở tầng dưới chỉ vì lười mà đốt vàng mã ngay ngoài ban công thì hậu quả hàng trăm nhà có thể lãnh đủ.   

Không ai cứu được mình bằng chính mình. Trước khi chờ đợi các cơ quan chức năng rà soát lại sự an toàn phòng chống cháy nổ ở các chung cư, chính mỗi cư dân phải có ý thức tự bảo vệ mình. Nghĩa là chúng ta đừng nghĩ hành động hút thuốc lá ở nhà xe, việc đốt vàng mã bừa bãi cho đến việc bảo đảm điện, ga ngay tại nhà mình… là chuyện nhỏ.

Trên thực tế, rất nhiều người hút thuốc có thói quen xấu khiến những người xung quanh thót tim. Họ ngậm điếu thuốc trên miệng ở bất cứ nơi nào, vứt tàn thuốc huỵch toẹt vô tội vạ như vô thức. Nhiều người đãng trí cắm bàn là, máy sấy tóc... và không rút ra khỏi ổ điện khi đã dùng xong.

Tiếng chuông không đủ để cứu người - 2

Toàn bộ xe máy, ô tô dưới hầm gửi xe bị thiêu rụi hoàn toàn ở chung cư Carina

Không riêng gì chung cư, trong nhiều khu phố, những hộ cho thuê nhà làm nơi sản xuất có hàn xì, chất chứa hàng như trêu ngươi “bà hỏa” vẫn được chính quyền và các cơ quan liên quan nhắm mắt làm ngơ. Ở Hà Nội, trong nhiều con ngõ hay góc đường qua lại, vẫn còn biết bao nhiêu bếp than đỏ lửa, bất chấp hiểm nguy cho người qua lại. Nhưng bao nhiêu người thực sự dám lên tiếng và hành động vì sự an nguy của chính mình và cộng đồng?

Tôi vẫn nhớ trong một cuộc tập dượt phòng chống cháy nổ tại một trường đại học ở Hà Nội. Phần lớn sinh viên vẫn chăm chăm vào chiếc điện thoại hoặc trò chuyện rôm rả. Vì thế, tập dượt có nghĩa lý gì đâu khi chủ nhân và đối tượng của buổi tập dượt (là sinh viên) lại tỏ ra hững hờ, thờ ơ? Để rồi, không hiếm cô cậu vẫn tỏ ra gà mờ khi có sự cố xảy ra (như trường hợp của cậu con trai bạn tôi ở chung cư Carina phải gọi điện tư vấn bố mình để thoát thân trong đêm?).

Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng tôi luôn tự hỏi: sinh mệnh trong tay chính mình hay trong tay những chiếc chuông im lặng tại chung cư? Thử hỏi, trong chúng ta có mấy người thực sự có kỹ năng ứng phó với các sự cố cháy nổ? Nếu không có kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân sao có thể bảo vệ an toàn cho người khác?

Thời nay, chỉ cần gõ vài từ khóa như kỹ năng thoát hiểm khi cháy là chúng ta có thể tìm ra hàng chục bài viết, video clip hướng dẫn chi tiết trên mạng. Chúng ta không thể thờ ơ bởi nước xa đâu thể cứu được lửa gần? Khi thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết nghĩa là chúng ta đã và đang đặt cược mạng sống của mình cho người khác.

Tôi hỏi mấy người bạn rằng: “Nếu xảy ra cháy ở trong nhà bạn hay ở gần chỗ ngồi thì sẽ làm gì?”. Đa phần mọi người bảo: Chạy! Nghĩa là họ không có nhiều kỹ năng, kiến thức để xử lý, không hiểu rằng đám cháy nhỏ hoàn toàn có thể tự dập tắt để không còn nguy cơ cháy rộng hơn. Nhưng không nhiều người dám dũng cảm đối mặt với đám cháy, bởi nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết lúc đó có thể đã dâng trào.  

Tự trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy, biết cách thoát hiểm dù ở nhà, ở siêu thị, công sở hay bất cứ đâu, phải là kỹ năng không thể thiếu của mỗi người, y như việc ai cũng phải biết đọc biết viết. Bởi ngay cả khi cái chuông không câm, nếu không có kiến thức để tự cứu lấy mình, có gì đảm bảo chúng ta sẽ không hoảng loạn trước mịt mù khỏi lửa và âm thanh vang rền đang thúc giục ta tìm cách cứu mạng sống?     

Cư dân Carina Plaza bức xúc trước thông báo nhanh của chủ đầu tư tòa nhà
Việc Ban quản lý chung cư Carina ra thông báo hỗ trợ mỗi hộ dân 300.000 đồng/ngày đã khiến các cư dân hết sức bức xúc và phẫn nộ.
Kim Thoa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cháy chung cư Carina Plaza