Tiểu thư danh gia vọng tộc lừng lẫy: Tư tưởng tân thời, lấy chồng kỹ sư nghèo vẫn ung dung

H.M - Ngày 16/08/2021 06:50 AM (GMT+7)

Nàng là Vũ Thị Hòa Vân có cha là quan tri phủ Vũ Ngọc Thúy và mẹ là Nguyễn Thị Ngọc Tú – con gái thứ 6 của Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Toản.

Tiểu thư con nhà danh gia vọng tộc

Vũ Thị Hòa Vân được sinh ra vào một đêm trăng tròn cuối Xuân năm Tân Dậu (1921) tại gia trang của cụ Đông Các trí sỹ Vũ Quang Nhạ (Trung Lao, Nam Định). Con trai ông tức quan tri phủ Vũ Ngọc Thúy cũng đang nóng lòng chào đón đứa con sắp chào đời.

Ngay từ khi mới lọt lòng, tiểu thư Hòa Vân đã mặt hoa da phấn, mắt phụng mày ngài. Nhiều người còn dự đoán rằng nàng sẽ có tiền đồ xán lạn, có khi phải đến bậc phi, hậu.

Tiểu thư thừa hưởng nhan sắc quý phái từ thân mẫu của mình. Phu nhân ông Phủ Thúy nguyên là tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái thứ 6 của Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Toản, hiệu Tây Đình. Bà Ngọc Tú cũng một thời nổi tiếng sắc nước hương trời.

Chân dung tiểu thư Hòa Vân

Chân dung tiểu thư Hòa Vân

Nói về gia thế trâm anh thế phiệt của tiểu thư Hòa Vân, nàng có ông nội là Đông Các Đại học sỹ Vũ Quang Nhạ. Ông là một trong số rất ít quan lại Công giáo Bắc Hà đạt đến địa vị tứ trụ triều đình thời cuối triều Nguyễn. Sau khi đã kinh qua nhiều chức, tước, cụ về trí sỹ ở cố quận. Tại đây cụ giúp việc xây dựng ngôi nhà thờ Trung Lao nổi tiếng cho đến ngày nay. Bố của tiểu thư Hòa Vân là ông Vũ Ngọc Thúy cũng giữ chức quan tri phủ tại Nam Định.

Về đằng ngoại, giòng Nguyễn Hữu (nguyên là Nguyễn Hựu thời Vua Gia Long) là một nhánh cổ của Hoàng gia Nguyễn ở Huế. Đây là hậu duệ các con cháu của Chúa Nguyễn Hoàng ở lại Bắc Hà để làm tin với nhà Lê, Trịnh ngày xưa.

Ông nội (trái) và ông ngoại (ngồi giữa ảnh phải) của tiểu thư Hòa Vân

Ông nội (trái) và ông ngoại (ngồi giữa ảnh phải) của tiểu thư Hòa Vân

2 cụ thân sinh của tiểu thư Hòa Vân

2 cụ thân sinh của tiểu thư Hòa Vân

Sau khi người Pháp đã chiếm thành Hà Nội, phần đất còn lại phía Tây của tỉnh Hà Nội cũ được gọi là tỉnh Hà An. Cụ Thượng thư Tây Đình được triều đình cử làm tổng đốc tỉnh mới. Năm 1896 triều đình Huế đổi tên tỉnh này thành Hà Đông, và cụ là tổng đốc đầu tiên của tỉnh mới. Mãi đến năm 1905 người Pháp mới công nhận hành chính tỉnh Hà Đông.

Vì bị liên lụy đến phong trào Cần Vương của cụ Đề Thám, cụ Thượng Tây Đình từ chức năm 1898 và xây ngôi chùa Hồng Liên ở xã Tây Mỗ, Hà Đông. Rồi cụ sống ở đó đến cuối đời.

Được giáo dục công dung ngôn hạnh nhưng mang tư tưởng tân thời

Cũng như tất cả những tiểu thư khuê các ngày xưa, Hòa Vân cũng được giáo dục khắt khe đủ công dung ngôn hạnh. Không chỉ phải học bếp núc, nữ công gia chánh, những tiểu thư thời ấy còn phải trải qua những “thử thách” khó nhằn, ví dụ như phải mặc 3 lớp áo dài khi ngủ mà sáng dậy áo không được nhăn.

Tương truyền, từ khi chập chững biết đi, tiểu thư Hòa Vân lúc nào cũng tươi cười như hoa hàm tiếu. Khi nàng cười mắt nàng cũng cười. Ấy thế mà người bấy giờ lại cho rằng nàng hay cười tươi như vậy thì không đủ trang nghiêm để làm bậc mẫu nghi được. Thế nhưng chắc chắn nàng sẽ được hưởng số phận ung dung, vui vẻ.

Cũng bởi thế, con người phóng khoáng, vui tươi như Hòa Vân chắc chắn không để mình bị ràng buộc bởi các cổ lệ của giới trâm anh. So với những tiểu thư đương thời, nàng sống rất khác. Nàng không bao giờ nhuộm răng đen và uốn tóc từ khi rất trẻ. Bất kỳ quần áo, trang sức nào thời thượng và có tính thẩm mỹ cao là Hòa Vân ưng ngay.

Tiểu thư Hòa Vân trong chiếc áo dài cách tân

Tiểu thư Hòa Vân trong chiếc áo dài cách tân

Chỉ trước khi thành hôn, nàng mới cố gắng khoác lên cái nếp cũ một tí, gọi là để chiều nhà chồng. Hòa Vân không uốn tóc nữa, nhưng cũng chỉ vấn tóc trần lưỡi trai thôi chứ chưa bao giờ đụng đến cái khăn.

Khoảng cuối năm 1938, ngay trước Thế chiến, ông họa sỹ có tiếng tên là Nguyễn Cát Tường ở Phố Hàng Da, Hà Nội, có sáng kiến muốn cải tiến cái áo dài năm thân cổ truyền đi, cho hợp với nền văn hóa Tây Phương đang tràn ngập lúc đó. Ông đặt tên cho kiểu áo mới của ông là Lemur, do tên Tường của ông dịch ra tiếng Pháp. Áo dài Lemur lúc đầu bị xem là táo bạo vì dám để hở cổ, có khi hở tay và để lộ lưng, cho nên chỉ có các cô tân tiến lắm mới dám mặc. Ông Cát Tường phải thuyết phục tiểu thư Hòa Vân mặc tác phẩm mới của ông, vì ông biết nếu Hòa Tiểu thư khoác cái gì lên người, cái ấy sẽ thành thời trang.

Luôn có ý tưởng cách tân, cô Hòa Vân nhiệt tình chấp nhận, và quả nhiên áo dài Lemur được phổ biến nhanh chóng.

Chọn lấy một chàng kỹ sư lương 3 cọc 3 đồng

Vừa xinh đẹp sắc nước hương trời, vừa xuất thân trong gia đình trâm anh thế phiệt, hẳn nhiên người để mắt tới tiểu thư Hòa Vân đều là các vương tôn, công tử trong triều ngoài quận. Họ ngày đêm lượn lờ quanh nhà nàng nhưng nàng lại chẳng hề để mắt.

Cho đến khi được người nhà giới thiệu cậu công tử Vũ Thiện Đản thì Hòa Vân bất ngờ chấp nhận.

Vũ Thiện Đản chỉ là một kỹ sư giản dị, nhưng cậu hào hoa, quân tử. Cậu là cháu nội của cụ Vũ Cẩn, Tuần phủ Bắc Ninh. Kể ra thì gia thế của công tử Vũ Thiện Đản cũng không phải “dạng vừa”.

Công tử Vũ Thiện Đản

Công tử Vũ Thiện Đản

Một bà tổ năm đời của cụ Tuần Hàng Đào là Nữ soái Vũ Thị Liên, thứ thất của vị Đô đốc Tây Sơn Trần Quang Diệu. Bà đã chỉ huy một đội quân, bên chồng và chính thất Bùi Thị Xuân xông pha chiến trận. Sau bà bị Vua Gia Long cho thiêu sống giữa chợ ở Thăng Long để thị chúng. Nhà cũ của cụ Tuần nay là tiệm vàng Bảo Tín ở địa chỉ 54 Hàng Đào, Hà Nội.

Dù vậy, giữa bao nhiêu con nhà gia thế khác, lý do cậu Thiện Đản chinh phục được tiểu thư Hòa Vân là bởi khiếu văn chương thơ phú của mình.  Cậu cũng là em con chú của ông Vũ Ngọc Phan, tác giả quyển Nhà Văn Hiện Đại.

Vợ chồng cô Hòa Vân trong ngày hôn lễ của con gái út

Vợ chồng cô Hòa Vân trong ngày hôn lễ của con gái út

Xuất thân từ một gia đình theo Công giáo gốc, với mấy người em gái vào giòng tu kín bên Vatican, cô Hòa Vân đã vì tình yêu mà tình nguyện quy y lấy pháp danh theo về đạo Phật của nhà chồng.

Những ngày tháng thăng trầm sau đó khiến cuộc sống của những gia đình quyền quý không còn như trước kể từ Cách mạng tháng Tám. Với đồng lương công chức khiêm tốn của chồng, cô Hòa Vân vẫn thu vén đảm đang và sống một cách ung dung. Trong mọi hoàn cảnh, nàng vẫn luôn giữ nụ cười trên môi. Có lẽ cũng bởi vậy mà gia đình cô Hòa Vân lúc nào cũng ấm êm hạnh phúc. Hai vợ chồng luôn bao bọc, hòa nhã và ung dung tận hưởng cuộc sống cho đến những ngày cuối của cuộc đời.

3 công tử miền Tây khét tiếng ăn chơi không ai bằng: Vua có gì là cậu có món đó
Thời bấy giờ, họ là những công tử hào hoa, nổi tiếng về độ ăn chơi và tiêu xài tiền không ai sánh bằng.

Đại gia tỷ phú

H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật