Người phụ nữ này đã phải trả giá cho sai lầm của mình nhưng đến tận ngày nay người ta vẫn còn tranh cãi về việc bà ấy có thực sự xuống tay sát hại người đàn ông mình yêu trọn đời?
Năm 1982, Jean Harris, hiệu trưởng trường nữ sinh Madeira tại McLean, bang Virginia, Mỹ, trở nên nổi tiếng toàn quốc sau khi bắn chết người tình của mình, bác sĩ tim mạch Herman Tarnower.
Trong hơn một năm kể từ khi bị bắt vào ngày 10/3/1980 đến khi bị kết án vào ngày 20/3/1981, vụ án của bà Jean là tin tức nổi bật trên trang nhất các báo. Tuy nhiên, bên cạnh việc xét xử và kết án, cuộc đời bà Jean thực sự là một câu chuyện hấp dẫn công chúng.
Trao trọn trái tim cho người đàn ông đào hoa
Bà Jean là con thứ hai trong một gia đình có 4 người con. Thời trẻ, bà theo học trường Laurel ở thành phố Shaker Heights, bang Ohio, Mỹ, trước khi học Cao đẳng Smith ở Northampton, bang Massachusetts. Năm 1945, bà tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế. Sau đó, bà Jean kết hôn với Jim Harris và sinh được 2 người con trai. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ không hạnh phúc. Đến năm 1965, bà Jean ly dị chồng. Đến năm 1977 thì ông Jim qua đời.
Một năm sau, người phụ nữ này gặp ông Herman Tarnower. Lúc bấy giờ, bác sĩ tim mạch Herman đang rất nổi tiếng. Ông là chủ nhân cuốn sách ăn kiêng "The Complete Scarsdale Medical Diet" nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất lúc bấy giờ.
Họ nhanh chóng phải lòng nhau, bắt đầu cho một cuộc tình kéo dài 14 năm. Mặc dù thường xuyên mua quà và đưa người tình đi du lịch nhưng ông Herman còn có nhiều mối quan hệ tình ái với những người phụ nữ khác trong khoảng thời gian này và Jean hoàn toàn biết chuyện đó, tuy nhiên bà vẫn trao trọn trái tim cho người đàn ông đào hoa này.
Trong vài năm bên nhau, ông Herman đã kê cho bà Jean nhiều loại thuốc, trong đó có cả ma túy. Vào những năm 1970, Herman thuê bà Lynne Tryforos, một người đã ly hôn và hơn ông 30 tuổi làm thư ký riêng tại Trung tâm Y tế Scarsdale. Sau đó, ông ta bắt đầu ngoại tình với Lynne.
Nổi điên vì chiếc quần lót trong phòng ngủ
Vào cuối mùa đông năm 1980, sinh viên trường Madeira đang chuẩn bị đi nghỉ thì một số người đã tổ chức biểu tình để tố cáo các giảng viên và hiệu trưởng của trường. Hành động này khiến bà Jean gặp rắc rối. Vào tối 9/3, các giảng viên nhận thấy cô hiệu trưởng có vẻ chán nản và không muốn trò chuyện với ai.
Đến ngày 10/3, bà Jean lái xe 5h, vượt quãng đường hơn 400 km từ trường Madeira đến nhà ông Herman tại Purchase, New York. Bà ấy mang theo một khẩu súng cỡ nòng 32 li. Về sau, bà Jean khai mình đến gặp ông Herman lần cuối rồi định tự tử. Khi tới nơi, bà phát hiện quần lót của Lynne Tryforos trong phòng ngủ của người tình. Điều này khiến bà Jean nổi trận lôi đình.
Một cuộc tranh cãi nổ ra, ông Herman nói: "Trời ơi, Jean, em điên rồi. Ra khỏi đây!". Bà Jean cho biết 2 người sau đó giằng co khẩu súng khi bà có ý định tự sát. Các công tố viên thì phản đối điều này với lý do bà đã bỏ thêm đạn vào súng trước khi đến gặp ông Herman.
Bà Jean sau đó bắn người tình 4 lần ở cự ly gần rồi cố gọi điện để xin trợ giúp từ phòng ngủ trên lầu, tuy nhiên điện thoại không hoạt động. Bà lên xe rời đi để gọi cứu trợ mà không biết rằng quản gia của ông Herman đã gọi điện cho cảnh sát ngay sau khi nghe thấy tiếng súng. Lúc bấy giờ, Jean nhìn thấy xe cảnh sát đang hướng về phía nhà người tình khi bà lái xe ngang qua.
Jean quay xe lại, đi theo cảnh sát về nhà ông Herman rồi sau đó bị bắt và bị cáo buộc giết người cấp độ 2. Tuy nhiên, người phụ nữ khẳng định mình vô tội, nhấn mạnh vụ nổ súng là một tai nạn, súng đã vô tình cướp cò liên tục khi hai người giằng co nhau.
Hồi sinh từ trong nhà tù
Bà Jean sau đó được tại ngoại nhờ số tiền bảo lãnh 80.000 USD (hơn 1,8 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) và giấy đánh giá tâm thần của bệnh viện Port Chester. Sau đó, bà còn ký hợp đồng với các luật sư Joel Aurnou và Bonnie Steingart để lập kế hoạch bào chữa cho mình.
Vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Westchester ở White Plains, New York, vào ngày 21/11/1980, do trợ lý Ủy viên công tố quận George Bolen truy tố. Kéo dài 14 tuần, nó trở thành một trong những phiên tòa dài nhất trong lịch sử bang này.
Báo chí New York xâu xé sự kiện, khiến nó nổi tiếng ra toàn nước Mỹ. Bà Jean khăng khăng mình không cố ý giết người nhưng bồi thẩm đoàn bác bỏ mọi lý lẽ, sau đó kết tội giết người cấp độ 2 sau 8 ngày cân nhắc. Với bản án có tội, bà Jean không đủ điều kiện pháp lý để thừa kế 220.000 USD (hơn 5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) mà ông Herman để lại trong di chúc.
Luật sư Joel Aurnou khi đó đã khuyên bà Jean nhận tội để chịu mức án nhẹ hơn nhưng bà từ chối. Cuối cùng, thẩm phán Russell R. Leggett ra lệnh giam bà Jean trong trại cải huấn Bedford Hills dành cho phụ nữ tại hạt Westchester, New York, tối thiểu là 15 năm đến chung thân.
Sau khi bị kết án, bà Jean đã nhiều lần kháng cáo nhưng các tòa cấp cao hơn đều xác định bản án công bằng. Trong thời gian thụ án, bà Jean đã thực hiện nhiệm vụ cải thiện giáo dục cho các bạn tù. Bà bắt đầu những chương trình để phụ nữ có thể lấy được bằng đại học hoặc chứng chỉ GED trong lúc ngồi tù. Bên cạnh đó, bà cũng dạy một lớp nuôi dạy con cái cho các tù nhân và phát triển nhà trẻ trong tù dành cho những em bé do tù nhân sinh ra.
11 năm sau khi bà Jean bị kết án, Thống đốc New York Mario Cuomo đã giảm mức án còn lại của bà vào ngày 29/12/1992. Lúc đó, Jean đang chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tim gồm 4 phần. Bà được hội đồng ân xá cho ra tù và chuyển đến sống tại trung tâm hưu trí Whitney ở Hamden.
Sau khi ra tù, bà Jean luôn sống ẩn dật mặc dù thi thoảng vấn có những bộ phim hay cuốn sách làm về câu chuyện của bà. Bà sống một cuộc đời bình dị, kín đáo, chuyên tâm làm vườn bên ngoài căn nhà gỗ trên sông Connecticut ở New Hampshire. Khi rảnh rỗi, người phụ nữ này sẽ viết lách và đi dạo cùng chú chó Lainey.
Bà Jean Harris qua đời vì nguyên nhân tự nhiên vào ngày 23/12/2012 tại một trung tâm hỗ trợ sinh hoạt ở New Haven, bang Connecticut. Người phụ nữ này đại diện cho thế hệ người Mỹ cuối cùng tin rằng những cô gái đẹp sẽ kết hôn, nhưng mối tình của bà và tiến sĩ Herman Tarnower kéo dài 14 năm mà không có cam kết hôn nhân.
Đến nay, người ta vẫn còn bàn tán về vụ án của Jean. Bà có phải một người phụ nữ ghen tuông muốn trả thù? Hay là nạn nhân tuyệt vọng của ma túy và đam mê? Cuộc đời bà đã được đưa vào rất nhiều cuốn sách và bộ phim nổi tiếng. Trong đó phải kể đến cuốn "Mrs. Harris" (tác giả Diana Trilling) phát hành năm 1982 và "Very Much a Lady: The Untold Story of Jean Harris and Dr. Herman Tarnower" (tác giả Shana Alexander) phát hành năm 1983.
Trong năm 1981, phiên tòa xử vụ án của bà Jean Harris đã được mô tả trong phim "The People vs. Jean Harris". Bộ phim đã được đề cử giải Emmy và Quả Cầu Vàng cho màn trình diễn xuất sắc của nữ diễn viên Ellen Burstyn.