Huyện Cần Giờ, TP.HCM dự kiến tổ chức di dời khoảng 5.000 người dân, thuộc những hộ ven sông, ven kênh, ven biển để tránh bão số 16.
TP.HCM đang di dời 5.000 dân ở khu vực ven biển
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM, cho biếtTừ 16h chiều nay (24/12) lực lượng chức năng địa phương đã bắt đầu sơ tán 5.000 dân, trong đó dự kiến xã đảo Thạnh An có khoảng 2.000 người, để tránh bão số 16- Tembin (Trâu Mộng).
Ông Dũng cho biết: "Những hộ dân trong diện sơ tán là những người ở trong khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đố tượng ưu tiên di tản là người già, trẻ em, phụ nữ và người tàn tật".
Đường đi của bão số 16
Người dân ở xã đảo Thạch An được di dời tại chỗ vào 3 địa điểm: Trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT, Ban chỉ huy quân sự xã Thạnh An.
Ngoài huyện Cần Giờ, những khu vực có nguy cơ sạt lở cao khác như huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2… cũng cần tồ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời đến các địa điểm tạm cư kiên cố.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM kiểm tra công tác phòng chống ứng phó bão tại huyện Cần Giờ vào sáng nay (Ảnh: Dân Việt)
Bão số 16 đang quần thảo trên quần đảo Trường Sa
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở đảo Huyền Trân gió mạnh cấp 7, giật cấp 10 và đảo Trường Sa gió mạnh cấp 9, giật cấp 12.
Vị trí tâm bão lúc 18 giờ là 8,4N-112,8E; cách đảo Trường Sa khoảng 90km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão số 16 mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Sóng biển cao 10 mét, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 16, chiều và đêm mai (25/12), mực nước trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận và thượng lưu sông Đồng Nai sẽ lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông phổ biến lên mức BĐ1-BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên mức BĐ3.
Trong ngày 25-26/12, do ảnh hưởng mưa lớn kết hợp với nước biển dângnguy cơ cao xảy ra ngập úng diện rộng, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ, đặc biệt là TP.CHM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đặc biệt các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang.