Chỉ vì lời ngon ngọt của “người tình ảo”, những người phụ nữ này đành “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận bị lừa một số tiền lớn.
Mẹ đơn thân khóc ròng vì tin lời trai Tây
Mới đây, tạp chí Đời sống & Pháp luật đưa tin về vụ lừa tình - tiền của chị N.T.L (Hà Nội). Chị L. tham gia hội nhóm “Bạn muốn hẹn hò” trên Facebook, cũng chính từ đây chị quen biết với một người nước ngoài có nickname là Sajjid Chohan. Chia sẻ với PV, chị L. tự trách mình đã không cảnh giác và vì đang cô đơn, nuôi con nhỏ một mình nên thấy có người muốn giúp và muốn chăm sóc cho con mình nên chị rất sẵn lòng.
“Cách đây hơn nửa tháng, nickname Sajjid Chohan có gửi lời mời kết bạn với tôi, nhắn tin làm quen. Tôi thì đang cô đơn, có người làm bạn thêm vui, nên cũng vui lòng nhắn tin, chia sẻ. Nickname nước ngoài nhưng lại nói tiếng Việt rất giỏi. Anh ấy nói mình sang đây lâu và đã học tiếng Việt, còn người nước nào tôi cũng không mảy may quan tâm”, chị L. nhớ lại.
Chị L. bảo những ngày sau đó, chị và Sajjid Chohan liên tục nhắn tin qua lại, người này tỏ vẻ rất quan tâm đến mẹ con chị. Thậm chí, dù chưa một lần gặp mặt nhưng nhắn tin ngỏ ý muốn được ở bên, chăm sóc mẹ con chị.
Chị N.T.L (Hà Nội) tham gia hội nhóm “Bạn muốn hẹn hò” trên Facebook, cũng chính từ đây chị quen biết với một người có nickname người nước ngoài là Sajjid Chohan.
“Người này nói có công ty riêng ở nước ngoài, đủ điều kiện để chăm sóc cho mẹ con tôi. Đến ngày thứ 15 nói chuyện thì anh ta đề nghị muốn gửi tiền để chăm sóc con. Vì tôi quá hy vọng và tham lam rằng mình đã cực khổ rồi, cho nên ông trời mới cho mình một cơ hội như thế để có cuộc sống đầy đủ nên tôi đồng ý”, chị L. đau đớn.
Chị L. nói tiếp: “Để nhận được món quà mà người lạ mặt này gửi thì người này yêu cầu tôi phải gửi 12 triệu đồng để có thể nhận được số tiền lớn, trong khi đó tôi chỉ có 4 triệu đồng. Tôi đã bán điện thoại, cầm cố chứng minh nhân dân và vay mượn gia đình, bạn bè được 12 triệu đồng và chuyển cho nickname kia. Nhưng sau khi chuyển xong quà đâu không thấy mà Facebook kia cũng chặn tôi luôn”.
Mất tiền chỉ vì sự nhẹ dạ cả tin, chị L. đã tự trách mình và rất suy sụp: “12 triệu đồng với mọi người có lẽ không phải quá lớn, nhưng với một người mẹ đơn thân như tôi quả thật là cả một khối tài sản. Tôi ân hận nhưng đã muộn rồi”.
Đường dây người nước ngoài phối hợp người Việt lừa 120 tỷ đồng
Liên quan đến đường dây người nước ngoài phối hợp người Việt lừa 120 tỷ đồng vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đánh sập, ngày 18/6, theo tin từ cơ quan công an thông tin với Dân Việt, đã có thêm rất nhiều bị hại ở các tỉnh thành gửi đơn tố giác việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, số đơn tố giác các đối tượng trong đường dây lừa đảo này gửi đến cơ quan công an tiếp tục tăng lên hàng ngày. Nạn nhân bị lừa đảo đều là phụ nữ và hình thức lừa đảo của các đối tượng là đánh vào lòng tham.
Trong số những nạn nhân vừa gửi đơn tố giác đến công an, đáng chú ý là trường hợp chị N.T.H (trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Theo tường trình của chị H., thông qua mạng xã hội Instagram, chị quen một người đàn ông có tài khoản là Steven Phan Nguyen. Người này giới thiệu mình là lính Hải quân của quân đội Hoa Kỳ.
Steven Phan Nguyen nói mồ côi cha mẹ khi 4 tuổi và sau đó được bạn thân của cha mẹ nhận làm con nuôi rồi đưa sang Mỹ. Qua một thời gian trò chuyện, Steven ngỏ lời yêu và nói muốn kết hôn với chị H. sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Iran.
Sau đó, Steven thông báo với chị H. là anh này muốn chuyển một kiện hàng gồm nhiều tiền, vàng khối và một số giấy tờ quan trọng để nhờ chị H cất giữ giúp. Nghe vậy, chị H. đã cung cấp địa chỉ email theo yêu cầu của Steven để công ty vận chuyển hàng liên lạc.
Một trong những đối tượng thuộc đường dây nước ngoài lừa 120 tỷ đồng.
Rồi chị H. nhận được email của một công ty vận chuyển có tên là Capital Delivery Service. Nội dung email yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân để theo dõi lịch trình hoạt động của kiện hàng có mã code là 764/D034/CU21. Tiếp đó, chị H. nhiều lần nhận được email thông báo về kiện hàng bị hải quan các nước Ấn Độ, Thái Lan giữ lại kiểm tra và yêu cầu chị này chuyển tiền để làm các thủ tục pháp lý liên quan.
Tin nội dung những email này là thật, chị H. đã 5 lần chuyển tổng số tiền hơn 699 triệu đồng theo tài khoản mà các đối tượng cung cấp… Rồi những email khác tiếp tục gửi đến cho chị H. yêu cầu phải chuyển thêm tiền để giải quyết kiện hàng nhưng chị không còn tiền để chuyển. Theo cơ quan điều tra, qua xác minh, 5 tài khoản mà chị H. chuyển tiền đều mở tại TP.Hồ Chí Minh.
Qúy bà bị lừa tình, mất hàng tỷ đồng
Mới đây (14/6), Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cho biết trên địa bàn liên tục xảy ra tình trạng các quý bà bị lừa cả tình lẫn tiền. Nạn nhân bị lừa nhiều tiền nhất là bà Ngân (52 tuổi, một nữ đại gia ở TP.HCM).
Bà Ngân trình bày đầu năm 2020 nhận được lời kết bạn kèm tin nhắn qua mạng xã hội của người đàn ông xưng là Peter, quốc tịch Mỹ đang kinh doanh tại Malaysia. Hắn giới thiệu chưa có vợ, thiếu thốn tình cảm. Sau đó hắn đều đặn nhắn tin, gọi video cho bà mỗi ngày rồi nói mong ngóng ngày xong dự án để sang Việt Nam thăm "người tình".
Sau vài tháng, Peter ít trò chuyện hơn. Bà Ngân gặng hỏi thì người này kể 2 triệu USD của mình đang kẹt trong ngân hàng chưa thể rút, trong khi cần một ít tiền để bôi trơn dự án. Hắn ngỏ ý vay nóng nữ doanh nhân một khoản tiền để thực hiện dự án cho xong sớm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hắn có thể sớm được sang Việt Nam thăm bà.
Tin lời "người tình ảo”, chỉ hơn một tháng, nữ doanh nhân đã vay ngân hàng, cầm cố tài sản để có 500.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) gửi cho Peter vay thông qua tài khoản của "nhân viên" của anh ta tại Việt Nam.
Khi cảnh sát phá án, bà Ngân mới biết bị lừa. Mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng hơn 100 triệu đồng, người phụ nữ này đang phải rao bán nhà riêng, suy sụp sức khỏe.
Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi) - người tình của kẻ cầm đầu đường dây, đã bị khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như bà Ngân, chị Võ Thị Hoa (34 tuổi, trú Đà Nẵng) – một doanh nhân trong lĩnh vực tài chính cho biết, tháng 3/2019 người đàn ông xưng là James nhắn tin kết bạn. Người này giới thiệu là doanh nhân đang thi công dự án đường ống trên biển tại Malaysia, xa gia đình nên rất thiếu thốn tình cảm, muốn "làm quen" chị.
Sau nhiều lần trò chuyện, James nói đang gặp khó khăn về tài chính nên muốn Hoa cho vay nóng 700 triệu đồng và được đồng ý. Vài chục ngày sau, James chia sẻ kế hoạch mở rộng kinh doanh sang Việt Nam, đồng thời cần đưa 4 triệu USD sang Việt Nam nhờ Hoa giữ hộ rồi bàn bạc kế hoạch làm ăn.
Chị Hoa sau đó được một người xưng là nhân viên một ngân hàng quốc tế thông báo để nhận được khoản 4 triệu USD từ nước ngoài thì mất khoản phí hơn 3 tỷ đồng tiền Việt. Sau đó chị Hoa chuyển hơn 3 tỷ đồng vào một tài khoản ngân hàng theo yêu cầu. Nhưng sau khi chuyển xong tiền, nữ doanh nhân không liên lạc được với James và lúc này biết bị lừa...
Một cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao tham gia phá án cho biết sau nhiều tháng điều tra, giữa tháng 5, Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi) người tình của kẻ cầm đầu đường dây, đã bị khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hằng được người tình quốc tịch Nigeria hiện sống tại Malaysia giao tìm thông tin về "con mồi" để chuyển cho đồng phạm ở nước ngoài làm quen. Hằng cũng là người nhận tiền chuyển qua tài khoản, rồi chia phần cho người trong đường dây.
"Thủ đoạn lừa đảo này không mới, song nhóm của Hằng thực hiện khá hoàn hảo, phân chia mỗi người một công đoạn. Trong đường dây vừa có người Việt, người nước ngoài khiến nạn nhân rất dễ tin", cán bộ điều tra cho hay. Hiện chuyên án đang được mở rộng!
Nhiều phụ nữ ở Hải Phòng bị trai Tây lừa tiền
Khoảng đầu tháng 6/2018, qua mạng xã hội Facebook, tài khoản tên "James Jerry" kết bạn với chị Trần Thu T. (trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và giới thiệu bản thân sinh năm 1970, hiện sống tại Afganistan và làm việc tại Bộ Quốc phòng nước này.
Sau thời gian dài thường xuyên nói chuyện qua mạng, giữa chị T. và James nảy sinh tình cảm. Tháng 5/2019, để chứng tỏ tình cảm của mình, James Jerry nói muốn tặng chị T. món quà giá trị và 500 USD.
Ngay sau đó, có một người tự xưng là nhân viên công ty chuyển hàng gọi điện cho chị T. thông báo về món hàng gửi qua đường hàng không từ Afganistan, nếu muốn nhận thì chị phải nộp nhiều khoản phí khác nhau.
Chắc mẩm tình yêu từ James Jerry, chị T. đã 3 lần chuyển tổng số 50 triệu đồng vào tài khoản khác nhau của các chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM và Vũng Tàu cho “người tình”. Sau khi nhận được tiền, bọn chúng tắt máy, khóa tài khoản Facebook và "bốc hơi" không còn dấu vết.
Cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự như trên, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của chị Đặng Thị Y. (ở Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) số tiền 510 triệu đồng. Theo đơn trình báo của nạn nhân, vào tháng 12/2018, qua mạng xã hội, chị kết bạn với một người nước ngoài có tên là Jonh Rechad. Người ngày giới thiệu là quân nhân hiện công tác tại Sư đoàn 3 Bộ binh tại Afganistan.
Những đối tượng trong đường dây lừa đảo phụ nữ Việt Nam.
Sau nhiều lần trò chuyện, Jonh Rechad có nhờ chị Y. nhận hộ 1 túi vali tiền do anh ta gửi về Việt Nam theo đường hàng không. Để tạo sự tin tưởng, Jonh Rechad còn hứa sẽ tặng quà cho chị Y. là 20% trên tổng số tiền chuyển về.
Tin lời, chị Y. khấp khởi vui mừng và chờ đợi ngày nhận quà. Không lâu sau, Jonh Rechad điện thoại cho chị Y. thông báo là đã gửi tiền về Việt Nam. Ngay lập tức, 1 nhân viên cảng hàng không (không nói rõ của sân bay nào) đã điện thoại cho chị Y. yêu cầu nộp 27 triệu đồng vào tài khoản 18021494802*** của chủ tài khoản tên là Nguyễn Tấn Vương (ngân hàng Eximbank) với lý do đóng phí kiểm định.
Nghe vậy, chị Y. đã đến ngân hàng Vietcombank trên đường Trần Nguyên Hãn làm thủ tục chuyển 27 triệu đồng vào số tài khoản trên. Cùng ngày hôm đó, số điện thoại +8436427*** tiếp tục gọi đến và yêu cầu chị Y. chuyển thêm 100 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Tấn Vương. Nhưng vì không thể có ngay số tiền lớn như vậy nên chị Y chần chừ chưa chuyển.
Vài ngày sau, Jonh Rechad nhắn tin cho chị Y và cung cấp một số tài khoản ngân hàng khác mở tại Vietcombank Vũng Tàu mang tên Nguyễn Hồng Minh Lý và bảo chị Y. chuyển tiền vào số tài khoản đó thì sẽ lấy được Gooler trên về.
Đâm lao thì phải theo lao, sau đó chị Y. tiếp tục 4 lần chuyển tiền theo yêu cầu của Jonh Rechad với tổng số tiền lên đến 510 triệu đồng nhưng chị vẫn chưa nhận đc vali tiền như đã hứa.
Thấy có dấu hiệu bất thường, chị Y đã liên lạc với John Rechad thì lại được anh ta yêu cầu chuyển thêm 200 triệu đồng nữa và hứa sẽ bay về Việt Nam để giải quyết dứt điểm. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, chị Y. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Theo Cơ quan điều tra, phần lớn các đối tượng thường tạo các tài khoản mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Whatsap… rồi đóng vai người nước ngoài, sống độc thân, có việc làm thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế dư dả để làm quen, kết bạn với bị hại.
Sau một thời gian tạo được lòng tin, đối tượng đề nghị tặng, gửi các món quà có giá trị như: laptop, dây chuyền, trang sức, máy tính bảng, ngoại tệ hoặc đề nghị gửi tiền cho bị hại để làm từ thiện. Khi "con mồi" đã "say đòn", nhóm đối tượng ở Việt Nam cấu kết với nhóm nước ngoài sẽ vào vai cán bộ hàng không, hải quan hoặc nhân viên an ninh sân bay, nhân viên công ty chuyển phát nhanh gọi điện và đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân nộp phí thông quan, nộp phạt vì trong gói quà có nhiều USD, thuê luật sư chứng minh gói hàng là hợp pháp...