H mồ côi cả bố lẫn mẹ khi còn rất nhỏ, tuổi thơ là những ngày dài đẳng đằng thiếu vắng tình mẫu tử, lớn lên nhờ củ khoai, cây măng rừng trong vòng tay đùm bọc của ông bà nội. Giờ đây tai họa lại ập xuống...
Tuổi thơ bất hạnh của bé gái bị kẻ bệnh hoạn hiếp dâm dưới chân núi Pha Nọi
Ngôi nhà sàn của H (nạn nhân vụ người đàn ông 49 tuổi hiếp dâm, dâm ô nhiều bé gái ở Thanh Hóa) trống hơ, trống hoác, tài sản không có gì quý giá ngoài mấy bì lúa lọt thỏm dưới chân núi Pha Nọi.
Ông Hà Văn Chiến (ông nội cháu H.) trầm ngâm không thể nào tin nổi đứa cháu đang còn tuổi ăn, tuổi ngủ đã chịu quá nhiều thiệt thòi, bị chính người hàng xóm giở trò bệnh hoạn.
Bố mẹ cháu H. chết năm 2016, cả 2 mất cách nhau chỉ trong vòng 2 tháng. Ông tuổi cao sức yếu mà cả con đẻ và con dâu lần lượt ra đi để lại 3 đứa cháu nhem nhuốc, gầy gò, ốm yếu.
Nói về nỗi đau khi đứa cháu nhỏ tội nghiệp phải trải qua, vợ chồng ông Chiến như đứt từng khúc ruột
Nén chịu nỗi đau, ông bà gắng gượng lên rừng hái măng, ra suối mò con ốc, bòn mót từng cọng rau… cùng với sự giúp đỡ của hàng xóm, chính quyền để các cháu được ăn học như những đứa trẻ khác trong bản. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn, ông bà suốt ngày ngoài đồng, lên rừng kiếm cái ăn, cái mặc nên không có thời gian trông nom các cháu.
Sự ân hận, day dứt hằn sâu lên khuôn mặt già nua, khắc khổ, ông luôn tự trách mình: "Giá như chúng tôi dành nhiều thời gian để quan tâm đến cháu thì chắc không xảy ra chuyện đau lòng. Trong khoảng thời gian tháng 11 vừa rồi thấy cháu hay có tiền và đồ ăn, gặng hỏi nhưng cháu nó không nói gì. Mãi khi gia đình cháu N. ra trưởng bản trình báo chúng tôi mới hay biết cháu mình bị dụ dỗ hiếp dâm. Tuy bố mẹ mất sớm nhưng H. là đứa chăm ngoan, cũng vì chúng còn trẻ con nên mới bị hãm hại. Từ ngày mọi người biết chuyện tâm lý cháu có phần hoảng sợ, lo lắng, hay khóc. Tội nghiệp, nó là biết gì đâu mà phải chịu cảnh tủi hổ này. Sau này xuống suối vàng gặp mặt bố mẹ các cháu tôi biết nói sao đây".
Theo người dân địa phương, nghi phạm Nghiên từng đi nghĩa vụ quân sự, sau đó về địa phương lập gia đình và tham gia công tác hội nông dân tại Chi hội Nông dân bản Mướp. 4 đứa trẻ bị dâm ô, hiếp dâm đều gần nhà nghi phạm và đều có hoàn cảnh rất khó khăn.
Cách nhà ông Nghiêm mấy bước chân, anh Hà Văn Quyết (bố cháu một nạn nhân khác là cháu N) vẫn không thể nào tin nổi sự việc trên lại xảy ra với con mình. Cháu N. bị Nghiêm nhiều lần dở trò dâm ô ngay trong bếp nhà ông ấy sau khi dụ dỗ cho tiền, bánh kẹo. Trớ trêu thay nghi phạm Nghiêm lại có quan hệ họ hàng với gia đình anh Quyết. Cả 2 gia đình thường xuyên qua lại mỗi khi có công việc.
Dù tuổi cao sức yếu ông Chiến luôn gắng gượng lên rừng chặt củi, hái măng nuôi 3 đứa cháu mồ côi
Anh Phạm Bá Tường (SN 1985) - Trưởng bản Mướp, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết thêm: "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, phía công an huyện đưa các cháu đi giám định y khoa, ngoài cháu H. bị hiếp dâm, cháu N. và 2 cháu khác bị nghi phạm dụ dỗ đến nhà ông ấy dâm ô nhiều lần".
Theo thông tin từ Công an huyện Quan Hóa, ngay sau khi tiếp nhận thông tin tố giác đã đưa các cháu đi giám định y khoa, kết quả xác định cho thấy, bé H. bị hiếp dâm, cháu N. bị dâm ô, phía công an đã vận động nghi phạm Nghiên ra đầu thú, lời khai ban đầu trùng khớp với hiện trường, lời kể của các cháu. Đánh giá vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, ngày 13/12, Công an huyện Quan Hóa chuyển vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2019, Công an huyện Quan Hóa, Thanh Hóa tiếp nhận thông tin phản ánh có đối tượng lợi dụng lúc người lớn đi vắng đã dùng kẹo dụ dỗ các cháu bé có độ tuổi từ 8 đến 10 tuổi về nhà chơi và có hành vi hiếp dâm, dâm ô.
Đến ngày 12/12, Công an huyện Quan Hóa xác định cháu H.T.M.H (8 tuổi) bị đối tượng hiếp dâm, cháu H. Q. N. (10 tuổi) bị dâm ô. Công an huyện đã xác định và đã triệu tập, tạm giữ hình sự Cao Xuân Nghiên (SN 1970) ngụ thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bài toán tiểu học 'số chẵn nhỏ nhất là số 0 hay số 2' gây tranh cãi
Cụ thể đề Toán đưa ra câu hỏi “số chẵn nhỏ nhất là số 0 hay số 2” thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Bài toán tiểu học "số chẵn nhỏ nhất là số 0 hay số 2" gây tranh cãi
Rất nhiều người cho rằng chữ số chẵn nhỏ nhất có 1 chữ số là số 2. Một bạn đọc cho rằng "số 0 trong quy định không phải số chẵn, không phải số lẻ nên số 2 là số chẵn nhỏ nhất". Tuy nhiên nhiều người phản bác lại ý kiến trên và cho rằng số 0 là số chẵn nhỏ nhất mới là đáp án đúng.
Vậy đâu là đáp án đúng? Số chẵn nhỏ nhất là số 0 hay số 2. Liên quan đến vấn đề này, thầy giáo Trần Hồng Thịnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 5G0 trường Phổ thông Liên cấp Newton cho hay: "Khi nhìn vào câu hỏi số chẵn nhỏ nhất là số 0 hay số 2 thì nhiều người sẽ đưa ra đáp án là số 2.
Tuy nhiên, các số chẵn sẽ có tận cùng là 0,2,4,6,8 nên số chẵn nhỏ nhất có 1 chữ số là chữ số 0.
Còn nếu câu hỏi là "số chẵn nhỏ nhất khác 0 có 1 chữ số thì đáp án chính xác mới là số 2".
(Theo Infonet)
Phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại nghĩa trang liệt sĩ ở Nam Định
Chiều 18/12, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Hóa - Chủ tịch UBND xã Hải Cường (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, người dân sinh sống trên địa bàn xã vừa phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại lối vào nghĩa trang liệt sĩ vào chiều tối hôm qua (17/12).
“Chiều 17/12, chúng tôi nhận được tin báo của người dân địa phương phát hiện có một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi được để phía bên trong thùng giấy. Ngoài bộ quần áo mặc trên người cháu, chỉ có thêm hộp sữa bột, và một ít khăn cho trẻ sơ sinh. Theo quan sát của chúng tôi, bé gái khoảng 10 ngày tuổi, cháu nặng khoảng 3kg, sức khỏe tốt”, ông Hóa cho hay.
Bé gái được phát hiện bị bỏ rơi tại nghĩa trang liệt sĩ.
Ông Hóa cũng cho biết thêm, sau nhiều giờ phát loa thông báo nhưng không thấy người thân đến nhận, bé gái được gửi cho một gia đình nuôi.
"Nếu cha mẹ đứa trẻ không đến nhận, chúng tôi sẽ làm thủ tục cho gia đình này nhận con nuôi theo quy định pháp luật", ông Hóa nói.
Đề nghị Hà Nội cho học sinh nghỉ học những ngày không khí nguy hại
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội, cho biết, sở này vừa có báo cáo về tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua. Theo đó, chất lượng không khí trên địa bàn TP.Hà Nội nhiều ngày gần đây có xu hướng xấu đi so với trước.
Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu, dao động từ 112 - 121; không có ngày AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng).
Từ những thông số này cho thấy, vấn đề chất lượng không khí cần có những giải pháp xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5h00-12h00) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày, sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm. "Qua theo dõi, đây là giai đoạn có mức độ ô nhiễm cao nhất tính từ thời điểm đầu năm đến nay (4 ngày liên tiếp chất lượng không khí ở mức “xấu” và “rất xấu”)", vị này cho biết.
Những ngày qua không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng. (Ảnh: Thành An)
Theo đại diện Sở TNMT Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Cụ thể, bên cạnh hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm diễn ra mạnh vào thời điểm cuối năm thì do sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải;
Do một bộ phận nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ đun bếp than tổ ong, đốt củi trong sinh hoạt hàng ngày, không đảm bảo an toàn về phòng cháy; do đốt rác tự phát, công trình xây dựng dồn dập vào cuối năm… là nguồn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường khá lớn.
Và dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao được mà bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao, chất lượng không khí suy giảm.
Cũng theo đại diện Sở TNMT Hà Nội, TP.Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường.
"Hiện nay, ngoài 10 trạm quan trắc không khí đang hoạt động, đến năm 2020, Hà Nội đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc (trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động). Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường (tăng cường xe quét rác, gom rác...).Mặt khác, thành phố đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao, hồ; trồng thêm cây xanh...", vị này cho hay.
Sở TNMT Hà Nội đề nghị trong trường hợp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí chạm mức “nguy hại”, UBND TP ban hành thông báo tình hình chất lượng không khí tới Sở GDĐT để thông báo các trường mầm non, trường Tiểu học cho các em học sinh nghỉ học. (Ảnh: Thành An)
Ngoài ra, xác định ô nhiễm không khí còn phát sinh từ nguồn sinh hoạt hằng ngày của người dân, Hà Nội đã, đang tăng cường xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng...
Sở TNMT cũng kiến nghị UBND TP.Hà Nội, giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các Ban QLDA đầu tư xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động công trình thi công, phá dỡ, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp…
Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân không sử dụng bếp than tổ ong và các loại nhiên liệu than đốt; không đốt rơm rạ, không thu gom đốt rác tự phát; kiểm tra chặt chẽ xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đảm bảo yêu cầu về che chắn…
“Trong trường hợp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí chạm mức “nguy hại”, tức chỉ số AQI >300, Sở TNMT Hà Nội kính đề nghị UBND TP ban hành thông báo tình hình chất lượng không khí tới Sở GDĐT để thông báo các trường mầm non, trường Tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.
Cấm các xe tải nặng, đặc biệt xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trên địa bàn 12 quận nội thành; tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm”, đại diện Sở TNMT Hà Nội thông tin.
Về lâu dài, Sở TNMT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành như Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương phải chung tay xử lý vấn đề ô nhiễm không khí như kiểm soát phát sinh khí thải tại các khu công nghiệp; bảo vệ môi trường các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Đà, Bắc Hưng Hải; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với mô tô, xe máy để kiểm soát…
Giá vàng trong nước hôm nay 18/12
Giá vàng SJC hôm nay 18/12 của tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội tiếp tục tăng nhẹ lên 41,43 triệu đồng/lượng (mua vào) nhưng giảm nhẹ còn 41,58 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC hôm nay 18/12 tăng nhẹ, giao dịch ở mức 41,41 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,56 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC hôm nay 18/12 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thị trường TP.HCM tăng không đáng kể, giao dịch quanh mức 41,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,62 triệu đồng/lượng (bán ra).
Vàng 9999, vàng SJC hôm nay 18/12 đang hồi phục chậm.
Giá vàng 9999 của Phú Quý hôm nay 18/12 giữ nguyên, niêm yết mức 4.125.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.170.000 đồng một chỉ (bán ra).
Giá vàng 9999 hôm nay 18/12 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường TP.HCM niêm yết mức 4.140.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.182.000 đồng một chỉ (bán ra)
Giá vàng ta hôm nay 18/12 niêm yết chiều mua vào 4.140.000 đồng một chỉ, bán ra 4.182.000 đồng một chỉ.