Đứa trẻ bất hạnh mong ước một lần gặp mẹ: “Con chưa được ôm mẹ bao giờ”

Ngày 10/10/2019 15:00 PM (GMT+7)

Sống trong sự cô đơn, bất hạnh nhiều em nhỏ chỉ mong một lần được gặp mẹ, được ôm mẹ nhưng điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần có một gia đình, cần sự yêu thương, ấm áp dưới một mái nhà. Nhưng nhiều đứa trẻ gần như đã mất đi, quên đi hoặc chưa từng được nhận tình cảm gia đình do hệ quả đáng tiếc của nhiều vấn đề xã hội như: bạo lực, mang thai ngoài ý muốn, thiếu thốn kinh tế, bệnh tật, ly hôn,…

Vì hoàn cảnh đó khiến những người cha, người mẹ không thể đi cùng con cái đến tuổi trưởng thành. Phải sống thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, thiếu sự yêu thương nên nhiều đứa trẻ luôn có giấc mơ về một gia đình.

Tại triển lãm “Giấc mơ gia đình” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức (từ ngày 7 đến 27/10) rất nhiều đứa trẻ bất hạnh đã nói lên những suy nghĩ, nỗi lòng và cả những mơ ước của mình.

Đứa trẻ bất hạnh mong ước một lần gặp mẹ: “Con chưa được ôm mẹ bao giờ” - 1

Đứa trẻ bất hạnh mong ước một lần gặp mẹ: “Con chưa được ôm mẹ bao giờ” - 2

Những bạn trẻ thể hiện quan điểm của mình về những tiêu chí để có một gia đình hạnh phúc.

20 đứa trẻ, nhân vật chính trong cuộc triển lãm dù ở những độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau từ Lào Cai, Sơn La, Lai Châu đến Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa…, có em là người dân tộc thiểu số nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là phải sống thiếu vắng tình thương của cha mẹ hoặc bị tổn thương từ chính nơi các em gọi là gia đình.

Em Trần Hữu Hùng (SN 2007, ở Hưng Yên) sớm phải sống cảnh mồ côi mẹ, khi lớn lên nhìn hạnh phúc trong vòng tay mẹ, nên em ước: “Con ước mẹ con sống lại, để con được gặp mẹ, ôm mẹ, con chưa bao giờ được ôm mẹ cả”.

Năm nay 19 tuổi, Thào A Lềnh (Yên Bái) không thể quên được những ký ức tuổi thơ của cuộc đời mình. “Lên hai tuổi bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, con ở với ông bà nội. Đến tuổi đi học con không được đến trường, hàng ngày phải đi chăn trâu, lấy củi. Có lần con ốm nặng, ông bà cho đi khám, bác sĩ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho con về. Những lúc như vậy con thèm lắm có mẹ ở bên”, A Lềnh chia sẻ về những ký ức, cũng như mong ước của mình.

Đứa trẻ bất hạnh mong ước một lần gặp mẹ: “Con chưa được ôm mẹ bao giờ” - 3

Ánh mắt đượm buồn của những cuộc đời bất hạnh, họ luôn mong về một gia đình ấm êm.

“Con chờ mãi không thấy mẹ đến đón”, đó là câu mở đầu những lời tâm sự của em Hồ Thị Cát Tường Vi (SN 2002, ở Nha Trang). Dù bị mẹ bỏ rơi từ khi lên 2 tháng tuổi, nhưng tất cả những ký ức về câu chuyện buồn Tường Vi được nghe người khác kể lại chẳng thể nào nhạt phai trong tâm trí của em gần 20 năm qua.

“Mẹ con bây giờ là người được mướn bế con. Khi 2 tháng tuổi, mẹ ruột không trả lương, viết giấy cho con đi. Mẹ nuôi thương quá mang con về chăm sóc. Đến nửa năm lớp 1 không nuôi nổi, đành đưa con vào làng SOS, bảo con vào học tối mẹ đón về. Nhưng chờ mãi chẳng thấy mẹ đến đón”, Tường Vi chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người rơi nước mắt.

Đứa trẻ bất hạnh mong ước một lần gặp mẹ: “Con chưa được ôm mẹ bao giờ” - 4

Uyên dù không muốn nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác vì hoàn cảnh của mình.

Ở tận miền núi phía Bắc, em Hà Tố Uyên (sinh năm 2004, Lào Cai) kể câu chuyện của mình: “Con lên lớp 5 thì mẹ mất. Bố thường xuyên đánh đập con và em. Ông bà ngoại thương hai chị em mang về nuôi, nhưng không nuôi nổi hai đứa, nên đưa con vào Trung tâm bảo trợ Lào Cai. Con không có lựa chọn cho dù không muốn”.

Nếu điều ước thành hiện thực, có lẽ sẽ chẳng còn những đứa trẻ bất hạnh ở trên đời. “Nếu trên đời này có một điều ước dành cho con, con sẽ ước có thêm 10 điều ước khác. Vì con có rất nhiều thứ muốn trở thành hiện thực”, em Phan Trần Kim Hồng (sinh năm 2004, ở Nha Trang) nghẹn ngào nói.

Những đứa trẻ như A Lềnh, Hữu Hùng, Tường Vi, Tố Uyên… dù mỗi em có một số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều đã và đang vượt lên hoàn cảnh với ước mong có thể tìm thấy những mảnh ghép hạnh phúc vừa vặn với mình.

Bé gái 5 tuổi ung thư xương mong gặp mẹ lần cuối
Cha mẹ thôi nhau, mẹ bỏ đi làm ở thành phố rồi mất liên lạc. Bé gái B.N. sống nương tựa bà ngoại nhưng sự sống của em bây giờ chỉ còn đếm từng ngày.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động