Vụ người phụ nữ ở huyện Củ Chi (TPHCM) bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng từ việc xem quảng cáo kiếm tiền vừa được Phòng Cảnh sát kinh tế chuyển sang Phòng Cảnh sát hình sự giải quyết theo thẩm quyền.
Diễn biến mới vụ người phụ nữ ở TPHCM bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng khi "xem video kiếm tiền"
Vụ người phụ nữ ở huyện Củ Chi (TPHCM) bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng từ việc xem quảng cáo kiếm tiền vừa được Phòng Cảnh sát kinh tế chuyển sang Phòng Cảnh sát hình sự giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 14/1, nguồn tin riêng của Báo Tiền Phong cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TPHCM đã có phiếu chuyển nguồn tin về tội phạm vụ người phụ nữ bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng từ việc làm nhiệm vụ xem quảng cáo kiếm tiền.
Nạn nhân là bà T.T.N (46 tuổi, ngụ huyện Củ Chi). Vào tháng 11/2023, PC03 nhận được bản tường trình của bà N. tố giác Công ty TNHH thương mại Asiago và một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc gọi điện thoại tự xưng là nhân viên Điện Máy Xanh muốn gửi quà tri ân, miễn phí vận chuyển.
Bà N., người bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng khi tham gia chương trình xem quảng cáo, làm nhiệm vụ kiếm tiền trên mạng. Ảnh: Hoàng Thuận.
Sau đó, các đối tượng hướng dẫn bà N. tải ứng dụng Telegram để xác nhận đơn hàng và xem video quảng cáo nhằm tăng lượt xem sẽ nhận được tiền lương, hoa hồng. Bà N. đã chuyển hơn 2,5 tỷ đồng để tham gia các chương trình nhưng đến nay vẫn không được hoàn trả.
Sau khi xem xét nội dung đơn và tài liệu liên quan, PC03 nhận thấy vụ việc có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc kêu gọi làm việc, xác nhận đơn hàng, xem quảng cáo để nhận tiền lương, hoa hồng, nộp tiền tham gia các chương trình rồi chiếm đoạt... thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát hình sự (PC02). Do đó, PC03 đã chuyển đơn của bà N đến PC02 để giải quyết theo thẩm quyền.
Chia sẻ với Báo Tiền Phong hồi tháng 11/2023, bà N. cho biết, ngày 22/9/2023, một người gọi điện thoại xưng là nhân viên của Điện Máy Xanh nói bà là khách hàng thân thiết nên nhận được phần quà may mắn từ chương trình “Sự kiện tri ân khách hàng”.
Người này mời bà N. tham gia nhóm “Sự kiện tri ân” để làm nhiệm vụ thích (like) và xem video các sản phẩm đồ gia dụng với thu nhập từ 200 - 500 nghìn đồng/ngày. Hơn 1 ngày tham gia, bà N. được trả hơn 1 triệu đồng.
Kẻ gian dẫn dụ bà N. tham gia xem video kiếm tiền để lừa đảo. Ảnh: Hoàng Thuận.
Sau đó, các đối tượng dẫn dụ bà N. làm nhiệm vụ “chọn sản phẩm cho vào giỏ hàng” để nhận tiền lì xì và hoa hồng, theo giá trị của sản phẩm từ 16,5 triệu đồng, 21,5 triệu đồng và 29,5 triệu đồng.
Quá trình “làm nhiệm vụ”, bà N. chuyển khoản 13 lần vào 6 tài khoản mang tên Nguyễn Quang Phi Long, Nguyễn Duy Lương, Bùi Mạnh Linh, Nguyễn Hồng Kiên, Vũ Dinh Đạt và Công ty TNHH thương mại Asiago với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Số tiền này bà N vừa bán nhà và vay mượn từ người thân.
Vụ việc đang được công an điều tra, xử lý.
Hà Nội có hơn 2.500 công trình chưa nghiệm thu PCCC vẫn đưa vào hoạt động
Ngày 14/1, Công an TP Hà Nội thông tin, thực hiện Kế hoạch về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố, qua thống kê, rà soát, tính đến nay trên địa bàn có 2.562 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo đó, các công trình này nằm rải rác ở các quận, huyện từ trung tâm ra ngoại thành. Trong đó, Đống Đa có 21 công trình, Phú Xuyên 103 công trình, Hoài Đức 200 công trình, Quốc Oai 186 công trình, Chương Mỹ 179 công trình... Các công trình chủ yếu là trường học, siêu thị, tòa nhà văn phòng, chung cư...
Năm 2023, lực lượng PCCC&CNCH đã kiểm tra, phát hiện 66.738 tồn tại, thiếu sót tại các cơ sở và kiến nghị khắc phục; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8.518 trường hợp với số tiền phạt là 73,312 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.012 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.793 trường hợp; kiểm tra 11.476.043 lượt hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 46,69%), phát hiện 2.295.495 thiếu sót, vi phạm, xử lý 13.699 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 18 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 791 trường hợp, đình chỉ hoạt động 238 trường hợp... |
Lỗi vi phạm chủ yếu của các công trình này là không có hoặc chưa có lối thoát nạn thứ 2; cửa vào buồng thang bộ không phải cửa chống cháy; không đảm bảo ngăn cháy lan giữa các công trình; chưa trang bị hệ thống phương tiện PCCC; không lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy vách tường...
Điển hình, tại quận Đống Đa là siêu thị Số 19 Trúc Khê, phường Láng Hạ hoạt động từ năm 2014, đây là cơ sở thuê lại mặt bằng thay đổi công năng từ kho, xưởng thành siêu thị nhưng chưa trình hồ sơ thẩm duyệt bổ sung; Công ty cổ phần xây dựng công trình đường Thủy Vinawaco Số 159 Thái Hà hoạt động năm 2006, thay đổi công năng từ văn phòng thành siêu thị nhưng chưa trình hồ sơ thẩm duyệt bổ sung và chỉ có 1 lối thoát nạn tại các tầng;
Siêu thị điện máy Mediamart 181 Nguyễn Lương Bằng, hoạt động năm 2016, không có lối thoát nạn thứ 2, không có biện pháp ngăn chặn cháy lan giữa các khu vực trong công trình, hệ thống báo cháy tự động trang bị không đảm bảo yêu cầu theo quy định, hệ thống họng nước chữa cháy trang bị không đảm bảo yêu cầu theo quy định...
Một số nơi còn buông lỏng quản lý
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tập trung điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; mở các đợt thanh tra, kiểm tra ngăn chặn cháy lớn tại các cơ sở trọng điểm trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu dân cư… kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm.
Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội để lại hậu quả rất nặng nề.
Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy; xảy ra một số vụ cháy gây thiệt nghiêm trọng về người tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini).
Nguyên nhân là do nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của nhà nước; một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.
"Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh..." - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đánh giá.
Cùng với đó là các loại hình “biến tướng” này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao.
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật về PCCC chưa thực sự đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội...
Bi kịch gia đình, chồng dùng kiếm sát hại vợ tại nhà riêng
Như Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã đưa tin, khoảng 21h ngày 11/1, tại chung cư Lạc Hồng Phúc (thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) đã xảy ra vụ trọng án chồng sát hại vợ.
Cụ thể, do mâu thuẫn cá nhân, Đặng Quang Sơn (SN 1986) đã dùng kiếm xuống tay sát hại vợ là chị Lê Thị Mai (SN 1987).
Sau đó nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối và chuyển ra Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, đến khoảng 10h ngày 12/1, nạn nhân đã tử vong.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an thị xã Mỹ Hào phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng truy bắt đối tượng và tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Đến khoảng 21h30 ngày 12/1, Cônng an tỉnh Hưng Yên phối hợp Công an Hà Nội bắt giữ Sơn khi đối tượng đang lẩn trốn tại địa bàn phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
Hình ảnh Sơn bế vợ đi cấp cứu sau khi gây án (Ảnh cắt từ clip).
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội - Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Vụ án là một tấn bi kịch gia đình.
Hành vi của đối tượng thể hiện tính côn đồ, tàn nhẫn. Điều đáng nói, hung khí gây án là một thanh kiếm dài hơn 100cm và rất sắc nhọn. Đây là hung khí nguy hiểm có tính sát thương cao nên có sự quản lý của nhà nước. Người tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp, người sử dụng vũ khí thô sơ để gây án thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc hung khí và mục đích sử dụng khung khí, khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng khi thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân để giải quyết vụ án một cách triệt để.
Với những thông tin bước đầu từ phía cơ quan chức năng, có căn cứ để cơ quan điều tra xử lý đối tượng về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
Có thể nói, vụ án này sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người đàn ông xem nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác, chỉ vì mâu thuẫn mà sẵn sàng ra tay sát hại người mà mình đã từng đầu ấp, tay gối. Đối tượng này sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật và bản án từ lương tâm.
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong mưa lạnh ở Hà Nội
Theo TTXVN, thông tin từ UBND xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, khoảng 11h30 ngày 12/1/2024 tại cổng nhà bà Đ.T.P (thôn Duyên Lãm, xã Thụy An) phát hiện bé gái sơ sinh bị bỏ rơi.
Bước đầu xác định, trẻ bị bỏ rơi ở Hà Nội là bé gái, khoảng 20 ngày tuổi, nặng khoảng 2,8kg, tình trạng sức khỏe bình thường.
Khi được phát hiện, bé sơ sinh bị bỏ rơi được bọc trong tã bông màu đỏ, đặt trong giỏ màu hồng, được che ô, bên trong giỏ có vài bộ tã lót và 1 bình sữa còn nóng, ngoài ra không có giấy tờ tuỳ thân hay đồ đạc gì khác.
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở Hà Nội đang được người dân nhận chăm sóc trong lúc tìm cha, mẹ đẻ, người thân. Ảnh: Báo Tin tức.
Ngay sau khi phát hiện cháu bé bị bỏ rơi, bà P. đã báo cho chính quyền địa phương biết.
Nhận tin báo, UBND xã Thụy An đã chỉ đạo công chức Tư pháp - Hộ tịch và Công an xã lập biên bản sự việc, đồng thời lập biên bản giao trẻ cho người tạm thời nuôi dưỡng trẻ là chị N.T.T.H ở thôn Duyên Lãm.
Sau đó, UBND xã Thụy An tiến hành niêm yết thông báo thông tin trẻ bị bỏ rơi tại trụ sở UBND xã trong 7 ngày liên tục, từ ngày 13/1/2024 đến hết ngày 20/1/2024, để tìm cha mẹ, người thân của bé.
Hết thời hạn niêm yết nói trên, UBND xã Thụy An sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.