Tin tức 24h: Hàng điện máy giảm giá mạnh vẫn ế, riêng sản phẩm này tăng giá lại "cháy hàng"

HÀ ANH - Ngày 02/09/2021 19:10 PM (GMT+7)

Trong khi các sản phẩm điện máy như tivi, điều hòa, máy giặt, tủ lạnh đua nhau giảm giá sốc lên đến 70-80% nhưng vẫn ế thì nhu cầu mua máy tính xách tay phục vụ việc học và làm việc trực tuyến lại tăng cao, nhiều cửa hàng không còn hàng để bán.

Hàng điện máy đua nhau giảm giá vẫn ế, riêng sản phẩm này tăng giá lại “cháy” hàng

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến việc kinh doanh của hầu hết các siêu thị điện máy gặp không ít khó khăn. Doanh số sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao nên các siêu thị triển khai hàng loạt các chương trình quảng cáo, khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu mua sắm.

Không chỉ giảm giá sâu, các siêu thị còn tặng thêm voucher và quà tặng hấp dẫn cho khách hàng đến mua các sản phẩm điện máy để thu hút khách hàng nhưng vẫn diễn ra tình trạng ế ẩm, nhân viên đông hơn khách.

Trái ngược với tình trạng ế ẩm của các mặt hàng điện máy trên thì máy tính xách tay lại là mặt hàng được người tiêu dùng săn đón, đặt hàng phục vụ nhu cầu học trực tuyến và làm việc tại nhà mùa dịch.

Khảo sát qua tại các siêu thị, cửa hàng đều xác nhận doanh số bán máy tính xách tay của họ tăng từ 30-50%, thậm chí là 100% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu mua máy tính xách tay trong thời gian gần đây tăng đột biến.

Nhu cầu mua máy tính xách tay trong thời gian gần đây tăng đột biến.

Anh Phạm Văn Hưng, nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, từ khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội, siêu thị không được phép bán hàng trực tiếp khiến cho doanh số bán hàng của các mặt hàng khác giảm đến 80%, riêng doanh số bán máy tính xách tay lại tăng 50%.

Nguyên nhân được anh Hưng nhận định là do hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà. Ngoài ra, sau khi các trường học đưa ra quyết định khai giảng và học trực tuyến cho học sinh, sinh viên vào năm học mới thì nhiều gia đình phải sắm thêm máy tính để cho con học.

Theo anh Hưng, các mẫu laptop giá rẻ, từ 10-15 triệu đồng được nhiều người tìm mua nhất và luôn trong tình trạng cháy hàng, không còn hàng để bán.

Anh Lương Việt Bắc, chủ doanh nghiệp chuyên sửa chữa, phân phối máy tính trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cũng cho biết, bắt đầu từ đợt dịch thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 thì nhu cầu mua máy tính của người dân đã bắt đầu tăng mạnh đối với sản phẩm mới và cả sản phẩm cũ.

Tuy nhiên, nắm bắt nhu cầu của người dân, các nhà phân phối lại tăng giá sản phẩm lên 15-20% do sự thiếu hụt về nguồn linh kiện, vật liệu chế tạo, sản xuất latop.

Theo anh Bắc, nhu cầu của khách tăng cao nhưng máy tính không phải hàng thiết yếu nên cửa hàng kinh doanh không được mở cửa bán hàng.

Theo anh Bắc, nhu cầu của khách tăng cao nhưng máy tính không phải hàng thiết yếu nên cửa hàng kinh doanh không được mở cửa bán hàng.

“Hiện tại, đối với sản phẩm mới thì laptop core i3 kèm ổ SSD cũng phải từ 12 triệu đồng trở lên, các máy core i5 phải trên 15 triệu đồng mới mua được, thậm chí còn không có để mua vì siêu thị luôn trong tình trạng cháy hàng”, anh Bắc phân tích.

Nguồn cung ít, giá đẩy lên cao, vì vậy nhiều người lựa chọn tìm đến các cửa hàng bán sản phẩm máy tính cũ để mua. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng đều phải đóng cửa do máy tính không phải mặt hàng thiết yếu.

“Nhiều người hỏi mua và nhờ sửa chữa, tư vấn nhưng cửa hàng bên tôi cũng phải đóng cửa, không tiếp được khách, không thể bán hàng. Vì vậy, tôi cũng không dám nhập hàng về”, anh Bắc cho hay.

Vợ chồng chị Bùi Thị Tâm, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có 2 chiếc máy tính xách tay nhưng phải làm việc liên tục tại nhà từ cuối tháng 7. Thời gian gần đây, khi nghe thông báo có 2 đứa con của mình có lịch khai giảng vào 5/9 và học trực tuyến từ 6/9 khiến chị đứng ngồi không yên.

“Năm học trước thì hầu hết các con được học online vào buổi tối nhưng năm nay tôi nghe các cô nói khả năng cao là học cả ngày. Nếu vậy thì bắt buộc gia đình phải mua thêm máy tính cho con học vì nhìn vào điện thoại thì rất hại mắt và con không nhìn được bài giảng của cô”, chị Tâm chia sẻ.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu để mua máy tính cho con thì chị Tâm tá hỏa khi các sản phẩm máy tính dưới 10 triệu đều không còn hàng. Chỉ còn những mã sản phẩm từ 17 triệu trở lên. Vượt quá khả năng của gia đình. Vì vậy, chị vẫn đang loay hoay tìm mua máy tính xách tay cũ cho con dùng tạm.

Theo hãng nghiên cứu Gartner dự báo, năm 2021, tổng số máy tính cá nhân (laptop, PC), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh sẽ đạt 6,2 tỉ chiếc trên toàn cầu. Số lượng laptop và tablet được sử dụng vào năm 2021 sẽ tăng 125 triệu chiếc so với năm 2020, tăng tương ứng 8,8% và 11,7%.

Năm 2022, số lượng thiết bị này trên toàn cầu sẽ đạt 6,4 tỉ chiếc, tăng 3,2% so với năm 2021.

(Theo Dân Việt)

Đánh trúng tâm lý ham của rẻ, Ngân "gốm" chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Theo tài liệu điều tra, do không có nghề nghiệp ổn định, Đỗ Thị Kim Ngân (hay còn gọi là “Ngân Gốm”) thường xuyên lên mạng xã hội đăng bán các sản phẩm, hàng hóa dưới tên “Ngân Paula”, “Ngân Gốm”… nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người đặt mua hàng.

Ngân gốm trong một lần chào hàng trên mạng xã hội

Ngân "gốm" trong một lần chào hàng trên mạng xã hội

Thủ đoạn của người đàn bà này là rao bán các sản phẩm với trị giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, lợi dụng sự cả tin và hám rẻ của người mua hàng. Ngân thường yêu cầu người mua hàng chuyển tiền trước và thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của họ. Khi có người mua hàng chuyển tiền vào tài khoản, Ngân liền chặn liên lạc với họ và không chuyển hàng hóa cho người mua hàng như thỏa thuận.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngày 17-8-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối tượng Đỗ Thị Kim Ngân.

Tại cơ quan Công an, Ngân đã khai nhận từ năm 2018 đến nay, với thủ đoạn trên đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với số tiền khoảng gần 250 triệu đồng. Ngoài các vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện Gia Lâm, đối tượng Đỗ Thị Kim Ngân còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án, Công an huyện Gia Lâm đề nghị ai là bị hại của đối tượng trên thì đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo, hoặc liên hệ Công an huyện Gia Lâm (đồng chí Nguyễn Huy Hiệp - SĐT: 0987673608) để được hướng dẫn giải quyết.

Tụ tập uống nước chè trong thời gian giãn cách, 5 người bị phạt 50 triệu đồng

Chiều 2/9, thông tin từ UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt đối với 5 trường hợp tụ tập uống nước chè trong thời gian giãn cách xã hội.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

5 trường hợp bị xử phạt gồm: bà L.T.M (SN 1964, trú xóm 8, xã Diễn Thành, chủ nhà), ông L.V.B (SN 1966, trú xóm 1, xã Diễn Tân); bà L.T.T (SN 1963, trú xóm 5, xã Diễn Thành); ông L.X.L (1957) và ông N.V.C (SN 1971), cùng trú khối 5, thị trấn Diễn Châu.

Trước đó, vào khoảng 21h, ngày 29/8, tổ công tác Công an huyện Diễn Châu phối hợp với Công an xã Diễn Thành thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đảm bảo ANTT và xử lý các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16.

Tại nhà bà L.T.M, tổ công tác phát hiện tập trung đông người uống nước chè, vi phạm “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người”.

Theo đó, tổ công tác đã lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt.

Căn cứ Điểm c, Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mỗi trường hợp bị xử phạt 10 triệu đồng.

Huyện Diễn Châu hiện là 1 trong 14 địa phương của tỉnh Nghệ An đang thực hiện Chỉ thị 16. Từ ngày 20/8 đến hết ngày 1/9, toàn huyện đã xử phạt 227 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19, với tổng số tiền 623.250.000 đồng.

Trong một sự việc khác, ngày 31/8, thông tin từ Công an phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài, Bình Phước cho hay đã hoàn tất hồ sơ tham mưu UBND phường Tiến Thành trình UBND TP Đồng Xoài ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 thanh niên ăn nhậu trong lúc giãn cách xã hội.

Mỗi trường hợp bị xử phạt 15 triệu đồng theo quy định tại điểm C, khoản 3, điều 12 nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Hà Nội tổ chức lễ khai giảng chung năm học mới 2021-2022 ở đâu?

Để đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19, Hà Nội chỉ tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 tại một điểm trường duy nhất. Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 sẽ được tổ chức tại trường THCS Trưng Vương từ 7h30 đến 8h30 ngày 5/9, theo báo Tiền Phong.

Trường THCS Trưng Vương - ngôi trường duy nhất được Hà Nội chọn để tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022. Ảnh: VTC News.

Trường THCS Trưng Vương - ngôi trường duy nhất được Hà Nội chọn để tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022. Ảnh: VTC News.

Theo đó do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh truyền hình H1, H2 và kênh phát sóng FM) để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố theo dõi.

Thành phần dự buổi lễ gồm lãnh đạo bộ, ban, ngành; lãnh đạo thành phố, sở GD&ĐT, đại diện cán bộ, giáo viên; một số học sinh cấp THCS, THPT và ngành học giáo dục thường xuyên quận Hoàn Kiếm sẽ đại diện học sinh Thủ đô tham gia.

Tất cả đại biểu đến dự lễ khai giảng phải không có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch COVID-19, khai báo y tế và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của trung ương và thành phố.

Ban tổ chức sẽ phun khử khuẩn khu vực Trường THCS Trưng Vương trước ngày tổ chức; chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch, bệnh COVID-19. Bố trí vị trí chỗ ngồi của đại biểu đảm bảo giãn cách và thực hiện các quy định của bộ Y tế, thành phố về phòng chống dịch, bệnh COVID-19.

Tại lễ khai giảng, Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới; Chủ tịch UBND thành phố đánh trống khai giảng năm học mới và nhiều hoạt động khác.

COVID-19 2/9: Hà Nội phân 3 vùng để siết chặt hoặc nới lỏng giãn cách xã hội sau 6/9
Thường vụ Thành uỷ Hà Nội biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của TP theo đề xuất của...

Dịch COVID-19

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h