Tin tức 24h: Quyền Tổng Giám đốc trẻ tuổi được bà Trương Mỹ Lan trả lương, thưởng “khủng”, cho cổ phần trị giá cực lớn

H.A - Ngày 18/12/2023 19:00 PM (GMT+7)

Biết các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật nhưng do được trả lương, thưởng và cho tiền, cổ phần có giá trị rất lớn nên Trương Khánh Hoàng đã thực hiện hành vi sai phạm, giúp bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB.

Quyền Tổng Giám đốc trẻ tuổi được bà Trương Mỹ Lan trả lương, thưởng “khủng”, cho cổ phần trị giá cực lớn

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP). Cáo trạng thể hiện, bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết). Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bà Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Bà Trương Mỹ Lan và bị can Trương Khánh Hoàng

Bà Trương Mỹ Lan và bị can Trương Khánh Hoàng

Trong thời gian từ năm 2012 tới tháng 10/2022, bà Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85%-91,5% cổ phần) qua đó trở thành cổ đông có quyền lực chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động Ngân hàng SCB.

Để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, bà Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bà Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB như Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng Ban kiểm soát. Một trong số đó là Trương Khánh Hoàng (SN 1986, tại TP.HCM) – bị can bị Viện Kiểm sát truy tố bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo khoản 4, điều 353, Bộ Luật Hình sự.

Theo cáo trạng, Hoàng làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022, với các chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định; Phó Tổng Giám đốc Thường trực phụ trách quản lý Khối doanh nghiệp và quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB (từ 15/5/2021 đến 12/8/2022).

Trong thời gian làm việc tại Ngân hàng SCB, Trương Khánh Hoàng tham gia nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp Hội sở của Ngân hàng SCB theo triệu tập của bà Lan. Trong đó, bà Lan chỉ đạo việc cho vay, về số luợng tiền cần giải ngân và thời gian cần giải ngân, tài sản đảm bảo là gì, giải ngân tiền giao cho ai.

Bà Lan còn trực tiếp hoặc chỉ đạo người thân, nhân viên VTP... gọi điện thoại chỉ đạo Hoàng với nội dung tương tự như nội dung trong cuộc họp với lãnh đạo cấp hội sở của Ngân hàng SCB.

Sau khi nhận thông tin từ Lan, Hoàng trao đổi với Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB) để chỉ đạo và giao cho các bộ phận chuyên môn (khối tái thẩm định, phê duyệt tín dụng...) thực hiện hồ sơ vay và trình lên Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) phê duyệt.

Sau đó các lãnh đạo cấp hội sở sẽ triển khai phương án vay, triển khai chi tiết các bước thực hiện cho các cấp dưới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân cho kịp thời gian bà Lan ấn định rồi sau đó mới hợp thức hồ sơ tài sản đảm bảo.

Đối với các khoản vay của bà Lan thì không có bộ phận kiểm tra vốn vay mà việc này do Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo cấp dưới theo dõi, khi đến hạn thì họ tự phối hợp với nhóm Vạn Thịnh Phát để làm các thủ tục, phương án để trả gốc, lãi hoặc tất toán khoản vay.

Theo kết luận của cáo trạng, Trương Khánh Hoàng với các vai trò tại Ngân hàng SCB đã giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền từ SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 10/9/2019 đến ngày 1/12/2021, Hoàng đã ký hợp thức cho 386 khoản vay tại Ngân hàng SCB để giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 182.842 tỷ đồng và gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh hơn 65.004 tỷ đồng.

Mặc dù biết rõ các khoản vay của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật nhưng do được trả mức lương rất cao từ 130 triệu đến 500 triệu đồng/tháng, vào các dịp lễ hoặc tết còn được bà Lan thưởng nhiều lần (tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng) nên Hoàng đã thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức tích cực cho bà Lan rút tiền của Ngân hàng SCB.

Số tiền được Lan cho, Hoàng sử dụng 3 tỷ đồng mua cổ phiếu SCB, số tiền 2 tỷ đồng còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân. Ngoài ra, Hoàng còn được bà Lan cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỷ đồng) vào năm 2021 và 10 triệu cổ phần (tương đương 100 tỷ đồng theo mệnh giá) vào tháng 7/2022, số cổ phần này Hoàng để vợ và bố mẹ vợ đứng tên.

Theo cáo trạng, Hoàng là một trong số các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ như thể hiện ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phối hợp, tích cực hợp tác giúp cơ quan tố tụng điều tra làm rõ bản chất vụ án và xin nộp lại 9,85 triệu cổ phần tại Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả.

Hành động bất ngờ của người chồng khi vợ nói ra ngân hàng chuyển cho 'cán bộ tòa án'

Công an xã Thuần Thành (huyện Thái Thụy, Thái Bình) vừa ngăn chặn thành công vụ giả danh cán cán bộ Tòa án gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân trên địa bàn, qua đó giúp nạn nhân bảo toàn được số tiền gần 70 triệu đồng.

Theo đó, vào khoảng 9h ngày 16/12, bà Đ.T.M (SN 1961, trú tại thôn Thanh Xuân, xã Thuần Thành, huyện Thái Thụy) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một người không quen biết. Trong quá trình nói chuyện, đối tượng tự xưng là cán bộ Tòa án TP. Hà Nội, yêu cầu nạn nhân phối hợp để điều tra làm rõ vụ án mà bà M. có liên quan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội trong quá trình đi khám chữa bệnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quá trình nói chuyện, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải ra ngân hàng rút tiền rồi chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp để "phục vụ công tác điều tra". Sau khi nghe xong cuộc điện thoại khiến nạn nhân lo lắng, sợ hãi. Sau đó, bà M. có báo với chồng để ra ngân hàng làm thủ tục rút số tiền tiết kiệm 65 triệu đồng chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Tuy nhiên do nghi ngờ thông tin trên nên ông T.V.X. (SN 1957, chồng bà M.) đã đến Công an xã Thuần Thành trình báo.

Ngay khi nhận được tin báo, Công an xã Thuần Thành tiến hành xác minh và xác định cuộc gọi cho và M là lừa đảo. Sau đó, Công an xã Thuần Thành đã tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo để vợ chồng bà M. hiểu, dừng việc chuyển tiền, ngăn chặn được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng trên.

Với phương thức, thủ đoạn tương tự, nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ và người già đã nhẹ dạ, cả tin "mắc bẫy" của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng dẫn đến bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Mặc dù các thủ đoạn này không mới và lực lượng công an đã tuyên truyền cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên không ít người vẫn bị các đối tượng lợi dụng.

Nữ sinh lớp 8 bị nhóm bạn lột áo, vây đánh hội đồng phải nhập viện

Ngày 18-12, ông Đinh Văn Sáu - Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, tỉnh Long An - cho biết đã xem clip về việc một nữ sinh lớp 8 của Trường THCS Nhị Thành bị nhóm học sinh vây đánh ở ngoài đường.

"Xác minh cho thấy có sự việc này, công an huyện đã vào cuộc điều tra. Theo đó, bước đầu đã triệu tập nhóm nam, nữ tham gia đánh hội đồng nữ sinh để làm việc" - ông Đinh Văn Sáu xác nhận.

Sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 5-12. Ảnh cắt ra từ clip

Sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 5-12. Ảnh cắt ra từ clip

Sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 5-12, tại khu vực công viên trong dự án khu dân cư ở thị trấn Thủ Thừa.

Nữ sinh bị hành hung là em L.G.H (13 tuổi), học sinh lớp 8 Trường THCS Nhị Thành, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Hình ảnh trong clip cho thấy khi đang ngồi trên nền gạch nói chuyện thì H. bị một nữ sinh đứng đối diện dùng tay đánh liên tiếp.

Sau đó, nữ sinh này đè H. xuống nền gạch và đấm, đá, đạp liên tục vào người. H. bị đánh tới tấp nhưng chỉ biết lấy tay ôm mặt và liên tiếp nói "em xin lỗi chị ơi". Tuy nhiên, nữ sinh kia vẫn vừa đánh liên tục vừa chửi tục.

Lúc này, ở xung quanh có một nhóm học sinh đứng xem và dùng điện thoại quay clip. Sau một lúc đánh H., nữ sinh kia dừng lại và đến nói chuyện với nhóm bạn nhưng vẫn nhiều lần quay lại hăm đánh H.

Khoảng 2 phút sau, khi H. vừa đứng dậy thì lại bị một nam sinh cầm nón bảo hiểm xông vào đánh tới tấp vào mặt, đầu, người. Tiếp đó, vài nữ sinh nữa cũng lao vào đánh H. 

Không thể kháng cự nên H. chỉ biết lấy tay che mặt, ôm đầu van xin. Dù vậy, nhóm kia vẫn không buông tha, tiếp tục đè H. xuống nền gạch lột áo.

Sau khi bị đánh, H. phải nhập viện. Theo bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, H. bị chấn thương đầu, cổ và đa chấn thương cơ thể.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Long An, sở đã nắm được sự việc và yêu cầu Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thủ Thừa báo cáo, phối hợp với các ngành, nhà trường tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước khác nhau thế nào?

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng tuyến bài về những quy định mới tại dự thảo Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua (Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7-2024), một số bạn đọc có thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của người dân liên quan đến thẻ căn cước…

Liên quan đến những thắc mắc trên, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM có giải đáp theo quy định tại Luật Căn cước.

Trong cơ sở dữ liệu có những thông tin gì?

Bạn đọc Phan Thanh My (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) thắc mắc theo quy định, người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước, thay vì được cấp thẻ căn cước như công dân Việt Nam. Như vậy, quyền của họ về căn cước và các cơ sở dữ liệu (CSDL) số hóa có sự khác biệt hay hạn chế nào không?

“Việc cấp giấy chứng nhận căn cước là việc làm nhân văn. Tuy nhiên, thông tin trên giấy chứng nhận này lại có nhiều điểm khác so với thẻ căn cước thì quyền của người sử dụng giấy này có khác gì so với công dân Việt Nam? Ví dụ, họ có được cập nhật thông tin vào các CSDL và khai thác, sử dụng chúng không, hay họ có được cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận này giống thẻ căn cước?…” - bạn đọc Thanh My nói.

Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt... Ảnh: HT

Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt... Ảnh: HT

Tương tự, bạn đọc Quế Anh (ngụ quận Tân Bình) cũng có thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của người dân đối với các CSDL.

“Hiện nay, các thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng thường xuyên bị đánh cắp, mua bán. Điều này khiến nhiều người dân gặp không ít phiền toái. Vậy toàn bộ thông tin của người dân được cập nhật vào CSDL thì có được bảo vệ không? Đồng thời, bản thân người dân cần có nghĩa vụ gì để phối hợp cũng như làm đúng trách nhiệm, đúng quy định về các CSDL này?” - bạn đọc Quế Anh nói.

Bạn đọc Trần Ngân (ngụ quận Tân Bình) thắc mắc CSDL quốc gia về dân cư hay CSDL căn cước đều là nơi tập hợp thông tin của công dân, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết trong các CSDL chứa thông tin gì.

Quyền và nghĩa vụ đối với căn cước

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ Điều 5 Luật Căn cước, công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đều có quyền và nghĩa vụ đối với căn cước, CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước.

Đối với công dân Việt Nam, họ sẽ có quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước; yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử.

Được xác lập số định danh cá nhân, được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư; sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp; khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước.

“Người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch cũng sẽ có những quyền giống với công dân Việt Nam như đã nêu trên. Tuy nhiên, thay vì có quyền về thẻ căn cước thì họ lại có quyền với giấy chứng nhận căn cước. Đồng thời, điểm khác là họ không có quyền về căn cước điện tử và xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư” - luật sư Hoàng Anh Sơn nói.

Luật sư cho biết thêm cũng theo quy định ở Điều 5 thì công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đều có nghĩa vụ làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước, căn cước điện tử.

Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan. Chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu.

Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra; nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.

Cũng theo luật sư Hoàng Anh Sơn, người mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự và người dưới 14 tuổi cũng được thực hiện quyền và nghĩa vụ trên. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ thông qua người đại diện hợp pháp hoặc tự họ thực hiện khi được người đại diện hợp pháp đồng ý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Diễn biến mới nhất của bão Jelawat đang hoạt động gần Biển Đông

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Jelawat. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Jelawat. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm qua (17/12), ở miền Nam Philippines xuất hiện một cơn bão có tên Jelawat. Tuy nhiên, đây là cơn bão có cường độ yếu, chỉ mạnh cấp 8.

Đến sáng nay (18/12), bão Jelawat đã đổ bộ vào đất liền Philippines và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền miền Nam Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.

Trong 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, vận tốc khoảng 20km/h.

Đến 7h sáng ngày 19/12, áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía Đông Nam đảo Pa-la-oan (Philiippines). Sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, vận tốc 20-25km/h và đi vào Biển Đông.

Đến 7h sáng ngày 20/12, áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu dần.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông Nam khu vực giữa Biển Đông và phía Đông Bắc khu vực Nam Biển Đông từ đêm 18/12 có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Vùng biển phía Đông Nam khu vực giữa Biển Đông và phía Đông Bắc khu vực Nam Biển Đông sóng biển cao 2,0-4,0m.

Tìm người nhà cho 2 ông cháu đi lạc từ Yên Bái sang Lào Cai

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thị trấn Mường Khương nhanh chóng có mặt đưa 2 ông cháu về trụ sở để hỗ trợ tìm gia đình.

Qua quá trình xác minh, Công an thị trấn Mường Khương nhanh chóng xác định danh tính của người đàn ông là Cư A Sắng (SN 1954, trú tại thôn 5, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái) và cháu ngoại là Giàng Thị Ngọc Mai (SN 2019, có HKTT tại thôn Lao Chải, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, Lào Cai).

Trước đó, ông Sắng đã dắt theo cháu ngoại di chuyển từ Yên Bái lên huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai để thăm con gái, nhưng do trí nhớ kém, lại hạn chế về giao tiếp nên 2 ông cháu đã bị lạc ở thị trấn Mường Khương.

Công an thị trấn Mường Khương bàn giao 2 ông cháu an toàn cho gia đình.

Công an thị trấn Mường Khương bàn giao 2 ông cháu an toàn cho gia đình.

Qua rà soát thông tin trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và các nhóm Zalo an ninh, Công an thị trấn Mường Khương đã liên hệ với Công an xã Nà Hầu để xác minh thông tin thân nhân của ông Sắng. Chỉ sau hơn 1 giờ, Công an thị trấn Mường Khương đã liên hệ được với chị Cư Thị Tùng (SN 1996) và anh Giàng Seo Dìn (SN 1981), cùng trú tại thôn Lao Chải, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương là con gái và con rể của ông Sắng đến trụ sở Công an thị trấn Mường Khương nhận và đón về nhà.

Đại gia Việt là chồng của ca nương: Mua sắm nửa tỷ/ngày gây choáng, nổi tiếng chiều vợ, ở căn hộ đẹp như resort
Màn "flex" sự giàu có của Văn Quỳnh - cố PGS. Văn Như Cương và ca nương Kiều Anh khiến dân tình vô cùng trầm trồ.

Đại gia tỷ phú

Theo H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h