Sau khi nghị án, HĐXX đã có phán quyết sau cùng đối với Trần Thị Hiền cùng 4 bị cáo khác.
Mẹ nữ sinh giao gà kêu oan "các bị cáo bàn bạc âm mưu hãm hại tôi"
Chiều nay, 27/11, TAND tỉnh Điện Biên tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thị Hiền (SN 1975, mẹ nữ sinh Cao Mỹ Duyên) và 4 đồng phạm là Vì Văn Toán, Vì Thị Thu (vợ Toán - cùng SN 1982), Bùi Văn Công (SN 1975), Lường Văn Hùng (SN 1991) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy".
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa chiều nay, bị cáo Trần Thị Hiền vẫn khẳng định trước HĐXX rằng: "Các bị cáo đã bàn bạc âm mưu hãm hại tôi, giết con tôi rồi buộc tội cho tôi nên khai chưa đầy đủ. Họ lúc khai đã nhận đủ 300 triệu đồng, lúc bảo còn nợ 110 triệu đồng".
Mẹ nữ sinh giao gà bật khóc tại tòa. (Ảnh: Người đưa tin)
Bị cáo Hiền khẳng định không thực hiện hành vi mua bán chất ma tuý, bởi bị cáo biết được tác hại của chất ma tuý, không muốn gieo rắc cái chết trắng cho ai cả.
Mặc dù không thừa nhận tội phạm, song căn cứ vào quá trình thẩm vấn công khai cùng các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, VKSND tỉnh Điện Biên kết luận mẹ nữ sinh giao gà phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy và đề nghị xử phạt mức án 20 năm tù.
Đến 17h45 cùng ngày, HĐXX tuyên án bị cáo Trần Thị Hiền 20 năm tù; bị cáo Bùi Văn Công 20 năm tù; bị cáo Vì Thị Thu tù chung thân; bị cáo Lường Văn Hùng tù chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma túy; bị cáo Vì Văn Toán tù chung thân về các tội Mua bán trái phép chất ma túy và Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.
TP. HCM: Chốt ngày thông báo mức thưởng Tết 2020
Nhằm giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM đã ban hành Công văn số 38885/SLĐTBXH-LĐ về việc báo cáo tình hình tiền lương năm 2019 và kế hoạch thưởng Tết năm 2020.
Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM đề nghị các đơn vị liên quan triển khai đến doanh nghiệp trên địa bàn quản lý thực hiện tốt việc trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
(Ảnh minh họa)
Cụ thể, đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động động theo nội dung đã thỏa thuận. Xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 theo Điều 103 Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động biết.
Như, thông tin sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2020 trước ngày 31/12/2019 để người lao động rõ về các nội dung như: tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán (tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê ăn Tết,...), thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, trả thưởng.
Điện thoại phát nổ khi vừa dùng vừa sạc, nam thanh niên nhận hậu quả đau lòng
Chiều 27/11, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh N.T.Đ (16 tuổi, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm, vết thương hàm mặt, ngực, đùi phải; dập nát toàn bộ bàn tay trái.
Theo thông tin từ người nhà, trong lúc Đ sử dụng điện thoại thì máy hết pin nên đã cắm điện thoại vào sạc dự phòng. Vừa dùng điện thoại vừa sạc, điện thoại của Đ đã phát nổ khiến cậu bị tổn thương nghiêm trọng.
Đã có nhiều trường hợp điện thoại phát nổ khi vừa dùng vừa sạc pin (Ảnh minh họa)
Ngay sau đó, nam thanh niên đã được người nhà nhanh chóng chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
TS Vũ Văn Khoa - Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú cho biết, do bàn tay bệnh nhân đã bị dập nát nên bác sĩ đã mổ cấp cứu cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay và xử lý các vết thương. Sau mổ, tình trạng sức khỏe của Đ đã ổn định nhưng cậu bàng hoàng vì đã mất đi một phần bàn tay.
Sẽ giao quyền cho các trường chọn sách giáo khoa lớp 1
Chiều 26/11, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ÐT), cho biết, trước 1/7/2020, UBND các tỉnh chưa có quyền lựa chọn SGK, thay vào đó cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn.
Theo ông Thành, thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi 2019, UBND các tỉnh sẽ thành lập hội đồng để lựa chọn SGK. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đang dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2020, trong khi đó, dự kiến tháng 3/2020, các địa phương đã phải lựa chọn xong SGK.
(Ảnh minh họa)
Trước thực tế đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn báo cáo xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép thực hiện điểm c, khoản 1 điều 32 của luật từ 1/1/2020. Tuy nhiên, trong phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội ngày 26/11 các đại biểu nhận thấy việc thực hiện điểm này từ 1/1/2020 là không khả thi trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT vẫn hướng dẫn lựa chọn SGK theo quy định tại Nghị quyết 88 là “Cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh”. Sau ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thì việc lựa chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định và sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.