Sau 1 năm, cuộc sống của nam sinh ngủ dậy muộn được CSGT chở đi thi tốt nghiệp THPT năm 2020 khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Có thể nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh, bởi kết quả cuộc thi này sẽ giúp sĩ tử lựa chọn đại học. Tuy nhiên, không ít lần có những trường hợp thí sinh ngủ quên, dẫn đến việc mất cơ hội thi.
Còn nhớ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, mạng xã hội không khỏi xôn xao trước câu chuyện của nam sinh Lê Hoàng Quốc (lớp 12D1, trường THPT Số 1 Lào Cai).
Nam sinh ngủ quên được CSGT đưa đi thi tốt nghiệp THPT gây xôn xao mạng xã hội vào năm 2020.
Nam sinh giải thích chuyện ngủ quên là do gia đình có buổi khai trương nhà hàng, bản thân đặt báo thức nhưng điện thoại lại hết pin. Gia đình sau khi biết chuyện cũng được một phen hoảng loạn. Sau đó, CSGT đã đèo nam sinh tới tận điểm thi, rất may không bị trễ giờ.
Sau sự kiện "có một không hai”, danh tính của nam sinh này được cư dân mạng chú ý.
Theo đó, Hoàng Quốc là một học sinh khá, đã đỗ nguyện vọng 1 trước đó nên cũng không quá áp lực với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngay từ khi còn học THPT, thành tích của nam sinh cũng ở mức khá, thậm chí từng đoạt giải Nhất kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
Điểm thi tốt nghiệp của nam sinh như sau: 7 điểm Toán, 6,75 môn Ngữ văn, 5,25 môn Lịch sử, 7,5 môn Địa lý, 7,75 môn GDCD, 6,83 môn Khoa học Xã hội và 4,4 môn Tiếng Anh.
Sau đó, Lê Hoàng Quốc đã đỗ vào trường cao đẳng Anh Quốc BTEC FPT (thuộc đại học FPT), chuyên ngành thiết kế đồ họa.
"Nam sinh ngủ quên" đã đỗ vào trường cao đẳng Anh Quốc BTEC FPT.
Đáng chú ý, vào đầu năm 2020, Hoàng Quốc cũng chính là người sáng tạo ra "cây ATM gạo học đường" đầu tiên ở Lào Cai cho người nghèo, sau đó là máy sát khuẩn toàn thân tự động được đặt ở cổng trường học.
Trong thời gian ôn thi, Quốc vẫn dành thời gian dạy các em khóa dưới học lập trình, nghiên cứu khoa học kỹ thuật...
Về cuộc sống hiện tại, nam sinh "ngủ quên thi" năm nào cho biết mình đã quyết định nghỉ học.
Cụ thể, sau khi theo học một thời gian, Hoàng Quốc không thấy hợp với ngành học mình lựa chọn, vì vậy, Hoàng Quốc đã xin nghỉ học tại trường.
Hiện tại, Hoàng Quốc đã có công việc mới là chạy ads, viết code cho ứng dụng trên Facebook. Với công việc này, nam sinh đã kiếm ra thu nhập "khủng" ở tuổi 19. Tuy nhiên, công việc cũng mang lại nhiều áp lực và những nỗi khổ riêng.
Quốc Hoàng giờ đã nghỉ học và chuyển sang một công việc mà bản thân yêu thích.
Hoàng Quốc cho hay, mỗi ngày dành đến 18 tiếng/ngày cho công việc, thời gian ăn là 30 phút, còn lại chỉ ngủ 3,5 - 4 tiếng.
Tuy mệt mỏi song 10x cũng không cảm thấy hối hận khi được làm điều mình thích, cũng giúp đỡ được gia đình nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Hoàng Quốc cũng không khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi việc nghỉ học vì không phải cuộc sống của ai cũng giống nhau.
Xe tải bất ngờ đâm hàng cây, lật nhiều vòng, 2 người trong ca bin tử vong
Ngày 4/7, Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết, đang điều tra nguyên nhân vụ lật xe ở thị trấn Lạc Táng khiến tài xế và phụ xe tử vong trong cabin.
Hiện trường vụ lật xe trên QL55.
Theo thông tin ban đầu, chiều 3/7, xe tải BKS: 49C - 058.37 do tài xế Nguyễn Văn Phương (21 tuổi, ngụ xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) cầm lái chở theo Đặng Thái Hưng (34 tuổi, ngụ thành phố Phan Rang, Ninh Thuận) chạy trên QL55 hướng Lạc Tánh đi Hàm Tân.
Khi đến địa bàn khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh, tài xế không làm chủ tay lái khiến chiếc xe lao vào hàng cây bên đường rồi lật nhiều vòng.
Hai nạn nhân tử vong trong ca bin xe do chấn thương quá nặng.
Bồn nước trên giàn rơi trúng 3 anh em, một bé trai 7 tuổi tử vong
Chiều 4/7, trao đổi với PV, ông Hồ Quang Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước xác nhận, trên địa bàn xã Lộc Hưng có sự cố bồn nước từ trên giàn rơi xuống đất đè 3 em nhỏ thương vong.
Hiện trường xảy ra vụ việc
Theo đó, khoảng 7h sáng cùng ngày, 3 anh em ruột (gồm 2 bé song sinh 7 tuổi và một em 12 tuổi) đang chơi dưới đất ở trong khuôn viên nhà thuộc ấp 2, xã Lộc Hưng.
Lúc này, bồn chứa nước sinh hoạt của gia đình ở trên giàn cao bất ngờ rơi xuống đè trúng. Phát hiện sự việc, nhiều người đến hỗ trợ, nhưng một bé 7 tuổi đã tử vong.
Hai bé còn lại bị thương, người thân đã đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, sau đó được chuyển đến BV Chợ Rẫy điều trị.
TP.HCM: Nhiều chợ đóng cửa, giá rau tăng cao, thịt ế ẩm
Sáng 4/7, ghi nhận của PV tại chợ Tăng Nhơn Phú B, chợ Phước Bình (TP. Thủ Đức) rất vắng vẻ, chợ đóng cửa 2/3 sạp, chỉ còn một số sạp bán rau, cá, thịt và các sản phẩm dịch vụ thiết yếu khác. Ngày bình thường chợ này hoạt động tấp nập, nhộn nhịp khách nhưng nay chỉ lác đác vài người.
Theo tìm hiểu của PV, giá các loại thịt tại chợ giữ mức ổn định. Tuy nhiên mặt hàng rau, củ, quả lại tăng mạnh. Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 20.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6; dưa leo lên 30.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; đậu cove giá 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; rau mùng tơi 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 30.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Thị Hoa, bán sạp rau tại chợ Phước Bình cho biết: Do dịch bệnh nên vận chuyển khó khăn, khiến chi phí vận chuyển cao hơn, nhất là mặt hàng rau xanh được dùng hàng ngày dẫn đến giá tăng cao.
Trong khi đó, thịt heo tại chợ lại ế ẩm, ít người mua, giá tương đối ổn định. Cụ thể, sườn non 150.000 - 170.000 đồng/kg, ba rọi 120.000 - 130.000 đồng/kg, nạc vai có giá 110.000 - 125.000 đồng/kg...
Ngồi từ sáng đến trưa nhưng bàn thịt vẫn còn một nửa, chị Phạm Anh Lê, tiểu thương tại chợ Tăng Nhơn Phú ngao ngán: "Lượng khách đến mua thịt heo giảm khoảng 80%, người đi chợ thường mua đồ tích trữ sẵn cả tuần. Giá thịt cơ bản ổn định, nhưng cũng có ngày tăng do việc lấy hàng khó khăn hơn, nguồn hàng cũng giảm nhiều".
Tương tự, các chợ khác cũng thực hiện việc giãn cách nghiêm ngặt. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), Tân Định (quận 1)… được ngành chức năng đều yêu cầu khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, một số cửa hàng được giăng dây để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua.
Các sạp trong chợ đóng cửa gần hết, chỉ còn những mặt hàng thiết yếu được bày bán
Không chỉ trong chợ, các siêu thị cũng ít người mua và đều thực hiện việc giãn cách mua bán.
TP.HCM hiện có 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi. Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2.175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn, 1.100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản. Chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3.300-3.500 tấn/đêm.
Lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn trung bình trước dịch khoảng 2.600 - 2.700 tấn/đêm, gồm thịt gia súc, rau củ quả, trái cây, được cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị thuộc TP.HCM các tỉnh lân cận. Tổng lượng hàng tại 3 chợ đầu mối tại TP.HCM đáp ứng 70% thị trường thành phố.
Hiện, TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động chợ đầu mối Hóc Môn 7 ngày và tạm ngưng một số gian hàng trong chợ đầu mối Bình Điền. Nhiều chợ truyền thống liên quan đến ca nhiễm Covid-19 như: Hòa Hưng (Q.10), chợ Thái Bình (Q.1), Nguyễn Tri Phương (Q.6), Phạm Thế Hiển (Q.8), Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), Sơn Kỳ (Q.Tân Phú)... cũng đã tạm ngưng kinh doanh.