Qua làm việc bước đầu với cháu N., hôm xảy ra sự việc, bố bắt anh trai của cháu quay video lại hành động dùng roi đánh cháu N. của người bố.
Liên quan đến đoạn clip dài khoảng 4 phút ghi lại cảnh một bé gái bị lột hết quần áo, trói hai tay treo lơ lửng trên trần nhà rồi bị bạo hành dã man, ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cho biết cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc xác minh.
Cháu bé không mặc quần áo, bị trói tay, treo lên trần nhà. Ảnh: Cắt từ video clip
Nạn nhân được xác định là bé N.B.N (11 tuổi, trú thôn Nam Mới, xã Cương Gián). N. hiện ở với bố cùng anh trai và em gái, còn mẹ cháu bé đã đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
Người đàn ông xuất hiện trong video có hành vi đánh đập, bạo hành bé N. là Nguyễn Văn T. (36 tuổi, bố bé N.).
Khi lực lượng chức năng đến nhà thì anh T. không có mặt tại địa phương.
Cũng theo vị này, qua làm việc bước đầu với cháu N., hôm xảy ra sự việc, bố cháu đã uống rượu, sau đó buộc tay cháu treo lên, đồng thời bắt người anh trai của cháu quay video lại hành động dùng roi đánh cháu N. của người bố.
"Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ sự việc", Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài khoảng 4 phút ghi lại cảnh một bé gái bị lột hết quần áo, trói hai tay treo lơ lửng trên trần nhà. Sau đó là hình ảnh một người đàn ông dùng roi đánh đập bé gái này hết sức tàn nhẫn.
Sau khi đăng tải, đoạn clip khiến dư luận phẫn nộ trước hành vi của người đàn ông. Đồng thời rất nhiều người dùng mạng cũng chia sẻ clip này với hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc.
Người có biệt tài nhìn hậu môn gà kiếm 90 triệu đồng/tháng giờ ra sao?
“Bàn tay vàng” trong làng soi giới tính gà
Ở Việt Nam, các lò ấp trứng gà cũng như trang trại chăn nuôi rất phổ biến. Tuy nhiên, người làm nghề phân loại giới tính gà lại rất hiếm, có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Việc phân loại giới tính gà có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp các trang trại áp dụng vào từng mô hình chăn nuôi phù hợp. Gà mái được nuôi chủ yếu để lấy trứng, gà trống sẽ nuôi để lấy thịt.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thế giới có 2 phương pháp phân loại giới tính gà. Thứ nhất là phương pháp phân biệt giới tính bằng máy, chủ yếu thịnh hành ở các nước phương Tây. Thứ hai là phương pháp soi lỗ huyệt (hậu môn) gà, phổ biến ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Dung – “bàn tay vàng” trong làng soi giới tính gà
Nhắc đến nghề soi lỗ huyệt gà, ít ai không biết đến tên tuổi của chị Nguyễn Thị Dung (SN 1986) ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chị được xem là "đỉnh cao" trong làng phân loại giới tính gà.
Sở dĩ gọi như vậy là bởi chưa có ai học được nghề nhanh như chị. Người bình thường nhanh thì mất 4-5 tháng để biết nghề, để thành thạo nghề có khi mất đến hàng năm. Thế nhưng, riêng chị Dung, chỉ chưa đầy 3 tháng chị đã có thể làm nghề thành thạo mà soi lại rất chuẩn. Không những vậy, chị còn dạy nghề cho rất nhiều người.
Cách đây chừng 5 năm, tôi có dịp ghé thăm trang trại của gia đình chị Dung cũng như tận mắt xem chị ngồi soi giới tính gà. Cứ khoảng 2-3 giây là chị có thể biết được con nào là gà trống, con nào là gà mái. Mỗi ngày chị phân loại được 10.000-15.000 con, năng suất làm việc khó ai có thể sánh kịp.
Theo chị Dung, những con gà con mới ra lò khoảng 2-3 tiếng đồng hồ sẽ dễ soi nhất. Chị cầm gà trên tay, tay trái phải bóp nhanh để vắt phần phân còn lại của gà vào ống nhựa, tay phải nhẹ nhàng vạch hậu môn gà lên xem. Ngón tay cái ấn để hậu môn lòi ra. Nếu là gà trống, nốt đỏ (gai giao cấu) nổi lên giống cục u nhỏ như đầu kim, gà mái thì không có.
Mỗi ngày, chị Dung có thể phân loại được hơn 10.000 con gà với thu nhập “khủng” khoảng 90 triệu đồng/tháng
Tháng 7/2022, trao đổi với PV, chị Dung chia sẻ, chị vừa quay lại đi làm từ đầu năm 2022 sau hơn một năm nghỉ sinh. Con nhỏ, khối lượng công việc nhiều nên chị phải rủ thêm người đi làm cùng.
“Trước đây cứ mình tôi rong ruổi đến các lò ấp ở mãi Đông Anh, Bắc Ninh… làm nhưng giờ con nhỏ nên tôi phải nhờ người đi làm cùng. Công việc cố định rồi, nhờ người làm cùng thì sẽ nhanh hơn, mình được về sớm hơn để chăm lo cho con cái. Cũng may là có mấy người tôi đào tạo ra làm được nghề nên có thể nhờ vả”, chị Dung nói.
Hiện chị Dung nhận phân loại giới tính cho 4 lò gồm: Quốc Oai (Hà Nội) 1 lò; Đông Anh (Hà Nội) 1 lò; Bắc Ninh 1 lò và 1 lò của gia đình. Chị cứ quay vòng từ lò này sang lò kia nhưng không khi nào hết việc.
Trừ khi làm ở lò của gia đình, còn không thì ngày nào chị cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Hôm nào rủ được người đi làm cùng thì chị về sớm hơn một chút.
Nghề hái ra tiền nhưng ít người làm
Chị Dung chia sẻ, nghề soi giới tính gà có thể hái ra tiền nhưng rất ít người làm. Năm 2010, khi chị Dung vào nghề, số người làm nghề này có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau nhiều năm, số lượng người làm nghề có tăng nhưng cũng chỉ chừng hơn chục người, đa phần những người này do chính chị Dung đào tạo ra.
Trong trí nhớ của mình, chị Dung nhớ đã nhận và dạy nghề cho khoảng 20 người. Phần lớn những người này đã thành thạo và phân loại được giới tính gà, chỉ có một vài người không theo được nghề do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngoài làm việc, chị Dung còn nhận đào tạo nghề cho những người có nhu cầu do nghề này đang rất hiếm người làm
Chị chia sẻ, cái vất vả nhất của nghề này là phải ngồi nhiều. Mỗi ngày, chị ngồi trung bình khoảng 10 tiếng đồng hồ, về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến cột sống. Hơn nữa, gà mới nở, lông tơ bay tứ tung nếu hít phải dễ mắc bệnh về đường hô hấp.
Bên cạnh đó, việc phải căng mắt nhìn vào hậu môn của gà cũng đòi hỏi người có thị lực tốt và đương nhiên về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới thị lực. Đó là còn chưa kể môi trường làm việc trong các lò ấp nhiều mùi hôi thối, ẩm mốc và phải nghe tiếng gà kêu “chiêm chiếp” cả ngày.
“Nghề này có thu nhập tốt nhưng tuổi nghề không cao. Những người từ 18-25 tuổi thích hợp để học nghề và làm đến khoảng 40 tuổi là nghỉ vì lúc đó mắt kém dần. Tay chân có thể chậm đi nhưng nếu mắt kém thì không làm được nữa”, chị Dung tâm sự.
Mặc dù mới đi làm trở lại sau khi sinh con nhưng chị Dung vẫn giữ được năng suất làm việc trên 10.000 con gà mỗi ngày. Giá phân loại hiện tại là 300 đồng/con, trung bình mỗi ngày chị kiếm được không dưới 3 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng chị có thể kiếm được khoảng 90 triệu đồng.
Vụ lừa xin việc vào Ngân hàng Nhà nước với giá 650 triệu đồng: Hé lộ bất ngờ về nghi phạm
Ngày 4/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Văn Nhị (34 tuổi, trú tại xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị can Nguyễn Văn Nhị tại Cơ quan Công an điều tra. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Trước đó, cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh được đơn tố giác tội phạm của bà N.H.D (52 tuổi, tổ 3A, khu 1, phường Cao Xanh, TP.Hạ Long) về việc bị Nguyễn Văn Nhị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Nhị là cháu rể của chị D. Nhị biết con gái chị D. mới tốt nghiệp đại học, muốn xin vào ngân hàng.
Tháng 5/2022, Nguyễn Văn Nhị nói với bà D. rằng mình có quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, nên có thể xin vào biên chế tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với số tiền 650 triệu đồng.
Do tin tưởng cháu rể, bà D. đã đưa 650 triệu đồng để Nhị xin việc cho con gái. Thế nhưng sau khi nhận được tiền, Nguyễn Văn Nhị không xin việc như đã hứa hẹn mà sử dụng số tiền này để chi tiêu cá nhân.
Hiện cơ quan công an đang mở rộng điều tra vụ án.
Khai giảng năm học mới vào ngày 5-9
Ngày 5-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng vào ngày 5-9-2022.
Bộ GD-ĐT cho hay đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng
Kết thúc học kỳ I trước ngày 15-1-2023, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25-5-2023 và kết thúc năm học trước ngày 31-5-2023.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30-6-2023. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31-7-2023.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các kỳ thi cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Theo Bộ GD-ĐT, nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương phải bảo đảm số tuần thực học. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
Đối với các lớp 8, lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 11, lớp 12 cấp trung học phổ thông có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần). Đối với các lớp 6, 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023, Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Trong trường hợp ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thời gian tựu trường và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Các trường hợp đặc biệt phát sinh khác, báo cáo Bộ GD-ĐT trước khi thực hiện.
Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù, bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.
Đồng thời, báo cáo về Bộ GD-ĐT tình hình chuẩn bị năm học và tình hình tổ chức khai giảng năm học 2022-2023 trước ngày 10-9-2022.
Vụ phao tin bị 'chặt chém' ở Cà Mau: Nhà hàng trưng hóa đơn, nữ du khách nhận sai
Chiều 5-8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau có báo cáo về kết quả xác minh vụ mạng Facebook đăng thông tin đi du lịch ở Đất Mũi bị "chặt chém".
Tin này đã gỡ bỏ vì sai sự thật.
Theo đó, nhà hàng Hương Đất Mũi xác định cảnh trong ảnh đã đăng là tại nhà mình. Qua hình ảnh các món ăn đã đăng, chủ nhà hàng nhận ra bàn ăn này và trưng ra hóa đơn, ghi ngày 1-8-2022.
Không phải là vài con cua, vài con vọp và thòi lòi như Facebook Mai Vàng đã đăng. Cũng không phải là 2,5 triệu đồng.
Hóa đơn thể hiện nhóm 5 thực khách này đã dùng: 1 phần vọp hấp giá 150.000 đồng; 1 phần cá dứa kho giá 250.000 đồng; 1 phần cá thòi lòi nướng giá 125.000 đồng; 2 con cua gạch 0,8kg 600.000 đồng; 1 phần bồn bồn xào giá 50.000 đồng; phần cơm trắng giá 30.000 đồng, 3 khăn lạnh giá 9.000 đồng, 2 chai nước suối giá 20.000 đồng và mua 5 cái áo mưa giá 50.000 đồng. Tổng số tiền là 1.289.000 đồng.
Cơ quan chức năng cũng đã tìm ra chủ nhân Facebook Mai Vàng. Đó là một phụ nữ ở xã Định Bình, TP Cà Mau. Chị này đã thừa nhận với tổ xác minh chỉ nghe chồng nói vậy rồi đăng. Chồng chị cũng không phải là người trả tiền mà là một người khác đến từ tỉnh khác trả tiền bữa ăn này.
Người phụ nữ này đã nhận sai, gỡ tin đã đăng và đang bị Sở thông tin và truyền thông Cà Mau xem xét mức độ vi phạm để xử lý.
Cảnh báo mưa lớn tại Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 5/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Ngày và đêm 6/8, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 70mm.
Cảnh báo, đợt mưa lớn này còn có khả năng kéo dài đến ngày 7/8, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Ngoài ra trong nhiều ngày tới, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối) với lượng mưa từ 20 - 40mm/24h, có nơi trên 50mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Thanh Niên.
Dự báo, ngày và đêm 5/8, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Thời tiết các khu vực ngày và đêm 5/8: Phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, có nơi dưới 22 độ C; cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, vùng núi có nơi dưới 23 độ C; cao nhất 30-33 độ C.
Thủ đô Hà Nội có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 24-26 độ C, cao nhất 31-33 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế ngày nắng, có nơi có nắng nóng; chiều và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 35 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng-Bình Thuận ngày nắng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất tại Tây Nguyên 20-23 độ C, cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C. Nhiệt độ thấp nhất tại Nam Bộ 23-26 độ C, cao nhất 30-33 độ C.