Với lượt đăng ký và lượng view đổ về, ước tính, mỗi tháng kênh YouTube của Tịnh thất Bồng Lai thu về khoảng 5.500 USD đến 87.400 USD (hơn 2 tỷ đồng).
Sau buổi livestream của CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng, cái tên "Thiền am bên bờ vũ trụ", Tịnh Thất Bồng Lai được không ít cư dân mạng đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý, rất nhiều hoạt động, góc khuất liên quan đến cơ sở tu hành này được dân mạng đào lại.
Những chú tiểu tại Tịnh thất Bồng Lai gây sốt mạng xã hội khi tham gia Thách thức danh hài.
Thiền am bên bờ vũ trụ trước khi đổi tên là Tịnh thất Bồng Lai là một cơ sở tu tại gia có địa chỉ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nổi lên khi 5 chú tiểu tại đây gây sốt ở chương trình Thách thức Danh hài mùa 5. Tiểu phẩm hóa thân thành thầy trò Đường Tăng của Tây Du Ký của 5 thành viên đã giúp nhóm trở thành quán quân và lấy được tổng cộng cả hai vòng là 300 triệu tiền thưởng của chương trình.
Nhờ thành công từ chương trình, các chủ tiểu này sau đó đã có một kênh YouTube riêng có tên "5 chú tiểu - Thiền am bên bờ vũ trụ", đăng tải cuộc sống của các em tại Tịnh thất Bồng Lai, sau này đổi tên sang Thiền am bên bờ vũ trụ.
Hiện, kênh đã có hơn 2 triệu người đăng ký. Theo số liệu từ Social Blade, kênh "5 chú tiểu - Thiền am bên bờ vũ trụ" thành lập từ tháng 1/2013, đến nay kênh thu về hơn 833 triệu lượt xem với 900 video đã đăng tải về các tiểu phẩm tái hiện phim Tây Du Ký, hát hò của các em bé.
Ngoài các kênh YouTube, fanpage của "5 chú tiểu - Thiền am bên bờ vũ trụ" cũng thu về gần 400.000 lượt theo dõi.
Với lượt đăng ký và lượng view đổ về, ước tính, mỗi tháng kênh thu về khoảng 5.500 USD đến 87.400 USD (gần 2 tỷ đồng). Như vậy, mỗi năm "5 chú tiểu - Thiền am bên bờ vũ trụ" có thể kiếm được từ 65.500 USD đến tối đa là gần một triệu USD (khoảng 22 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Thiền am bên bờ vũ trụ còn sở hữu hàng loạt kênh YouTube như "Đạo Pháp - Thiền am bên bờ vũ trụ" (95.200 lượt đăng ký); " Nhị Nguyên - Thiền am bên bờ vũ trụ" (38.800 lượt đăng ký); "Âm nhạc - Thiền am bên bờ vũ trụ" (43.200 lượt đăng ký).
Nguồn:
https://www.doisongphapluat.com/kenh-youtube-tinh-that-bong-lai-kiem-bao-tien-thang-a517639.html
Nữ sinh lớp 8 để lại xe đạp điện trên bờ, nghi nhảy sông tự tử
Ngày 29/10, Giáo dục và Thời đại dẫn lời ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, các lực lượng chức năng vẫn đang tổ chức tìm kiếm một nữ sinh lớp 8, nghi nhảy cầu tự tử, sau khi nhận được tin báo của người dân.
Theo đó, danh tính nạn nhân được xác định là L.N.B.T. (học sinh lớp 8C, trường THCS Liên Thủy (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy).
Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Người Lao Động
Thông tin ban đầu, Người Lao Động cho hay, vào sáng cùng ngày, lực lượng chức năng huyện Lệ Thủy nhận được tin báo có trường hợp nữ sinh nhảy cầu Mỹ Trạch.
Cụ thể, trên đường giao thông, dưới chân cầu Mỹ Trạch, người dân phát hiện 1 chiếc xe đạp điện, màu xanh lơ mang biển số 73MĐ8-032.95 cùng 1 chiếc mũ bảo hiểm; được xác định là của nữ sinh T.
Lực lượng chức năng huyện Lệ Thủy đã điều động 2 chiếc xuồng máy tổ chức tìm kiếm, rà soát trên dòng sông Kiến Giang, đoạn khu vực dưới chân cầu Mỹ Trạch.
Được biết, dòng sông Kiến Giang chảy qua địa bàn xã Mỹ Thủy rất rộng và sâu khiến công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn:
https://www.doisongphapluat.com/nu-sinh-lop-8-de-lai-xe-dap-dien-tren-bo-nghi-nhay-song-tu-tu-a517623.html
Từ 0h ngày 29/10, hành khách đi máy bay chỉ cần khai báo y tế điện tử
Tối 28/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 1887/QĐ-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo đó, văn bản của Bộ GTVT đã thống nhất hành khách chỉ khai báo y tế điện tử theo quy định “5K”.
Cụ thể, đối với hành khách, ngoài những điều kiện và yêu cầu bắt buộc về y tế như các hướng dẫn trước đây, Quyết định lần này yêu cầu hành khách khi đi máy bay chỉ khai báo y tế điện tử trên ứng dụng COVID-19 (phần khai báo di chuyển nội địa); Khuyến khích hành khách chủ động khai báo từ trước khi làm thủ tục hàng không.
Trong trường hợp hành khách không có thiết bị hoặc gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, hãng hàng không có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng và khai báo.
Khuyến khích hành khách chủ động khai báo y tế điện tử trước khi làm thủ tục hàng không.
Thông tin từ Bộ GTVT cũng cho hay, hiện nay, hệ thống PC-COVID và các giải pháp kỹ thuật đã đảm bảo để có thể trích xuất dữ liệu di chuyển nội địa của hành khách theo từng chuyến bay. Với việc các hành khách đều được khai báo di chuyển nội địa trên duy nhất 1 ứng dụng cũng sẽ giúp thống nhất và rất thuận lợi để trích xuất dữ liệu di chuyển của hành khách trực tiếp từ ứng dụng PC-COVID. Bên cạnh đó, quy định mới cũng chỉ yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách cho Cảng vụ để chuyển cho địa phương vào 2 khung giờ mỗi ngày (14h00 và 22h00) thay vì trước mỗi chuyến bay như trước đây. Như vậy sẽ giúp thời gian làm thủ tục của hành khách cũng như việc trích xuất dữ liệu nhanh chóng hơn; giảm thiểu áp lực về nhân lực đối với các đơn vị hàng không. Mọi quy định mới sẽ được áp dụng kể từ 0h00 ngày 29/10/2021.
Thời gian tới, căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh và sự thích nghi chung theo tinh thần NQ128 của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Y tế để nghiên cứu những giải pháp nhằm giảm thiểu các khâu trung gian trong việc tổng hợp, tiếp nhận và xử lý thông tin hành khách di chuyển nội địa trên cả 05 hình thức để ban hành những quy định, quy trình mới cho phù hợp.
Nguồn:
https://cand.com.vn/Giao-thong/tu-0h-ngay-29-10-hanh-khach-di-may-bay-chi-can-khai-bao-y-te-dien-tu-i633045/
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 đến trường từ tháng 12
Sáng 29/10, sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở sẽ đề xuất UBND TP.HCM cho học sinh lớp 9 và 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được đi học trực tiếp vào đầu tháng 12.
Căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa bàn, Sở sẽ đề xuất tiếp với UBND TP.HCM về thời gian cho học sinh các khối khác trở lại trường học trực tiếp. UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn để xây dựng kế hoạch cụ thể cho học sinh đi học lại.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: VTC News
Ông Hiếu cho biết thêm, trong tuần này, các địa phương sẽ hoàn tất việc tiêm vaccine cho học sinh THPT và tiếp tục lộ trình tiêm chủng theo độ tuổi hạ thấp dần. Các cơ sở giáo dục phục vụ công tác phòng, chống dịch đang được trao trả dần để sửa chữa.
Theo thống kê đến ngày 28/10 của Sở Y tế TP.HCM, tổng số trẻ ở TP.HCM đã được tiêm vaccine là 39.756. Số lượng hoãn tiêm là 167, chống chỉ định tiêm 1 người. 44 trẻ được chuyển lên bệnh viện để tiêm.
Trong kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM đề xuất tiêm cho 780.000 trẻ đang đi học từ lớp 6 đến lớp 12. Lộ trình là khoảng 5-7 ngày để tiêm mũi 1 và 7 ngày để tiêm mũi 2.
Trước đó, ngày 27/10, sở GD&ĐT TP.HCM đã trình UBND TP dự thảo về kế hoạch tổ chức việc học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo từng cấp độ dịch ở địa phương.
Đối với địa bàn cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình), được tổ chức dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập, nếu đảm bảo các điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.
Những nơi được tổ chức dạy trực tiếp phải đảm bảo giãn cách, đảm bảo đánh giá an toàn theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID-19 do UBND thành phố ban hành. Đồng thời củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học qua internet khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học, đảm bảo đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo các quy định phòng chống dịch của địa phương.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) thì tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định việc học, dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp phổ thông ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và lớp 12.
Khi tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên phải bố trí lệch giờ lệch ca, không tập trung đông người, giãn cách tối đa đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID-19 của thành phố.
Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 nguy cơ rất cao, tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.
Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp, phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học trên truyền hình.
Cũng theo dự thảo này sở GD&ĐT sẽ chủ động phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án an toàn, phòng COVID-19 trong trường học, rà soát, tham mưu việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục.
Triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp với từng cấp học, bậc học và chuyển hình thức học tập ngay khi thay đổi cấp độ dịch tại địa phương.
Nguồn:
https://www.doisongphapluat.com/so-gd-dt-tp-hcm-de-xuat-cho-hoc-sinh-lop-9-va-12-den-truong-tu-thang-12-a517617.html
Quy định mới về từ thiện: phải công khai kết quả tiếp nhận, phân phối trên phương tiện truyền thông
Ngày 27/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo đó, Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/12.
Nghị định quy định cụ thể về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.
Hình ảnh Thủy Tiên làm từ thiện đợt mưa lũ miền Trung năm 2020. Ảnh minh họa
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền từ thiện
So với Nghị định năm 2008 trước đây, Nghị định mới này có nhiều điểm mới. Đặc biệt, cho phép cá nhân được tham gia vận động các nguồn đóng góp tự nguyện, kèm theo quy định cụ thể
Theo Nghị định, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.
UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
Cá nhân phải công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông
Nghị định cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, mua sắm trang thiết bị, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng thực hiện quản lý tài chính theo quy định; trường hợp hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị từ nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để hỗ trợ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản theo quy định.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nguồn:
https://www.doisongphapluat.com/quy-dinh-moi-ve-tu-thien-phai-cong-khai-ket-qua-tiep-nhan-phan-phoi-tren-phuong-tien-truyen-thong-a517492.html
Giá vàng hôm nay 29-10: Tăng tiếp sau biến động mạnh
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước giảm trở lại khi vừa mở cửa giao dịch.
Đến 9 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 57,75 triệu đồng/lượng, bán ra 58,45 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua và giảm tới 250.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng 28-10.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại lại tăng khoảng 100.000 đồng/lượng khi được doanh nghiệp giao dịch quanh 51,5 triệu đồng/lượng mua vào, 52,2 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ cũng tăng 50.000 đồng lên 51,65 triệu đồng/lượng mua vào, 52,65 triệu đồng/lượng bán ra. Biên độ chênh lệch giá mua – bán vàng PNJ thu hẹp xuống 1 triệu đồng/lượng, thay vì mức 1,1 triệu đồng/lượng những ngày qua.
Đến 9 giờ, theo giờ Việt Nam, giá vàng trên thị trường quốc tế được giao dịch ở mức 1.798 USD/ounce, giảm nhẹ so với giá đầu giờ sáng.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.131 đồng/USD, giảm 14 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng giảm 5 đồng/USD, về 22.650 đồng/USD mua vào, 22.850 đồng/USD bán ra.
Giá vàng hôm nay của thế giới tiếp tục tăng
Khoảng 6 giờ ngày 29-10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.800 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 1.797 USD/ounce
Trước đó trong ngày 28-10, giá vàng thế giới biến động rất mạnh khi thị trường thất vọng về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không thay đổi chính sách tiền tệ, đồng USD tiếp tục giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác.
Cụ thể, Mỹ công bố quý III/2021 kinh tế tăng trưởng 2%, thấp hơn 0,8 điểm % so với dự báo là 2,8% và giảm mạnh 4,5 điểm % so với mức tăng trưởng 6,5% của quý II/2021. Đồng thời, ECB thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản và mức độ bơm tiền mặt ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế sớm hồi phục khi tình hình Covid-19 đã được kiểm soát.
Ngay sau đó, giới đầu tư tài chính bán tháo USD khiến đồng tiền này giảm giá rất mạnh.
Với đà đi xuống của "đồng bạc xanh", có lẽ nhiều người kỳ vọng giá vàng tăng mạnh nên họ đưa vốn vào kim loại quý. Vì thế, giá vàng thế giới tăng 13 USD/ounce, từ 1.797 USD/ounce vọt lên 1.810 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 28-10.
Thế nhưng, đà tăng của giá vàng bị chặn lại khi dòng tiền trên thị trường bất ngờ dồn vào chúng khoán Mỹ. Kết quả là tại Phố Wall, các chỉ số Dowjones tăng 239 điểm, S&P 500 tăng 44 điểm, Nasdaq giành lại 212 điểm sau khi mất hàng trăm điểm vào các phiên giao dịch trước.
Như thế, tiền chảy vào thị trường vàng đã bị chi phối. Từ đó, nhiều người lo ngại nắm giữ vàng có thể bất lợi, nhất là khi Hội đồng Vàng thế giới thông báo nhu cầu đầu tư vào vàng đang sụt giảm. Theo đó, một số nhà đầu tư mạnh tay bán ra thu về lợi nhuận. Số khác thì bán khống chờ giá vàng đi xuống sẽ mua vào hưởng chênh lệch.
Chỉ sau vài phút giao dịch, giá vàng thế giới mất 17 USD/ounce, từ 1.810 USD/ounce xuống còn 1.793 USD/ounce.
Ở mức giá này, những người đã bán khống bắt đầu mua vào. Giá vàng hôm nay giành lại 10 USD/ounce để vọt lên 1.803 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 29-10. Sau đó, giá vàng hôm nay biến động không nhiều và đến 6 giờ cùng ngày giao dịch tại 1.800 USD/ounce.
Tại Việt Nam, do sức mua gần bằng không nên giá vàng SJC ngày 28-10 giảm 200.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại tại 58,5 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 8,8 triệu đồng/lượng.
Nguồn:
https://nld.com.vn/kinh-te/gia-vang-hom-nay-29-10-tang-tiep-sau-bien-dong-manh-20211029063402168.htm
Hà Nội ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 chuẩn bị đón học sinh trở lại trường
UBND TP Hà Nội ngày 29/10 đã ban hành hướng dẫn liên ngành, chuẩn bị cho việc đón học sinh quay trở lại trường học tập khi đủ điều kiện an toàn chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
Báo Dân trí cho biết, hướng dẫn liên ngành gồm nhiều quy định những việc cần làm của nhà trường, giáo viên và học sinh trước, trong, sau khi các em đến trường học.
Theo đó, trước khi học sinh trở lại trường học, nhà trường cần đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học, khử khuẩn phương tiện đưa đón học sinh (nếu có); đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trường học, mỗi học sinh phải có một cốc nước và một khăn mặt hoặc khăn lau tay riêng…; thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại nhà trường để có phân công cụ thể trong các hoạt động chống dịch.
Theo đó, giáo viên cần phối hợp với gia đình theo dõi tình hình sức khỏe học sinh thông qua các phương tiện liên lạc.
Khi học sinh trở lại trường học, nhà trường cần bố trí người đón và giao nhận học sinh tại cổng trường; không tổ chức các hoạt động tập thể hay tham quan, dã ngoại; các lớp tổ chức chào cờ tại lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp.
Sau giờ học, nhà trường lau, khử khuẩn bàn ghế, phòng học, dụng cụ học tập và khu vệ sinh, xe đưa đón học sinh (nếu có)… mỗi ngày một lần.
Trong suốt thời gian học sinh có mặt ở trường, các nhân viên y tế thường xuyên trực phòng chống dịch; Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát để báo cáo lãnh đạo nhà trường kịp thời.
Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, trước khi vào tiết học đầu tiên, giáo viên cần hướng dẫn học sinh những việc cần và không được làm để phòng chống dịch COVID-19.
Trước khi vào mỗi tiết học, giáo viên điểm danh và rà soát xem có học sinh nào có các dấu hiệu của COVID-19; nếu có thì phải báo ngay cho cơ quan y tế.
Khi đến trường, học sinh phải tuân thủ các quy định vệ sinh, không vứt rác bừa bãi để đảm bảo an toàn chống dịch.
Đặc biệt, đối với các cơ sở giáo dục có khu kí túc xá học sinh, không tổ chức nấu ăn trong phòng, thường xuyên vệ sinh và khử khuẩn.
Đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở tại trường học, cần tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của cơ quan y tế.
Hà Nội ban hành hướng dẫn chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học. Ảnh minh họa
16 tiêu chí an toàn trường học
Theo tờ Lao động, hướng dẫn liên ngành của sở Giáo dục và Đào tạo và sở Y tế Hà Nội cũng cung cấp bộ 16 tiêu chí đánh giá trước, trong và sau khi học sinh đến trường học.
Mỗi tiêu chí đánh giá ở hai mức: Đạt và Không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn và ngược lại.
Về phương pháp, đánh giá lần lượt theo từng tiêu chí. Đạt từ 12 tiêu chí trở lên, trong đó phải có các tiêu chí: Đeo khẩu trang đúng cách (tiêu chí 4); thực hiện vệ sinh khử trùng trường lớp và đồ chơi đúng cách (tiêu chí 5); 100% cán bộ giáo viên và nhân viên được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng chống COVID-19 (tiêu chí 11) và khử khuẩn đúng cách khu vực rửa tay, phương tiện đưa đón học sinh… (tiêu chí 12), được đánh giá đạt thì trường học mới đạt mức độ.
Trường học đạt từ 8-11 tiêu chí, trong đó các tiêu chí 4,5,8,11,12 được đánh giá đạt thì trường học mới đạt mức độ; nếu đánh giá khá thì trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại nhưng phải kiểm tra định kỳ.
Đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.
Liên sở Giáo dục và Đào tạo và sở Y tế có trách nhiệm thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở giáo dục trên thành phố.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các quận huyện, thị xã có trách nhiệm thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác chống dịch, đánh giá mức độ an toàn của đơn vị giáo dục theo bộ tiêu chí.
Nguồn:
https://www.doisongphapluat.com/ha-noi-ban-hanh-huong-dan-phong-chong-dich-covid-19-chuan-bi-don-hoc-sinh-tro-lai-truong-a517666.html