Thời điểm chăm sóc vợ sinh con, Lộc thường đi mua tã sữa và sau đó đã quen, phát sinh tình cảm với chị Q. là con gái của chủ tiệm vàng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đang củng cố hồ sơ, khởi tố bị can đối với Đỗ Tấn Lộc (SN 1989, ngụ TP Hồ Chí Minh) điều tra về hành vi giết người.
Nạn nhân là chị T.T.Q. (SN 1992, ngụ Trà Vinh).
Đỗ Tấn Lộc tại cơ quan Công an - Ảnh: Công an tỉnh Trà Vinh
Theo Công an Nhân dân, tại cơ quan Công an, Lộc khai nhận đã có vợ và 2 con. Còn chị Q. đã ly hôn và có con riêng. Lộc quen với nạn nhân vào thời điểm giữa 2021. Thời điểm này, Lộc đưa vợ về Trà Vinh sinh con và tránh dịch COVID-19.
Thời điểm chăm vợ sinh con, Lộc thường mua tã, sữa và phát sinh tình cảm yêu đương với nạn nhân là con gái chủ tiệm vàng ở gần nhà vợ. Thời gian sau, Lộc đưa vợ con về TP.HCM nhưng vẫn giữ liên lạc với nhân tình.
Trong thời gian này, Lộc nói với nhân tình rằng hai vợ chồng đã ly thân và chờ ly hôn. Chiều 18/9, Lộc thuê ôtô đến Trà Vinh để chở chị Q. đi làm răng.
Trên đường đến huyện Châu Thành, Lộc và chị Q. xảy ra cự cãi. Chị Q. yêu cầu Lộc phải ly hôn với vợ để chung sống với mình. Chị Q. đòi gọi điện thoại cho mẹ của Lộc để nói rõ sự việc.
Trong lúc cự cãi, Lộc cầm dao đâm chị Q. dẫn đến tử vong. Lộc sau đó chở thi thể nạn nhân từ Trà Vinh đến TP HCM Lộc đã ghé vào cửa hàng ven đường, mua túi màu đen và bỏ thi thể nạn nhân vào.
Trên đường đi, điện thoại chị Q. liên tục đổ chuông nên Lộc đã ném xuống sông Cổ Chiên. Lộc sau đó chạy thẳng về nhà anh ruột ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP HCM). Tại đây, Lộc đã kể lại sự việc và được người thân vận động ra đầu thú.
Quá trình khám nghiệm, cơ quan điều tra đã thu giữ số tiền hơn 800 triệu đồng và cùng nhiều loại nữ trang, do chị L. mang theo trước khi bị sát hại.
Liên quan đến vụ việc, Thanh Niên dẫn nguồn thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân tử vong của chị Q. là do sốc mất máu không hồi phục do vết thương đâm làm đứt tĩnh mạch chung bên trái.
Trước đó, liên quan đến vụ việc, ngày 20/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết, đã phối hợp Công an tỉnh Trà Vinh di lý đối tượng Đỗ Tấn Lộc đến địa điểm xảy ra vụ án để tổ chức thực nghiệm hiện trường, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Công an tỉnh Trà Vinh điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra, làm rõ.
Giá xăng A95 vừa giảm, giá xăng nhập chỉ còn 20.000 đồng
Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Công thương, hôm nay (22-9), giá xăng A95 nhập từ Singapore chỉ còn 96 USD/thùng. Mức giá này tương đương với ngày 13-1, khi đó giá xăng trong nước (A95) là 23.870 đồng/lít.
Nếu trừ thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 20.570 đồng.
Vào hôm 21-9, giá xăng trong nước tiếp tục giảm lần thứ 3. Theo đó giá xăng A95 giảm 450 đồng xuống còn 22.580 đồng/lít.
Việc giá xăng nhập biến động không ngừng đã gây lo lắng cho các nhà bán lẻ xăng dầu, các cây xăng tiếp tục đối diện với tình trạng bị chiết khấu âm dẫn đến thiếu hụt hàng trên thị trường.
Theo các chuyên gia, về cơ chế giá, Việt Nam đã bám khá sát với thị trường thế giới nhưng các chi phí trong công thức giá vốn được xác lập từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được hiệu chỉnh lại.
Suốt 8 năm qua, các yếu tố lạm phát, tỉ giá, lãi suất đã biến động không ngừng.
Ngoài ra, các phụ phí trong giá xăng dầu cũng chưa tính sát thực tế. Mặc dù Nhà nước đã tính định phí và lợi nhuận trong một lít xăng dầu là 1.300 đồng nhưng vẫn không thể gánh nổi chi phí thực tế của các đơn vị kinh doanh xăng dầu.
Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh các quy định phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện tại để tháo gỡ những khó khăn và giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Phiên giao dịch hôm nay (22-9), giá dầu thô toàn cầu vẫn đồng loạt rớt dưới mức 100 USD/thùng. Theo đó, dầu WTI là 82 USD, dầu Brent là 90 USD và dầu OPEC là 96 USD/thùng.
Giá vàng hôm nay: Vụt tăng mạnh chốc lát rồi cắm đầu lao dốc thảm
Thời điểm 8h50 sáng nay ngày 22/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.659 USD/ounce, giảm 5 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng dựng đứng lên mức 1.688 USD/ounce. Tuy nhiên, mức giá này chỉ giữ được trong vòng vài giờ, sau đó vàng quay đầu lao dốc về mức giá như hiện tại.
Giá quý kim tăng vọt đêm qua sau khi thị trường đón nhận thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng thêm lãi suất 0,75 điểm %, đánh dấu lần thứ 5 ngân hàng trưng ương Mỹ tăng lãi suất trong năm 2022. Đây là phạm vi lãi suất cao nhất kể từ đầu năm 2008 là từ 3%-3,25% trong nỗ lực giảm lạm phát giá đang có vấn đề.
Các quan chức Fed cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lãi suất quỹ liên bang chạm mức 4,6% vào năm 2023.
Ông Powell cũng nói rằng Fed có thể sẽ tăng thêm 125 điểm cơ bản trong năm nay, bao gồm mức tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 11 và 50 điểm khác vào tháng 12. Tuy nhiên, các mức tăng lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát và việc làm được công bố trước các cuộc họp chính sách.
Không chỉ có Fed, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang đồng loạt thắt chặt chính sách để đối phó với áp lực giá cả đang tăng nhanh. Kể từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 90 ngân hàng trung ương tăng lãi suất, trong đó một nửa đã tăng ít nhất 75 điểm cơ bản mỗi lần.
Trong bối cảnh đó, Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Daniel Hynes của ANZ cho rằng, sức mạnh của đồng USD sẽ tồn tại lâu và chắc chắn gây áp lực lên giá vàng. Ông Hynes nhấn mạnh: "Nhu cầu giảm bất chấp rủi ro địa chính trị gia tăng và bối cảnh kinh tế xấu đi. Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm giá có thể kéo dài. Việc phá vỡ mức 1.675 USD/ounce cho thấy, giá vàng có thể giảm xuống 1.600 USD/ounce".
Giá vàng lao dốc
Ở thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 65,85-66,67 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 65,8-66,55 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 65,85-66,6 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.
Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra, rà soát nguồn gốc rau củ
Ngày 22-9, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã có công văn khẩn gửi các Đội QLTT trực thuộc về việc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Rau củ bày bán trên thị trường sẽ được cơ quan chức năng kiểm tra về nguồn gốc
Đây là biện pháp mà đơn vị triển khai ngay sau thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" tại các siêu thị nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.
Cục trưởng Cục QLTT TP HCM yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các đội QLTT khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là đội quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định.
Trường học tăng các khoản thu dịch vụ, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ xử lý nghiêm
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với các sở, ban, ngành về thực hiện chương trình, sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đây, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho biết qua quá trình thực hiện khảo sát tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng một số cơ sở giáo dục tăng các khoản thu như tiền máy lạnh, tiền bán trú... tạo nhiều gánh nặng cho phụ huynh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, khẳng định Sở GD-ĐT TP sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng thu các khoản thuộc thu hộ, chi hộ sai quy định vì quy định của TP năm học này là giữ nguyên mức thu các khoản thu dịch vụ so với năm học trước.
Trước đó, Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản hướng dẫn việc thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác; thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập năm học 2022-2023 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Cụ thể, các đơn vị duy trì, giữ nguyên nội dung và định mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD-ĐT công lập trên địa bàn TP HCM trong năm học 2021-2022 (bao gồm mức thu trường tiên tiến, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, môn tự chọn, học nghề, tổ chức phụ vụ bán trú, vệ sinh các lớp bán trú... và các khoản thu hộ, chi hộ của ngành GD-ĐT) để tiếp tục thực hiện cho năm học 2022-2023.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu các đơn vị khi xây dựng dự toán cần lưu ý thời gian thu phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định của UBND TP về kế hoạch, thời gian năm học. Tất cả khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn cho từng học sinh, sinh viên; không cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền.
Diễn biến gây bất ngờ vụ bé gái 13 tuổi mất tích khi đi theo người đàn ông lạ
Liên quan đến vụ việc bé gái 13 tuổi được người nhà báo mất tích, trên Vietnamnet, ngày 22/9, thông tin từ Công an TP. Thủ Đức cho hay, đã tìm thấy bé T.T.T.M. (hơn 13 tuổi, ngụ ở địa phương) mà gia đình trình báo mất tích từ tối 16/9.
Bé gái được trình báo mất tích
Cụ thể, lúc 23h tối 21/9, công an đã tìm thấy bé M. đang ở cùng một thanh niên, tên là Lê Minh H. (18 tuổi, quê Cà Mau), tại phòng trọ ở đường Trần Văn Sữa, tổ 2, ấp Tân An, phường Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Công an đã mời bé Mai cùng H. về làm việc.
Trước đó, tối 16/9 gia đình ông Trương Văn Tuấn Lớn (42 tuổi) trình báo với công an địa phương về việc con gái, là bé M. bị "mất tích".
Gia đình ông Trương Văn Tuấn Lớn (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã tổ chức tìm kiếm con nhiều ngày nay, nhưng chưa có kết quả và đã trình báo, cầu cứu cơ quan công an nhờ trợ giúp.
Ngày 21/9, trên báo Lao động, anh Trương Văn Tuấn Lớn (44 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) cho biết đã đến cơ quan công an TP. Thủ Đức trình báo về việc con gái mình là T.T.T.M. (13 tuổi) mất liên lạc với gia đình nhiều ngày.
Anh Lớn cho biết, vào tối ngày 17/9, trong lúc phụ mẹ bán hàng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, phường Tam Bình, M. nói với mẹ đi vệ sinh. Vài tiếng sau, gia đình không thấy T.M. quay lại nên hốt hoảng đi tìm kiếm.
Qua hình ảnh camera hiện trường ghi lại, T.M. sau khi nói đi vệ sinh rồi đi ra khu vực gần chợ, trò chuyện với người đàn ông lạ mặt. Sau đó, M. lên xe máy của người này và di chuyển hướng Bình Chiểu về tỉnh Bình Dương.
"Gia đình đã đi tìm khắp nơi, đăng tin khắp các hội nhóm, mạng xã hội nhưng vẫn chưa có thông tin gì về con. Tôi lo con bị người lạ dụ dỗ qua Campuchia hoặc vào làm phục vụ ở quán karaoke. Tôi và vợ rối bời, mất ăn mất ngủ vì lo cho con", tờ Tri thức Trực tuyến dẫn lời anh Lớn.
Cũng theo anh Lớn, T.M đã nghỉ học từ sau đợt dịch COVID-19. Những lúc rảnh, em ra chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trông coi hàng cùng mẹ. Thiếu nữ chưa được cho sử dụng điện thoại. Khi vắng khách, M thường mượn điện thoại của mẹ vào mạng xã hội nói chuyện với bạn bè.
Anh Lớn thông tin thêm, thời gian gần đây, T.M không xảy ra mâu thuẫn với gia đình, cũng không có dấu hiệu bất thường về tâm lý. Gia đình không thiếu thốn kinh tế để T.M có mong muốn tìm kiếm việc làm hay yêu cầu con kiếm tiền.