Bố của Hải Như cho biết, thông tin thi thể ở sông Tô Lịch có nhận dạng giống đến 80% cô gái này là không chính xác.
Thực hư thông tin phát hiện thi thể giống cô gái mất tích bí ẩn ở Hà Nội
Ngày 10/11, mạng xã hội lan truyền bài đăng có nội dung liên quan đến vụ cô gái Lương Hải Như (23 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội) mất tích bí ẩn nhiều tháng nay.
Lương Hải Như mất tích bí ẩn nhiều tháng nay.
Theo người đăng tải bài viết, gần đây, gia đình cô gái Hải Như được cơ quan chức năng thông báo về việc phát hiện một thi thể ở sông Tô Lịch, có nhận dạng giống 80% cô gái 23 tuổi này. Bài đăng cũng cho biết hiện cơ quan điều tra đã lấy ADN của gia đình Hải Như để xác nhận danh tính của thi thể.
Trao đổi với báo chí, ông T. (bố Hải Như) xác nhận đầu tháng 10, gia đình được một cán bộ Công an TP Hà Nội liên hệ, thông báo có một thi thể ở sông Tô Lịch (đoạn gần cầu Cót) và đề nghị người nhà cô gái cung cấp ADN để đối chiếu, xác minh danh tính tử thi.
Tuy nhiên, theo ông T., đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được kết quả giám định từ phía cơ quan điều tra. Vì vậy, thông tin cho rằng thi thể trên có nhận dạng giống đến 80% Hải Như là không chính xác. Ông T. cho rằng thông tin này đã lan truyền trên mạng xã hội từ lâu, tuy nhiên, gia đình ông cũng chưa từng được nhận dạng thi thể ở sông Tô Lịch nêu trên.
Chia sẻ thêm, ông T. mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, sát sao hơn trong vụ việc của Hải Như.
"Gia đình tôi đã rất khổ tâm rồi, hy vọng rằng con gái tôi còn sống là rất mong manh. Chúng tôi chỉ mong sớm tìm được con", ông T. tâm sự.
Trước đó, tối 14/7, Hải Như rời khỏi nhà trọ ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Đến 21h cùng ngày, gia đình cô gái 23 tuổi mất liên lạc với Như. Qua thiết bị điện thoại có định vị, người nhà Hải Như phát hiện cô di chuyển từ xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, sang cầu Cù Sơn, huyện Hoài Đức.
Ngày 27/7, Công an TP Hà Nội ra quyết định truy tìm người mất tích có dấu hiệu liên quan tội phạm.
Thời gian sau đó, nhiều cuộc tìm kiếm, trục vớt thi thể được triển khai từ phía gia đình, cơ quan chức năng và các đơn vị thứ 3. Tuy nhiên, kết quả không khả quan.
Liên quan đến Hải Như, người nhà cho biết trước khi Như mất tích, cô gái 23 tuổi từng có quan hệ tình với T.N.T. (25 tuổi). Hai người có mâu thuẫn về tình cảm và tiền bạc nên dừng quan hệ yêu đương. Trong quãng thời gian sau khi chia tay, T. từng hành hung, chặn đường Hải Như và bị cơ quan chức năng can thiệp.
Ngay sau khi Hải Như mất tích, T. cũng được phát hiện tự tử tại một nhà trọ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Bộ GD-ĐT lý giải việc một số trung tâm phải dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Ngày 10/11, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã lên tiếng về hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Ông nhận định như thế nào về hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua?
Thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.
(Ảnh minh họa).
Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập.
Cụ thể: Hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Bộ GDĐT đã thực hiện vai trò quản lý nhà nước như thế nào với vấn đề này, thưa ông?
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số quy định tại còn chưa cụ thể. Vì vậy, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các địa phương để bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài được triển khai đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của người được cấp chứng chỉ và các bên liên kết, Bộ GDĐT cũng ban hành công văn đôn đốc, chỉ đạo các Sở GDĐT tham mưu với UBND cấp tỉnh thực hiện đúng trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
Ông lý giải ra sao về việc một số trung tâm phải dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ?
Triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GDĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Mặc dù, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GDĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định.
Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị (trong đó có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục).
Các đơn vị/tổ chức cần làm gì để tiếp tục tổ chức hoạt động thi, cấp chứng chỉ?
Để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
- Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết.
- Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
Như vậy, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định nêu trên. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GDĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định là 20 ngày).
Sau khi phê duyệt, Bộ GDĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.
Trân trọng cảm ơn ông.
Người bỏ rơi bé gái sơ sinh trong rừng có bị xử hình sự không?
Như PLO đã đưa tin, ngày 10-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết đã ra quyết định truy tìm lai lịch bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong khu rừng ở xã Quế Mỹ (huyện Quế Sơn).
Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 6-11, người dân đi làm rừng ở khu vực thôn 7 (xã Quế Mỹ) bất ngờ phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong một thùng carton, trên người không một mảnh vải che thân. Bé sơ sinh có đặc điểm nhận dạng: giới tính nữ, cao 55cm, cân nặng 3,2 kg, độ tuổi khoảng 3-5 ngày.
Lúc phát hiện, nhiều vùng trên cơ thể bé đã hoại tử, cơ thể tím tái. Sau đó, cháu bé được đưa đến Trạm Y tế xã Quế Mỹ và được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ xác định bé có dấu hiệu suy hô hấp nên đã quyết định đưa đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng tiếp tục điều trị. Sau hai ngày điều trị, dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé không qua khỏi.
Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự tiếc thương và thắc mắc rằng người bỏ rơi cháu bé trong vụ việc này có phải chịu trách nhiệm gì hay không?
Trao đổi với PV, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết ông rất đau lòng khi đọc được thông tin này.
Với những thông tin ban đầu có được, theo TS Tuấn, nếu CQĐT xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể có các khả năng sau đây:
(1) Nếu người mẹ sinh ra bé gái và vứt bỏ con của mình thì có thể bị xử lý về tội vứt bỏ con mới đẻ, theo khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS). Theo đó, mức hình phạt cao nhất là hai năm tù.
(2) Nếu người vứt bỏ bé gái không phải là người mẹ sinh ra bé gái thì có thể bị xử lý về tội giết người, theo Điều 123 BLHS. Trong trường hợp này, không thể xử lý hình sự về tội vứt bỏ con mới đẻ – vì chủ thể của tội phạm này là người mẹ bỏ con do mình đẻ ra.
“Về mặt lý luận, giữa tội vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124 BLHS) và tội giết người (Điều 123 BLHS) có mối quan hệ giữa cấu thành tội phạm riêng và cấu thành tội phạm chung. Do đó, khi hành vi phạm tội không thỏa mãn dấu hiệu của cấu thành tội phạm riêng (không thỏa mãn dấu hiệu chủ thể là người mẹ sinh ra đứa bé) thì xử lý hình sự về cấu thành tội phạm chung (tội giết người)” – TS Phan Anh Tuấn nêu quan điểm.
Người phụ nữ ôm con nhỏ nhảy cầu Vĩnh Tuy tự tử
Sáng 10-11, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH TP.Hà Nội cho biết, vào đêm 9-11, đơn vị nhận được tin 1 người mẹ ôm con nhảy cầu Vĩnh Tuy tự tử nên đã điều động cán bộ, chiến sĩ và các phương tiện đến phối hợp tìm kiếm nạn nhân, nhưng vẫn chưa thấy tung tích của 2 mẹ con.
Lực lượng chức năng tìm 2 mẹ con.
Vào khoảng 22 giờ đêm 9-11, người dân đang lưu thông trên cầu Vĩnh Tuy phát hiện một người phụ nữ ôm con nhỏ nhảy cầu tự tử. Vụ việc đã khiến giao thông bị ùn tắc do đông người dân tập trung hiếu kỳ.
Theo những người chứng kiến tại hiện trường, người mẹ khoảng 30-40 tuổi, nghi do buồn chán chuyện gia đình đã ôm con khoảng 1 - 2 tuổi ra cầu nhảy xuống sông.
"Đến 8h sáng 10/11, lực lượng chức năng vẫn tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm được 2 mẹ con do nước sông Hồng chảy siết", đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH TP.Hà Nội cho hay.
Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Giá vàng bất ngờ tăng 350.000 đồng/lượng
Thời điểm 8h00 ngày 10/11, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 66,4 – 67,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết ở mức 66,45 – 67,4 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 52,25 – 53,05 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với trước đó.
Sau nhiều phiên giao dịch trầm lắng, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng mạnh nhưng chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn ở mức cao, khiến người mua vàng lỗ 1 triệu đồng/lượng ngay khi nắm giữ vàng.
Sáng 10/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.708 USD/ounce, tăng 1 USD/ounce so với cuối giờ chiều hôm trước. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, giá vàng thế giới khoảng 51,2 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Trên thị trường tiền tệ trong nước, thời điểm 8h14 ngày 10/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước giữ niêm yết của ngày 9/11 với mức 23.688 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 24.870 đồng/USD.
Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 24.722 - 24.872 đồng/USD, giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Ngân hàng Vietinbank niêm yết mức 24.707 – 24.872 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra.
Luật sư kiến nghị trả hồ sơ điều tra vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở Bình Thạnh
Toà Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP HCM) vừa tiếp nhận lại hồ sơ vụ án bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh bị bạo hành đến tử vong.
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 21-7 vừa qua, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đã trả hồ sơ vụ án để xác định tỉ lệ thương tích của bé gái tử vong vào các ngày 7, 10, và 12-12-2021.
Các luật sư của bị hại cho rằng cơ quan điều tra đã không trưng cầu giám định các thương tích của bị hại trong khoảng thời gian này (trước ngày tử vong) là thiếu sót. Bởi đây sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá tính nguy hiểm của hành vi phạm tội kéo dài của các bị cáo và là căn cứ để định tội đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi; quê Gia Lai) và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi; ngụ TP HCM; cha của nạn nhân.
Tuy nhiên, tại cáo trạng truy tố bổ sung, VKSND cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "Giết người" và "Hành hạ người khác"; bị can Nguyễn Kim Trung Thái về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm".
Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái.
Trước kết luận này của cơ quan công tố, luật sư Nguyễn Anh Thơm (bảo vệ quyền lợi cho bị hại) đã gửi kiến nghị trưng cầu giám định bổ sung tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP HCM và thay đổi tội danh "Giết người" đối với bị can Thái. Kiến nghị được gửi đến Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND TP HCM và thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chánh án TAND TP HCM (chủ tọa phiên xét xử - PV).
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM trưng cầu giám định bổ sung thương tích của bé gái tại Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an là không đúng và không khách quan.
Mặt khác, luật sư nhận định Thái và Trang đã thống nhất ý chí sử dụng vũ lực bằng tay chân, hung khí nguy hiểm đánh cháu, nếu người này đánh thì người kia không được can ngăn. Các tài liệu chứng cứ, lời khai của bị can và kết quả trích xuất 283 tập tin video mô tả hành động của các đối tượng đối với cháu bé đã nói nên tất cả bản chất ác độc, dã man, coi thường tính mạng nạn nhân.
Luật sư cho rằng hành vi của Thái đã cấu thành tội "Giết người" với vai trò đồng phạm giúp sức với Trang.
Thiếu nữ bị cha đánh bầm dập vì đi chơi về muộn
Ngày 10/11, Công an huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cho biết đã mời làm việc với ông T.T.Q. (SN 1968, ngụ thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè) để xử lý về hành vi đánh đập, gây thương tích cho con gái.
Ông Q. bị lập hồ sơ xử lý vi phạm tại khoản 1, điều 52, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình, với mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
Hình ảnh cô gái bị cha ruột đánh đập dã man.
Theo Công an huyện Cái Bè, vài ngày trước, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài khoảng 90 giây ghi lại cảnh T.N.T. (SN 2005) bị cha ruột là ông Q. đánh đập. Trong clip, T. bị cha ruột tát liên tiếp vào mặt và dùng chân đá vào người.
T. bị đánh tại nhà và được camera ghi lại. Đoạn clip này bị rò rỉ đăng trên mạng Facebook nên gây bức xúc. Tại buổi làm việc, ông Q. thừa nhận vào khuya khuya 5/11, do T. đi chơi về muộn nên trong lúc tức giận ông Q. đã dùng tay đánh vào mặt và dùng chân đá vào người con gái.
T. bị cha đánh đập dẫn đến bị sưng bầm vùng mắt và má trái nên gia đình đã đưa đi khám và điều trị, vết thương đã ổn định và không nghiêm trọng.