Nguyễn Thanh Sơn khai nợ đến 500 triệu đồng và bị chủ nợ liên tục đòi, nhưng không có khả năng chi trả. Vì vậy Sơn nảy sinh ý định bắt cóc con của vợ chồng người bạn để tống tiền.
Tình tiết bất ngờ từ lời khai của đối tượng bắt cóc bé gái 3 tuổi đòi 2 tỷ tiền chuộc
Ngày 6/10, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ bé gái 3 tuổi bị bắt cóc, đòi 2 tỷ đồng tiền chuộc ở Long An.
Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, ngụ ấp 6, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) đã bị khởi tố để điều tra về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, theo Khoản 4 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo báo Dân Trí, Sơn khai có mối quan hệ thân thiết với gia đình anh L.T.T. (32 tuổi). Ngoài ra, bé L.M.C. (3 tuổi, con gái của anh T.) học cùng lớp mầm non với con trai của Sơn.
Đầu năm 2022, Sơn sử dụng điện thoại đăng ký, mở tài khoản đánh bạc online, sau đó mở tài khoản ngân hàng để phục vụ đánh bài trực tuyến. Số tiền Sơn chi cho đánh bạc mỗi ngày 3-4 triệu đồng nhưng hầu hết là thua trắng tay.
Sơn khai tiền lương hàng tháng chỉ đủ chi tiêu, nên phải vay mượn tiền từ bạn bè để nạp vào tài khoản đánh bạc. Ngày 30/9, Sơn bị công ty cho thôi việc.
Đến ngày 1/10, khoản nợ của Sơn lên tới 500 triệu đồng. Thời điểm này, Sơn liên tục bị chủ nợ đòi, biết vợ chồng anh T. khá giả, có con gái học chung với con mình, Sơn nảy sinh ý định bắt cóc bé gái để đòi tiền chuộc.
Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: Dân Việt
Khoảng 15h ngày 2/10, Sơn thuê ô tô đến trường mầm non, nói với cô giáo cho đón con của Sơn và con của anh T. về cùng. Cô giáo quản lý lớp đồng ý. Khi 2 bé lên xe, Sơn đề nghị tài xế chở con ruột về nhà, còn Sơn và bé M.C. tiếp tục đi Thảo Cầm Viên (TP.HCM).
Từ Thảo Cầm Viên, Sơn bắt taxi tới một khách sạn ở phường An Phú, TP.Thủ Đức. Tại đây, Sơn dùng điện thoại chụp hình bé C., và chai thuốc trừ sâu đã chuẩn bị từ trước rồi gửi qua Zalo, đồng thời gọi điện thoại cho anh T. để đe dọa, yêu cầu phải đưa 2 tỷ đồng tiền chuộc. Trong vòng 60 phút, vợ chồng anh T. chuyển vào tài khoản của Sơn 18 lần, tổng cộng 975 triệu đồng.
Báo Dân Việt đưa tin, khoảng 19h30 cùng ngày, Sơn gặp nhân viên lễ tân khách sạn, nói người nhà bị tai nạn cần đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gấp, nhờ trông hộ C.
Sau đó, Sơn nhanh chóng đón xe ra bến xe Miền Đông mua vé xe khách lên TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) để trốn.
Khi ngồi trên xe khách, Sơn chuyển khoản trả vốn, lãi cho 12 người, tổng số tiền 377 triệu đồng. Xe chạy đoạn khá dài nên nghi phạm yên tâm sẽ không bị lực lượng chức năng phát hiện, và chợp mắt ngủ.
Khi xe đến khu vực thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú (Đồng Nai), Nguyễn Thanh Sơn bị bắt giữ, di lý về Long An.
Ngày 4/10, Cơ quan CSĐT tỉnh Long An quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, ngụ ấp 6, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), để điều tra làm rõ tội danh "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".
Hà Nội: Tìm nhân chứng vụ tai nạn chết người giữa xe buýt và xe máy
Hiện trường vụ tai nạn.
Ngày 6/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang điều tra xác minh vụ tai nạn giao thông khiến một người mặc quần áo shipper (giao hàng) đi xe máy tử vong trên đường Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Cụ thể, khoảng 14h20 ngày 5/10, anh L.Đ.T. (SN 1983, ở La Khê, quận Hà Đông) lái xe máy mang biển số Vĩnh Phúc đi trên đường Lê Trọng Tấn, theo hướng Ngã Tư Sở về Định Công.
Khi tới trước cửa nhà số 210 Lê Trọng Tấn, xe máy của anh T. va chạm với xe buýt chạy cùng chiều. Vụ tai nạn làm anh T. tử vong tại chỗ.
Ngay sau đó, Công an quận Thanh Xuân có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Công an quận Thanh Xuân đề nghị người nào biết thông tin, có camera hành trình hoặc chứng kiến vụ tai nạn thì cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Thanh Xuân để phục vụ công tác điều tra xác minh.
Giả danh bệnh viện nổi tiếng để lừa đảo 7000 người chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng
Theo đó, Công an huyện Tiên Du phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành chuyên án đấu tranh nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả đấu tranh bước đầu làm rõ, từ khoảng tháng 5/2022, Phạm Viết Trung (SN 1995, trú xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thuê mặt sàn tầng 7 tòa nhà có địa chỉ ở Vũ Tông Phan, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Sau khi thuê được mặt bằng, Trung mở văn phòng và thuê nhiều đối tượng làm việc bằng hình thức giả danh bác sỹ, nhân viên Bệnh viện 108 và Bệnh viện 103 để lừa đảo bán cho những người bệnh các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng qua mạng Internet.
Đối tượng Trung tại Cơ quan Công an.
Ngày 6/10/2022, Trung đăng ký thành lập Công ty cổ phần dược phẩm SPARTA, địa chỉ trụ sở chính tại số 104, khu liền kề La, TT Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội. Công ty do Phạm Viết Trung làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc quản lý điều hành.
Để bán được các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng, Trung chia thành các nhóm kinh doanh có mô hình hoạt động như nhau. Các nhóm kinh doanh tạo lập các trang Fanpage giả mạo “Bệnh viện quân đội 108 - Chuyên khoa nội tiết” hoặc “Bệnh viện quân y 103” trên mạng xã hội Facebook để đăng tải nội dung, hình ảnh có liên quan đến các bệnh viện trên.
Người bệnh khi truy cập vào các fanpage trên sẽ lầm tưởng đây là fanpage chính thống của Bệnh viện 108 và Bệnh viện 103 rồi để lại thông tin họ tên, số điện thoại. Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện và tự xưng là bác sỹ của Bệnh viện 108 hoặc Bệnh viện 103 để tư vấn, mời chào mua các liệu trình thuốc điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp được các đối tượng đưa thông tin sai sự thật là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền do Bệnh viện 108, Bệnh viện 103 điều chế, sản xuất để bán với giá cao hơn nhiều lần nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính.
Tang vật vụ án.
Bằng phương thức, thủ đoạn kể trên, trong thời gian từ tháng 6/2022 đến nay, Trung và đồng phạm đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tổng số tiền khoảng gần 50 tỷ đồng của hơn 7000 bị hại trên toàn quốc, trong đó có nhiều bị hại trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Du đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Viết Trung cùng 5 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện Cơ quan điều tra và Viện KSND huyện Tiên Du đang tiếp tục đấu tranh làm rõ các đối tượng liên quan khác để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đã bắt được kẻ bắn 2 nữ công nhân môi trường ở Quảng Ngãi
Sáng 6-10, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi xác nhận đã bắt được nghi phạm bắn hai nữ công nhân môi trường.
“Anh em báo cáo nhanh đã bắt được, cụ thể thì anh em đang làm báo cáo để báo Bộ Công an”, vị này thông tin.
Đại diện các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ngãi thăm hỏi, động viên hai nữ công nhân môi trường bị bắn. Ảnh: TN
Theo nguồn tin riêng của PLO, hai nghi phạm bị bắt gồm: Nguyễn Đức Nga (23 tuổi, quê xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) và Trần Viết Đông (24 tuổi, quê thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam).
Trước đó, khoảng 1 giờ ngày 5-10, chị Lê Thị Minh Khải và Võ Thị Lựu đang quét rác trên đường Phạm Văn Đồng (TP Quảng Ngãi) thì có hai thanh niên chạy xe máy tiếp cận.
Do đèn pha của xe máy làm chói mắt, hai chị này nhắc hai thanh niên đi xe máy. Tuy nhiên, hai thanh niên quay lại gây gỗ, đánh chị Khải. Thấy đồng nghiệp bị đánh, chị Lựu chạy đến can ngăn thì cũng bị đánh.
Sau đó, một trong hai người rút súng bắn vào đùi và bắp chân của hai chị. Hiện, chị Khải và chị Lựu đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Phúc Hưng (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
Hai nữ công nhân môi trường bị bắn. Ảnh: TN
Đại diện Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi cho biết công an đang lấy lời khai của hai chị này để điều tra làm rõ vụ việc.
Chiều 5-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký công văn hỏa tốc giao Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo khẩn trương điều tra, truy tìm kẻ bắn hai nữ công nhân môi trường để xử lý.
Hôm qua, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, đại diện các ban ngành, đoàn thể đã đến bệnh viện thăm hỏi hai nữ công nhân môi trường bị bắn.
Học bạ điện tử có hạn chế được tiêu cực trong đánh giá điểm số?
Tiến tới "khai tử" học bạ giấy, sử dụng học bạ điện tử
Học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ có chữ ký xác thực của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý, có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số. Sau thời gian triển khai, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo nhận thấy những lợi ích thiết thực mà học bạ điện tử đem lại như thuận tiện trong lưu trữ quản lý và sử dụng học bạ ở các trường.
Thầy giáo Nguyễn Thiều Uyên - Hiệu trưởng Trường THCS Gia Cẩm (Phú Thọ) cho biết, từ năm học 2021 - 2022, nhà trường áp dụng học bạ điện tử cho học sinh khối 6, đến năm học 2022 - 2023 thực hiện với khối 7 và lộ trình đến sẽ áp dụng với toàn bộ các khối trong những năm học tiếp theo.
Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang sử dụng học bạ điện tử đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, quản lý sổ sách, thuận tiện lưu trữ, bảo quản. Đặc biệt, phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong giáo dục, tránh các tiêu cực trong đánh giá, điểm số.
Phòng Tin học của Trường Tiểu học Tân Dân (TP. VIệt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Huyền Trang
Về việc thực hiện nhập điểm trên hệ thống sổ điểm điện tử, một thầy hiệu trưởng một trường THCS cho biết, nhờ có sổ điểm điện tử, nhà trường mới tiến hành theo dõi dễ dàng khâu nhập điểm kiểm tra thường xuyên, điểm giữa, cuối kỳ. Sử dụng sổ điểm điện tử có lợi thế là giúp lãnh đạo nhà trường kiểm tra kịp thời, phát hiện những dấu hiệu bất thường trong công tác chấm, nhập điểm của giáo viên.
Đặc biệt, trong đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của người học ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc sử dụng sổ điểm điện tử cũng có ưu điểm nhất định. Cụ thể, trường hợp những học sinh được 0 điểm, 1 điểm thì nhà trường sẽ can thiệp kịp thời đến giáo viên bộ môn để đổi mới, lựa chọn phương pháp kiểm tra, đánh giá hợp lý hơn, tránh tình trạng không đánh giá đúng năng lực, thế mạnh dẫn đến thiệt thòi cho các em. Đồng thời, trường giám sát cách đánh giá, nhận xét của giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. "Tuy nhiên, để tránh phát sinh những rủi ro, hiện nay, với sổ điểm điện tử, nhà trường vẫn phải in ra bản giấy để lưu trữ song song với bản mềm điện tử".
Cô giáo Đặng Thị Chung – giáo viên Trường THCS Gia Cẩm chia sẻ: Lợi ích đầu tiên từ việc sử dụng học bạ điện tử mang lại chính là giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm áp lực sổ sách, dễ dàng ký học bạ mọi lúc, mọi nơi thông qua hình thức ký số. Qua đó đã giảm bớt áp lực, để giáo viên có thêm thời gian chuyên tâm cho việc dạy học. Về phía phụ huynh và học sinh, sử dụng học bạ điện tử sẽ giúp tra cứu kết quả học tập của con em một cách dễ dàng, qua đó theo dõi được tình hình học tập của con em mình.
Theo ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), mặc dù cũng gặp khó khăn khi chuyển sang học bạ điện tử như một số giáo viên tiếp cận công nghệ chậm, nhưng sau khi tập huấn triển khai, giáo viên nhận được những lợi ích thiết thực từ các công cụ này mang lại sự hào hứng và tích cực khi sử dụng. Các phần mềm hiện đang được các trường trong quận Ba Đình triển khai đã được chọn lọc và mang tính đồng bộ, liên thông và theo đúng các quy định của pháp luật nên không tạo thêm áp lực mà ngược lại, giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên về hồ sơ, sổ sách.
Học bạ điện tử tuy vẫn còn những mặt hạn chế nhưng không thể thừa nhận những lợi ích nó mang lại cho tương lai. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần đẩy nhanh nghiên cứu để hoàn thiện và thống nhất, đồng bộ hệ thống để áp dụng trong các cơ sở giáo dục trên cả nước, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành giáo dục.
Sẽ làm học bạ điện tử trên toàn quốc
Theo ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã công bố xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành, trong đó loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy. Bộ khuyến khích các nhà trường, địa phương dùng các ứng dụng học bạ điện tử. Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Tiền Giang... đã thực hiện. Tuy nhiên, mỗi địa phương triển khai học bạ điện tử theo một hệ thống riêng, không thống nhất và không công nhận lẫn nhau. Điều này dẫn tới một số hạn chế như học sinh chuyển trường sang tỉnh khác vẫn phải xin học bạ truyền thống, phải nộp học bạ giấy khi xét tuyển đại học.
"Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu thí điểm triển khai học bạ, sổ điểm điện tử trên quy mô quốc gia ngay trong năm học này, làm cơ sở hướng dẫn việc quản lý, sử dụng học bạ điện tử thống nhất trên cả nước".
Đại diện Cục Công nghệ thông tin giải thích đây là dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác nhận của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý, có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số. Việc triển khai học bạ điện tử sẽ kết hợp tái cấu trúc quy trình tạo lập, quản lý sao cho đơn giản, thuận tiện nhất. "Việc sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đảm bảo thuận tiện trong lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường; giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên, nhà trường, đồng thời minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện học sinh; hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập".