Tin tức 24h: Trước ít người ăn, phần thịt lợn này bất ngờ đắt đỏ, 600.000 đồng/kg vẫn cháy hàng

K.T - Ngày 12/09/2021 19:10 PM (GMT+7)

Ngày trước, phần thịt lợn này có giá rẻ, thậm chí nhiều người còn chê không ăn, nay nó là "hàng hot" được nhiều bà nội trợ tìm mua.

Trước ít người ăn, phần thịt lợn này bất ngờ đắt đỏ, 600.000 đồng/kg vẫn cháy hàng

Thời gian gần đây, trên chợ mạng nhiều tiểu thương rao bán một loại thịt lợn có giá lên tới 300.000 đồng/kg, hàng nhập ngoại còn lên tới 600.000 đồng/kg. Theo quảng cáo, đây là phần thịt ngon nhất của con lợn được gọi là nạc nọng lợn (nọng heo).

Nạc nọng là phần thịt lọc ra từ má lợn. Mỗi con lợn chỉ lấy được rất ít nạc nọng, ví dụ con lợn nặng 2 tạ thì phần nạc nọng chỉ có khoảng 1kg nên số lượng bán ra thị trường không nhiều. Phần thịt này mềm giòn, có xen lẫn các vân mỡ mỏng, sau khi chế biến vẫn rất mềm, béo nhưng không ngấy, vị ngọt đậm đà. 

Thịt nạc nọng có giá đắt hơn nhiều so với thịt ba chỉ hay thịt thăn

Thịt nạc nọng có giá đắt hơn nhiều so với thịt ba chỉ hay thịt thăn

Trước đây, nạc nọng có giá rẻ, dân buôn ít khi lọc riêng ra mà để bán cùng với má lợn, hoặc bán kèm với mũi, tai lợn. Nếu có lọc riêng ra thì giá cũng không đắt như thịt mông hay thịt thăn. 

Khoảng 2 năm trở lại đây, nạc nọng bất ngờ lên cơn sốt, trở thành "hàng hot", giá cũng từ đó tăng chóng mặt. Ở các chợ dân sinh hay chợ mạng, nạc nọng đắt hơn nhiều so với các phần thịt khác. Trong siêu thị, nạc nọng của Meat Deli lên tới 416.000 đồng/kg nhưng vẫn luôn cháy hàng. 

Trên chợ mạng, thịt nọng heo được nhiều người hỏi mua

Trên chợ mạng, thịt nọng heo được nhiều người hỏi mua

Nạc nọng lợn iberico giá 600.000 đồng/kg

Nạc nọng lợn iberico giá 600.000 đồng/kg 

Thậm chí, nạc nọng lợn Iberico Legado (lợn đen Tây Ban Nha nổi tiếng thế giới vì được nuôi chăn thả tự nhiên trên các vùng đồi, thức ăn chủ yếu là thảo dược) bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch còn có giá 600.000 đồng/kg.

Chị Lan Hương - tiểu thương bán thịt ở chợ Thành Công, Đống Đa, Hà Nội - cho biết hồi đầu mới lên "cơn sốt", nọng heo còn đắt gấp đôi thịt ba chỉ, bây giờ giá có hạ nhiệt hơn đôi chút. "Hiện tại tôi bán nọng heo giá 220.000 đồng/kg, mỗi ngày chỉ có 2-3kg nên sáng sớm là hết veo. Nhiều hôm có khách đặt trước nên tôi để dành cho họ chứ không bày ra bán", chị Hương nói. 

Lý giải nguyên nhân phần thịt này "gây sốt", chị Hương cho biết nhiều người đánh giá đây là phần thịt ngon nhất của con lợn, ăn giòn, ngọt thịt, mỡ và nạc đan xen, không bị ngấy như thịt thăn hay thịt ba chỉ. Hơn nữa, phần thịt này hiếm, trong khi đó dân tình lại tìm mua rất nhiều nên giá cũng bị đẩy lên cao. 

Nọng lợn làm xá xíu, nướng hay luộc đều hấp dẫn

Nọng lợn làm xá xíu, nướng hay luộc đều hấp dẫn

Là fan cuồng của món nạc nọng nướng cũng như nạc nọng áp chảo, chị  Diệu (ở Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Trước đây tôi nghĩ rằng thịt ba chỉ, thịt thăn là những loại thịt ngon nhất của con lợn nhưng một hôm đi ăn nhà hàng, chị đồng nghiệp gọi món thịt nọng xá xíu, tôi thử ăn 1 lần mà nghiện đến tận giờ luôn. Sau đó, tôi đi chợ và siêu thị chỉ lùng mua nọng lợn để chế biến các món ăn".

Chị Diệu thừa nhận, dù nọng lợn giá đắt nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo, tẩm ướp gia vị rồi cho vào nồi chiên không dầu làm món nướng hoặc chỉ luộc đơn giản chấm mắm cũng rất hấp dẫn.

"Có hôm tôi vào siêu thị mua 1 khay nạc nọng chỉ hơn 3 lạng giá đã 135.000 đồng. Nhưng cũng may còn mua được. Lúc tôi chờ tới lượt thanh toán, nhiều người hỏi mua nạc nọng nhưng nhân viên báo đã hết hàng", chị Diệu (ở Hai Bà Trưng) cho hay. 

(Theo Dân Việt)

Xôn xao thầy giáo cấp III ở Quảng Ninh "gạ tình" học sinh, nhà trường lên tiếng!

Vừa qua, sự việc một nữ sinh đã gửi email về phía nhà trường chia sẻ về việc bị thầy giáo Trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhắn tin tán tỉnh đã gây xôn xao dư luận. 

Tin nhắn thầy N.D.H gửi cho H.M.

Tin nhắn thầy N.D.H gửi cho H.M.

Theo chia sẻ, nữ sinh tên là H.M (niên khóa 2018 - 2021), phải chịu và chấp nhận sự quấy rối từ thầy N.D.H.- giáo viên đang công tác tại trường THPT Cẩm Phả.

Sau khi đăng tải câu chuyện của mình, một số học sinh trường THPT Cẩm Phả đã lên tiếng và thừa nhận đã từng là nạn nhân bị thầy H. nhắn tin rủ đi chơi hoặc tán tỉnh, đôi lúc còn bị thầy giáo đụng chạm hay quấy rối trong giờ học.

Ngoài ra, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh chụp lại nhiều tin nhắn được cho là của thầy H. với học sinh, có nội dung trên mức thầy trò.

Theo những tin nhắn này, thầy H. nhắn với các em học sinh chủ yếu là rủ đi xem phim, uống cà phê, đi dạo... nhưng yêu cầu học sinh không được để ai biết và phải xóa tin nhắn sau khi trao đổi.

Vụ việc trên khiến nhiều học sinh, phụ huynh phẫn nộ và yêu cầu nhà trường cần xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm.

Liên quan đến sự việc này, trường THPT Cẩm Phả đã có thông tin phản hồi trên trang Facebook của nhà trường.

Cụ thể nội dung như sau: "Hiện nay trước nhiều thông tin đăng tải việc một học sinh có phản ánh về thầy giáo trong nhà trường sử dụng ngôn ngữ giao tiếp không phù hợp, làm ảnh hưởng đến học sinh và nhà trường. Ban Lãnh đạo đã tiếp nhận thông tin và đang tích cực phối hợp với các bên liên quan cùng các cơ quan chức năng để xác minh, giải quyết sự việc này.

Nhà trường kính mong các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và các em học sinh không chia sẻ, bình luận thông tin gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà trường.

Nhà trường xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý vị và sẽ thông tin sớm nhất khi có kết luận!".

(Theo Người Đưa Tin)

Mất giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 có được tiêm tiếp mũi 2?

Theo ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống Tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế. Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19.

Trong trường hợp một số người dân khi đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVId-19 nhưng đã làm thất lạc giấy chứng nhận tiêm hoặc thông tin chưa được cập nhật lên hệ thống tiêm chủng, ông Nam cho hay, hầu hết người đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 đều nằm trong đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và của Bộ Y tế quy định nên khi đến lịch tiêm mũi 2 sẽ được cơ quan, tổ chức, khu dân cư thông báo.

Tin tức 24h: Trước ít người ăn, phần thịt lợn này bất ngờ đắt đỏ, 600.000 đồng/kg vẫn cháy hàng - 6

Hầu hết, sau khi tiêm mũi 1, người dân sẽ nhận được giấy chứng nhận đã tiêm của cơ sở tiêm chủng và lần sau đi tiêm mũi 2 thì mang theo.

Tuy nhiên, trường hợp bị thất lạc giấy xác nhận tiêm lần 1 và không có thông tin chứng nhận tiêm trên cổng thông tin tiêm chủng hay Sổ Sức khỏe điện tử, người dân vẫn được tiêm mũi 2 vì đã nằm trong danh sách kế hoạch tiêm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận trên 34 triệu liều vắc xin COVID-19 từ các nguồn khác nhau. Cập nhật đến sáng ngày 12/9, cả nước đã tiêm chủng gần 28,3 triệu liều vắc xin.

Số vaccine chưa tiêm còn lại tập trung tại một số địa phương đơn vị, trong đó có khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 8/9.

Về kết quả tiêm ít nhất 1 liều cho nhóm từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương tính đến ngày 11/9, Bộ Y tế cho biết TP HCM đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai đã tiêm 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội đã tiêm 4,4 triệu liều (đạt 77%).

Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).

(Theo Tiền Phong)

Giá vàng trong nước

Chốt phiên giao dịch tuần này, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM đóng cửa tại 56,60-57,30 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội chốt tuần tại 56,60-57,75 triệu đồng/lượng.

Các thương hiệu nhỏ: Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ đóng cửa tuần giao dịch 50,40-51,60 triệu đồng/lượng; Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu duy trì 51,51-52,21 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…

Tuần qua, thị trường vàng trong nước ảm đạm hơn so với diễn biến của tuần trước. Số phiên giao dịch các thương hiệu “đóng băng” tăng lên, ngoại trừ thương hiệu vàng quốc gia SJC được cập nhật thường xuyên nhất.

Tính chung cả tuần qua, giá vàng SJC giảm 150 nghìn đồng, trong khi giá vàng Doji lại tăng 150 nghìn đồng và khoảng cách mua vào và bán ra cũng được doanh nghiệp này tăng lên 1,15 triệu đồng mỗi lượng so với tuần trước là tròn 1 triệu đồng.

Giảm mạnh nhất tuần là giá vàng thương hiệu NPQ với 200 nghìn đồng/lượng.

(Theo Báo Giao Thông)

Bộ Công Thương thông tin kết quả kiểm tra vụ mì Hảo Hảo

Liên quan đến vụ mì Hảo Hảo và sản phẩm miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam bị cảnh báo có chứa chất cấm, phía Bộ Công Thương đã có kết quả kiểm tra và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, dựa trên kết quả kiểm nghiệm của phòng thí nghiệm tại Stuttgart, Cộng hòa Liên bang Đức, RASFF (Hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU) - đã phát đi cảnh báo về việc phát hiện ra chất 2-Chloroethanol (viết tắt là 2-CE, là một trong những chất chuyển hóa của EO) vượt ngưỡng quy định tại EU đối với sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good được nhập khẩu và phân phối tại EU thông qua đại lý ở Hà Lan.

Căn cứ vào cảnh báo này, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Ireland đã tiến hành cảnh báo và thu hồi các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường.

Theo các cảnh báo trên, mặc dù việc sử dụng thực phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính nhưng có khả năng phát sinh các vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng trong một thời gian dài, liên tục. Cùng bị cảnh báo thu hồi còn có sản phẩm mì ăn liền của một số quốc gia trong khu vực.

Song song với việc đánh giá, điều tra tìm hiểu nguyên nhân, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các buổi tham vấn kỹ thuật với các nhà khoa học, tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước về khả năng xuất hiện của EO trong công nghệ sản xuất phụ gia.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã rà soát lại các kết quả kiểm tra, hậu kiểm đã tiến hành từ giai đoạn 2019 đến nay đối với các sản phẩm tương tự. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về An toàn thực phẩm của Việt Nam.

Thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã khẩn trương, tích cực điều tra nguyên nhân phát sinh trong sản phẩm và đã có 2 báo cáo gửi Bộ Công Thương vào ngày 28/8 và ngày 10/9/2021.

Theo đó, Công ty đã tiến hành rà soát toàn bộ quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và lấy mẫu một số sản phẩm để tiến hành phân tích đối với chỉ tiêu EO tại đơn vị kiểm nghiệm là Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng.

Kết quả kiểm nghiệm của đơn vị kiểm nghiệm cho thấy, tất cả các mẫu kiểm nghiệm đều không phát hiện EO (với phép thử có giới hạn phát hiện là 0,003 mg/kg), tuy nhiên có phát hiện 2-CE với các giá trị phát hiện từ 0,62 mg/kg đến 5,98 mg/kg.

Trao đổi với Người Đưa Tin, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo của Công ty, bước đầu đã phát hiện có nhà cung cấp sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu và kết quả phân tích nguyên liệu của một số nhà cung cấp cũng phát hiện có chất 2-CE trong sản phẩm.

Tuy nhiên, để có thể xác minh đầy đủ, nghiên cứu triệt để nhằm làm rõ nguyên nhân, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đề nghị tiếp tục cần thêm thời gian.

Căn cứ trên kết quả báo cáo, Bộ Công Thương đã yêu cầu Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tiếp tục tập trung rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng, điều tra, đánh giá chi tiết về chủng loại, thành phần nguyên liệu, quá trình khử khuẩn, nguồn gốc và lượng EO dùng khử khuẩn và tăng cường các biện pháp kiểm soát tương ứng nhằm ngăn chặn việc phơi nhiễm EO của thực phẩm.

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh và kiểm soát chặt chẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bài bản về những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người đối với những hóa chất mới, đa tính năng có khả năng xuất hiện trong thực phẩm để có biện pháp quản lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, triển khai lấy mẫu giám sát chủ động trên diện rộng các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam, bao gồm 3 nhóm chính: Nhóm sản phẩm sản xuất trong nước; nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.

Đồng thời, tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin nhằm đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu trước khi xuất khẩu, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường và chuẩn hóa sản phẩm đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu.

(Theo Người Đưa Tin)

Mua con mực kích thước khủng về ăn, rạch bụng bất ngờ thấy 11 thứ khác bên trong
Đã có nhiều trường hợp khách hàng mua mực về ăn nhưng rạch bụng thấy bên trong lại toàn cá.

Sản phẩm tiêu dùng

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sản phẩm tiêu dùng