Áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, công an đã nhanh chóng bắt giữ nghi phạm sát hại bé trai 3 tuổi vào ngày 11/2 (tức mùng 2 tết).
Hà Nội: Bắt giữ nghi phạm sát hại bé trai 3 tuổi ngày mùng 2 tết
Ngày 12/2, Công an TP Hà Nội đang phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ một vụ án mạng xảy ra tại xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn.
Theo thông tin ban đầu, vụ án mạng xảy ra vào ngày 11/2. Nạn nhân là một bé trai 3 tuổi.
Sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng chức năng đã khẩn trương tiếp cận hiện trường để điều tra. Bằng việc áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, công an nhanh chóng xác định nghi phạm sát hại bé trai là người đàn ông hàng xóm.
Hiện trường vụ án (Ảnh: Sóc Sơn 24h)
Hiện nghi phạm đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Danh tính và nguyên nhân dẫn tới vụ án mạng chưa được công an công bố.
Vẫn chưa tìm thấy cô gái mất tích trước lúc về quê ăn Tết
Ngày 12-2, liên quan vụ cô gái ở TP Thủ Đức mất tích trước lúc về quê ăn Tết, Công an TP Thủ Đức (TP HCM) vẫn đang khẩn trương tìm kiếm chị Vi Thị Thống (25 tuổi, ở trọ đường Quang Trung, phường Tăng Nhơn Phú B).
Chị Vi Thị Thống.
Đến 11 giờ trưa cùng ngày, mọi người chưa tìm thấy chị Thống. Hôm nay là ngày thứ 5 chị Thống mất tích.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, người nhà chị Thống cho biết chị hiền, bình thường ít nói chuyện với người lạ.
Cũng theo người nhà chị Thống, chị ở trọ chung với anh Tuấn (người yêu chị Thống, đã về quê ở tỉnh Phú Yên cách đây khoảng 1 tháng) gần 2 năm. Anh Tuấn từng về quê chị Thống ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai một lần. Mấy hôm hay, anh Tuấn cũng liên tục hỏi thăm tin tức về chị Thống.
Camera an ninh ghi lại hình ảnh chị Thống tan làm về nhà hôm 8-2.
Trong khi đó, anh Tuấn từ chối cung cấp thông tin liên quan đến chị Thống với phóng viên.
Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, ngày 8-2, chị Thống sau giờ làm ở Công ty TNHH Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B) nhắn tin với người thân rằng mình chuẩn bị về quê ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai để ăn Tết.
Tuy nhiên, cha mẹ chị Thống chờ mãi mà không thấy con về. Sau đó, gia đình cũng mất liên lạc với chị.
Đến sáng 9-2 (30 Tết), qua điện thoại di động, anh Tuấn nói với gia đình chị rằng đã nhờ người đến phòng trọ tìm chị thì thấy cửa đã khóa ngoài. Người này phá khóa để vào phòng nhưng không thấy chị Thống.
Trưa 9-2, gia đình chị Thống đến phòng trọ của chị ở TP Thủ Đức tìm con gái thì thấy phòng không có sự xáo trộn. Xe máy vẫn để ở trong nhà, trên xe treo nhiều túi đồ chuẩn bị về quê.
Tuy nhiên, chiếc ba lô mà chị Thống thường dùng, điện thoại, chìa khóa xe thì không có trong căn phòng.
Gia đình chị Thống sau đó đã trình báo Công an phường Tăng Nhơn Phú B.
Cảnh sát đường thủy cứu sống người đàn ông nhảy cầu lúc rạng sáng
Vào sáng sớm 12/2, Đội Cảnh sát đường thủy số 2 thuộc Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng nhận được tin báo về 1 người nhảy xuống sông Văn Úc từ cầu Khuể, thuộc thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng (TP, Hải Phòng).
Đây là đoạn sông lớn gần cửa biển, nước sâu và chảy xiết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, thời tiết tại khu vực Hải Phòng khá lạnh.
Tổ công tác Cảnh sát đường thủy kịp thời đưa nạn nhân lên bờ đưa đi cấp cứu.
Ngay khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát đường thủy số 2 cử tổ công tác khẩn trương điều khiển xuồng máy đến khu vực trên và phát hiện nạn nhân đang chìm dưới sông, đã kịp thời cứu vớt và tiến hành sơ cứu, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Nạn nhân được xác định là ông V. T. L (SN 1982, trú quận Hà Đông, TP Hà Nội). Sau khi được chăm sóc y tế sức khỏe nạn nhân đã dần hồi phục.
Đội Cảnh sát đường thủy số 2 đã liên lạc, bàn giao nạn nhân cùng toàn bộ tài sản trên người ông V. T. L cho gia đình để tiếp tục theo dõi và chăm sóc.
Cảnh báo 5 chiêu trò lừa đảo 'nóng' trong dịp Tết
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên đán các đối tượng lừa đảo tăng cường sử dụng mạng Internet để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hải Phòng khuyến cáo người dân phòng ngừa 5 thủ đoạt lừa đảo qua mạng phổ biến trong dịp Tết như sau:
1. Quảng cáo, giới thiệu việc làm để có thêm thu nhập: Lợi dụng nhu cầu của người dân muốn kiếm thêm việc làm để có thêm thu nhập chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các đối tượng lừa đảo sử dụng các hội, nhóm tìm việc online trên các diễn đàn, mạng xã hội đãng tải quảng cáo, tìm kiếm lao động thời vụ, như: cắt mác quần áo, gấp phong bao lì xì, bình luận sản phẩm, đánh máy văn bản tài liệu... với hứa hẹn sẽ được nhận ngay tiền công từ một đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, làm việc tại nhà, không phải đầu tư vốn... Các đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc nhưng sau khi nhận được tiền thì cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Các nạn nhân đối tượng lừa đảo hướng đến thường là người lao động có thu nhập thấp, thất nghiệp, phụ nữ nuôi con nhỏ, học sinh, sinh viên, v.v...
2. Giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra các chương trình tri ân, tặng quà, khuyến mại trong dịp Tết: Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội hoặc gọi điện thoại, mạo danh các công ty có thương hiệu như Công ty FPT, Siêu thị Điện máy xanh, Tokyo life...liên hệ với nạn nhân để thông báo các chương trình khuyến mãi, tri ân tặng quà dịp Tết, tổ chức các cuộc thi hay thông báo khách hàng đã trúng thưởng các phần quà có giá trị cao như xe máy SH, điện thoại Iphone, sổ tiết kiệm có giá trị vài trăm triệu đồng... Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng. Nhưng sau khi nhận được tiền, các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt tiền.
3. Bán vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ: Lợi dụng nhu cầu đi lại gia tăng trong dịp Tết, các đối tượng lừa đảo lập các trang web hoặc các trang facebook giả mạo để đăng tải quảng cáo về các gói combo vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ, ưu đãi với số lượng có hạn, hỗ trợ người dân về quê ăn Tết. Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo là nhân viên, đại lý ủy quyền của các hãng bay, có ưu đãi chiết khâu cao, mức giá hấp dẫn; sử dụng đồng bọn còn giả làm khách đặt mua vé, đăng bình luận, tạo hình ảnh giả về việc mua vé thành công. Khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ.
4. Cho vay tiền thủ tục nhanh, lãi suất thấp: Càng gần Tết thì nhu cầu vay tiền để chi tiêu cá nhân, gia đình càng tăng cao. Lợi dụng việc này, các đối tượng sử dụng mạng xã hội giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng. Sau đó, chúng tạo hình ảnh giả về việc vay tiền rồi yêu cầu nộp trước nhiều khoản tiền như phí mở hồ sơ, phí bảo hiểm để được giải ngân. Sau khi chuyển tiền xong, người vay không nhận được tiền giải ngân và không liên lạc được với đối tượng.
5. Giả mạo hoặc chiếm đoạt tài khoản Facebook của du học sinh, người sinh sống ở nước ngoài, nhắn tin cho gia đình, bạn bè nhờ chuyển tiền: Các đối tượng lập tài khoản mạng xã hội giả mạo hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội (thường là Facebook) của du học sinh, người sống ở nước ngoài, sau đó nhắn tin cho gia đình, bạn bè hoặc người thân ở Việt Nam nhờ chuyển tiền giúp. Bên cạnh đó, để tăng thêm lòng tin, các đối tượng có thể sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Deepfake) để tạo video giả mạo người thân khi gọi điện xác minh. Với thủ đoạn tinh vi trên, các đối tượng đã thực hiện chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng.