Các bạn du học sinh Việt Nam tại New Zealand có “đặc quyền” được đón năm mới đến tận… ba lần, và mỗi dịp lễ này đều có cách ăn mừng khác nhau đấy!
Nhớ về quá khứ: Tết Nguyên Đán
Trong khoảng thời gian đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19, Nguyên đã có hai mùa Tết không ở bên gia đình. Là thành viên của Hội Sinh viên Việt Nam tại Wellington, mình đã chung tay với cộng đồng người Việt tại Wellington để tổ chức hoạt động ăn mừng Tết cổ truyền.
Đây là sự kiện lớn nhất cho người Việt tại Wellington, bất kể tuổi tác hay nghề nghiệp, được tụ họp để ăn uống và vui chơi cùng nhau. Mình luôn cảm thấy thật may mắn khi được thấy hình ảnh các em bé xúng xính trong những tà áo dài chạy nhảy xung quanh ông bà ở nơi cách Việt Nam gần 10 ngàn cây số.
Ảnh: NVCC
Bên cạnh hoạt động chính thức này thì người Việt trẻ tại Wellington cũng có cách riêng để tận hưởng Tết Ta. Những mùa Tết gần đây mình đều được bạn bè rủ đến những flat (nhà thuê của sinh viên) khác nhau để nấu nướng, ăn uống, chơi bài và… hát karaoke.
Có những cô chú ở Wellington và Auckland chuyên nấu và bán đồ ăn Việt Nam với những món rất “đắt show” vào mùa Tết như chân gà ngâm tỏi ớt, bánh tét, chả lụa, xôi gấc… Tuy giá cả khi quy đổi thành tiền Việt hơi “đau lòng” nhưng tụi mình đương nhiên đều rất hoan hỉ vì vừa được ăn món truyền thống, vừa được ủng hộ các cô chú trong cộng đồng.
Được sum vầy bên bạn bè và ăn đồ ăn Tết, rồi dậy sớm lúc 6h sáng mùng Một để gọi về đúng giao thừa ở Việt Nam đã cho phép Nguyên dù ở rất xa nhưng vẫn cảm thấy thật gần với nơi mình sinh ra.
Biết ơn hiện tại: Tết Tây
Cách ăn mừng Tết Tây ở thủ đô Wellington, New Zealand rất giống với cách giới trẻ Sài Gòn đón Giao thừa ở phố đi bộ Nguyễn Huệ: Xập xình, đông đúc và nhiều năng lượng. Khác với ý nghĩa sâu lắng và đậm tính gia đình của dịp Giáng sinh tại New Zealand, năm mới ở đây là cơ hội để tụ họp bạn bè ở những bữa tiệc thâu đêm tại nhà hay cùng nhau ra phố để nhảy nhót từ bar này sang bar khác.
Thế nhưng, việc đi quẩy không phải là cách duy nhất để chúng mình thể hiện tinh thần sống hết mình trong hiện tại đâu (và chính bản thân Nguyên cũng không thích nơi đông người). Một phong cách ăn mừng phổ biến khác là… nhảy xuống biển.
Ảnh: NVCC
Chiều ngày cuối năm 2021, mình và các bạn cùng nhà đã lái xe ra vịnh Princess ở phía Nam Wellington. Tụi mình đi bộ dọc bờ biển vài tiếng đồng hồ để thu gom củi vụn và chất đống sau một vách đá kín gió. Khi trời bắt đầu chập tối (khoảng 10 giờ vì vào mùa Hè Mặt Trời lặn rất muộn), tụi mình bắt đầu đào hố để xây lửa trại. Trong sự “bàng hoàng” khi nhận ra không ai mang xẻng, 4 đôi tay đã xúc lấy xúc để từng vố cát mịn trong khi 8 cái đầu gối mỗi lúc một lún sâu vào bãi biển.
Tụi mình rốt cuộc cũng nhóm được lửa 20 phút trước nửa đêm, rồi bọc kumara (giống khoai lang bản địa của Aotearoa) trong giấy bạc để vùi dưới tro và xiên kẹo dẻo marshmallow trên những nhành cây mỏng để nướng. Sau khi chụp pô ảnh, tụi mình hẹn nhau không xem điện thoại hay nhìn đồng hồ đeo tay cho đến khi pháo hoa nổ báo hiệu năm mới. Trong những giờ phút cuối cùng của năm cũ, tất cả những gì tụi mình có là hơi ấm từ bếp lửa, hương khói trong đồ ăn, và lòng biết ơn vì vẫn ở đây cùng nhau.
Ảnh: NVCC
Khi bầu trời rực sáng ánh pháo hoa thì tụi mình lao luôn xuống làn nước biển đang phản chiếu lấp lánh và rú lên vì lạnh. Nguyên bước vào năm 2022 ướt lép nhép, ám mùi khói và no một bụng khoai. Mình không thể đòi hỏi một khởi đầu nào khác tuyệt hơn thế.
Hướng đến tương lai: Matariki, ngày Tết của người Māori
Người Māori là dân tộc bản địa của Aotearoa New Zealand trước khi thực dân châu Âu đô hộ. Mình đã rất phấn khích khi biết được rằng văn hóa Māori ăn mừng năm mới theo lịch của các chòm sao thay vì lịch dựa theo mặt trời của văn hóa phương Tây, tương tự như cách người Việt xác định ngày Tết Nguyên Đán dựa theo lịch của mặt trăng vậy.
Tết của người Māori đặt tên theo cụm sao Matariki, là dịp ăn mừng ngày cụm sao này mọc trở lại trên bầu trời đêm vào khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch hàng năm. Văn hóa Māori hiện đại công nhận chín ngôi sao trong cụm Matariki, mỗi ngôi sao đều mang ý nghĩa riêng về các yếu tố khác nhau của thế giới tự nhiên và sự sinh tồn của con người.
Ảnh: NVCC
Matariki là dịp các dòng tộc Māori tôn thờ tổ tiên từ quá khứ, tỏ lòng biết ơn những điều sung túc trong hiện tại và chuẩn bị tài nguyên để sinh sống và phát triển trong tương lai. Đặc biệt hơn, người Māori có thể đưa ra những tiên đoán cho năm mới dựa theo độ sáng của từng ngôi sao trong cụm chín sao này. Chẳng hạn, nếu ngôi sao Tupu-ā-nuku sáng rõ thì vụ mùa trong năm tới sẽ bội thu, vì đây là ngôi sao tượng trưng cho thức ăn mọc trong đất.
Từ 1940 đến 1990, truyền thống ăn mừng Matariki bị thui chột từ những chèn ép về văn hóa và chính trị mà cộng đồng Māori phải hứng chịu trong quá trình bị đô hộ. Vì vậy, việc Matariki được công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia bởi thủ tướng Jacinda Ardern vào năm 2021 đã mở ra một tương lai triển vọng cho mối quan hệ giữa chính quyền thuộc địa và người bản địa Māori.
Theo đúng lệ, người Māori ngắm cụm sao Matariki mọc, tưởng nhớ tổ tiên và cúng thức ăn lên các vì sao. Hội đồng quản lý thành phố Wellington tổ chức Matariki theo sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, vừa lưu giữ bản sắc mà cũng dễ tiếp cận cho những ai chưa thân thuộc với văn hóa bản địa. Dù chưa có cơ hội tham gia nghi thức truyền thống, Nguyên vẫn vui với cơ hội được hưởng ứng Matariki bằng cách cùng bạn bè xem biểu diễn âm nhạc dọc bờ cảng, dạo quanh các xe bán đồ ăn và ngắm pháo hoa.
Ảnh: Britannica.
Việc ăn mừng Matariki cùng bạn bè tại Aotearoa New Zealand trong hai năm vừa qua, với nhiều bạn trong số đó là người Māori, đã cho phép mình chứng kiến những giây phút đặc biệt xúc động. Vào đêm Đông lạnh lẽo, hàng trăm người đổ về bờ biển ở thủ đô Wellington bên những lửa trại đỏ hồng, chuyền tay nhau hāngī (món nướng trong lò dưới lòng đất) và ngân nga các bài hát truyền thống Māori để cầu chúc một năm mới tốt đẹp.
Tương lai của New Zealand hửng màu tươi sáng hơn khi những nghi thức thiêng liêng đã có lúc tưởng như bị mất đi mãi mãi, giờ đây sống lại dọc khắp dải đất của đám mây dài màu trắng(*).
(*) Người Māori gọi New Zealand là Aotearoa, nghĩa là “Land of the long white cloud”, tạm dịch là "dải đất của đám mây dài màu trắng".