Là người đầu tiên phát hiện thi thể nổi trên sông Đuống, ông Mạch cho biết khi xem hình ảnh căn cước công dân của Giáp Thị Huyền Trang, ông nhận định thi thể mà mình phát hiện giống Trang đến 95%.
Vụ bé gái 2 tuổi bị sát hại: Người đầu tiên phát hiện thi thể nghi nữ giúp việc nói gì?
Ngày 22/9, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ nghi án bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi ở Hà Nội.
Nghi phạm của vụ án được xác định là Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, quê Tân Yên, Bắc Giang).
Trước đó vào chiều 21/9, người dân và lực lượng chức năng phát hiện thi thể nữ giới trên sông Đuống (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với nhiều đặc biểm nhận dạng trung khớp với Giáp Thị Huyền Trang. Hiện, các lực lượng chức năng đang làm thủ tục pháp lý để xác minh người phụ nữ này có phải là nghi can Giáp Thị Huyền Trang hay không.
Ông Nguyễn Văn Mạch (61 tuổi, trú thôn Trung, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm) là người đầu tiên phát hiện thi thể nữ giới này trên sông Đuống.
Ông Mạch cho biết, khoảng 16h ngày 21/9, ông nhận được lời đề nghị giúp đỡ của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) về việc đưa thuyền chở lực lượng chức năng đi dọc sông Đuống để kiểm tra công tác PCCC hai bên sông.
Ông Mạch- người đầu tiên phát hiện thi thể nữ giới nghi bảo mẫu sát hại bé gái 2 tuổi trên sông Đuống. Ảnh nhỏ: Dân Trí
Trên thuyền có 4 người gồm ông Mạch (chủ thuyền), hai Cảnh sát PCCC và một công an xã Dương Hà. Khi thuyền đi đến khu vực bờ kè mới (thôn Hạ, xã Dương Hà), ông Mạch phát hiện một thi thể nằm úp, nổi lập lờ cách mặt nước khoảng 15cm nên nhanh chóng báo những người trên thuyền.
"Với gần 40 năm sông nước và từng vớt gần 100 xác chết nên chỉ cần nhìn qua mặt sông là tôi phát hiện ra thi thể.
Lúc đó, thi thể chỉ nổi lưng, tóc xõa nên tôi nghĩ là con trai, sau đó mới xác định nữ giới", ông Mạch kể và cho biết thời điểm phát hiện thi thể nổi cách thuyền 15m và cách bờ khoảng 50m.
Đến 18h cùng ngày, thi thể trên được ông Mạch và lực lượng chức năng đưa lên bờ, cách vị trí phát hiện ban đầu khoảng 400m.
Khi được người dân, lực lượng chức năng cho xem hình ảnh căn cước công dân của Giáp Thị Huyền Trang, ông Mạch nhận định thi thể mà mình phát hiện giống Trang 95%.
Theo ông Mạch thi thể được phát hiện cao khoảng 1m55, cắt tóc ngắn, mặt tròn. "Có thể nạn nhân đã nhảy từ cầu Đuống nên xác trôi về khu vực cầu Phù Đổng", ông Mạch nhận định.
Trong khi đó, ông V.H., quản lý bãi vật liệu xây dựng sát mép sông Đuống cho biết, khoảng 18h ngày 21/9, các cơ quan chức năng đưa một thi thể nữ giới từ sông Đuống lên bãi vật liệu do ông quản lý.
Khoảng 20h cùng ngày, công an bắt đầu khám nghiệm tử thi và kết thúc vào 23h. "Khi công an làm việc, người nhà nạn nhân đến và nhận dạng. Sau đó, nhiều người bàn tán tôi mới biết thi thể này có thể là bị can trong vụ bắt cóc, sát hại bé gái ở Gia Lâm", ông H. chia sẻ.
Liên quan đến vụ án, ngày 22/9, một lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội giết người.
Trang là người bắt cóc cháu N.H.T. (21 tháng tuổi, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội), sát hại cháu bé, đòi chuộc 1,5 tỉ đồng.
Được biết, Trang là chị cả trong gia đình có ba anh chị em. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, Trang đi dạy học nhưng do thu nhập thấp nên Trang đã xin nghỉ việc để đi làm công nhân. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trang làm việc tại một công ty giày da tại Hà Nội, thường xuyên không có mặt tại địa phương, không thực hiện việc đăng ký khai báo lưu trú, tạm trú nên chưa xác định được nơi ở hiện tại của đối tượng tại Hà Nội.
Trước đó, ngày 19/9, Công an tỉnh Hưng Yên nhận được đề nghị của Công an TP.Hà Nội về việc phối hợp xác minh, truy bắt Giáp Thị Huyền Trang là nghi can bắt cóc cháu N.T.H. đòi tiền chuộc.
Qua truy xét, đến khoảng 11h30 ngày 20/9, Công an Hưng Yên phát hiện thi thể cháu T. tại ao cá thuộc trang trại của gia đình ông Nguyễn Xuân T. (62 tuổi, ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Biển "lộc phát" và ngũ quý 7 của TP Hồ Chí Minh được chốt với mức giá không ngờ
Biển số ngũ quý 7 của TP Hồ Chí Minh trên sàn đấu giá.
Sáng 22/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã đưa 9 biển số xe ô lên sàn đấu giá trong 3 khung giờ gồm: 66A-234.56, 51K-868.68, 20A-686.88 (8h - 9h); 35A-366.66, 99A-668.68, 61K-268.68 (9h15 - 10h15); 81A-367.89, 51K-777.77, 15K-166.88 (10h30 - 11h30).
Đáng chú ý trong sáng nay, hai biển số được nhiều người quan tâm là 51K-868.68 và 51K-777.77 thuộc biển số TP.Hồ Chí Minh.
Mở đầu phiên đấu giá khung từ 8h-9h, ghi nhận mức giá khá cao ở biển số TP Hồ Chí Minh 51K-868.68 với giá trúng là hơn 4,8 tỷ đồng. Hai biển số còn lại có mức giá lần lượt là Đồng Tháp 66A-234.56 ở mức giá 255 triệu đồng và Thái Nguyên 20A-686.88 có giá 560 triệu đồng.
Ở khung giờ 9h15 – 10h15, biển số Bình Dương 61K – 268.68 được chốt với giá hơn 1,1 tỷ đồng. Hai biển số Ninh Bình 35A-366.66 và Bắc Ninh 99A-668.68 có mức giá bằng nhau là 545 triệu đồng.
Khung giờ 10h30 – 11h30, biển số TP Hồ Chí Minh 51K-777.77 được chốt ở mức giá hơn 3,6 tỷ đồng, biển Hải Phòng 15K-166.88 có giá 920 triệu đồng và biển số Gia Lai 81A-367.89 ở mức giá 450 triệu đồng.
Biển số 51K-777.77 là biển ngũ quý thứ hai của TP Hồ Chí Minh đã được chốt giá. Trước đó, biển 51K-888.88 TP Hồ Chí Minh được chốt với mức giá kỷ lục là hơn 32 tỷ đồng.
So với biển số ngũ quý 8 của TP Hồ Chí Minh thì hai biển số ngũ quý 7 (51K-777.77) và biển số "lộc phát" (51K-868.68) được chốt ở mức giá rẻ hơn rất nhiều.
Buổi chiều cùng ngày, sẽ đấu giá các biển số: 43A-777.79, 90A-222.22, 36A-989.99 (từ 13h30 đến 14h30); 30K-568.88, 66A-233.33, 92A-366.66 (từ 14h45 đến 15h45); 38A-555.55, 25A-068.68, 51K-888.68 (từ 16h đến 17h).
Hà Nội thông qua 7 chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vụ cháy chung cư mini
Sáng 22/9, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy tại số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12/9 vừa qua.
Trước đó, tại tờ trình, UBND TP Hà Nội đề xuất 7 nhóm nội dung hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến 9,26 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình bị thiệt hại trong vụ cháy.
Cụ thể, về hỗ trợ người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế, ngoài các chính sách hỗ trợ đã thực hiện, tờ trình đề xuất hỗ trợ, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/người, trong đó 4,4 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 21 của Chính phủ; 3 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 22,6 triệu đồng từ ngân sách thành phố cho 42 người với tổng kinh phí là 1,26 tỷ đồng.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy tại số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Về hỗ trợ kinh phí cấp cứu và điều trị nạn nhân tại các cơ sở y tế, theo báo cáo của Sở Y tế, các bệnh viện của Trung ương và Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị khoảng 50 bệnh nhân được ngân sách TP thanh toán theo chi phí cấp cứu và điều trị thực tế (ngoài Bảo hiểm y tế thanh toán) 2,5 triệu đồng/người Sở Y tế chi trả các khoản kinh phí điều trị cho các cơ sở y tế trực tiếp cấp cứu và điều trị nạn nhân.
Về hỗ trợ tiền tạm cư đối với gia đình, cá nhân cư trú tại 37, ngách 27/90 Khương Hạ có 45 căn hộ với 146 người cư trú. Sau hoả hoạn người dân ở đây không còn nơi cư trú, thành phố đề xuất hỗ trợ tạm cư 6 tháng bằng tiền mặt cho 35 hộ gia đình mức hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng/hộ. 40 cá nhân ở ghép trong căn hộ hoặc hộ gia đình có 1 người, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng/người.
Về hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên (tương ứng 3 năm học và kinh phí mua cặp sách, đồng phục…).
Tờ trình cũng đề xuất hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ mồ côi, với mức mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 70 triệu đồng/trẻ mồ côi cha, hoặc mẹ. Chính sách hỗ trợ này được chi trả một lần bằng tiền mặt, do ngân sách TP cấp. Kinh phí hỗ trợ này không bao gồm kinh phí trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng.
Tờ trình cũng hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong 50 triệu đồng/người tử vong.
Hỗ trợ tang lễ, hỏa táng cho 56 trường hợp (10 triệu đồng/1 trường hợp) với tổng kinh phí 560 triệu đồng. Kinh phí ngân sách TP chi trả cho đơn vị thực hiện theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Gần 1.800 trụ điện, cột đèn được mặc "áo giáp" ở TP.HCM: Quận 5 nói gì?
Gần 1.800 trụ điện, cột đèn được mặc "áo giáp"
Chiều 21/9, tại buổi họp báo về kinh tế- xã hội TP.HCM, ông Lê Tấn Tài- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 đã thông tin về việc ốp thảm cỏ nhựa tại các trụ điện, trụ đèn chiếu sáng trên địa bàn.
Theo báo Vietnamnet, ông Lê Tấn Tài cho biết, việc quấn cỏ nhựa trên các cột đèn, trụ điện do Ủy ban phát động, người dân và địa phương cùng thực hiện từ năm 2019. Tổng kinh phí thực hiện hơn 280 triệu đồng, do nhà hảo tâm và người dân đóng góp.
Đến nay, quận 5 đã có 495 cột điện và 1.286 cột đèn được quấn cỏ nhựa. Tuy nhiên, theo thời gian một số tấm cỏ nhựa đã xuống cấp và số này cũng đã được các đơn vị vận động mạnh thường quân, nhà tài trợ thay mới.
Ông Lê Tấn Tài - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5. Ảnh: Lao động
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 cho hay, việc quấn cỏ nhựa cho cột điện được quận ưu tiên chọn lựa là giải pháp đảm bảo mỹ quan đô thị và sản phẩm này có thể sử dụng được 1-2 năm.
"Đây là giải pháp trước mắt trong khi chờ phương án cuối cùng trong việc xử lý mạnh tay các đối tượng dán quảng cáo rác từ chính quyền. Việc quấn cỏ nhựa nói trên nhằm giảm áp lực cho cán bộ mặt trận tại cơ sở khi phải thường xuyên xử lý cạo và bóc các quảng cáo dán trên các cột điện này”, ông Lê Tấn Tài cho hay.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, khi thực hiện quấn cỏ lên các cột điện, có mặt được và chưa được. Nhưng nếu nhìn tổng thể thì đây là việc làm tốt, là công sức của cả tập thể khi huy động xã hội hóa từ người dân tham gia .
Về những lo ngại mất an toàn, ông Tài cho biết, địa phương chưa ghi nhận sự cố cháy, rò rỉ điện liên quan việc quấn cỏ nhựa ở trụ điện.
Ông Tài cũng cho biết, khi triển khai thực hiện quận đã rà soát, xin góp ý của người dân, ý kiến giải pháp từ công ty chiếu sáng, điện lực Chợ Lớn. Sắp tới, quận sẽ tổng rà soát đưa ra quy chuẩn chung như dùng loại cỏ gì, cách quấn như thế nào đảm bảo mỹ quan, an toàn.
Cỏ nhựa quấn quanh trụ bêtông không ảnh hưởng kết cấu hay an toàn điện
Liên quan đến sự việc, trả lời báo VnExpress, ông Bùi Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia cho biết, cỏ nhựa quấn quanh trụ bêtông không ảnh hưởng kết cấu hay an toàn điện. Trụ đèn được thiết kế lớn dần từ trên xuống giúp nước mưa chảy nhanh, trụ mau khô, song khi phủ cỏ nhựa nước chảy chậm hơn.
Theo ông Kiên, trước đây đơn vị từng thử nghiệm sơn chống dính trên các tủ điện nhưng chi phí rất cao lại không hiệu quả. "Ngăn dán rao vặt phụ thuộc vào việc xử lý hành chính hoặc hình sự chứ các cách làm chống dán rao vặt lên trụ điện, chiếu sáng khó khả thi", ông Kiên nói.
Cột điện được quấn cỏ nhựa nhưng vẫn không ngăn được nạn dán tờ rơi, quảng cáo. Ảnh: Vietnamnet, VnExpress, Lao động
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Hùng, chuyên gia kỹ thuật điện, cho hay trụ đèn chiếu sáng cao 12-15 m, có dây điện luồn bên trong, đảm bảo cách điện với thân trụ nên lớp cỏ nhựa đọng nước không gây nhiễm điện. Ngoài ra, trụ đèn chiếu sáng có thiết kế tự động ngắt khi rò rỉ điện. Tuy vậy địa phương cần lường trước tình huống khách quan như người dân đổ rác quanh gốc, vứt tàn thuốc đang cháy lan ra lớp cỏ ảnh hưởng kết cấu trụ. Ngoài ra với trụ điện bằng bêtông đấu nối nhiều đường dây hạ thế, cáp viễn thông dễ chập điện tạo ra tia lửa rơi xuống gây cháy cỏ nhựa.
Ông Hùng đề xuất đơn vị quản lý thay vì dùng cỏ nhựa có thể dán giấy nhám - vật liệu có bề mặt xù xì và cùng màu trụ điện vừa đảm bảo mỹ quan, chống rao vặt lại an toàn.
Được biết, dán quảng cáo, rao vặt xuất hiện ở TP HCM nhiều năm qua, chính quyền đưa ra nhiều biện pháp, song không thể xóa hết.