Vụ hỏa hoạn xảy ra trong đêm tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đã cướp đi sinh mạng của 3 mẹ con chị L.. Không khí tang thương bao trùm gia đình nhỏ vào những ngày giáp Tết khiến ai cũng phải xót xa.
Vụ cháy nhà, 3 mẹ con thiệt mạng ở Thanh Hóa: Nỗi đau người ở lại
"Hai vợ chồng đều sống hiền lành, chất phác, nhưng tai ương cứ liên tiếp đổ xuống gia đình"
Báo Công lý đưa tin, những ngày cuối năm, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang cận kề, trong khi nhà nhà, người người đang tất bật sắm sửa đồ Tết, thì không khí tang thương lại bao trùm gia đình anh Lê Ngọc Tuấn (SN 1983), ở thôn 4, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Người thân đau đớn trước sự ra đi đột ngột của 3 mẹ con. Ảnh: Công Lý
Chỉ sau một đêm, anh Tuấn đã vĩnh viễn mất đi vợ và hai con nhỏ. Vợ của anh là chị T.T.L. (SN 1984) và hai con là L.T.N.S. (SN 2013) và L.T.N.T. (SN 2018) đều tử nạn trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà của gia đình ở thôn 4, xã Vĩnh Hưng vào đêm 29/1.
Chiều 30/1, lễ tang của 3 mẹ con được tổ chức tại nhà mẹ đẻ của anh Tuấn ở thôn 5, xã Vĩnh Hưng. Rất đông người dân và chính quyền địa phương cũng đã có mặt để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình lo hậu sự.
Tại lễ tang, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh gào khóc thảm thiết, tiếng nấc nghẹn của người thân. Dường như họ vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật quá đớn đau này.
Ngồi trước bàn thờ với 3 di ảnh và 3 bát nhang nghi ngút khói, anh Lê Ngọc Tuấn gào khóc trong đau đớn tuyệt vọng gọi tên vợ và hai con. Rồi cả tiếng khóc xen lẫn tiếng nấc nghẹn của mẹ đẻ anh Tuấn: “Con dâu ngoan của mẹ ơi, hai cháu ngoan của bà ơi. Trời ơi, sống sao nổi đây hả trời, sao không cho tôi chết thay cho con dâu và các cháu của tôi”...
Bà Đỗ Thị Diễn (bác ruột của anh Tuấn) vừa khóc vừa kể lại chuyện khi nghe thông tin nhà anh Tuấn xảy ra hỏa hoạn. “Lúc đó là hơn 11h đêm, tôi đang ở nhà thì nghe các cháu gọi điện báo tin nhà cháu Tuấn bị cháy. Lúc tôi đến nơi thì thấy khói bốc lên nghi ngút, cứ tưởng cả nhà cháu Tuấn đã được cứu ra ngoài rồi. Ai ngờ đâu…Thương lắm. Khổ tâm lắm”, bà Diễn nghẹn ngào.
Ngôi nhà tan hoang sau vụ cháy. Ảnh: Người Lao Động
"Tôi mất tất cả rồi"
Theo báo Dân Trí, Ngồi bần thần bên góc nhà, anh Tuấn liên tục đưa tay gạt nước mắt và không ngừng gọi tên vợ cùng hai con.
Anh Tuấn đau buồn trước sự mất mát quá lớn, anh không ngừng khóc và gọi tên vợ cùng hai con. Ảnh: Dân Trí
Kể lại sự việc trong tiếng nấc nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe, anh Tuấn nói, khoảng 23h30 ngày 29/1, đang ngủ trên tầng 2 của căn nhà thì anh nghe tiếng động dưới tầng 1 (nơi vợ và 2 con của anh đang ngủ). Anh vội xuống thì thấy có đám cháy xuất hiện tại khu vực sửa chữa xe máy gần hiên nhà.
Sau đó, anh Tuấn cởi áo, bịt mặt vào tìm vợ và hai con đang ngủ, nhưng không thấy. Anh cố chạy lên tầng 2 để tìm kiếm, do khói đen, mùi khí bốc ra nghi ngút, không thể lên trên, anh đành chạy ra ngoài tri hô hàng xóm.
"Tôi cố gắng tìm vợ và con nhưng khi ấy vợ tôi đã dẫn 2 con chạy lên tầng. Sau đó, lửa cháy ngày một lớn, tôi cố chạy lên nhưng không được. Khi chạy ra ngoài thì ngọn lửa đã bao trùm cả căn nhà. Đến lúc mọi người tiếp cận được vào trong thì vợ con tôi đã tử vong. Tôi mất tất cả rồi", anh Tuấn rưng rưng nước mắt kể lại sự việc đau lòng xảy ra với gia đình.
Ông Trịnh Đức Minh (65 tuổi, bố vợ anh Tuấn) đau buồn nói, sự việc diễn ra quá nhanh. Đêm xảy ra vụ việc, ông chuẩn bị đi ngủ thì anh Tuấn gọi điện thông báo nhà bị cháy. Khi chạy sang, ông nghĩ chỉ cháy nhỏ nhưng khi nhìn ngọn lửa bao trùm cả căn nhà, ông bất lực, không tìm được lối vào cứu con, cháu.
"Tôi hô hoán người dân nỗ lực dập lửa nhưng không được. Tôi định trùm chiếc áo để chạy vào trong thì bị mọi người ngăn cản. Sau đó tôi và vài thanh niên leo lên tầng hai, đạp cửa để vào trong, khi tiếp cận được đã thấy con gái và hai cháu bị tử vong rồi", ông Minh đau buồn kể lại sự việc.
Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng anh Tuấn có một đứa con trai qua đời vì tai nạn giao thông
Ông Vũ Văn Công (hàng xóm anh Tuấn) cho biết: "Nghe có cháy, tôi cầm bình cứu hỏa chạy ra thì ngọn lửa bùng lên dữ dội, không thể vào trong. Tôi hô mọi người lấy nước dập lửa, nhưng thời điểm đó lại mất điện nên phải bật máy phát mới có nước để chữa cháy. Do bên trong có hơn 10 xe máy, ngọn lửa càng ngày càng lớn, ai cũng bất lực không vào cứu người được".
Theo ông Công, gia đình anh Tuấn hiền lành, chịu khó, được mọi người rất yêu mến. Kể từ khi sự việc xảy ra, bà con lối xóm ai cũng đau buồn, tiếc thương.
"Bố của Tuấn mới mất được hơn 100 ngày vì ung thư vòm họng, không lâu sau thì mẹ của anh ấy phát hiện bị ung thư vú, giờ lại xảy ra chuyện buồn nữa. Hơn 100 ngày mất 4 người thân trong gia đình. Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng chú Tuấn cũng có một đứa con trai qua đời vì tai nạn giao thông. Đây là một cú sốc quá lớn đối với chú ấy", ông Công tâm sự.
Người thân, hàng xóm đau buồn tiễn đưa các nạn nhân xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Dân Trí
Cũng theo ông Công, chị L. là giáo viên ở Trường mầm non xã Vĩnh Hưng, hàng ngày anh Tuấn làm thợ sửa xe ở nhà. Cách đây không lâu, hai vợ chồng vay mượn xây dựng được căn nhà 3 tầng khang trang.
Anh T. có ý định ăn Tết xong sẽ đi lao động nước ngoài ít năm để lấy tiền trả nợ, nhưng chưa kịp đi thì xảy ra sự việc đau lòng.
Cũng trong chiều ngày 30/1, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn, Hội Chữ Thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn, hỗ trợ tới gia đình anh Tuấn.
Tại buổi thăm hỏi, ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa ân cần thăm hỏi, động viên gia đình nén đau thương mất mát, sớm lấy lại tinh thần để ổn định cuộc sống.
Đồng thời, ông đề nghị địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm của người dân tại địa bàn dân cư.
Hà Nội xử phạt 843 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm sát Tết
Thời gian vừa qua, Hà Nội liên tục cử các đoàn kiểm tra đột xuất về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn. Việc tăng cường công tác kiểm tra ATTP nằm trong Kế hoạch số 295/KH-UBND.
Cụ thể, chiều 30/1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ công tác ATTP thành phố tại buổi kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Tại một siêu thị lớn trên đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) có bày bán hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, phong phú. Các mặt hàng ở đây được sắp xếp ngăn nắp, có phân khu riêng biệt giữa thực phẩm chín và sống. Đoàn kiểm tra đã lấy một số mẫu giò, tương ớt tiến hành xét nghiệm nhanh. Kết quả cho thấy, các mẫu đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng đã lấy một số mẫu thực phẩm bày bán tại siêu thị như: Rau, bánh kẹo, bánh ngọt... mang về labo để tiến hành xét nghiệm. Kết quả sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đoàn kiểm tra tiến hành xét nghiệm nhanh một số mẫu thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: P.L.
Trực tiếp kiểm tra tại siêu thị, bà Vũ Thu Hà đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từ Thành phố đến xã, phường được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thu Hà, thời điểm này là cao điểm các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết tràn vào thị trường. Do đó, các Đoàn kiểm tra cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là tăng cường kiểm tra đột xuất bất kỳ mặt hàng nào, địa bàn nào. Qua đó, bảo đảm ATTP Tết cho người dân.
Bà Vũ Thu Hà cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 sở, ngành: Y tế, Công Thương, NNPTNT cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phát hiện kịp thời các thực phẩm không bảo đảm chất lượng để cảnh báo đến người tiêu dùng.
Cũng trong ngày 30/1 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của Hà Nội do Sở Y tế chủ trì kiểm tra công tác bảo đảm ATTP dịp Tết và Lễ hội xuân 2024 trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
Theo báo cáo của BCĐ ATTP huyện Mỹ Đức, trên địa bàn huyện hiện có 1.352 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Để tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024, toàn Huyện đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, trong đó có 3 đoàn kiểm tra tuyến huyện và 22 đoàn kiểm tra tuyến xã, thị trấn.
Sau 1,5 tháng ra quân kiểm tra, toàn huyện đã kiểm tra được 340 cơ sở, qua đó phát hiện 18 cơ sở vi phạm. Riêng tuyến huyện phát hiện và xử lý 1 cơ sở vi phạm với số tiền 4 triệu đồng. Còn lại 17 cơ sở vi phạm bị nhắc nhở chủ yếu là do thiếu dụng cụ chứa đựng chất thải rắn, thiếu giá kệ để chứa đựng thực phẩm.
Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 ở Hà Nội được cấp BHYT miễn phí
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện việc hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn Hà Nội theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND TP. Hà Nội giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi đang thường trú trên địa TP. Hà Nội không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với các đối tượng là người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT đang thường trú trên địa bàn Hà Nội (không bao gồm trẻ em khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi);
Hà Nội cấp thẻ BHYT cho nhiều đối tượng.
Học sinh, sinh viên đang thường trú trên địa bàn Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của Thành phố chưa được cấp thẻ BHYT đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập hoặc phân cấp cho sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quyết định thành lập. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của Thành phố đang thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT.
Kế hoạch được ban hành nhằm quán triệt sâu sắc nội dung ý nghĩa và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong công tác phát triển người tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Nhiều trường học công bố mức thưởng Tết: Giáo viên nhận mức thưởng cao nhất 150 triệu đồng
Báo Tiền phong đưa tin, theo thống kê từ Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM, hầu hết trường học tại TP.HCM đã chi tiền hỗ trợ Tết 2024 cho giáo viên và người lao động.
Nguồn tin cho biết, đối với các đơn vị ngoài công lập, có 76 cơ sở giáo dục thưởng Tết nguyên đán 2024 trên tổng số 108 đơn vị, tổng kinh phí thưởng hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, mức thưởng cao nhất là 150 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất 5 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân 7,5 triệu đồng/người.
Theo thông tin từ ngành giáo dục TP.HCM cho biết, Trường TH-THCS-THPT Tân Phú, quận Tân Phú (thuộc Tập đoàn Giáo dục IGC), là một trong những trường có mức thưởng Tết cao nhất khối trường ngoài công lập. Mức thưởng Tết cao nhất ở trường này là 150 triệu đồng/người.
Ngoài ra, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tân Phú còn được nhận thêm 1 chỉ vàng cho mỗi 5 năm gắn bó với trường.
Thưởng Tết của giáo viên có mức chênh lệch khá lớn giữa các trường. Ảnh minh họa.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, ông Ngô Vĩnh Trường - Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Tân Phú - cho biết: "Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhà trường tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ với phương châm người lao động là trung tâm của tổ chức. Mức thưởng cho cá nhân đạt danh hiệu xuất sắc là 3 tháng lương. Cá nhân đạt danh hiệu giỏi sẽ được thưởng 2,5 tháng lương. Cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được thưởng 2 tháng lương".
Cũng theo ông Trường, mức thưởng Tết bình quân cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường là 28.294.000 đồng.
"Ngoài mức thưởng trên, nhà trường còn có nhiều chính sách thưởng đối với giáo viên tinh hoa. Chúng tôi còn có những chính sách nhân sự tạo động lực và thúc đẩy sự gắn kết của đội ngũ giỏi nghề, yêu ngành", ông Trường thông tin thêm.
Ở khối công lập, giáo viên không có thưởng Tết nhưng được nhận khoản thu nhập tăng thêm (khoảng 9-21 triệu đồng) và quà Tết 1,8 triệu đồng theo chính sách của thành phố. Bên cạnh đó, họ còn được nhận khoản chi thu nhập tăng thêm từ việc tiết kiệm ngân sách hàng năm của trường.
Mức chi thu nhập tăng thêm của khối THPT cao nhất khoảng 37 triệu đồng/người, thấp nhất khoảng 8 triệu đồng/người. Các đơn vị còn lại khoản này dao động từ 10 đến 25 triệu đồng/người.
Tại Hà Nội, nhiều trường học cũng đã hé lộ mức thưởng Tết cho giáo viên, chia sẻ trên báo Dân Việt, thầy Lê Minh Đức, một giáo viên ở Hà Nội vui mừng cho hay: "Thưởng Tết năm nay của tôi cũng bằng với năm trước. Mỗi giáo viên được khoảng 25 triệu đồng. Tôi và giáo viên toàn trường rất vui khi nhận số tiền này".
Tuy nhiên không phải trường học nào cũng có mức thưởng Tết cao, một giáo viên ở Hà Nội khác buồn rầu chia sẻ: "Những năm trước ở trường tôi, tiền thưởng Tết của giáo viên khiến mọi người rất hài lòng vì có năm được gần 20 triệu đồng và có năm hơn 20 triệu đồng. Sau một năm vất vả, tận tụy, cống hiến với học sinh thì đây là lúc giáo viên cảm thấy được quan tâm, chia sẻ để tiếp thêm động lực.
Tuy nhiên năm nay tôi thật sự "sốc" khi nghe tin thưởng Tết chỉ còn khoảng 3 triệu đồng, tùy từng giáo viên. Đúng là một năm kinh tế buồn".