Sự việc cô P.T.H, giáo viên trải nghiệm hướng nghiệp và âm nhạc, tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị học sinh ném dép, lăng mạ đang khiến dư luận chấn động.
Vụ cô giáo bị ném dép ở Tuyên Quang: Phụ huynh của học sinh tham gia "dồn cô vào góc lớp" nói gì?
Phụ huynh của học sinh tham gia "dồn cô vào góc lớp" nói gì?
Theo báo Tuổi Trẻ, chị Đ.H (phụ huynh của một học sinh tham gia "dồn cô giáo vào góc lớp") cho biết, những ngày qua vợ chồng chị và cháu Đ.T.T. đã tích cực phối hợp với Công an huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để phục vụ công tác lấy lời khai.
Chị Đ.H cho biết, cháu T. sau khi đi học về cho biết cô giáo đã lấy giày cao gót dồn học sinh, cháu T. bị đánh 2 phát vào lưng tại lớp 6A, sau đó cháu dùng ghế phản kháng lại.
Theo lời chị Đ.H. ngày 29/11, chị cho con đi khám tại Trạm y tế xã Văn Phú, bác sĩ kết luận chấn thương phần mềm bàn tay trái, bả vai hai bên. Cũng trong chiều cùng ngày, chị Đ.H. đã gửi đơn trình báo đến công an xã và hiệu trưởng nhà trường.
"Lương tâm của tôi bây giờ là nếu con hư, học sinh nhốn nháo như thế tôi không bênh. Nếu với tất cả các giáo viên bộ môn đều bị học sinh ứng xử giống với cô H. thì tôi cho là quá láo, thế nhưng chỉ có một mình cô H. bị như vậy thôi. Ngày 4/12 cô H. vẫn lên lớp 7C khiêu chiến các học sinh.
Học sinh bị bức xúc, chèn ép nhiều quá rồi.
Gia đình tôi sẵn sàng "học sinh sai học sinh chịu, cô giáo sai cô giáo chịu". Theo tôi phải chuyển cô H. khỏi Trường THCS Văn Phú. Còn rất nhiều con em sau này sẽ chịu ảnh hưởng bởi những phát ngôn không chuẩn mực từ giáo viên này", chị Đ.H. nói.
Sổ khám bệnh của học sinh T. sau sự việc. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong khi đó, cô H. cho biết, đây không phải lần đầu bản thân cô bị học sinh vây nhốt trong lớp. Từ cuối học kỳ II năm trước, học sinh lớp 7C đã có những biểu hiện không tôn trọng giáo viên bằng cách không thực hiện nhiệm vụ của học sinh. Đỉnh điểm là 2 tháng gần đây.
"Việc tôi bị học sinh nhốt trong lớp, đuổi hay chửi, đấm vào lưng giữa sân trường... diễn ra thường xuyên. Ngày nào dạy xong bị các em lớp 7C nhốt trong lớp tôi cũng đều báo cáo với hiệu trưởng, tuy nhiên hiệu trưởng không xử lý. Ngoài ra hiệu trưởng còn nói với tôi: không dạy học được thì nghỉ đi đừng báo cáo tôi, nếu còn báo cáo tôi sẽ xử lý cô", cô H. kể, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Nói về sự việc ngày 29/11, cô H. cho biết, khi vào lớp các em không học, đi ra đi vào tự do, mở nhạc DJ, cùng các bạn hò reo, nhảy như nhạc đám cưới trước sự can ngăn của giáo viên. Cô H. cho biết học sinh còn quây cô giáo vào bàn giáo viên, đội mũ, khoác áo lên đầu và phe phẩy trước mặt cô. Có bạn cầm thước kẻ, chống xuống dưới đất dọa nạt, chửi cô, có bạn còn chọc gậy vào bộ phận sinh dục của cô. Khi hết giờ thì các em đóng cửa và dồn cô giáo vào góc lớp.
"Sau khi xảy ra sự việc ở lớp 7C, tôi thoát được ra ngoài và sang lớp 6A dạy học. Lớp 6A các em chăm ngoan, thực hiện đúng nội quy, tôn trọng cô giáo.
Khi hết tiết học ở lớp 6A, một số học sinh lớp 7C vẫn kéo sang cùng một số bạn khác, a dua nhét rác vào cặp tôi, ném tạ vào đầu, vai. Các em quây vào mỗi em đấm tôi một quả. Tôi thấy choáng quá nên ngất", cô H. kể lại.
Sau khi bị ngất và tỉnh dậy, cô H. đã nhắc học sinh giải tán nhưng các em không nghe. Trái lại, có một số em đã "trêu ngươi, khiêu khích" nên cô H. đã xách đôi giày lên để dọa học sinh, nhưng không đánh bạn nào.
Phụ huynh mong muốn sự việc sớm có kết luận
Chia sẻ với PV báo Lao động, một người phụ nữ đã bán hàng lâu năm trước cổng Trường THCS Văn Phú cho hay, tuy không nắm rõ thực hư sự việc thế nào nhưng thấy phụ huynh và học sinh tới mua hàng nói nhiều về vụ việc cô giáo P.T.H. bị đăng video trên mạng.
"Nhiều năm bán hàng trước cổng trường nhưng đây là lần đầu tôi nghe thấy có vụ việc thế này. Cũng rất bất ngờ bởi không nghĩ học sinh bây giờ lại như thế, học trò phải ra học trò chứ không thể vô lễ với giáo viên như vậy.
Cô H. dạy môn âm nhạc, đáng lẽ đây là môn học phải nhận được sự yêu mến, hào hứng của học sinh. Không hiểu nội tình sự việc như thế nào", người này cho hay.
Cô giáo P.T.H bị học sinh chửi bới, lăng mạ. Ảnh: Lao động
Cũng theo nguồn tin, từ sau hôm xuất hiện video trên mạng, ông Trần Văn C. đã không để con gái đang học lớp 6 tại Trường THCS Văn Phú tự đạp xe đi học nữa mà đã đưa đón đến tận trường. Ông C. lo lắng con gái sẽ bị ảnh hưởng tâm lý bởi sự việc.
"Tuy việc không phải xảy ra ở lớp con tôi nhưng cháu cũng có tâm lý khá dè dặt. Cháu về kể lại sự việc các bạn tập trung khá đông xem cô H. bị nhốt trong lớp nhưng cũng không thể làm gì hơn. Hi vọng vụ việc sớm có kết luận để các cháu yên tâm đến trường", ông C. cho hay.
Trong khi đó, chị L.T.L (có con đang học lớp 9 Trường THCS Văn Phú) cho biết, đã được xem video, thật sự rất bàng hoàng bởi học sinh còn quá trẻ mà đã có những hành động như vậy. Cũng nghe có ý kiến này, ý kiến kia về cô giáo H. nhưng học sinh mà hành xử thế là sai rồi.
"Vụ việc cần được sớm thông tin chính thức, ai sai ai đúng thì cũng phải được xử lý. Chắc chắn những học sinh vi phạm sẽ bị kỷ luật rồi nhưng quan trọng hơn là không để việc này xảy ra nữa", chị L. chia sẻ.
Được biết, hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh ném dép, lăng mạ.
Ngày 6/12, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương đã ký quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Duy Sáng - Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú. Thời gian đình chỉ bắt đầu từ ngày 7/12.
Liên quan đến sự việc, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan như: giáo viên, học sinh, lãnh đạo cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm từ vụ việc, tăng cường công tác quản lý, đánh giá giáo viên, tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục lối sống cho học sinh, phối hợp với gia đình cha mẹ trong việc quản lý con em.
Đồng thời, địa phương phải báo cáo về cơ quan Bộ GD&ĐT trước ngày 29/12.
Giao thông ùn tắc vì hàng ngàn thùng bia đổ xuống đường
Vụ tai nạn xảy ra khoảng 10 giờ ngày 9-12, trên đường DT641 đoạn qua thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Thời điểm trên, ô tô tải biển số tỉnh Phú Yên do anh Phan Văn Lợt (26 tuổi, ngụ Phú Yên) cầm lái, chạy trên đường DT641. Khi xe đến đoạn qua thị trấn La Hai bất ngờ bị nổ hai bánh trước, lật ngang, 1.000 thùng bia, gần 200 két bia đổ xuống đường.
Vụ tai nạn khiến giao thông vào cửa ngõ thị trấn La Hai ùn tắc.
Cảnh sát cùng người dân giúp tài xế thu gom bia rơi ra đường. Ảnh: MINH TOÀN
Công an huyện Đồng Xuân có mặt tại hiện trường bảo vệ hiện trường, cùng người dân phụ giúp tài xế thu gom các thùng, két bia.
Đến 11 giờ 30 cùng ngày, hiện trường vụ tại nạn được dọn dẹp xong. Theo tài xế Lợt, khoảng 400 thùng, két bia bị hư hỏng.
Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo hẹn hò trực tuyến "tình một đêm”
Ngày 9-12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) Công an TP Đà Nẵng cảnh báo về hình thức lừa đảo bằng dịch vụ hẹn hò trực tuyến, mua bán dâm.
Một trong số các ứng dụng hẹn hò lừa đảo trên mạng xã hội
Đối tượng lừa đảo đã sử dụng cách tiếp cận mới, nhắm tới những người đàn ông "ham của lạ".
Cụ thể, các đối tượng tạo tài khoản Facebook ảo, lấy tên, thương hiệu của nhà hàng, khách sạn, vũ trường nổi tiếng.
Sau đó, các đối tượng chạy quảng cáo kèm nội dung "hệ thống gái gọi toàn quốc", "gái gọi", "tình một đêm"….
Tại đây, người dùng được hướng dẫn vào các hội nhóm Telegram, truy cập website giả mạo để sử dụng các dịch vụ khiêu dâm như: xem video đồi trụy người thật không giới hạn, giảm giá 50%, tắm chung với khách...
Cuối cùng, các đối tượng yêu cầu người dùng nạp thêm 1 triệu đồng để tham gia "gói nhiệm vụ tình một đêm".
Khi số tiền nạp ngày càng lớn, đối tượng lấy cớ người dùng thao tác sai và yêu cầu nạp tiền tiếp để được rút hết số tiền. Đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp tiền, đối tượng mới chặn nạn nhân và chiếm đoạt số tiền đã nạp.
Dù bị lừa, các nạn nhân của thủ đoạn này thường sợ mất mặt nên không dám trình báo với công an.
Theo Phòng An ninh mạng, đầu tháng 11-2023 đã tiếp nhận tin báo của ông V.N (trú tại Hà Nội) về việc bị lừa hơn 1 tỉ đồng cũng với cách tương tự.
Công an khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online, tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Đồng thời, tuyên truyền với người thân, bạn bè về thủ đoạn của loại tội phạm này.
Gần 30 học sinh nhập viện do ăn thạch “lạ”, Phòng GD&ĐT TP Quảng Ngãi chỉ đạo nóng
Pháp luật TP. HCM đưa tin, ngày 9/12, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi các trường về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo đó, trên địa bàn TP xuất hiện người lạ đến cổng trường phát thực phẩm không rõ nguồn gốc gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh. Vụ việc vừa xảy ra tại Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) làm nhiều học sinh nhập viện.
Gần 30 học sinh nhập viện do ăn thạch "lạ" đang được điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: VTC News
Để tăng cường công tác đảm bảo ATTP tại các trường học, tránh tình trạng buôn bán thức ăn trong và trước cổng trường học, gây mất trật tự và không đảm bảo vệ sinh ATTP, Phòng GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP thức ăn đường phố tại các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa.
Tuyên truyền, giáo dục ATTP và thức ăn đường phố đối với học sinh với hình thức phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh, không cho học sinh mua, ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc trong trường học.
Các trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, công an, chính quyền địa phương tổ chức xử lý các địa điểm buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc trong và ngoài nhà trường, tuyệt đối không để hiện tượng buôn bán thực phẩm, các loại nước uống không rõ nguồn gốc xảy ra trong nhà trường, đặc biệt là các căn tin trong trường học.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh học sinh về vệ sinh ăn uống, cẩn thận với các thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh và không mua, nhận thức ăn hàng rong trước cổng trường.
Nhà trường tổ chức lồng ghép các kiến thức ATTP, vệ sinh cá nhân, văn hóa trong ăn uống thông qua các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ; đưa các nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố lồng ghép vào các hoạt động học cho phù hợp.
Theo báo điện tử VTC News, chiều 8/12, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận gần 30 học sinh Trường TH&THCS Trần Văn Trà (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi). Tất cả các trường hợp nhập viện đều có triệu chứng buồn nôn, đau bụng.
Thông tin từ học sinh cho biết, đầu giờ chiều 8/12, một phụ nữ đến trường và cho các em một loại thực phẩm trông như thạch. Sau khi ăn xong, các em đều có triệu chứng đau bụng và buồn nôn nên được nhà trường đưa đến Trạm y tế, sau đó chuyển lên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Theo bác sĩ Trà Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân các học sinh xuất hiện những triệu chứng trên là do ngộ độc thực phẩm.
Đặt mua tiền giả trên mạng về tiêu thụ, đôi nam nữ bị bắt giữ
Ngày 9/12, báo Pháp luật TP.HCM dẫn thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Pleiku, Gia Lai cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Thạch Văn Bình (43 tuổi, ngụ huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) và Nguyễn Thị Kim Ngọc (53 tuổi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) để điều tra về hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả.
Trước đó, khoảng 5h15 ngày 6/12, Công an TP Pleiku bắt quả tang Bình và Ngọc đang có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả tại khu vực chợ Phú Thọ (thôn 3, xã An Phú, TP Pleiku). Tang vật thu giữ là 21 tờ tiền giả có mệnh giá 100.000 đồng.
Đối tượng Thạch Văn Bình cùng tang vật bị thu giữ. Ảnh: VietNamNet/Công an tỉnh Gia Lai
Liên quan đến sự việc, báo VietNamNet đưa tin, tại cơ quan công an, Thạch Văn Bình khai nhận, tháng 05/2023, thông qua mạng xã hội Facebook đối tượng đã đặt mua số tiền giả nói trên đem về cất giữ để tiêu xài.
Ngày 06/12, khi trên đường về quê, Bình đưa số tiền trên cho Ngọc vào chợ Phú Thọ để mua đồ thì bị phát hiện, bắt giữ.
Hiện cơ quan CSĐT, Công an TP Pleiku đang mở rộng điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.