Cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp với nghi phạm bỏ độc vào thức ăn của hàng trăm học sinh ở một trường THPT.
Vụ nữ nhân viên đầu bếp bỏ độc vào thức ăn của học sinh: Hé lộ động cơ đê hèn
Ngày 28-9, theo thông tin từ Công an huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết đã ra lệnh bắt bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Hà Thị T., nữ nhân viên bếp ăn của Trường THPT Chu Văn Thịnh (huyện Mai Sơn), để điều tra về tội Gây tổn hại cho sức khoẻ người khác.
Trường THPT Chu Văn Thịnh nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Facebook
Theo cơ quan chức năng, bà Hà Thị T. là vợ của nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn Thịnh, nay đã chuyển sang làm Phó Hiệu trưởng của một trường khác trên địa bàn huyện Mai Sơn. Khi chồng bà T. còn làm hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn Thịnh, người phụ nữ này được giao phụ trách bếp ăn bán trú và lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm.
Từ ngày Trường THPT Chu Văn Thịnh có hiệu trưởng mới, bà T. không được giao phụ trách bếp ăn của nhà trường và cũng không nhập thực phẩm từ đơn vị cũ. Do động cơ cá nhân, bà Hà Thị T. đã cho loại thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 22-9, trong lúc chuẩn bị phần ăn trưa cho các học sinh, nhà bếp phát hiện món su su luộc có mùi bất thường như mùi thuốc trừ sâu nên đã không chia phần ăn cho học sinh. Do sự việc được phát hiện kịp thời nên không xảy ra hậu quả. Cơ quan chức năng ngay sau đó đã trưng cầu giám định về việc có hay không độc tố trong thức ăn.
Được biết, Trường THPT Chu Văn Thịnh hiện có 1.245 học sinh, trong đó có hơn 400 học sinh ăn bán trú.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Nguy cơ lũ chồng lũ, Thủ tướng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Từ ngày 25/ 9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Dự báo những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".
Mưa lũ diễn ra nghiêm trọng ở miền Trung.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.
Cùng với đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ.
Bị đau mắt, người đàn ông tự mua thuốc uống rồi tử vong
Ngày 28-9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai xác nhận ông N.V.L (50 tuổi, trú tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tử vong ngoại viện do sốc phản vệ thuốc tân dược.
Ông N.V.L được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu vào chiều tối 27-9, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tái lạnh… Các bác sĩ xác định ông N.V.L đã tử vong do sốc phản vệ thuốc tân dược chưa rõ loại, trước khi đưa đến bệnh viện.
Theo người nhà, hôm qua (27-9), người đàn ông bị đau nhức mắt, mắt có ghèn nên đã tự đến tiệm thuốc tây trong xã mua thuốc về uống. Ông N.V.L đã uống 4 loại thuốc, chưa rõ cụ thể từng loại.
Ông N.V.L tử vong trước khi được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu.
Sau khi uống thuốc không lâu thì ông N.V.L bị mẩn ngứa khắp người nghi do dị ứng thuốc nên đã đến Trạm y tế xã sơ cứu. Tại đây, người đàn ông 50 tuổi này bị ngất xỉu nên người nhà tiếp tục đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu nhưng đã tử vong.
Cũng theo người nhà, ông N.V.L. có tiền sử dị ứng với một số thành phần của thuốc tân dược.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện đau, ốm cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn biện pháp chữa trị, uống thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là với những bệnh nhân đã có tiền sử về dị ứng với các thành phần của thuốc.
Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, cho biết mới nghe thông tin ngoài luồng về vụ việc. Phía gia đình ông N.V.L chưa trình báo điều gì với cơ quan chức năng.
Đấu giá biển số xe hạ nhiệt, nhiều biển dưới 100 triệu đồng, biển 51K-888.88 vẫn "bặt vô âm tín"
Ngày 28-9, Công ty đấu giá Hợp danh Việt Nam tiếp tục đưa 100 biển số xe ôtô ra đấu giá trực tuyến.
CSGT giám sát phiên đấu giá. Ảnh: Th.Thuỷ
Tại khung giờ 8 giờ-9 giờ, biển 30K-559.88 (TP HCM) được chốt mức giá cao nhất là 305 triệu đồng; biển 51K-781.79 (TP HCM) được trúng bằng đúng giá khởi điểm là 40 triệu đồng. Biển 14C-379.99 (Quảng Ninh) trúng đấu giá 65 triệu đồng.
Tại khung giờ 9 giờ 15 phút -10 giờ 15 phút, biển số đấu giá trúng cao nhất là 76A-234.56 (Quảng Ngãi) với 400 triệu đồng. Trong khung giờ này có đến 9 biển dưới 100 triệu đồng.
Kết thúc phiên đấu giá sáng 28-9, tại khung giờ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, 2 biển số 66A-226.66 và 30K-525.68 đều trúng giá cao nhất với 250 triệu đồng. Đáng chú ý, trong số các biển lên sàn, biển 51K-945.45 thuộc mã vùng TP HCM không có người mua đấu giá.
Trong phiên đấu giá trong buổi sáng 28-9, giá các biển số xe có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 49 biển được đưa ra đấu giá thành công có tới 22 biển dưới 100 triệu đồng. Trước đó, nhiều biển đẹp được trả giá rất cao tại một số địa phương như: TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh…
Trước đó, trong các 5 ngày đấu giá kể từ 15-9, Công ty đấu giá đã tổ chức đấu giá 145 biển số xe ôtô. Hiện có 7 người trúng đấu giá được ghi nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an với tổng số tiền gần 11 tỉ đồng để lấy biển.
Trong khi đó, nhiều biển số xe "siêu đẹp" như 51K-888.88 được "đại gia" đấu giá lên tới hơn 32 tỉ đồng và biển 30K - 555.55 (Hà Nội) giá trúng cao nhất 14,12 tỉ đồng vào hôm 15-9, đến nay vẫn chưa nộp tiền để lấy biển số xe.
Theo quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá, nếu không thì coi là bỏ cọc 40 triệu đồng và biển số đó sẽ được đấu giá lại.
Vụ một lớp học tại TP.HCM thu quỹ hơn 310 triệu đồng: Nhà trường phải hoàn trả tiền thu sai cho phụ huynh
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, sáng 28/9, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh, TP.HCM vừa có Thông cáo báo chí thông tin liên quan vụ việc thu quỹ lớp hơn 310 triệu đồng tại trường tiểu học Hồng Hà.
Theo đó, Phòng GD&ĐT thông tin như sau: Trường Tiểu học Hồng Hà tổ chức họp cha mẹ học sinh (CMHS) các lớp vào ngày 13/8. Trong phiên họp này, giáo viên chủ nhiệm (GVCS) các lớp, trong đó có lớp 1/2 thống nhất chọn và bầu ban đại diện CMHS tạm thời của lớp.
Sau cuộc họp, Ban đại diện CMHS xin ý kiến nhà trường được cải tạo lớp học vì học sinh các lớp tích hợp sẽ học phòng học này trong 5 năm (từ lớp 1 đến lớp 5). Phòng học hiện hữu của lớp sẽ được sửa chữa các hạng mục làm nền, lắp đặt máy lạnh, sơn tường, quạt, bảng trượt tủ.
Phụ huynh cam đoan việc đầu tư cơ sở vật chất của lớp thực hiện trên tinh thần tự nguyện và phụ huynh đồng thuận. Nội dung được sự nhất trí của 29/32 phụ huynh (vắng 3 người).
Trường Tiểu học Hồng Hà phải hoàn trả những khoản tiền đã thu sai cho phụ huynh. Ảnh: Plo.vn
Về hiện trạng lớp học, nhà trường đã trang bị đầy đủ bàn ghế, đèn, quạt, bảng tương tác,v.v... nhưng phụ huynh vẫn có nguyện vọng cải tạo lớp học khang trang và đầy đủ tiện nghỉ để con em được học suốt 5 năm học. Nhà trường đã đồng thuận theo nguyện vọng của phụ huynh cải tạo sửa chữa lớp gồm các hạng mục như: lắp đặt máy lạnh, quạt hút, lát lại nền, làm tủ lớp, tủ giày, xây bốn hoa trước lớp v.v...
Liên quan các khoản thu chi Ban đại diện đã công khai trên group lớp. Trong đó, tổng số tiền đã thu là hơn 313 triệu đồng, tổng số tiền đã chi là 260 triệu đồng, số tồn còn hơn 52 triệu đồng.
Sau khi nhận được thông tin, Phòng đã yêu cầu nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm đồng thời tiến hành họp Ban đại diện CMHS và toàn thể CMHS của lớp trong ngày 27/9. để trao đổi.
Về việc khắc phục thu chi sau, đối với công trình cải tạo lớp học Ban đại diện CMHS đã quyết toán với tổng số tiền hơn 227 triệu đồng gồm ứng trước cho nhà thầu (150 triệu đồng), thanh toán tiền sửa chữa phòng (50 triệu đồng), chi tiền sơn bàn ghế hơn 5 triệu, chi mua micro hơn 5 triệu và chi trả tiền còn lại chi phí xây dựng 20 triệu. Mặc dù công trình cải tạo lớp học do phụ huynh tự nguyện đóng góp nhưng quy trình vận động thu chi không đúng nên sẽ hoàn trả lại.
Đối với các khoản chi văn nghệ, tiền ăn uống, mua vải thun, chi hỗ trợ nguyên năm, chi hỗ trợ cô thu, hoà mạng, trang phục chị hằng, chi tiền lồng đèn là hơn 20 triệu cũng sai quy định sẽ hoàn lại.
Các khoản chi khác như chi quỹ mua quà cho học sinh tựu trường, chi mua đồ dùng hơn 12 triệu là phục vụ trực tiếp cho học sinh nên sẽ thực hiện.
Đối với các khoản chi: Chi quỹ cho cô Thủy mua quà cho học sinh tựu trường vào ngày ngày 21/8, mua đồ trang trí lớp và cây xanh để ở lớp 10 triệu đồng; chi cho cô Thu - Bảo mẫu mua đồ dùng cho học sinh, dụng cụ vệ sinh lớp học 2.783.000. Tổng cộng 12.783.000. Đây là các khoản chi phục vụ trực tiếp cho học sinh nên ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn thực hiện nội dung chi này.
Sau khi sự việc xảy ra, nhận thấy sai sót trong quá trình thu chi đầu năm của địa phương, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh đã ban hành văn bản chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quận.
Đối với riêng trường Tiểu học Hồng Hà, Phòng GD&ĐT đã có văn bản phê bình bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi Quỹ hoạt động Ban đại diện CMHS, đồng thời Phòng cũng chỉ đạo nhà trường thực hiện phê bình đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2.
Như đã đưa tin, vừa qua một vị phụ huynh lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP.HCM phản ánh với khoản thu 310 triệu đồng, tính đến ngày 19/8, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà đã công bố bảng dự toán thu chi quỹ phụ huynh của lớp.
Trong đó, có các khoản chi rất lớn như ứng trước cho nhà thầu sửa chữa phòng học là 150 triệu đồng; chi quỹ cho cô Thủy mua quà cho học sinh ngày 21/8, mua đồ trang trí lớp và mua cây xanh để ở lớp là 10 triệu đồng; chi thanh toán tiền sửa chữa phòng học là 50 triệu đồng; chi chi phí văn nghệ (tiền dạy múa, thuê đồng phục, đạo cụ…) khai giảng của học sinh lớp 1/2 là 4 triệu đồng; chi tiền sơn bàn ghế (3,5 triệu đồng) + lót gạch bên hông lớp học (2 triệu đồng)...
Ngoài ra có những khoản dự toán thu - chi rất đặc biệt như hỗ trợ nguyên năm cô Thu nhờ thêm người bưng bê, dọn dẹp ăn trưa trước lớp 1,5 triệu đồng. Chi tiền hỗ trợ cô Thu nguyên học kỳ 1 là 4 triệu đồng và một số khoản khác...
Vị phụ huynh trên cũng cho hay, tại buổi họp đầu năm, giáo viên cho biết trong năm học 2022-2023, lớp thực hiện sửa chữa, mỗi phụ huynh đóng 8 triệu do sĩ số lớp nhiều. Còn năm học này, do sĩ số lớp ít nên mỗi phụ huynh sẽ đóng 10 triệu. Số tiền này ngoài việc sửa chữa lớp học sẽ dùng để thực hiện các hoạt động của lớp vào các ngày lễ và dàn trải trong 5 năm, trong đó năm đầu và năm thứ 2 sẽ đóng nhiều hơn do sửa chữa lớp học.
Tại buổi họp hôm đó, đa số phụ huynh đều đồng ý mức thu nói trên, một số ít phụ huynh không đồng ý đã cho con chuyển trường hoặc không đóng.
“Tôi tá hỏa khi giáo viên chủ nhiệm gửi bảng dự toán thu chi vào nhóm. Giáo viên không báo sửa chữa gì, các khoản chi cũng không thông qua phụ huynh, một số khoản khá cao và không phù hợp như mua micro cho giáo viên, chăm lo bảo mẫu, đóng tiền mạng...”, vị phụ huynh này bức xúc.
Trong khi đó, một phụ huynh khác chia sẻ: "Tôi cảm giác tất cả mọi hoạt động dù nhỏ nhất trong lớp cũng quy ra tiền để thu. Từ chi tiền ăn uống, gấu bông khi diễn văn nghệ, tiền mua loa gắn vào tivi, tiền hòa mạng Internet... Đã là quỹ phụ huynh thì các khoản chi phải vì học sinh, cho học sinh. Vì sao lại chi cho giáo viên và chi những khoản đáng ra nhà trường đã trang bị cho các em?", báo Người lao động đưa tin.
Đáng nói, trong nhóm thông tin của lớp, giáo viên chủ nhiệm của lớp học này nói rằng phụ huynh yên tâm, tất cả mọi chi tiêu lo cho các con đều rất rõ ràng và hợp lý. "Cô chưa từng nghĩ lợi lộc gì cho bản thân".
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học. Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh bao gồm Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. |