Ngày 5/12, mạng xã hội xôn xao thông tin cô giáo V.M.Tr., giáo viên lớp 2 của một trường tư thục tại Hà Nội, đột nhập nhà một số học sinh, nghi ăn cắp.
Hà Nội: Xôn xao thông tin cô giáo đột nhập nhà học sinh trộm cắp
Theo tố giác của phụ huynh, giáo viên này hỏi địa chỉ, mật khẩu cửa nhà của nhiều học sinh trong lớp, sau đó đột nhập vào nhà học sinh trộm cắp nhiều tài sản có giá trị như tiền, vàng, trang sức,… Lần gần đây nhất, khi giáo viên Tr. đột nhập vào nhà một gia đình, không may bị phụ huynh bắt được nên báo cáo nhà trường.
Sau khi sự việc được chia sẻ, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang, nhất là với những gia đình có con đã và đang học cô Tr..
Cô giáo đột nhập nhà học sinh, nghi ăn cắp. Ảnh minh họa.
Trả lời phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống ngày 5/12, đại diện của đơn vị trường tư thục này này xác nhận có sự việc nêu trên và cho biết, hiện tại nhà trường đã sa thải cô V.M.Tr.
"Nhà trường cũng đang làm việc với cơ quan Công an để xác minh sự việc. Chưa biết cô Tr. có trộm cắp gì hay không nhưng trước mắt nhà trường đã sa thải cô. Còn sự việc cụ thể như thế nào thì phải chờ kết luận của cơ quan Công an", vị đại diện này cho hay.
Cũng theo thông tin từ phía nhà trường, cô Tr. được tuyển dụng vào đúng quy trình, hồ sơ tốt. Đánh giá của phụ huynh học sinh về cô trong thời gian giảng dạy khá tốt, mức điểm đánh giá cao.
Bắt ổ nhóm cho vay bốc bát họ, lãi suất 2.400%/năm
Ngày 5/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cho biết, vừa phối hợp các đơn vị liên quan triệt phá thành công đường dây cho vay lãi nặng trong trong giao dịch dân sự với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.
Đường dây này do Lê Thị Thanh Hải (SN 1973) cầm đầu. Hải là đối tượng có 2 tiền án về tội Đánh bạc. Ngoài Hải, cơ quan Công an cũng bắt giữ thêm 3 đối tượng khác gồm Nguyễn Thị Ân (SN 1964), Ngụy Khắc Mạnh (SN 1992) và Nguyễn Văn Khương (SN 1981).
Các đối tượng trong đường dây bị bắt giữ
Trước đó, trinh sát phát hiện đường dây với nhiều đối tượng có biểu hiện nghi vấn thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bằng hình thức “bốc bát họ”. Để vay được tiền từ nhóm đối tượng trên, người vay phải để lại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, giấy phép lái xe...
Khi người vay chậm trả nợ, Hải và các đối tượng đã đe dọa người vay, kể cả việc cho người đi theo để gây áp lực khi người vay đi khám bệnh. Không ít người dân đã tán gia bại sản khi vướng vào bẫy “tín dụng đen”.
Từ ngày 25 đến 31/12/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp với Công an huyện Anh Sơn bắt giữ 4 đối tượng trên về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tang vật thu giữ gồm 5 điện thoại di động, 4 máy tính, 8 thẻ ngân hàng và nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan.
Đối tượng cầm đầu Lê Thị Thanh Hải rất tinh vi, xảo quyệt, có nhiều hình thức đối phó với cơ quan Công an. Quá trình bắt giữ và điều tra đối tượng không thành khẩn, không khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trước những tài liệu chứng cứ thu thập được, Lê Thị Thanh Hải đã phải cúi đầu nhận tội.
Tang vật vụ án
Với mức lãi suất từ 108%/năm đến trên 2.400%/năm khi cho các nạn nhân vay tiền, bước đầu cơ quan Công an xác định, từ tháng 5/2023 đến khi bị bắt giữ, 4 đối tượng trên đã cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An vay với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Tổng số tiền các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng khởi tố 3 vụ án, khởi tố 3 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
3 đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Doãn Hành (SN 1988, thị trấn Thạch Hà), Dương Sỹ Tuấn (SN 1989, trú xã Nam Điền) và Phạm Thiện Quang (SN 1985, trú xã Thạch Kênh).
Theo cơ quan điều tra, Công an huyện Thạch Hà phát hiện các đối tượng đang hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thu lợi bất chính số tiền lớn.
Công an xác định, từ đầu năm 2023 đến nay, Nguyễn Doãn Hành đã cho nhiều người dân huyện Thạch Hà vay tiền với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày, tương ứng 144%/năm, thu lợi bất chính 101 triệu đồng. Quá trình khám xét tại nhà riêng của Hành, công an thu giữ nhiều dao kiếm.
Tương tự với phương thức trên, đối với đối tượng Dương Sỹ Tuấn từ cuối năm 2022 Tuấn đã cho nhiều người vay trên địa bàn huyện Thạch Hà với mức lãi suất lên đến suất 10.000đ/triệu/ngày tương ứng 360%/1 năm, thu lợi bất chính số tiền 162 triệu đồng.
Còn với đối tượng Phạm Thiện Quang, cơ quan Công an xác định được từ cuối năm 2022, Quang đã cho nhiều người trên địa bàn huyện Thạch Hà vay với mức lãi suất 4.000đ/triệu/ngày, tương ứng 144%/1 năm, thu lợi bất chính số tiền 138 triệu đồng.
Cả 3 đối tượng đều có tiền án, tiền sự. Trong đó, Nguyễn Doãn Hành từng có 1 tiền án về tội “Cướp tài sản”; Dương Sỹ Tuấn 1 tiền án về tội “Đánh bạc” và Phạm Thiện Quang có 1 tiền sự về “Gây rối đánh nhau”, 3 tiền sự về “Đánh bạc”.
Hiện, Cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý các vụ án theo quy định pháp luật.
Đường sắt bổ sung 4.000 vé tàu dịp Tết Nguyên đán 2024
Theo báo Người Lao Đông, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về quê đón Tết Giáp Thìn 2024, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa cho biết sẽ tổ chức chạy thêm 8 chuyến tàu Ga Sài Gòn – Hà Nội và ngược lại, từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi về ga Sài Gòn và nối thêm toa tàu với hơn 4.000 chỗ.
Cụ thể, chạy thêm tàu SE32 từ Ga Sài Gòn đến Hà Nội ngày 24, 25/1 (nhằm ngày 14, 15 tháng Chạp); tàu SE11 từ Hà Nội đến ga Sài Gòn ngày 26, 27/1 (nhằm ngày 16, 17 tháng Chạp); tàu SE25 từ Quảng Ngãi và tàu SE29 từ Quy Nhơn về ga Sài Gòn ngày 20, 21/2 (nhằm ngày 11, 12 tháng Giêng).
Vé sẽ được mở bán tại tất cả kênh bán vé của ngành đường sắt như website: www.dsvn.vn; www.vetau.com.vn; qua các ứng dụng ví điện tử, app bán vé tàu trên thiết bị di động hoặc liên hệ tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc ĐSVN, qua các Tổng đài bán vé.
Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau hơn 2 tháng mở bán, tổng số vé đã bán trên 152.000 vé. Số vé bán Tết Giáp Thìn hiện vẫn còn. Trước Tết còn ở tất cả các tuyến, trong đó: từ ngày 1/2 trở về trước và ngày 8, 9/02 (nhằm ngày 22 tháng Chạp trở về trước và ngày 29, 30 tháng Chạp) còn vé đi tất cả các ga, các ngày từ 2/2 đến 7/2 (nhằm ngày 23 đến 28 tháng Chạp) còn ít vé.
Vé còn sau Tết từ ngày 15/2 đến 17/2 (nhằm ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng) còn ít vé, các ngày khác còn nhiều vé đi tất cả các ga.
Để đảm bảo quyền lợi của hành khách trong việc mua vé đi tàu, ngành đường sắt khuyến cáo hành khách không mua vé qua các đối tượng trung gian “cò mồi, chợ đen”, mạo danh nhân viên đường sắt mà chỉ mua vé qua website của ngành; mua trực tiếp tại các cửa bán vé của các ga hoặc tại các đại lý bán vé; mua qua các ứng dụng điện tử; Tổng đài bán vé để tránh tình trạng mua phải vé giả, vé không đúng thông tin, vé bị cạo sửa giá vé, ngày đi tàu (không có giá trị đi tàu).
Ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu và giấy tờ tùy thân của hành khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Hành khách có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ lên tàu mới được vào ga đi tàu, VietNamNet thông tin.
Thực hư vụ người phụ nữ ở Bắc Giang bị "bắt cóc" khi đang ngồi trên taxi
Ngày 4/1, báo Dân Trí thông tin, Công an TP.Bắc Giang cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Khanh (54 tuổi), Nguyễn Duy Khánh (31 tuổi) và Đặng Trần Dũng (54 tuổi) về tội Bắt người trái pháp luật.
Theo cơ quan chức năng, tối 29/12/2023, Công an TP.Bắc Giang nhận tin báo của anh N.V.S. (ở xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) làm nghề lái taxi.
Đối tượng Nguyễn Duy Khanh. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Theo trình báo của anh S., khoảng 19h22 cùng ngày, khi anh đang chở một khách nữ, dừng chờ đèn đỏ ở giao lộ Hoàng Hoa Thám - Thân Khuê (thuộc xã Song Mai, TP.Bắc Giang) thì bất ngờ một chiếc xe Innova màu sơn bạc, không rõ biển kiểm soát tiến từ phía sau đến gần xe của anh.
Sau đó, 2 người trong ô tô mở cửa phụ bên trên, kéo người phụ nữ trên taxi lên chiếc Innova đưa đi đâu không rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Bắc Giang đã làm rõ, vận động các đối tượng: Nguyễn Duy Khanh (SN 1970) ở số nhà 335 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Dĩnh Kế (TP.Bắc Giang); Nguyễn Duy Khánh (SN 1993 – con trai của Khanh) ở phòng 1803, Chung cư Sài Gòn Tel, phường Ngô Quyền (TP.Bắc Giang) và Đặng Trần Dũng (SN 1970) ở tổ dân phố Đầu, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) ra đầu thú về hành vi “Bắt người trái pháp luật”.
Nạn nhân trong vụ việc trên là chị T.T.O. (SN 1978), trú tại xã Tam Tiến, huyện Yên Thế.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, Nguyễn Duy Khanh quen biết với chị O. từ năm 2019, khi cùng kinh doanh bất động sản.
Cuối năm 2023, Khanh đã chuyển cho chị O. khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư làm ăn. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì Khanh không rõ chị O. đã đầu tư vào việc gì và tìm cách liên lạc nhưng không được.
Tối 29/12/2023, Khanh đang đi cùng với Đặng Trần Dũng thì nhìn thấy chị O đi vào một khách sạn ở đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền (TP.Bắc Giang).
Khi đó, Khanh đã gọi điện cho con trai là Nguyễn Duy Khánh và bảo Khánh đi đến khách sạn để theo dõi chị O.. Sau đó, Khanh điều khiển ô tô chở Dũng đến khách sạn đón Khánh. Cùng lúc này, nhóm của Khanh nhìn thấy taxi đến đón chị O. Khanh liền dùng xe ô tô đuổi theo xe taxi.
Khi đến ngã tư đường Hoàng Hoa Thám giao nhau với đường Thân Khuê thuộc khu 34, xã Song Mai thì xe của Khanh đuổi kịp. Ba đối tượng đã đưa chị O. sang ô tô của nhóm và tiếp tục đưa về trụ sở Công ty cổ phần Bất động sản Global DIAMOND ở phường Hoàng Văn Thụ (TP.Bắc Giang).
Tại đây, Khanh yêu cầu chị O. cung cấp mật khẩu điện thoại và mật khẩu tài khoản ngân hàng để đối chiếu chứng từ chuyển tiền, báo VietNamNet thông tin.
Hiện Công an TP.Bắc Giang đang củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc và các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.
Đến lượt vàng nhẫn 24K "ngược dòng" tăng mạnh
Lúc 9 giờ 30, ngày 5-1, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 72 triệu đồng/lượng, bán ra 75 triệu đồng/lượng, ổn định so với cuối ngày hôm qua. Một số doanh nghiệp khác như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra vàng SJC cao hơn ở mức 75,2 triệu đồng/lượng.
Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tiếp tục được các doanh nghiệp duy trì 3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong thời gian qua.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng 24K các loại được giao dịch 61,95 triệu đồng/lượng mua vào, 63 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Đáng chú ý, giá vàng nhẫn 24K các loại tăng trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm tiếp xuống 2.045 USD/ounce, mất khoảng 5 USD/ounce so với phiên trước.
Trong 3 ngày qua, giá vàng thế giới đã mất khoảng 30 USD/ounce (tương đương 900.000 đồng/lượng).
Theo giới phân tích, giá vàng suy yếu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không đưa ra kế hoạch cắt giảm lãi suất mà chỉ đề cập việc này có thể thực hiện vào năm 2024.
Biên bản cuộc họp của FED tháng 12 vừa được công bố cho thấy các thành viên nhận định có thể duy trì chính sách lãi suất ở mức hiện tại lâu hơn để kiểm soát lạm phát.
Đáng chú ý, giá vàng thế giới giảm khoảng 900.000 đồng trong 3 ngày qua nhưng giá vàng nhẫn 24K vẫn duy trì quanh 63 triệu đồng/lượng.
Một số công ty vàng cho hay nhu cầu mua vàng nhẫn vẫn duy trì ở mức cao trong dịp cuối năm, cộng thêm nguồn cung vàng nhẫn từ vàng nguyên liệu cũng hạn chế nên giá khó giảm sâu.
Tương tự, giá vàng SJC cũng tiếp tục duy trì cách biệt lớn với giá thế giới. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 60,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn 2,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 14,5 triệu đồng/lượng.