Thành phố Hà Nội có kế hoạch chặt hạ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố đang được dư luận quan tâm. Cuối cùng UBND TP Hà Nội quyết định dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố. Hãy cùng nhìn lại toàn cảnh cảnh việc chặt cây xanh ở Hà Nội.
Đề án “táo bạo”
Đầu tiên để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hàng chục cây xà cừ với đường kính gốc gần hai người ôm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị chặt bỏ. Không lâu sau đó để phục vụ việc thi công ga số 8 thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương để Sở Xây dựng chặt hạ, di dời 35 cây xanh khu vực đường Cầu Giấy (khu vực trước cổng Đại học Giao Thông Vận Tải).
Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo an toàn trong thi công tuyến đường sắt trên cao cũng như lúc đưa vào vận hành. Tuy nhiên, việc chặt hạ những cây xanh trên các tuyến đường này đã khiến nhiều người xót xa và nuối tiếc.
Những cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi bị chặt để làm đường sắt nội đô.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện toàn TP có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát thuộc 70 loài, được trồng trên đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ.
Trong số này các cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, đặc biệt là cây xà cừ.
Bên cạnh đó nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thêm nữa, trên một số tuyến đường tồn tại nhiều cây lâm nghiệp, cây do người dân tự ý trồng không phải cây đô thị như dâu da, vông, bông gòn, trứng cá...
Sở Xây dựng Hà Nội công bố đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị và đưa ra đề xuất chặt hạ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố thuộc 10 quận nội thành Hà Nội. Kinh phí thực hiện xấp xỉ 60 tỉ đồng thời gian thực hiện đề án từ năm 2015-2017 và đã được UBND thành phố thông qua. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối của người dân.
Đầu tháng 3/2015, trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh – tuyến đường từng được bình chọn là một trong những con đường đô thị đẹp nhất Việt Nam, cây xanh được chặt hạ thay thế bằng cây vàng tâm trên tuyến đường này.
Gần 500 cây xanh đã bị đốn hạ trong đợt vừa rồi.
Những ngày qua, Hà Nội đã tiến hành chặt bỏ, thay thế cây xanh trên một số đường phố như: Lê Duẩn, Quang Trung, Giải Phóng.... Đây là việc làm nằm trong kế hoạch chặt hạ 6.700 cây xanh theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được UBND thành phố thông qua.
Người dân phản ứng
Trên mạng xã hội facebook đã ra đời trang vận động “6.700 người vì 6.700 cây xanh”, với mục tiêu thu thập 6.700 chữ ký vào bức thư ngỏ gửi lãnh đạo TP Hà Nội. Thư ngỏ đưa ra ba yêu cầu cụ thể, trong đó có việc dừng ngay việc chặt cây để hỏi ý kiến người dân và các chuyên gia, đồng thời công khai lộ trình và lý do chặt cây. Đã có 1.000 người ký vào thư ngỏ này, hơn 20.400 người bấm thích (like) trang này và con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Cùng với đó, nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình VN) và GS Ngô Bảo Châu đã có thư ngỏ gửi lãnh đạo TP bày tỏ ý kiến không ủng hộ chủ trương chặt hạ cây xanh này.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng cây di sản, cho rằng việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh có thể sẽ khiến các tuyến phố của Hà Nội lâm vào cảnh ô nhiễm khói bụi.
Một ông bố trẻ Hà Nội đưa con trai đi thắt nơ cho cây trước khi bị chặt.
“Cây xanh là “lá phổi” điều hòa không khí rất quan trọng phục vụ cho cuộc sống của con người, cũng như góp phần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của cây xanh tại các vùng đô thị có mật độ dân cư lớn, đô thị hóa nhanh lại càng có ý nghĩa to lớn.
Đối với Hà Nội, từ trước đã được cộng đồng thế giới biết đến là thành phố xanh với nhiều dãy cây cổ thụ được trồng cách đây cả trăm năm. Chính các cây xanh này cũng đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên và môi trường.
Thế nhưng, trong quá trình phát triển, nhiều cây xanh ở Hà Nội đã bị đốn hạ, việc này không chỉ để lại nỗi buồn cho những nhà bảo tồn như tôi, mà nhiều người dân cũng bày tỏ những trăn trở, lo lắng, nhất là khi nghe thông tin khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của Thủ đô sẽ bị chặt hạ”, GS Huỳnh chia sẻ.
Trong khi dư luận tiếp tục phản đối đề án chặt hạ, thay thế trên 6.700 cây xanh tại Hà Nội thì gần 500 cây xanh đã bị đốn hạ, còn đại diện thành phố cho rằng “hầu hết nhân dân các khu vực có cây thay thế đồng thuận, ủng hộ”.
Mới đây, một loạt những bức ảnh ghi lại cảnh một ông bố trẻ Hà Nội đưa con trai đi thắt nơ cho cây trước khi bị chặt cùng những lời tâm sự rất xúc động được đăng tải trên facebook đã ngay lập tức được nhận được rất nhiều sự ủng hộ.
Cây xanh được chặt hạ thay thế bằng cây vàng tâm.
Dừng chặt cây
Sáng ngày 20/3, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu dừng chặt hạ cây xanh trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu những cây đã hạ chuyển thì phải thay cây mới đảm bảo mật độ theo quy hoạch, hoàn thiện hè đường, đảm bảo giao thông đô thị; tổ chức chăm sóc, quản lý theo phân cấp, quy định. Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gãy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Chiều ngày 20/3, UBND TP Hà Nội mời các cơ quan thông tấn báo chí tới dự họp công bố thông tin về việc dừng chặt hạ 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố gây bức xúc trong dư luận những ngày qua. Đúng 14h cả trăm phóng viên các cơ quan có mặt đến đưa tin về cuộc họp. Tuy nhiên, sau tất cả những câu hỏi của các phóng viên được UBND TP mời đến thông tin đưa ra đều không được ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời.
Trước khi kết thúc phần phát biểu của mình, ông Hùng đề nghị các cơ quan chức năng của Thành phố trả lời câu hỏi của phóng viên, cụ thể là 21 câu hỏi trong buổi họp báo này. Ông Hùng nhấn mạnh, nếu cơ quan nào không trả lời hết trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.
Ngay sau phát biểu của mình ông Hùng rời phòng họp trước sự ngỡ ngàng của cả trăm phóng viên, nhà báo.