Đối với những bà mẹ vứt con có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể bị phạt tù
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 18/5, anh Trần Dũng (SN 1975, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhặt được một bé gái khi đi tập thể dục. Sau đó, mẹ đứa trẻ là chị T đã đến nhà anh Dũng hy vọng xin lại đứa trẻ. Chị T đã được chính quyền địa phương mời lên làm việc.
Trong đơn xin lại con, chị thừa nhận, do mâu thuẫn với chồng nên đã có ý định vứt con. Sau đó, do tự suy xét hành vi này là sai, vả lại vì tình mẫu tử, nên quay trở lại nơi đã vứt con để tìm. Tuy nhiên, đứa trẻ được anh Dũng nhặt về. Chị tỏ ra hối hận và mong muốn nhận lại đứa con của mình mang về nuôi.
Đứa trẻ anh Dũng nhặt được
Thỉnh thoảng, báo chí lại đưa thông tin về việc mẹ vứt con khiến dư luận vô cùng bức xúc. Thậm chí, có không ít vụ, đứa trẻ đã từ giã cõi đời chỉ vì hành vi thiếu suy nghĩ của mẹ mình. Nhiều người đã tự hỏi, tại sao các bà mẹ này lại có thể vứt đi núm ruột do mình sinh ra. Và, khi họ thực hiện hành vi ấy có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì họ sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Trương Thị Thu Hà (văn phòng Luật Kim Tín) cho rằng, đứa trẻ được sinh ra đã có quyền của con người, không ai có quyền tước đoạt mạng sống, ngay cả chính mẹ ruột. Theo luật Hôn nhân và gia đình, mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Pháp luật nghiêm cấm cha mẹ bỏ rơi con của mình. Tùy vào mức độ của hành vi và hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp cha mẹ bỏ rơi, không chăm sóc cho con cái, có thể bị xử phạt từ 10 đến15 triệu đồng. Mức phạt này cũng dành cho các trường hợp cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, con sau khi sinh; cha mẹ người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quạ hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong trường hợp người mẹ vứt khiến con tử vong thì có thể bị phạt tù. Trong bộ luật hình sự có Tội giết con mới đẻ. Theo đó, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Bà Hà phân tích, từ quy định trên có thể xác định đến hoàn cảnh, trách nhiệm của người mẹ vứt con. Chỉ trong các trường hợp người mẹ cố tình giết con như chôn sống, bóp mũi… hoặc để cho trẻ trong tình trạng nguy hiểm có thể chết đói, chết lạnh, chết vì động vật cắn dẫn đến hậu quả nặng nề thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người mẹ vứt con mà đứa trẻ may mắn được cứu sống cũng được xem là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, mặc dù không cần xử lý hình sự nhưng cũng cần xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật để phòng ngừa những vụ việc tương tự.
Phụ nữ sau sinh cần được chia sẻ
Nhà tâm lý Lý Thị Thủy Ngân cho biết, trong thời gian qua, theo dõi từ thông tin trên mạng internet khá nhiều vụ mẹ vứt con, có trường hợp dẫn đến tử vong khiến bà vô cùng xót thương. Từ góc nhìn là một nhà tâm lý, bà vừa giận, vừa thương những người phụ nữ này.
Qua nghiên cứu, bà nhận thấy có thể quy tụ thành hai trường hợp. Người mẹ không bình thường, có thể bị bệnh tâm thần, không ý thức được hành vi mình làm. Khi họ lên cơn, không tỉnh táo dẫn đến các hành động bất thường, có thể gây tác hại đáng tiếc.
Một người mẹ từng vứt hai con xuống giết khiến dư luận xót xa trong khoảng thời gian dài
Thứ hai là những người phụ nữ hoàn toàn bình thường nhưng gặp phải hoàn cảnh đặc biệt khiến họ khủng hoảng tâm lý, tinh thần dẫn đến các hành vi sai lầm trong hành động.
Phần lớn các trường hợp mẹ bị bình thường vứt con thường là sau khi sinh. Lúc này, tính cách, tâm trạng phụ nữ có nhiều thay đổi và dễ rơi vào trầm cảm. Chỉ cần một vài tác động cũng có thể khiến họ bị stress nặng và dẫn đến các hành vi thiếu suy nghĩ.
Trong đó, nhiều phụ nữ sinh con và họ cảm thấy đó là hành vi sai trái, hành vi xấu. Chẳng hạn, họ sinh con ngoài giá thú. Hoặc, những bạn sinh viên lỡ có thai với bạn trai mà không được sự chấp thuận của gia đình. Họ sợ người thân của mình biết… Từ đó, họ cảm thấy xấu hổ, muốn giấu giếm, che giấu hành vi của mình.
Trường hợp khác là người phụ nữ muốn vứt con mình để trả thù một ai đó, có thể là chồng hoặc bạn trai của mình. Họ cho rằng, khi vứt con thì có thể khiến người đàn ông ấy cảm thấy tội lỗi, mặc cảm và hối hận. Hoặc, họ quá giận vì mình bị bội bạc… Thậm chí, một số bà mẹ khác lại có hành động sai trái với con mình vì rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, suy nghĩ không thể nuôi dưỡng được đứa trẻ.
Từ những điều này, bà Ngân cho rằng, trong trường hợp những phụ nữ bình thường sau sinh rất cần sự chia sẻ của chồng, người thân, bạn bè. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của một người phụ nữ. Chỉ khi được chia sẻ cảm xúc, được giải quyết các bức xúc thì họ mới không nảy sinh những hành động sai lầm.