Các Luật sư cho biết, trong trường hợp ông Cao Toàn Mỹ bãi nại cho Phương Nga, thì đây chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ nếu hoa hậu này có tội.
Liên quan tới vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi) và Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi, ngụ quận Tân Bình TP.HCM) thực hiện với nạn nhân là Cao Toàn Mỹ (một đại gia ở TP. HCM). Mới đây, đại diện pháp lý của nạn nhân cho biết: ‘sẵn sàng bãi nại cho cô Nga nếu cô ấy trả lại tiền”.
Tình tiết mới này dấy lên nhiều mối quan tâm với dư luận, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu việc bãi nại có khiến hoa hậu Phương Nga thoát tội hay không?
Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa ngày 21.9. Ảnh: Tân Châu (Tiền Phong)
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý nêu quan điểm, việc bãi nại không giúp hoa hậu Phương Nga thoát tội nếu có.
Luật sư Kiên cho biết, theo thông tin báo chí đăng tải, số tiền lừa đảo trong vụ án này rất lớn, nên việc bãi nại chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi được xem xét để tòa án quyết định hình phạt.
“Pháp luật Việt Nam quy định, việc bãi nại không ảnh hưởng tới việc thoát tội trong suốt quá trình tố tụng giao đoạn, khởi tố, truy tố, xét xử… nó chỉ được xem là hình thức giảm nhẹ. Trong trường hợp cô Phương Nga có trả lại tiền, thì đây cũng chỉ là hình thức giảm nhẹ nếu hoa hậu này có tội.” – Luật sư Kiên phân tích.
Luật sư Trần Sỹ Hoàng – Đoàn Luật sư Hà Nội cũng nêu quan điểm, vụ án được truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên dù có đơn bãi nại thì vụ án vẫn sẽ được điều tra xử lý.
“Nếu hoa hậu Phương Nga có tội thì vẫn bị kết án dù có đơn bãi nại của nạn nhân.” – Luật sư Hoàng nói.
Cũng theo Luật sư Hoàng, trong trường hợp hoa hậu Phương Nga đồng ý trả tiền cho vị đại gia, thì đây cũng không thể coi là Phương Nga đã thừa nhận mình chính là người lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
“Nếu hoa hậu Phương Nga có tội, người này đồng ý trả số tiền chiếm đoạt được cho bị hại, đồng thời phía bị hại có đơn bãi nại. Hội đồng xét xử sẽ xem đây là hai tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong luật có ghi nếu bị có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì hội đồng xét xử có thể áp dụng khung phạt liền kề.” – Luật sư Hoàng cho biết.
Trước đó, công an TP.HCM đã kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chiều 21/9, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, Nga đã khai nhận rằng số tiền 16,5 tỷ đồng ông Mỹ chuyển khoản cho mình không phải để mua nhà như cáo trạng. Số tiền này là thỏa thuận giữa ông Mỹ và Nga về việc cả hai sẽ có mối quan hệ tình cảm trong 7 năm. Cả hai bắt đầu mối quan hệ tình cảm (có hợp đồng, Nga có in dấu vân tay) vào năm 2012. Nga khai nhận thêm, lúc làm hợp đồng ông Mỹ còn bắt mình phải đưa chứng minh thư để kiểm tra lại thông tin cá nhân.
Bị cáo cũng cho rằng cả hai thường xuyên gặp nhau, đi du lịch khi còn quan hệ tình cảm. Cả hai giữ mối quan hệ tình cảm nói trên đến năm 2015 thì chấm dứt vì xảy ra mâu thuẫn, ông Mỹ đòi tiền lại, Nga khai nhận thêm.
Lời khai về “hợp đồng tình dục” (bị cáo Dung cho biết đã xem và cho biết tên hợp đồng này) của Nga là tình tiết mới, khác với lời khai của ông Mỹ, nội dung vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX cho trả hồ sơ, điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết này.