Trận đánh lớn đầu tiên của Tướng Giáp

Ngày 08/10/2013 08:39 AM (GMT+7)

Chiến dịch biên giới Việt Bắc năm 1947 là chiến dịch quân sự lớn đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Việt Bắc vốn là khu vực có địa lý phức tạp nhiều núi cao, sông suối hiểm trở nên nó có thể hạn chế khả năng cơ động cũng như triển khai lực lượng chiến đấu lớn. Việc triển khai binh lực tại đây đều phải dựa theo mùa. Vì những yếu tố đó, Việt Bắc trở thành một khu vực “dễ thủ khó công”.

Với địa thế đắc địa nên ngay từ tháng 8/1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng và Nguyễn Lương Bằng ở lại Tân Trào thêm một thời gian để trực tiếp củng cố khu địa căn cứ trung ương.

Trận đánh lớn đầu tiên của Tướng Giáp - 1

Bản đồ chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Pháp muốn dùng sự áp đảo về sức mạnh quân sự để tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta.

Đến cuối tháng 10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc để chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Đầu năm 1947, sau khi các giải pháp chính trị không thành công, thực dân Pháp quyết định dùng quân sự để giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ở phía bên kia, tướng Jean-Etienne Valluy, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, đã giao cho tướng Raoul Salan, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, gấp rút chuẩn bị “kế hoạch tấn công Việt Bắc” nhằm vào căn cứ địa Việt Bắc. 

Sự chệnh lệch về tương quan lực lượng cũng như vũ khí, kinh nghiệm trận mạc giữa đôi bên là quá lớn. Quân đội Việt Minh mới thành lập còn non yếu, trang bị khí tài còn thô sơ, kinh nghiệm trận mạc gần như bằng không, thậm chí phần lớn đơn vị còn chưa hề chiến đấu.

Trước những khó khăn về lực lượng so với sức mạnh vượt trội của quân đội Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Tổng chỉ huy chiến dịch đã bố trí lực lượng một cách linh hoạt, dựa vào thế hiểm trở của địa hình để khai thác vào những điểm yếu của quân Pháp.

Trận đánh lớn đầu tiên của Tướng Giáp - 2

Quân đội Việt Minh lúc đó còn non yếu cả về trang bị và kinh nghiệm trận mạc nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người chỉ tay vào bản đồ) đã đập tan âm mưu tiêu diệt căn cứ địa Việt Bắc của thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Chiến dịch tiến công Việt Bắc của thực dân Pháp gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn một quân đội Pháp đã tiến đánh Bắc Cạn, vì cho rằng đây là “thủ đô mới” của Việt Minh. Tuy nhiên cuộc hành quân mà tướng Raoul Salan gọi là “đánh vào tim kẻ thù” chỉ đánh chiếm được một số kho tàng và xưởng in tiền.

Chiều ngày 14/10/1947, Thường vụ Trung ương đảng họp thông qua Chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Hội nghị nhận định  “nếu biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của Pháp thì nhất định cuộc tiến công của họ sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nhất trí tổ chức ba mặt trận như báo cáo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Trước khi cuộc họp kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tình hình cực kỳ rối ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa đã dẫn Pháp đến chỗ muốn sớm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện đánh địch khắp nơi, buộc chúng dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Ta giữ gìn được chủ lực qua mùa đông năm nay là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này Pháp không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho ta”

Nhận thấy điểm yếu chí tử của quân Pháp là công tác hậu cần, Bộ Tổng chỉ huy dưới sự chỉ đạo của Võ Nguyên Giáp đã chủ trương “đánh mạnh ở mặt trận Sông Lô và đường 4, phá hoạt động giao thông vận tải tiếp tế của địch, kết hợp chặt việc phát động nhân dân bỏ vườn không nhà trống, triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch”.

Vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, bộ đội đã từng bước phá vỡ thế đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Pháp, cuộc hành quân Lê-a phá sản hoàn toàn.

Giai đoạn 2 Pháp tiếp tục mở cuộc hành quân Xanh-tuya từ ngày 19/11 đến ngày 14/12/1947 đánh vào khu vực tứ giác  Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ Lạng Thương - Việt Trì, nơi các cơ quan chính phủ Việt Minh trú đóng.

Cuộc hành quân tiếp tục vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Việt Minh dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kế hoạch tiêu diệt đầu não Việt Minh của thực dân Pháp phá sản hoàn toàn. Chiến dịch Việt Bắc năm 1947 được xem là thắng lợi quân sự lớn đầu tiên của Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp, thế và lực của Việt Minh cũng trở nên mạnh mẽ hơn sau chiến thắng này.

Với công lao to lớn của Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã quyết định thụ phong quân hàm Đại tướng cho ông vào ngày 28/05/1948, đưa ông trở thành vị Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi.

Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm Đại tướng mà không phải trải qua bất kỳ bậc quân hàm nào trong quân đội. Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng".

Theo Quốc Việt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan