Tranh luận nảy lửa về "phát minh" bỏ cúng giao thừa Tết Giáp Thìn 2024

Ngày 31/01/2024 09:08 AM (GMT+7)

Cúng đêm giao thừa là truyền thống đã lưu truyền trong đời sống dân gian Việt từ bao đời nay. Tuy nhiên, năm nay, lại nổi lên một số quan điểm với các lập luận về việc không nên cúng giao thừa năm 2024.

Thông tin này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Tiktok với các lập luận:

"Năm nay là năm chuyển tiếp từ vận 8 sang vận 9 nên gọi là năm Không vong, không nên đón dòng năng lượng xấu của những ngày cuối năm này.

Tiết lập xuân là ngày 25 tháng Chạp nên năm mới đã tới từ ngày này và cúng giao thừa vào ngày 25 tháng Chạp (ngày 4/2) chứ không phải đêm 30 Tết như mọi năm. 

Ngày mùng 1 là ngày Giáp Thìn, là ngày tự hình nên không cúng giao thừa". 

Nhiều lập luận cho rằng không nên cúng giao thừa năm 2024 và đang nhận được phản ứng đa chiều từ giới học giả. Ảnh TL

Nhiều lập luận cho rằng không nên cúng giao thừa năm 2024 và đang nhận được phản ứng đa chiều từ giới học giả. Ảnh TL

Những quan điểm này tới từ rất nhiều những người được gọi là "thầy phong thủy" trên mạng xã hội và đã làm cho rất nhiều người hoang mang, không biết thế nào là đúng là sai. Vậy quan điểm nêu trên có thực sự đúng ?

Trước ý kiến ngược dòng nêu trên, chuyên gia phong thuỷ Hoàng Triệu Hải đã có những chia sẻ với Gia đình và Xã hội.

Ông Hoàng Triệu Hải cho rằng: "Trước tiên chúng ta hãy cùng đặt câu hỏi, nếu chúng ta không cúng giao thừa thì liệu vận mới có tới hay không? Năm mới có tới hay không?".

"Phong tục, nghi lễ truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt được cha ông ta gìn giữ qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử đất nước. Tết là lễ hội truyền thống của người Việt và có rất nhiều nghi lễ truyền thống liên quan tới Tết.

Trước giao thừa, chúng ta có ngày ông táo chầu Trời và đây là nghi lễ mang đậm tính minh triết của văn hiến Việt. Đêm Giao thừa ngày 30 tháng Chạp tức 30 Tết (hoặc 29 tháng chạp nếu là tháng thiếu) hay còn được gọi là đêm Trừ tịch.

Trừ tịch có nghĩa là tiễn trừ, loại bỏ, thay đổi và tịch là đêm. Đêm giao thừa với ý nghĩa trừ bỏ cái xấu, loại bỏ những muộn phiền của năm cũ và thay đổi tích cực trong năm mới và đó là ý nghĩa tích cực của việc chào đón Tết.

Việc thờ cúng tổ tiên trong đêm Giao thừa với bữa cơm Tất niên là một điều vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng sau một năm và đó là nghi lễ không thể thiếu trong ngày cuối năm.

Việc thực hiện nghi lễ truyền thống là cúng Giao thừa, tống cựu nghinh tân tức là tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới là việc làm hoàn toàn bình thường và không liên quan tới việc chuyển vận từ vận 8 sang vận 9.

Sự hiểu sai lệch, suy diễn giữa phong tục truyền thống và hệ thống vận khí trong phong thủy địa lý là hai phạm trù hoàn toàn khác. Bạn có không cúng thì vận khí vẫn dịch chuyển theo tính qui luật của nó, và không phải là việc bạn có cúng giao thừa thì cái xấu sẽ tới mà không cúng thì cái tốt sẽ tới.

Một quan điểm sai thứ hai, đó là về lịch pháp khi cho rằng năm mới tính theo tiết Lập xuân. Lịch của chúng ta hiện nay bao gồm 4 loại lịch: Âm lịch (lịch mặt trăng), Dương lịch (lịch mặt trời), lịch can chi và lịch tiết khí.

Tết và năm mới của chúng ta sử dụng lịch can chi kết hợp với âm lịch, hay còn gọi là lịch kiến dần. Đây là phép tính gọi là Nguyên – Vận – Hội – Thế. Khởi từ Hội Tý, mỗi Hội cách nhau 10.800 năm và chia thành 30 vận, mỗi vận 360 năm. Chúng ta đang ở Hội Ngọ - Kiến Dần và còn 2.110 mới kết thúc Hội Ngọ.

Kiến Dần tức là khởi đầu một năm ở tháng Dần, tức tháng 3 (nếu là kiến Tý tức là tháng 11 âm, kiến Sửu là tháng 12 âm). Dần là địa chi có thứ tự thứ 3 nên vì thế chúng ta mới có tháng giêng thay bởi là tháng 1.

Tháng 11 âm là tháng Tý nên được định danh là số thứ tự 1 nhưng vì gộp vào âm lịch nên là tháng 11 âm, vì thế chúng ta có tháng Chạp là tên gọi của tháng thứ 12 thay bởi là tháng 12 âm lịch.

Kết thúc tháng sửu tức là ngày 29 hoặc 30 theo âm lịch, chúng ta sẽ đón năm mới do quy ước lịch là Kiến Dần tức là bắt đầu một năm mới là ngày mùng 1 của tháng Dần (tháng Giêng).

Năm mới không có qui ước là bắt đầu của mùa Xuân, bởi năm mới theo hệ lịch Can Chi, nên nếu khi tới khi qui ước tới lịch Kiến Tý thì năm mới sẽ bắt đầu từ 1 tháng 11 âm lịch và Kiến Sửu sẽ là 1 tháng Chạp Âm lịch. Sẽ còn hơn 2.000 năm nữa chúng ta mới bước vào lịch kiến Tý.

Lịch Tiết khí bản chất là Nông lịch, là lịch xác định thời điểm gieo cấy - vụ mùa. Lịch Tiết khí vốn thuộc về văn hóa lúa nước và nó của người Việt cổ, xác định dựa trên vòng hoàng đạo là quĩ đạo mặt trời quanh trái đất (do người xưa quan sát mặt trời từ Trái đất). 

Cơ sở tính toán Tiết khí chính là hệ thống chiêm tinh và quan sát, mốc thời gian ngày đêm dài bằng nhau cách nhau 180 ngày-đêm là điểm Xuân phân và Thu phân, từ đó là cơ sở tính toán Bát tiết tam kỳ, mỗi 5 ngày là 1 đơn nguyên và sau 14 ngày sẽ là 1 Tiết khí. Hệ thống lịch này là cơ sở cho một số môn trong Lý học như Bát tự, Kỳ môn độn Giáp nhưng nó không dùng trong hệ thống để xác định năm mới.

Ngày tự hình, ngày xung là phép xem ngày tốt xấu cho các việc quan trọng như cưới hỏi, xây nhà, khai trương, mở hàng... nhưng nó vẫn là ngày mùng 1 đầu năm. Dù bạn có cúng hay không thì ngày đó vẫn tới và chúng ta vẫn chào đón năm mới bằng những lời chúc tốt đẹp nhất. 

Cho dù ngày mùng 1 Tết tốt hay xấu thì chúng ta sẽ có qui ươc về việc như mở hàng, khai bút và nó không phải ngày kiêng kỵ cho việc đi chúc Tết gia đình - họ hàng - bạn bè với những lời chúc tốt đẹp trong năm mới".

3 con giáp gặp hạn Tam tai trong năm Giáp Thìn 2024, vì sao nói tam hợp hóa tam tai?
Hạn Tam tai chính là hạn của 3 năm liên tiếp với mỗi một tuổi. Trong 3 năm tam tai, người ta thường kiêng khem để mọi việc diễn ra trong cuộc sống...

Phong thủy năm mới

Theo Minh Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phong thủy năm mới