Bác sĩ gây mê nói gì về việc Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai mới ban hành

Ngày 03/07/2017 19:12 PM (GMT+7)

Lo ngại các tai biến xảy ra khi sinh mổ, mới đây Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký văn bản gửi các cơ sở y tế về việc không sử dụng phương pháp gây tê tủy sống khi mổ đẻ.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc không sử dụng phương pháp gây tê tủy sống cho những trường hợp sản phụ sinh mổ, vì việc làm này sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến sản khoa đáng tiếc. Điều đó đồng nghĩa với việc 100% sản phụ sinh mổ sẽ thực hiện kỹ thuật gây mê nội khí quản.

Liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Văn Bách – Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, khi Bộ Y tế đã ra văn bản thì các cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định. 

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện gây mê nội khí quản như quy định được. "Ví dụ như có trường hợp đúng là bị tiền sản giật, rau tiền đạo bán trung tâm, nhưng sản phụ lại bị bướu cổ hoặc bị viêm đốt sống cằm không thể há miệng ra để đặt nội khí quản. Lúc đó thai thì đã suy mà lại không được phép gây tê tủy sống, quả thật là rất khó với chúng tôi. Không còn cách nào khác là chúng tôi phải chuyển người bệnh lên tuyến trên", TS Bách nói.

Bác sĩ gây mê nói gì về việc Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai mới ban hành - 1

Tiến sỹ Bách đang gây tê tủy sống cho một bệnh nhân

Theo TS Bách, hai phương pháp gây tê tủy sống và gây mê nội khí quản khi mổ đẻ đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Vì thế, phải dựa vào tình hình thực tế trên từng người bệnh để lựa chọn phương pháp an toàn, phù hợp và có lợi nhất cho người bệnh.

"Chẳng hạn như gây mê nội khí quản dù dùng thuốc gây mê bốc hơi hay thuốc gây mê tĩnh mạch thì vẫn qua nhau thai và phần nào ảnh hưởng tới em bé. Còn gây tê tủy sống, vì chỉ gây tê vùng thắt lưng trở xuống, thuốc tê hoàn toàn không qua nhau thai làm ảnh hưởng đến em bé. Phương pháp này cũng gặp một số tác dụng không mong muốn như chậm nhịp tim, hạ huyết áp…Tuy nhiên, những vấn đề đó hiện nay đã có máy móc theo dõi. Thực tế, tại Bệnh viện Bưu Điện có tới 90% ca mổ đẻ đều áp dụng gây tê tủy sống cho sản phụ”, TS Bách cho hay.

Riêng vấn đề gây tê tủy sống gây đau lưng, buồn nôn hoặc nôn, TS Bách cho rằng, điều đó là có nhưng những biểu hiện đó sẽ dần mất đi. “Không cần phải gây tê tủy sống, các sản phụ sinh thường vẫn bị đau lưng, vì trong quá trình chuyển dạ các khớp giãn ra và gây nên những cơn đau lưng cho sản phụ”, TS Bách chia sẻ.

Phân tích thêm về việc áp dụng phương pháp gây tê tủy sống cho sản phụ khi sinh mổ, TS Bách cho biết, hiện nay trong giáo trình giảng dạy sau đại học của Bộ môn Gây mê hồi sức (Đại học Y Hà Nội) cũng ghi rõ gây tê tủy sống được chỉ định cho các trường hợp phẫu thuật bụng dưới như: cắt ruột thừa, thoát vị bẹn. Hoặc các phẫu thuật sản phụ khoa như: Cắt tử cung, cắt thông vòi trứng, cắt u nang buồng trứng và mổ lấy thai…

Bác sĩ gây mê nói gì về việc Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai mới ban hành - 2

TS Bách đang thăm khám cho bệnh nhân

Cũng trong tài liệu này, gây tê tủy sống chỉ chống chỉ định cho những trường hợp bệnh nhân từ chối gây tê, thiếu khối lượng tuần hoàn chưa bù đủ, sốc, rối loạn đông máu và đang dùng thuốc chống đông, nhiễm khuẩn huyết, bệnh tim, dị ứng thuốc dùng tê, tăng áp lực nội sọ, bất thường về giải phẫu không thể chọc tủy sống được.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế thực không thực hiện phương pháp gây tê tủy sống khi mổ đẻ. 

Công văn chỉ rõ, qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy, trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật,.... có nguy cơ cao, xảy ra một số tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Chính vì thế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y (Bộ Quốc phòng), Cục Y tế (Bộ Công an) và bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản (gây mê vô cảm) đối với các sản phụ có các tình trạng nêu trên. Không thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh mổ