Gây tê tủy sống khi sinh bị đau lưng: Lý giải của chuyên gia các mẹ cần biết

Ngày 05/07/2017 16:54 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, việc sản phụ bị đau lưng sau gây tê tủy sống khi mổ đẻ là có nhưng chị em không nên lo lắng thái quá.

Bị đau lưng lâu dài khi gây tê tủy sống sau sinh là không chuẩn xác

Vài ngày trở lại đây, trên các diễn đàn mạng xã hội rất nhiều chị em chia sẻ về những biến chứng mà mình gặp phải khi thực hiện kỹ thuật gây tê tủy sống khi sinh.

Chị Kim Dung (ở Nam Từ Liêm – Hà Nội) cho biết, trong lần sinh con đầu lòng, chị đã được các bác sĩ gây tê tủy sống, sau đó tiến hành mổ đẻ. “Lúc mổ đẻ công nhận là tôi không cảm thấy đau đớn gì cả, đầu óc vẫn tỉnh táo bình thường. Nhưng sau khi đẻ xong khoảng 3 tiếng người đau ê ẩm, nôn thốc tháo và phải chịu những cơn đau lưng âm ỉ cả tháng trời.

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi thay đổi thời tiết chỗ đâm kim tiêm vẫn buốt nhói từng cơn”, chị Dung kể lại.

Chia sẻ của chị Kim Dung cũng là nỗi lo chung của rất nhiều chị em đã từng thực hiện kỹ thuật gây tê tủy sống khi sinh mổ.

Trước những băn khoăn trên, trao đổi với chúng tôi PGS Công Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho rằng, những người phụ nữ sau khi sinh bao giờ cũng có triệu chứng đau lưng, vì thay đổi sinh lý trong thời kỳ mang thai và họ vừa trải qua một thời kỳ sinh nở, nên toàn thân sẽ giãn ra, sau một thời gian cơ thể lại  co vào như hình thái ban đầu nên trong quá trình này sẽ gây đau cho người phụ nữ.

Còn đối với gây tê tủy sống, PGS Thắng cho rằng, hiện nay kim dùng để gây tê nhỏ, chỉ hơn sợi tóc một chút, nên khi gây tê tổn thương rất nhỏ và ít làm bị thương đến tổ chức, cũng như ít làm thất thoát đến dịch não tủy khi chọc.

“Theo tôi, do chị em không hiểu đúng, cộng với tâm lý lo sợ nên có cảm giác đau, khi kim chọc vào người. Hơn nữa, vệc người phụ nữ sau sinh có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên họ dễ bị ám ảnh bởi các đơn đau lưng được mặc định thủ phạm là do gây tê tủy sống khi sinh mổ”, PGS Thắng cho hay.

Cuối cùng, PGS cho rằng, việc các bác sĩ thực hiện gây tê hay gây mê thực chất là giúp giảm đau cho người bệnh, chứ không phải để người bệnh đau thêm. Chính vì thế, việc nhiều người cho rằng bị đau lưng lâu dài khi gây tê tủy sống khi mổ đẻ là không chuẩn xác.

Gây tê tủy sống khi sinh bị đau lưng: Lý giải của chuyên gia các mẹ cần biết - 1

Việc gây tê tủy sống có gây đau lưng, nhưng không quá lo ngại vì nó sẽ mất đi sau đó.

Cùng quan điểm trên TS Hoàng Văn Bách – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Bưu điện cho rằng: “Bản thân việc sinh thường cũng sẽ gây đau lưng cho sản phụ, vì trong quá trình chuyển dạ sinh con, các khớp xương sẽ giãn ra và gây nên cơn đau lưng. Vì thế tôi cho rằng đau lưng do gây tê tủy sống không đáng lo ngại”, TS Bách chia sẻ.

Sản phụ gây tê tủy sống khi sinh có biến chứng đau lưng cần phải làm gì?

"Thông thường đau lưng sau gây tê khi sinh sẽ tự khỏi trong một thời gian ngắn, có người khỏi sau 1 tháng nhưng cũng có những người mất vài tháng, không có chuyện cơn đau kéo dài hết vài năm hoặc suốt đời" - BS Nguyễn Anh Tuấn - chuyên khoa Gây mê hồi sức và đau mãn tính, giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM.

Còn về những biến chứng có thể xảy ra khi gây tê tủy sống đối với sản phụ mổ đẻ, TS Bách cho biết: “Khi thực hiện gây tê tủy sống, ưu điểm của phương pháp này là tê nhanh, dễ thực hiện ở nhiều tuyến bệnh viện.

Nhưng nó cũng có những nhược điểm nhất định, đó là một số tác dụng không mong muốn thoáng qua như tụt huyết áp, chậm nhịp tim, đau đầu buồn nôn... Những vấn đề này chỉ cần điều trị bằng truyền dịch và thuốc co mạch sẽ đỡ.

Trong số những biến chứng trên, biến chứng ngừng tim rất hiếm gặp vì khi thực hiện sản phụ luôn được theo dõi chặt chẽ để sử dụng các thuốc điều trị tim mạch...”.

Cũng theo TS Bách, một số trường hợp chống chỉ định gây tê tủy sống khi sinh đẻ đó là: Bệnh nhân từ chối gây tê, dị ứng thuốc tê, thiếu khối lượng tuần hoàn lớn, vùng da chọc kim gây tê nhiễm trùng, nhiễm trùng toàn thân nặng.

Gây tê tủy sống khi sinh bị đau lưng: Lý giải của chuyên gia các mẹ cần biết - 2

Bộ Y tế có văn bản chính thức, quy chuẩn hoá quy định không gây tê màng cứng với một số trường hợp sinh mổ đặc biệt (Ảnh minh họa)

Một số trường hợp khác như dị dạng cột sống, bệnh ỉa chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu, bệnh động kinh, bệnh tâm thần và sản phụ mắc bệnh tim mạch nặng… cũng sẽ chống chỉ định khi gây tê tủy sống.

Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Anh Tuấn - chuyên khoa Gây mê hồi sức và đau mãn tính, giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM lý giải, việc chị em phụ nữ có hiện tượng đau lưng khi sinh là do tác dụng của việc chọc kim vào tủy để gây tê. Chứ thuốc gây tê không có phản ứng gây đau lưng.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gây tê màng cứng