Việc cho trẻ nhỏ dùng điện thoại quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mắt của trẻ, nhẹ thì khô mắt mỏi mắt, nặng hơn là cận thị, loại thị và xa hơn nữa, trẻ có khả năng bị mù, ung thư...
Lâu nay vấn đề cho trẻ sử dụng điện thoại vẫn luôn được các chuyên gia, bác sĩ cảnh báo liên tục, nhưng dường như những cảnh báo đó chẳng thấm vào đâu. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, không cho trẻ tiếp cận với công nghệ, con sẽ lạc hậu so với những đứa trẻ khác cùng trang lứa.
Điều đó liệu có đúng hay không? Các chuyên gia khẳng định, suy nghĩ đó của bố mẹ là sai lầm hoàn toàn bởi cho trẻ tiếp cận với các thiết bị điện tử đặc biệt là điện thoại càng sớm thì càng nguy hiểm đối với sự phát triển và nhiều bộ phận khác của trẻ, điển hình là mắt.
Vì sao lại như vậy? Ths.BS Vũ Thị Thúy Lan – Phụ trách phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội) cho biết, đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi phải cho trẻ tránh xa điện thoại, iPad vì lúc này mắt trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, nên nếu tiếp xúc nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển.
“Có thể, ngay lúc đó hoặc vài năm sau đó bạn vẫn thấy trẻ vẫn nhìn rõ bình thường mà không có vấn đề gì xảy ra cả. Nhưng cứ liên tục như thế một thời gian dài, chắc chắn khi lớn lên trẻ sẽ bị mờ, nhòe và mắc các bệnh lý liên quan khác. Điều đó lý giải vì sao tỷ lệ trẻ loạn thị, cận thị ngày càng gia tăng”, Ths.BS Lan cảnh báo.
Trẻ nhỏ dùng điện thoại cực kỳ hại cho mắt.
Theo BS Lan, hiện nay tỷ lệ trẻ tiếp xúc với điện thoại và thiết bị điện tử dưới 5 tuổi đang gia tăng ở mức đáng báo động, thậm chí nhiều gia đình còn phó mặc con mình cho những giúp việc gia đình, chỉ đến khi con mắc bệnh thì mới giãy nảy và không biết nguyên nhân vì sao.
“Tôi đi đến khám bệnh tại các gia đình, hầu hết trẻ khoảng 2-3 tuổi, thậm chí là mới 15-18 tháng khi ăn là phải kèm theo điện thoại, trẻ chỉ biết há mồm và nuốt, còn tâm trạng thì dồn hết vào cái máy.
Hay như có những nhà, cả ngày chỉ cho trẻ xem các chương trình tivi, đặc biệt là hoạt hình, trong đó cả cả những cảnh bạo lực. Khi tôi đóng góp ý kiến, bố mẹ nói gần như giao trọn cho người trông trẻ, còn người trông thì bảo cháu đã quen rồi”, BS Lan kể lại.
Không chỉ có vậy, nhiều gia đình hiện nay còn có thói quen đọc báo, tin tức hoặc xem video giải trí trước khi đi ngủ và cho trẻ xem cùng, đây là thói quen ảnh hưởng vô cùng xấu tới mắt của trẻ. Bởi bình thường trẻ nhìn vào màn hình điện thoại đã không tốt, buổi tối đáng ra mắt trẻ phải được nghỉ ngơi, thì lại căng mắt lên hoạt động, đó là chưa kể ánh sáng không đầy đủ.
Trước những vấn đề trên, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc có thông tin cho rằng, mù mắt khi xem điện thoại trong bóng tối, hay ung thư mắt vì nhìn màn hình điện thoại quá nhiều? BS Lan cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh thông tin đó là có khoa học.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cảnh giác, vì những cảnh báo như vậy hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại này, lúc đầu đôi khi chỉ là nheo mắt, mỏi mắt, khô mắt…nhưng về lâu dài thì không ai nói trước được điều gì”, BS Lan cảnh báo.
Để hạn chế được việc trẻ sử dụng điện thoại cũng như các thiết bị điện tử, việc đầu tiên các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tiếp cận với điện thoại quá sớm, để trẻ không hình thành nên những thói quen xấu.
“Một điều cũng quan trong không kém nữa đó chính là các bậc phụ huynh cần cai điện thoại trước khi rèn con cai, bởi trẻ sẽ không bao giờ nghe lời, nếu như bố mẹ suốt ngày lướt web, vào facebook trước mặt con”, BS Lan nhận định.