Trẻ nhập viện do bố mẹ ủ ấm quá kỹ

Ngày 26/01/2016 13:59 PM (GMT+7)

Miền Bắc đang đón đợt không khí lạnh được cho là mạnh nhất từ đầu mùa đến nay. Thậm chí, nhiều nơi còn xuất hiện tuyết rơi và băng giá. Vì thế, việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ là cần thiết hơn bao giờ hết.

Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện do được “bao bọc” quá mức và sự thiếu hiểu biết của các phụ huynh.

“Phản tác dụng” từ việc giữ ấm quá mức cho con

ThS. BS Bùi Thị Loan, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc, Thanh Hóa) thông tin, khoảng 1 tháng trở lại đây, lượng bệnh nhân nhi nhập viện do mắc các chứng bệnh liên quan đến thời tiết thay đổi tăng lên rất nhiều, đa phần bị viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm… Trong đó, có nhiều trường hợp trẻ bị ốm “oan” vì sự lo lắng quá mức của các phụ huynh.

BS Bùi Thị Loan cho biết, khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều phụ huynh vì quá lo lắng con nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh bị mất nhiệt nên thường mặc nhiều quần áo cho trẻ kết hợp với việc quấn vài lớp chăn bông bên ngoài để giữ ấm. Tuy nhiên, đây là việc làm có thể gây hại cho trẻ.

BS Loan giải thích: “Khi được ủ ấm quá kỹ, có thể trẻ sẽ bị nóng, lúc ấy sẽ sinh ra hiện tượng toát mồ hôi. Tuy nhiên, lượng mồ hôi này sẽ khó thoát ra ngoài mà thấm vào các lớp vải ủ cho trẻ. Nếu không kịp thời phát hiện và lau khô người sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm lạnh ngược trở lại, gây nên các chứng bệnh như: Cảm, sổ mũi, nặng hơn là các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, việc ủ quá nhiều lớp áo, chăn còn khiến làn da mỏng manh của trẻ dễ bị viêm, ngứa gây khó chịu cho trẻ. Thực tế, chúng tôi đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ nhiễm lạnh do được ủ ấm quá mức”.

Trẻ nhập viện do bố mẹ ủ ấm quá kỹ - 1

Các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh không nên ủ ấm trẻ quá mức để tránh gây hại đến sức khỏe của trẻ. Ảnh: Chí Cường

Cũng theo BS Bùi Thị Loan, nhiều phụ huynh đưa con đến bệnh viện cấp cứu nhưng không hề kiểm tra xem nguyên nhân vì sao con bị nhiễm lạnh. Vì thực tế, khi các bác sỹ tiếp nhận và khám cho trẻ thì có rất nhiều trẻ trong tình trạng quần áo hoặc lớp tã quấn quanh người đều bị ẩm, thậm chí ướt sũng.

Theo TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, việc giữ ấm cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh trong mùa đông giá lạnh rất quan trọng. Bởi vì, trẻ nhỏ chưa thể tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể như người lớn nên việc ủ ấm cho bé là cần thiết. Nếu trẻ không được chăm sóc chu đáo vào mùa đông rất dễ dẫn đến các bệnh như: Sổ mũi, ho, viêm phế quản... Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chỉ lo ủ ấm cho trẻ mà không biết nhiệt độ phòng nơi đặt trẻ mới thực sự là yếu tố quan trọng nhất.

“Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong mùa lạnh, trước hết phải luôn giữ nhiệt độ trong nhà ấm áp. Theo nghiên cứu, các bậc phụ huynh nên giữ nhiệt độ phòng trong khoảng 25-27oC. Đó là nhiệt độ thoải mái mà bé không cần được ủ ấm quá nhiều. Ngoài ra, nên tránh những nơi có gió lùa trực tiếp. Không đặt bé gần cửa sổ, cửa chính đang mở, hoặc những khe cửa có nhiều gió lưu thông”, TS.BS Trần Thị Hoàng nhấn mạnh.

Những điều phụ huynh cần lưu ý

BS Bùi Thị Loan cho hay, nhiều người vẫn nghĩ chỉ cần mặc thật nhiều lớp áo là đã có thể bảo vệ con khỏi cái lạnh giá của mùa đông mà quên rằng, việc mặc đúng nguyên tắc mới thực sự có tác dụng giữ ấm cho trẻ. Theo BS Bùi Thị Loan, cần chọn quần áo cho trẻ sao cho an toàn, thoải mái và giúp trẻ duy trì thân nhiệt tốt nhất. Đồ ngủ của trẻ không nên dày và quá bí. Nên chọn trang phục bằng sợi tự nhiên mềm, giúp da “thở” được như cotton.

Ngoài ra, việc trẻ bị nhiễm lạnh, đa phần sinh ra trong giấc ngủ ban đêm. Do vậy, để tránh gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ trong tiết trời lạnh giá, BS Bùi Thị Loan khuyến cáo: “Nên để hở đầu trẻ khi ngủ, vì đầu trẻ là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, đối với trẻ mới sinh hoặc sinh non thì việc đội mũ và dùng băng quấn thóp lại là cần thiết. Bên cạnh đó, không quấn quá nhiều lớp tã hoặc đắp quá nhiều chăn cho trẻ. Khi trẻ ốm, sốt lại càng không nên mặc quá nhiều quần áo. Thường xuyên kiểm tra xem trẻ có bị ra mồ hôi hay không. Nếu có, phải kịp thời lau khô da cho bé. Khi kiểm tra xem trẻ có nóng quá hay không thì nên sờ vào bụng, chân, tay vì các bộ phận này của trẻ thường lạnh hơn so với thân. Nếu thấy dấu hiệu khác thường như quấy khóc, da tím tái, ra nhiều mồ hôi thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”.

Còn theo BS Trần Thị Hoàng, thân nhiệt của người lớn và trẻ nhỏ (nhất là trẻ sơ sinh) là khác nhau. Tốt nhất là phụ huynh nên mua một chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ phòng để đảm bảo mức nhiệt độ an toàn cho trẻ (25-28oC). Các phụ huynh không nên sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm cho trẻ, vì khí than tỏa ra rất độc. Việc này có nguy cơ xảy ra cao tại các vùng nông thôn khi không có điều kiện sử dụng điều hòa hai chiều hoặc các thiết bị sưởi ấm.

Thực tế, đã có trẻ tử vong do bố mẹ sử dụng than tổ ong để sưởi ấm trong nhà. Đó là câu chuyện của vợ chồng anh N.V.H và chị L.T.T.K (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Tối 8/12/2015,  do sợ con bị lạnh nên vợ chồng anh chị đã đốt lò than tổ ong đặt dưới gầm giường rồi đóng cửa đi ngủ. Việc làm trên đã dẫn đến cái chết thương tâm của con trai 13 tháng tuổi của anh chị. Thậm chí, chính vợ chồng anh H và chị K cũng phải nhập viện do hôn mê sâu. Các bác sỹ cho biết, nguyên nhân khiến cả gia đình gặp nạn là do ngạt khí từ việc đốt lò than trong nhà, kết hợp với việc đóng kín cửa làm không khí từ bên ngoài không lưu thông được vào bên trong. Cháu bé tử vong do sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu, hệ hô hấp cũng chưa hoàn thiện, do vậy, dẫn đến cái chết thương tâm.

Ngoài ra, BS Trần Thị Hoàng lưu ý, không nên lạm dụng các thiết bị sưởi ấm cho trẻ như điều hòa hai chiều, quạt sưởi… vì có thể gây khô da, thậm chí khó thở cho trẻ nếu dùng trong thời gian dài. Do vậy, các bậc phụ huynh nên hạn chế dùng liên tục các thiết bị trên để tránh gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Theo các bác sỹ nhi khoa, thời tiết chuyển lạnh khiến độ ẩm trong không khí thấp... là những yếu tố thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Yếu tố này kết hợp với hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa hoàn chỉnh khiến trẻ dễ mắc bệnh. Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, các bác sỹ khuyến cáo, cần hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Tuy nhiên cần lưu ý, không nên quấn “kín mít” nhiều chất liệu vải trên người trẻ để tránh gây hại cho trẻ. 

Theo Mai Thùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (18/11), giá vàng miếng SJC niêm yết 83,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn quanh mức 82 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau 1 tuần mua...

Tin bài cùng chủ đề Thời sự