Nỗi đau mất mát đang bao trùm cả showbiz Việt khi NS Chí Tài qua đời, vậy mà đám đông hiếu kỳ lại ra sức trục lợi gây phẫn nộ. Vậy, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Sự việc đám đông hiếu kỳ chen chúc livestream, chụp ảnh câu like tại nơi quàn thi thể nghệ sĩ Chí Tài đang gây bức xúc, phẫn nộ. Anh nhìn nhận thế nào về hành động này?
Nghệ sĩ Chí Tài là người của công chúng. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật của nước nhà và được rất nhiều người yêu quý, mến mộ. Sự ra đi đột ngột của ông là nỗi mất mát quá lớn với gia đình, khiến những ai yêu mến ông đều bàng hoàng, xót thương.
Lúc này, nhiều người không thể đến trực tiếp để tiễn đưa nghệ sĩ Chí Tài đều mong muốn nắm được thông tin về tang lễ về diễn biến. Và, một bộ phận đã cố tình chụp ảnh, livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội về sự việc này để mọi người theo dõi. Tuy nhiên, việc đưa tin, hình ảnh này lên mạng xã hội cần phải thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. Tuyệt đối không lợi dụng sự việc đau lòng này để trục lợi, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân theo quy định pháp luật.
Sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài để lại niềm thương tiếc vô hạn với người hâm mộ.
Trong số đó, không ít đối tượng bất chấp câu view, trục lợi trên nỗi mất mát, tang thương?
Nếu đối tượng nào lợi dụng sự việc đau lòng, tang thương này để đánh bóng tên tuổi, đưa thông tin sai sự thật, hoặc có thái độ xúc phạm với người đã mất và gia đình họ, thì đây là những hành động đáng lên án, cần phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Trường hợp đưa thông tin, hình ảnh mà không được gia đình nghệ sĩ đồng ý, thì phải gửi lời xin lỗi công khai và phải bồi thường thiệt hại, đồng thời phải chịu áp dụng chế tài hành chính. Nếu hành vi vi phạm quyền tự do cá nhân hoặc có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ở mức độ nghiêm trọng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vậy dưới góc độ pháp luật, những hành vi phản cảm này có thể bị xử lý ra sao?
Tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng có quy định nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Tại khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng quy định rõ về Thông tin trên mạng có nội dung làm nhục, vu khống, bao gồm: “a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Đồng thời, Luật An ninh mạng cũng quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm về hành vi livestream tại nơi quàn thi thể NS Chí Tài.
Như vậy, với những đối tượng xấu lợi dụng chuyện nghệ sĩ Chí Tài qua đời để đánh bóng tên tuổi hoặc đưa thông tin, hình ảnh sai lệch xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của nghệ sĩ, hoặc đưa tin sai sự thật, đưa thông tin cá nhân trái phép chưa được gia đình nghệ sĩ đồng ý, rõ ràng đây là hành vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp nếu việc thu thập sử dụng thông tin trái phép của cá nhân, nếu bị khiếu kiện sẽ có thể bị phạt đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 và Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!