Trước khi bất hạnh ập xuống, phải sống đời thực vật suốt 10 năm nay, anh Bằng là một chiến sĩ cảnh sát giỏi, lập được nhiều chiến công.
Tại gia đình anh Vũ Công Bằng (37 tuổi, trú thôn 10, xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) vào một ngày thời tiết chuyển mùa, ông Vũ Công Lương (bố đẻ anh Bằng) trầm ngâm tâm sự: “Dù sáu bảy chục tuổi rồi nhưng vợ chồng tôi vẫn phải chăm sóc đứa con gần 40 tuổi chẳng khác gì đứa trẻ mới lên ba, nhưng gia đình tôi vẫn không thôi hy vọng có một ngày Bằng sẽ tỉnh lại”.
Trung úy Vũ Công Bằng trước khi gặp nạn
"Bản thân tôi từng là một quân nhân chính quy trước khi về nghỉ hưu nên từ nhỏ Bằng được dạy dỗ cẩn thận, nó học rất giỏi và lễ phép. Trước khi gặp tai nạn và phải sống đời thực vật suốt gần 10 năm nay, Bằng được gia đình đặt rất nhiều kỳ vọng".
Niềm hy vọng ngắn chẳng tày gang
Ông Lương tâm sự, gia đình ông sinh được 3 người con, trong đó anh Bằng là con trai cả nên luôn ý thức để sống tốt, không phụ lòng cha mẹ và là tấm gương để các em noi theo. Vì vậy, suốt 12 năm học, anh Bằng luôn đạt học sinh giỏi, với nhiều danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, huyện.
Học xong cấp 3, anh Bằng nộp hồ sơ và thi đỗ vào trường Trung học cảnh sát nhân dân II (TP. Hồ Chí Minh). Thời gian học tại trường, Bằng luôn là sinh viên xuất sắc và gương mẫu cả trong học tập và hoạt động văn hóa nên được nhà trường và bạn bè quý mến.
Vợ chồng ông Lương, bà Linh kể về đứa con bất hạnh
Sau ngày tốt nghiệp vào năm 2000, nhờ thành tích học tập xuất sắc và khả năng thực hành hiệu quả, anh Bằng được phân công về công tác tại Trại giam An Phước, cục V26 (Bộ Công an). Suốt 4 năm công tác trong ngành công an, anh Bằng luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, lập được nhiều chiến công nên được lãnh đạo khen thưởng và cấp hàm Trung úy trước thời hạn.
“Nhớ lại cái lần Bằng được đơn vị khen thưởng, nửa đêm nó cũng gọi điện về khoe với bố mẹ, các em như thể một đứa trẻ”, ông Lương nhớ lại.
Tai họa bất ngờ
Hạnh phúc chẳng tày gang, bất hạnh bắt đầu ập xuống, ngày 4/1/2004, anh Bằng gặp tai nạn thừa sống thiếu chết. “Nó được cơ quan cho nghỉ phép đi thăm bà con bằng xe máy, đến một trạm xăng, chiếc xe máy đi trước đột ngột băng qua đường đi với tốc độ cao mà không xin đường, Bằng không tránh kịp. Chiếc xe trên đã tông thẳng vào xe của con tôi. Nó bị chấn thương sọ não rất nặng, phải phẫu thuật ở bệnh viện Chợ Rẫy”, ông Lương nghẹn ngào kể lại.
Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm về đứa con trai bất hạnh Vũ Công Bằng, vợ chồng ông Lương, bà Linh lại mang những giấy tờ của anh ra xem
Bà Nguyễn Thị Linh (mẹ anh Bằng) dù rất xót xa trước số phận của con trai mình nhưng vẫn rất vị tha. “Thấy gia cảnh của người gây ra tai nạn cho con trai tôi cũng khốn khổ chẳng kém, vì vậy gia đình tôi cũng không yêu cầu gia đình bên kia phải bồi thường”, bà Linh nói.
Sau khi bị tai nạn, các bác sĩ đã cắt đi phần xương sọ não bị dập để lấy máu bầm và nuôi, sau này cấy ghép. Thời gian điều trị 8 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 30/4, Bộ Công an, bệnh của anh Bằng vẫn không thuyên giảm. Cũng từ đây, anh Bằng vĩnh viễn bị liệt. Sờ vào phần đầu bên trái của anh, lấy ngón tay ấn nhẹ cũng đã lún sâu, chỉ là một khối thịt.
Suốt gần 10 năm nay, vợ chồng bà Linh ngày đêm thay nhau chăm sóc anh Bằng
Gần 10 năm nay, hai vợ chồng ông Lương phải thay nhau canh giấc cả ngày lẫn đêm cho anh Bằng. Nhìn hay phận già phải mớm từng thìa cháo, chén nước cho người con trai khiến ai ai cũng phải xót lòng. “Chừng này tuổi rồi mà nó vẫn phải nhờ người khác đút từng thìa cháo, chén nước. Rồi mai mốt, lúc chúng tôi chết đi, liệu rằng cuộc đời nó sẽ ra sao”, bà Linh nghẹn ngào.
Bức thư viết vội chưa kịp gửi về nhà
Trong số những đồ vật còn sót lại của anh Bằng, ngoài những bức ảnh thì lá thư do chính tay anh Bằng viết gửi người thân, đối với vợ chồng ông Lương, bà Linh, từ lâu được họ xem như linh hồn của anh Bằng: “Con ở trong này vẫn khoẻ, công tác như cũ, đã kết nạp Đảng hồi tháng 10. Còn về chuyện riêng tư, con đã có bạn gái tên Hường… Tết này con không về được, đành hẹn gia đình vào dịp khác”.
Lá thư anh Bằng viết chưa kịp gửi về trao cho bố mẹ thì tai nạn ập xuống
“Mỗi lần nhớ về đứa con trai khỏe mạnh của mình, vợ chồng tôi lại lấy lá thư ra đọc. Nhìn những nét mực do chính tay nó viết, chúng tôi cứ ngỡ Bằng vẫn còn khỏe mạnh như ngày nào. Thật đáng tiếc, bức thư này Bằng vừa viết xong rồi gửi qua một người hàng xóm đưa về quê cho chúng tôi. Khi lá thư chưa kịp trao đến tay chúng tôi thì tai họa ập xuống”, bà Linh buồn bã nói.
(Còn nữa)