Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã đưa 6.150kg vàng 9999 ở Campuchia về Việt Nam tiêu thụ từ Nam ra Bắc.
Ngày 30/3, thông tin từ Viện KSND Tối cao cho biết, cơ quan này vừa ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Minh Phụng (SN 1981, quê tỉnh Bình Định), cùng 2 chị em ruột là Nguyễn Thị Ngọc Giàu (SN 1980) và Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1985, cùng quê tỉnh Tây Ninh) cùng 21 bị can khác về tội Buôn lậu 6.150kg vàng thỏi theo khoản 4, Điều 188 BLHS với khung hình phạt tù từ 12 – 20 năm.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra số lượng vàng tại thời điểm bắt giữ.
Theo cáo trạng, Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, theo Nghị định 24/2012. Do vậy, các bị can trong vụ việc không được phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Tuy nhiên, các bị can trong vụ nhận thấy giá vàng ở Việt Nam cao hơn Campuchia, nên từ đầu năm 2022 đã lập ra 2 đường dây, buôn lậu tổng cộng 6.150kg qua biên giới.
Vàng lậu được tiêu thụ tại tỉnh Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và thậm chí còn "lên máy bay" ra Hà Nội.
Theo cáo trạng thể hiện Nguyễn Thị Minh Phụng (kinh doanh vàng tự do ở thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng ở Tây Ninh) móc nối Nguyễn Thị Ngọc Giàu (cư dân biên giới sinh sống tại khu vực cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh) thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc.
Trong đó, đường dây do đối tượng Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, đã móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu để vận chuyển vàng từ Campuchia về Việt Nam và chuyển tiền thanh toán mua vàng lậu từ Tây Ninh sang Campuchia. Đường dây này có 20 người tham gia, buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.644 tỷ đồng.
Sau khi mua vàng lậu, Phụng đã bán lại cho bị can Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan) 560kg, bị can Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) 268kg, bị can Đặng Thị Thanh Hằng (Hà Nội) 294kg và 36 khách hàng khác 1.828kg; bán cho khách lẻ không xác định được lai lịch là 1.804kg; còn lại 76kg cơ quan điều tra phát hiện, khám xét tạm giữ.
Về việc mua bán số vàng lậu trên, cả đường dây của Phụng thu lời bất chính hơn 17,6 tỷ đồng. Phụng hưởng lợi hơn 2,4 tỷ đồng; nhóm của Nguyễn Thị Ngọc Giàu hưởng lợi hơn 13,8 tỷ đồng; các bị can còn lại hưởng lợi tùy theo công sức.
Đường dây thứ 2, do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái ruột của Nguyễn Thị Ngọc Giàu) nhận đặt bán vàng lậu cho Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng).
Phượng góp vốn với đối tượng người Campuchia tên Pich Hen mua vàng lậu và thông qua bị can Nguyễn Thị Ngọc Giàu và Trần Thanh Thắng mang về Việt Nam. Phượng được hưởng 100 USD/1kg vàng lậu và Pich Hen được hưởng 200 USD/kg vàng lậu.
Từ tháng 7/2022 đến 9/2022, Nguyễn Thị Kim Phượng và Pich Hen đã mua vàng lậu từ Campuchia để bán lại cho Nguyễn Thị Thúy Hằng 1.320kg vàng có trị giá 1.817 tỷ đồng.
Trong số vàng lậu nêu trên, có 15 thỏi vàng đã bị cơ quan điều tra thu giữ trong quá trình vận chuyển qua Campuchia. Phượng được hưởng lợi 132.000 USD, tương đương 3 tỷ đồng, Giàu hưởng lợi hơn 3,7 tỷ đồng.
Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Thị Minh Phụng, Nguyễn Thị Kim Phượng là chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo và điều hành, cầm đầu đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam. Nguyễn Thị Ngọc Giàu tham gia mua bán vàng lậu cả 2 đường dây với vai trò giúp sức tích cực.
Hành vi của các bị can rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng, phạm tội buôn lậu.