Cục Xuất bản vừa có kết luận quyển truyện cổ tích “18+” “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” không hề vi phạm Luật Xuất bản.
Chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm
Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có công văn kết luận về việc thẩm định cuốn sách “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”, tác giả Gia Mạnh (sưu tầm và biên soạn) do NXB Văn hóa- Thông tin xuất bản.
Nội dung công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, cuốn sách Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú, tác giả Gia Mạnh (sưu tầm và biên soạn) do NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2006 có một số chi tiết đã gây ra dư luận trái chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Qua kiểm tra, thẩm định nội dung cuốn sách, Cục Xuất bản có ý kiến như sau: “Cuốn sách là tập hợp các truyện cổ tích về các loài chim và muông thú. Trong đó, tại trang 14-19, có truyện thần thoại Hy Lạp Lêđa và con thiên nga (trong bộ Iliat- Ôđixê của Hoome) là một tác phẩm văn học đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới qua nhiều thế hệ. Đây là tác phẩm có giá trị trong đời sống văn hóa của nhân loại, nội dung không vi phạm Điều 10 Luật xuất bản.
Việc tuyển chọn và giới thiệu truyện thần thoại Lêđa và con thiên nga trong cuốn sách có tựa đề Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú là chưa chính xác về thể loại.”
“Khi tái bản cuốn sách trên phải ghi rõ đối tượng phục vụ. Nếu là sách phục vụ đối tượng thiếu niên, nhi đồng thì không đưa vào truyện Lêđa và con thiên nga do có nội dung không phù hợp với tâm lý lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Văn bản do ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản ký cũng chỉ yêu cầu NXB Văn hóa – Thông tin: “Nghiêm túc rút kinh nghiệm trong khâu biên tập và xuất bản sách, tránh để xảy ra sai sót tương tự” chứ không có hình như kỷ luật hay xử lý sai phạm với từng cá nhân và người chịu trách nhiệm của NXB Văn hóa – Thông tin.
Đây là đoạn văn gây tranh cãi: “Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá. Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng khẽ khép lại...." trích trong câu chuyện Lêđa và con thiên nga ở trang 18 của quyển sách.
Đoạn văn gây tranh cãi. Ảnh: Bảo Anh (Nguồn: độc giả cung cấp)
Với tư cách của một bậc phụ huynh, khi biết thông tin về kết luận của Cục Xuất bản, anh Đ.T.V, người đã đưa hình ảnh trang sách lên mạng Internet để cảnh báo các bậc phụ huynh khác đã tỏ ra khá bức xúc. Anh V. cho hay: “Mình đã nghĩ từ đầu là sẽ như thế. Do vậy, mình chỉ có ý muốn cảnh báo cho những bậc làm cha mẹ thôi, chứ đừng hy vọng gì về việc các cơ quan xuất bản kiểm tra nội dung sách cho con mình”.
NXB VH-TT cố tình đổ cho sách lậu?
Khi chưa tìm được bản in sách, bà Vũ Thanh Việt, hiện là Phó Giám đốc NXB Văn hóa – Thông tin, đồng thời chính là biên tập viên quyển sách cho hay: “Chúng tôi đã cho kiểm tra, không có sách. Bây giờ nếu các bạn có quyển sách trong tay chúng tôi mới xác minh được là sách của NXB hay sách lậu”.
Biên tập viên là bà Vũ Thanh Việt, hiện là Phó Giám đốc NXB VH-TT. Ảnh: Bảo Anh (Nguồn: độc giả cung cấp)
Nhận định về nội dung đoạn văn nhạy cảm trên, bà Việt nói: “Câu chuyện đặt ra trong cả một tổng thể chứ không phải là 'cấu' một đoạn ra như vậy. Thực ra có nhiều luồng ý kiến trái chiều, đây là việc suy diễn của người lớn, áp đặt sang đầu óc trẻ con là không thỏa đáng và khập khiễng”.
Khi được hỏi về nguồn gốc quyển sách, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc NXB VH-TT cũng trả lời: “Theo tôi được biết kiểm tra sách này từ 2006, của tác giả Gia Mạnh, NXB kiểm tra mãi cũng không có quyển sách nào thế”.
Trong công văn của NXB VH-TT gửi Cục Xuất bản do ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc NXB nêu rõ: “Cuốn sách Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú xuất bản năm 2006, cách đây 8 năm. Chúng tôi đã rà soát toàn bộ hồ sơ lưu chiểu. Tuy nhiên, vì sách xuất bản quá lâu, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo nên hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm thấy sách lưu. Cũng có thể bị thiếu do máy tính nhiều lần hỏng hóc và nhiễm virus…Tại thị trường sách ở Hà Nội, chúng tôi đi tìm mua lại cũng không còn bán.
Trong khi đó, theo thông tin từ Báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông Infonet, rất dễ để tìm thấy quyển sách trên trong Thư viện Quốc gia. Tại đây, còn lưu giữ 3 cuốn.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không việc NXB VH-TT cố tình đổ lỗi cho sách lậu khi cho rằng rất khó để tìm được bản in quyển sách Truyện cổ tích về các loài chim& muông thú do đã xuất bản quá lâu, từ năm 2006 (Theo quy định, NXB chỉ phải lưu chiểu sách 2 năm).
Khi không tìm thấy bản in thì rõ ràng lỗi được đẩy cho sách lậu và NBX trở thành vô can.
Điều 10, Luật xuất bản năm 2012 Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản 1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây: a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. 2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: a) Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản; c) In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm; d) Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu; đ) Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép; e) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật. |