Bên cạnh những điểm mới đáng được ghi nhận thì chương trình giáo dục phổ thông lại giống như "bình mới rượu cũ".
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra 7 điều chưa hợp lý trong chương trình giáo dục phổ thông như sau:
1. Giáo dục phổ thông mới để phát triển năng lực, tuy nhiên, đây lại chính là căn bệnh thành tích. Phát triển năng lực cá nhân để cá nhân đó đạt được cái chuẩn, cái giỏi nào đó. Như vậy học sinh lại tiếp tục cạnh tranh nhau là tôi đã đủ đạt chuẩn giỏi hay chưa, năng lực của tôi đã được phát triển tốt, hay xã hội công nhận hay chưa. Nghĩa là chúng ta vẫn đề cao chữ giỏi.
Chúng ta vẫn phải nhìn nhận là Việt Nam không thiếu người giỏi, năng lực cá nhân của chúng ta không phải là không được phát triển đúng mức. Chúng ta vẫn làm được mặc dù trong chương trình phổ thông có những lệch lạc này kia nhưng đầu ra vẫn có rất nhiều người giỏi. Nhưng cái cần của mình là phẩm chất đạo đức vì nó đang bị coi nhẹ. Đáng ra cái này phải được đặt lên hàng đầu cũng là mục tiêu đầu tiên để phát triển nhân cách.
Ví dụ: Chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có, hình thành tính cách, thói quen, phát triển hài hòa thể chất tinh thần trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp, học tập suốt đời, có những phẩm chất tốt đẹp, năng lực cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm.
Như vậy việc đầu tiên người ta quan tâm là giúp học sinh phát triển vốn có, sau đó mới hình thành tính cách và thói quen. Không đề cập đến nhân cách mà chỉ nói tính cách và thói quen, vậy thói quen thì có thể tốt và cũng có thể xấu...
Cuối cùng là trở thành công dân có trách nhiệm, cần cù lao động, có trí thức và sáng tạo. Như vậy, điểm quan trọng nhất mà Bộ giáo dục đề cập đến chính là phát triển năng lực và phát triển phẩm chất cũng chỉ để phục vụ cho phát triển năng lực.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương.
2. Chưa xây dựng lý tưởng và khát vọng sống cho thanh niên vì đối tượng cuối cùng sau khi tốt nghiệp phổ thông là thanh niên 18 tuổi. Nếu không xây dựng khát vọng, lý tưởng sống cho thanh niên thì rất nguy hiểm.
Lật ngược lại sự vụ 2 cô gái đánh nhau ở phố đi bộ. Tại sao các cô lại làm như thế? Nếu như thanh niên không có định hướng tức là các em ra trường không biết phải đóng góp gì cho đất nước, sinh ra để làm gì các em không biết. Nó sẽ dẫn đến tình trạng các em chỉ cố đạt được những gì bố mẹ mong muốn đó là kiếm cái nghề, kiếm được tiền, xây dựng cuộc sống gia đình. Nhưng cái đích cao nhất của cuộc sống con người là chúng ta làm được gì cho cuộc đời này thì thanh niên ngày nay không biết được điều đấy.
3. Thiếu trầm trọng sự kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn. Ví dụ như tôi vào lớp hỏi các em học tích phân, vi phân, đạo hàm để làm gì? Các em ngẩn ra không hiểu có gắn kết gì với cuộc sống.
Trong chương trình có hoạt động trải nghiệm rất cần thiết nhưng đây lại là môn tự chọn. Nói như vậy, muốn thực tế hay không thì tôi tự chọn còn không muốn thì tôi cứ bay trên mây sao?
Đây phải là môn học bắt buộc để học sinh không quá bay bổng về lý thuyết.
4. Mất dáng hoàn toàn môn thủ công. Môn thủ công xưa nay thay đổi nhiều tên gọi, thậm chí nó đã xuất hiện với tên gọi kỹ thuật. Nhưng kỹ thuật trong dự thảo không phải là môn kỹ thuật của thủ công nữa.
Chúng ta cũng biết đôi bàn tay gắn với thùy não. Sử dụng đôi bàn tay linh hoạt chính là phát triển não. Ví dụ ở Đức, ra cửa hàng là có ngay một bộ bàn ghế đẹp. Thế nhưng tại sao vẫn phải dạy trẻ con đóng bàn ghế thậm chí còn cực kỳ chuẩn xác. Không phải cho ra sản phẩm nhân tạo mà quan trọng là các em được hoạt động đôi tay.
Và nếu trong trường hợp đứa trẻ đó không có điều kiện học các trường nghề thì vẫn có thể sống được bằng những kĩ năng đã được học trong nhà trương (kĩ năng đóng đồ gỗ chẳng hạn). Đó cũng là phần quan trọng của môn kỹ năng sống mà trẻ rất cần được học tập.
5. Trong định hướng giáo dục và mô hình giáo dục coi môn âm nhạc và mỹ thuật là môn phát triển năng khiếu. Đây là điều sai lầm. Âm nhạc và mỹ thuật trong giáo dục là môn học để đào tạo và nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật chứ không phải là phát triển năng khiếu. Để phát triển năng khiếu phải học trường nghệ thuật còn đây các em được học không phải để vẽ mà để biết bức tranh đẹp chỗ nào, không biết hát, biết đàn nhưng biết bản nhạc nào hay và hay thế nào.
Bởi vậy, môn học phải có trong giáo dục quốc dân chứ không phải coi nó là môn tự chọn phát triển nghề nghiệp.
6. Kế hoạch giáo dục hay mô hình giáo dục rất hay nhưng tại sao chỉ có 1 trong khi Việt Nam có tới 3 đối tượng học sinh là thành phố, nông thôn và miền núi.
Khi có 3 đối tượng thì cần có 3 mô hình. Để có thể đạt mức độ cân bằng thì cần có sự kết nối hợp lý để chuyển giao từ mô hình nọ sang mô hình kia.
Mọi người bảo làm 3, 4 bộ sách giáo khoa, tại sao không làm 3, 4 mô hình để ứng dụng cho những bộ sách giáo khoa ấy. Còn một mô hình nhiều bộ sách nghĩa là ta đang đi trên cùng một con đường, chỉ khác là anh xe đỏ còn tôi xe xanh. Nhiều bộ sách, nhiều mô hình nghĩa là nhiều con đường sẽ có các phương tiện khác nhau, đích đến chỉ có 1.
Ví dụ miền núi không cần học nhiều về tin học nhưng cần học về trồng rừng, lở đất, lũ ống, lũ quét... còn học sinh thành phố thì nên học ít hơn mà tập trung vào tin học. Khi chương trình học phù hợp với sự phát triển tương lai của các em tại địa phương, sẽ không còn cảnh cha mẹ cấm đi học vì thầy chỉ cho chữ chứ không cho cái gì ăn.
Mặt khác đứa trẻ được học đúng mô hình sẽ ở lại phát triển ở nơi được học chứ hiện tại các em đang học để phát triển các thành phố lớn.
7. Phân bổ môn học chưa hợp lý. Thời lượng môn tự chọn ít như: trải nghiệm cuộc sống (2, 3 tiết), môn đạo đức (1 tiết), âm nhạc (2 tiết)... trong khi đó môn ngoại ngữ lớp 3, 4, 5 có tận 4 tiết. Ở độ tuổi tiểu học, các em chưa cần thiết phải học ngoại ngữ nhiều hơn các môn tự chọn dạy kỹ năng sống và cảm thụ nghệ thuật.