Khi bất ngờ được hỏi những câu tiếng Anh cơ bản, đa số học sinh không trả lời được hoặc nhầm lẫn.
Phóng viên chương trình Chuyển động 24h đã thực hiện một clip ngắn hỏi học sinh bất kỳ trên đường phố với những câu tiếng Anh quen thuộc như Bạn có khỏe không, bạn bao nhiêu tuổi?...
Câu hỏi "Bạn thích gì?" (What do you like?) thì một bé gái im lặng không biết trả lời. Đặc biệt nhất, với câu "Bạn có khỏe không?" (How are you?) thì hầu hết các em nhầm câu trả lời thành "Bạn bao nhiêu tuổi?" (How old are you?)
Một bạn trẻ trả lời "Em... 15 tuổi" trong khi được hỏi "Bạn có khỏe không?".
Một bé trai khác được học tiếng Anh, hỏi tên thì trả lời được tên mình là Nam, nhưng lại không hiểu từ "How are you" là gì.
Nói về việc học, phụ huynh của cậu bé này thành thật cho biết, con có học tiếng Anh chỗ cô giáo nhưng chỉ mang tính chất chống đối. "Mỗi một lần đi thi mẹ phải kèm và quát nạt không biết bao thứ, may ra hôm sau đi thi làm được lúc đấy còn về nhà thì quên ngay", phụ huynh này cho biết.
Xem clip tại đây:
Bản quyền video thuộc VTV
Nhiều tranh cãi xảy ra xung quanh clip sau khi được phát sóng. Không ít người lên án gay gắt tình trạng tiếng Anh quá tệ của những người được phỏng vấn. Dù không học giỏi nhưng những câu cơ bản này ai cũng thuộc nằm lòng khi đã học qua.
Một người cho biết, đây là kết quả của việc học sinh chỉ học 1-2 tiết/tuần môn tiếng Anh ở trường. Trong khi đó, phần lớn chương trình là học từ vựng, đọc bài trong sách, dịch từ. Cả lớp ít được nói chuyện với cô và các bạn.
Tuy nhiên, theo một số bạn thì việc phỏng vấn này không thể nói lên tình trạng giới trẻ học kém tiếng Anh. "Trẻ con bây giờ học tốt tiếng Anh lắm, có lẽ các em bị hỏi bất ngờ nên bối rối hoặc em được phỏng vấn học tiếng Nhật, Pháp, Hoa...", một bạn bày tỏ.
Lý giải về sự nhầm lẫn hỏi sức khỏe và tuổi, mọi người cho rằng, do người nghe không rõ hoặc câu "I am fine. Thank you! And you?" đã trở thành phản xạ tự nhiên. Thế nên khi có người hỏi, câu trả lời của các em mặc nhiên thốt ra không kịp suy nghĩ.
Cao Phương Anh - từng học khoa tiếng Anh, đại học Batangas, Philippines Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thứ 2 ở Philippine và họ nói theo kiểu Anh-Mỹ. Học sinh, sinh viên bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh trong nhà trường. Người dân thì ai cũng nói tiếng Anh và họ nói rất dễ nghe, trừ những âm có chữ "tr". Giao tiếp họ rất tốt mặc dù ngữ pháp không phải ai cũng giỏi. Sau một thời gian học tập tại đây, mình có thể tự tin nói trôi chảy hơn. Trong khi đó ở Việt Nam, không biết ở các thành phố lớn thế nào nhưng học sinh ở các tỉnh lẻ chủ yếu học ngữ pháp chứ không giao tiếp nhiều, không có môi trường thực hành. Đó là một thiếu sót. Thêm nữa, lên cấp 3 học lại kiến thức cấp 2, lên đại học, sinh viên lại học lại kiến thức cũ rích của cấp dưới. Trừ "dân chuyên Anh" được học sâu hơn nhưng cuối cùng vẫn chú trọng ngữ pháp. Phan Hải Đăng - Giảng viên Khoa Cơ khí Kỹ thuật, Đại học quốc gia Pusan, Hàn Quốc Ở các trường Việt Nam chúng ta hay học ngữ pháp trước, rồi đến viết và nghe nói. Tuy nhiên, đó là một quy trình hơi ngược. Tiếng Anh cần phải được học như người Việt Nam ta học tiếng Việt (hay bất cứ ai học một ngôn ngữ mới). Mình đang dạy bằng tiếng Anh tại khoa Cơ khí Kỹ thuật - Đại học quốc gia Pusan. Nhìn chung sinh viên ở đây nghe giảng bằng tiếng Anh cũng ổn. Hàn Quốc học tiếng Anh cũng giống Việt Nam là chú trọng ngữ pháp và từ vựng. Thế nên sinh viên nghe thì ổn, còn nói và viết thì chưa tốt lắm. Tuy nhiên, so với Việt Nam thì họ hơn hẳn. |