Xoay quanh vấn đề đang gây tranh cãi trong việc cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực vào đại học, cao đẳng cho các thí sinh, thầy Văn Như Cương khẳng định: 'Tôi nghĩ điều này hoàn toàn đúng'.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt để ghi tên mình vào trường đại học, cao đẳng mong muốn trong kỳ tuyển sinh năm 2015 vẫn đang diễn ra gay gắt. Bên cạnh mối quan tâm về hồ sơ, giấy báo thi, chỉ tiêu, nguyện vọng... thì không ít thí sinh tỏ ra không đồng tình với chế độ cộng điểm ưu tiên hiện nay.
Cụ thể như cùng học một chương trình, cùng tham gia kỳ thi chung quốc gia, tuy nhiên học sinh thành phố được điểm cao vẫn có nguy cơ bị trượt vì các bạn khác vùng, con gia đình chính sách được cộng nhiều điểm.
Những lý do như "bạn được cộng điểm vì cha bạn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tôi không được cộng điểm vì cha Mẹ tôi lao động sản xuất cho Tổ quốc", "bạn được cộng điểm vì một buổi đi học một buổi đi cày, tôi không được cộng điểm vì một buổi đi học, hai buổi lang thang khắp Sài Gòn bán vé số"... được dân mạng chế thành hình ảnh, trích dẫn thể hiện quan điểm phản đối.
Cộng điểm ưu tiên đang gây tranh cãi giữa các thí sinh.
Được biết có một số em thắc mắc, thậm chí phản đối việc cộng điểm cho các thí sinh thuộc đối tượng chính sách và khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa... PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THCS Lương Thế Vinh bày tỏ ý kiến của mình: "Tôi không đồng tình việc này của các em bởi cộng điểm cũng có lý do".
Theo thầy Cương: "Sự phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi vùng miền khác nhau. Rất nhiều vùng sâu, vùng xa, miền núi không có điều kiện đầy đủ như ở thành thị. Điều kiện cơ sở vật chất ở đây rất thiếu thốn, điều kiện thầy giáo, chất lượng thầy giáo cũng rất không tốt bằng so với chất lượng thầy giáo ở các vùng khác, điều kiện tập thể học sinh cũng yếu kém hơn các vùng khác...
Do vậy, cộng điểm ưu tiên để tạo điều kiện cho các em ở vùng này có quyền lợi tốt hơn. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn đúng.
Có một số trường hợp được cộng điểm cao thì cũng hợp lý vì các em thực sự khó khăn và đã cố gắng bằng bạn bè. Tại các trường khi nhận các em này vào học cũng bồi dưỡng, bổ túc thêm để các em theo kịp các bạn khác. Còn nếu như các em không theo kịp chắc chắc sẽ bị loại.
Ngay cả với học sinh của tôi, tôi cũng không thấy thiệt thòi gì so với các học sinh khác được cộng điểm".
Không phản đối chuyện cộng điểm ưu tiên nhưng thầy Văn Như Cương lại nhận xét phương thức tuyển sinh đại học năm nay như... đánh bạc. Các em học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh hiện tại cũng đang cuống cuồng trong việc nộp hồ sơ vào các trường: "Chuyện này cũng vô cùng phức tạp, tôi cũng không biết đưa ra lời khuyên nào cho các em vì đây là may rủi. Các em trường tôi thi khá cao, đến gần một nửa là 23 điểm trở lên. Tuy nhiên, điểm cao vẫn có thể trượt vì không biết bỏ vào "ô" này hay bỏ "ô" kia".
Chia sẻ về vấn đề nóng đang được các thí sinh nước nhà quan tâm bàn tán, Nguyễn Hoàng Nam, một du học sinh Việt tại trường đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc cho biết hoàn toàn ủng hộ việc cộng điểm, song không được cộng nhiều quá (từ 1 - 2 điểm là cùng).
Hoàng Nam chia sẻ về chỉ tiêu tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc như sau: Ở đây cũng thi chung 1 kỳ thi quốc gia với 3 môn bắt buộc: Toán, Tiếng Hàn, Tiếng Anh. Ngoài ra, học sinh phải thi vài môn khác nữa tùy thuộc vào ngành khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội cũng giống kiểu khối này khối kia ở Việt Nam.
Sau khi có điểm học sinh cũng nộp đơn để xin vào 1 trường nào đó theo nguyện vọng. Ở Hàn Quốc cũng có chính sách ưu tiên cho học sinh vùng nông thôn vì học sinh thành phố có môi trường và điều kiện học tốt hơn. Tuy nhiên, không hẳn bằng điểm số mà phân theo chỉ tiêu.
Cụ thể là chỉ tiêu sẽ phân theo khu vực. Ví dụ, một trường đại học dự định tuyển 150 sinh viên mới. Dựa theo tỷ lệ học sinh đăng ký từ thành phố và nông thôn sẽ đưa ra tỷ lệ tuyển sinh.
Ví dụ, 400 em nộp đơn, trong đó 300 em đến từ thành phố và 100 em từ nông thôn. Trường sẽ phân bổ 100 chỉ tiêu cho học sinh thành phố và 50 chỉ tiêu cho học sinh nông thôn. Như vậy, tỷ lệ chọi của học sinh thành phố là 1:3, trong khi học sinh vùng nông thôn là 1:2.
Số thí sinh bị trượt sẽ đi học nghề.
Theo đó, các em thành phố sẽ được so tài với nhau và các em nông thôn cũng vậy. "Kiểu ưu tiên thế này thì có vẻ công bằng hơn cho các thí sinh", Hoàng Nam bày tỏ quan điểm.
Điểm cộng ưu tiên trong xét tuyển cao đẳng, đại học 2015 gồm 2 loại: ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực. Nhóm đối tượng ưu tiên 1: Cộng 2 điểm, gồm các đối tượng từ 01 đến 04 Nhóm đối tượng ưu tiên 2: Cộng 1 điểm, gồm các đối tượng 05, 06, 07 Điểm cộng ưu tiên khu vực được cộng tối đa 1.5 điểm, giữa mỗi khu vực ưu tiên chênh lệch 0.5 điểm. |