280 bác sĩ, y tá về hưu mong được cùng chống dịch; gần 120 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly;… là những hành động tốt đẹp lan tỏa trong mùa dịch COVID-19.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đang diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng toàn cầu. Tại Việt Nam, tính đến chiều ngày 20/3, đã có 76 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 16 ca được chữa khỏi.
Hiện ngoài những nỗ lực về kiểm soát dịch bệnh, lúc này, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam được nêu cao và lan tỏa thành hành động tốt đẹp, điển hình như các tấm gương sau đây:
280 bác sĩ, y tá về hưu ở Hà Nội mong được cùng chống dịch
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 18/3, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết tại sân bay Nội Bài do lượng hành khách nhập cảnh đông, ngành y tế thủ đô phải tăng cường lực luộng để lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại sân bay nên sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế các quận huyện hỗ trợ.
"Chúng tôi huy động thêm mỗi quận huyện 2 cán bộ, với 30 quận huyện có thêm 60 người cùng với 20 cán bộ y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 20 cán bộ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ thay nhau ca kíp để lấy mẫu xét nghiệm ở sân bay”, ông Hạnh cho biết.
Còn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Nhật Cảm đề xuất huy động thêm ở mỗi quận huyện 3 người để tập huấn, lấy mẫu bệnh phẩm, ngoài ra huy động các sinh viên Đại học Y và cử nhân năm thứ 4 Đại học Y tế công cộng.
Trong trường hợp cần thêm lực lượng, thành phố sẵn sàng huy động thêm sinh viên của hai trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và Hà Tây.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết để chủ động đáp ứng nguồn nhân lực là các y, bác sĩ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, quận đã làm việc với trường Đại học Y tế Công cộng. Ngoài ra, quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 280 y, bác sĩ về hưu mong muốn được tham gia công tác chống dịch. Trong tuần tới, quận dự kiến tổ chức tập huấn với số lượng y, bác sĩ này.
Trước thông tin 280 y, bác sĩ về hưu mong muốn tham gia chống dịch COVID-19, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự quan tâm, đồng thời dành tặng những lời khen ngợi. Bạn Bùi Ngọc Anh bình luận: "Thật sự, tôi chưa bao giờ cảm thấy dân tộc ta yêu nước và đồng lòng như thế này! Hay tin các bác xung phong chống dịch, tôi thấy thật tự hào và chúc các bác có thật nhiều sức khỏe cống hiến cho nền y học trong giai đoạn khó khăn này".
"Cháu chúc các bác các cô luôn khỏe mạnh để tham gia phòng chống dịch COVID-19. Cháu hy vọng rằng, việc làm của các bác các cô sẽ lan tỏa lớn trong cộng đồng, giúp mọi người cùng có ý thức phòng dịch tốt nhất", nickname Phú Bình chia sẻ.
Gần 120 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly dịch COVID-19
Tổng cục Du lịch cho biết đến nay đã có 117 khách sạn, cơ sở lưu trú trên cả nước đăng ký làm nơi cách ly phòng dịch COVID-19 có thu phí, trong đó nhiều nhất tập trung tại hai tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng.
Theo đó, các khách sạn này nằm từ 2 đến 5 sao, khi đăng ký có ghi giá ưu đãi, có hỗ trợ để khách cách ly thuận tiện lựa chọn, giá đăng ký gồm giá phòng và giá dịch vụ. Với mức giá sau hỗ trợ, chi phí sẽ không đáng kể nhưng vẫn thoải mái cho những người tạm cách ly.
Tại TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM cho biết đến nay đã ghi nhận 9 khách sạn, resort, trung tâm dã ngoại đăng ký tham gia theo 2 dạng: thứ nhất là nhân viên cơ sở lưu trú phục vụ khách cách ly theo hình thức có trả phí; thứ hai là cho mượn cơ sở lưu trú để làm địa điểm cách ly tập trung.
100 sinh viên Đại học Y năm cuối tăng cường chống dịch COVID-19 tại sân bay Nội Bài
Trong những ngày gần đây, số người từ châu Âu trở về Việt Nam tăng nhanh, chỉ riêng ngày 15/3, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài đón gần 1.000 người trở về từ các nước là vùng dịch.
Với số lượng hành khách tăng đột biến, lực lượng công an, hải quan, y tế được huy động gấp 3 lần so với ngày thường để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho khách từ vùng dịch về sân bay Nội Bài.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử 2 đoàn công tác hỗ trợ CDC lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay. Ngày 17/3, trường Đại học Y Hà Nội dự kiến cử 100 sinh viên năm cuối tăng cường cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Cảng HKQT Nội Bài.
Hiện đã có hơn 50 sinh viên Đại học Y Hà Nội đang thực tập tại CDC sẽ được trung tâm này tập huấn kỹ năng. 50 sinh viên còn lại đang thực tập ở Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ được huy động qua CDC để tập huấn.
Đại diện của Đại học Y Hà Nội cho biết CDC sẽ huấn luyện sinh viên kỹ năng cần thiết để hỗ trợ công tác phòng dịch tại Nội Bài, đơn cử như kỹ năng thu thập thông tin, hỗ trợ cách ly...
Thông tin trên đã nhận được sự quan tâm từ đồng đảo các bác sĩ trong ngành y nói riêng và cư dân mạng nói chung. Ai ai cũng tự hào khi các bạn trẻ tình nguyện chống dịch COVID-19 tại sân bay Nội Bài. Bạn Nam Bùi - sinh viên năm 2, Đại học Y Hải Phòng bày tỏ: "Các anh chị là tấm gương sáng để chúng em học tập và noi theo. Em mong mọi người sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mùa dịch này".
"Cảm ơn các bạn sinh viên- những bác sĩ tương lai của đất nước. Các bạn thật sự là những đóa hoa rực rỡ trong mùa dịch COVID-19 này! Chúng tôi tự hào về các bạn cũng như ngành y tế Việt Nam. Chúng ta hãy cùng cố gắng giành thắng lợi".
Các doanh nghiệp và ngân hàng ủng hộ hơn 235 tỷ đồng phòng chống dịch COVID-19
Sáng 17/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động toàn dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi.
Tại đây, đã có 17 đơn vị là đại diện các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp và 15 ngân hàng đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tổng cộng, số tiền ủng hộ là hơn 235 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng ủng hộ 140 tỷ đồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có lời kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân chung tay hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 bằng cách góp kinh phí cho công tác này.
700 tiếp viên hàng không đăng ký không nhận lương 2-3 tháng
Đại diện Đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết trước diễn biến vẫn còn phức tạp của dịch COVID-19, khoảng 700 tiếp viên của hãng đã tự nguyện đăng ký không nhận lượng chức danh hoặc xin nghỉ làm không lương.
Sự tự nguyện này của lực lượng tiếp viên như một sự chia sẻ với hãng trong bối cảnh tần suất khai thác cả quốc tế lẫn nội địa đều sụt giảm sâu.
Vị đại diện đoàn tiếp viên thông tin thêm, hiện có 3.200 tiếp viên đang làm việc, tuy nhiên do tần suất khai thác không còn tấp nập như trước, đặc biệt do tác động của dịch COVID-19 nên phải linh hoạt quản trị nhân sự. Vị này cũng khẳng định, dù số tiếp viên xin nghỉ khá lớn nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc bố trí tiếp viên trên các chuyến bay.
Chuyến bay và phi hành đoàn đón 29 người Việt từ Vũ Hán về nước
Chiếc Airbus 321 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện chuyến bay mang số hiệu HVN68, khởi hành lúc 21h55 phút tối 9/2 từ Nội Bài - Hà Nội đi Vũ Hán.
Chuyến bay vận chuyển đồ cứu trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ, người dân Trung Quốc và hàng hóa viện trợ của Vietnam Airlines ủng hộ các hãng hàng không Trung Quốc.
Theo ghi nhận, chuyến bay HVN68 đã hạ cánh tại Vũ Hán lúc 1h sáng 10/2. Ngay sau đó, chuyến bay này đã quay đầu bay khứ hồi trở về nước chở theo 29 công dân Việt Nam.
Nhà chức trách hàng không Việt Nam cho biết, chuyến bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) sáng cùng ngày. Đây là một trong 3 sân bay được chỉ định để đón người Việt từ vùng dịch về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi máy bay hạ cánh, toàn bộ 29 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn chuyến bay HVN68 sẽ được cách ly Vân Đồn, thực hiện kiểm tra, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Nữ “đại gia chân đất” ủng hộ 50 tấn gạo chống COVID-19
Ngày 13/3, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh kèm theo thông tin về một người phụ nữ đã góp 50 tấn gạo nhằm ủng hộ các đơn vị tiền tuyến chống dịch COVID-19 tại một số địa phương. Người này được nhiều người gọi với biệt danh "đại gia chân đất".
Theo đó, bà tên Trần Thị Bích Thủy (ở Lạng Giang, Bắc Giang), Giám đốc một công ty chuyên về sản xuất, vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu. Bà cho hay, việc bà ủng hộ 50 tấn gạo là việc làm xuất phát từ tấm lòng và bỏ tiền túi ra chứ không phải đứng ra quyên góp từ các cá nhân, đơn vị khác.
Bà Thủy cho biết thêm, từ khi dịch bắt đầu vào đỉnh điểm, xem trên tivi thấy các bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội vô cùng vất vả phải nhường cả nơi ở, sẵn sàng nằm ngoài trời, kiểm soát không để dịch bệnh tràn vào Việt Nam. Những hình ảnh đó khiến bà cảm thấy đau xót và quyết định phải làm gì đó để giúp đỡ.
Theo bà Thuỷ, bà quyết định trích tiền mua 50 tấn gạo với tổng giá trị 600 triệu đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch. Số tiền trên được bà trích từ lợi nhuận của công ty. Trong số 50 tấn gạo bà Thủy ủng hộ, 20 tấn gạo được phân bổ về hai cụm cách ly của tỉnh Bắc Giang ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh; Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang.
20 tấn gạo tặng cho khu vực cách ly theo dõi sức khoẻ tập trung của tỉnh Lạng Sơn và 10 tấn gạo cho Bệnh viện Quân y 5 - Cục Hậu cần (Quân khu 3) ở TP Ninh Bình.
Hàng trăm y, bác sĩ hiến máu cứu người trong mùa dịch
Sáng 14/2, hai Bệnh viện Thống nhất và Nhi đồng Thành phố đã tổ chức cho công chức, viên chức, người lao động làm việc và vận động thêm thân nhân bệnh nhân tại các khoa, phòng của bệnh viện tham gia hiến máu.
Ông Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết. với tình hình khan hiếm máu để cứu người như hiện nay cùng với dịp kỉ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, ban giám đốc bệnh viện đã tổ chức "Ngày hội hiến máu tình nguyện". Theo đó, tại Bệnh viện Thống Nhất, tổng số người tham gia hiến máu là 248 người, tương tương với 248 đơn vị máu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có khoảng 100 tham người tham gia hiến máu, thu về hơn 100 túi máu, tương đương 30.000 ml máu.
Trước đó, ngày 11/2, Bệnh viện Quận 2 cũng đã tổ chức buổi hiến máu với 168 người với 222 túi máu. Riêng tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trong 2 ngày vận động đã nhận được 308 đơn vị máu. Ngoài ra một số bệnh viện tại TP.HCM sẽ tổ chức hiến máu trong những ngày sắp tới như: Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM...