Đây là thời điểm tất cả người dân Việt Nam đồng lòng, thể hiện tình yêu nước từ những việc làm nhỏ nhất.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, số ca dương tính với bệnh tăng lên từng ngày. COVID-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngành nghề buộc phải tạm ngưng như du lịch, khách sạn, hàng quán,... làm nhiều người lao động phải nghỉ việc, mất đi thu nhập.
Trong lúc này, các y bác sĩ ngày đêm không nghỉ để khám chữa bệnh, các chiến sĩ bộ đội miệt mài hỗ trợ ở các khu cách ly,... tất cả đều gồng mình chống lại dịch bệnh. Mỗi người dân Việt Nam cũng ý thức được mỗi hành động của mình - dù nhỏ nhất, nhưng vô cùng ý nghĩa trong thời điểm này.
Chủ nhà trọ miễn phí tiền phòng 2 tháng
Thời điểm kinh tế khó khăn, thu nhập của hầu hết người lao động đều sụt giảm, ấy thế mà có một bà chủ nhà trọ sẵn sàng miễn phí 2 tháng tiền nhà cho tất cả người thuê trọ. Đó là chị Đoàn Thùy Dương (46 tuổi) hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Dương. Chị Dương đã miễn 100% tiền thuê phòng cho gần 400 người đang ở 80 phòng hai dãy trọ của mình.
Trưa 26/3 vừa qua, chị Dương đã gõ cửa từng phòng trọ hỏi thăm công việc, cuộc sống và báo tin miễn 2 tháng tiền thuê phòng cho người dân ở trọ.
Chị Dương (áo đen) đi thông báo đến từng nhà sẽ miễn phí tiền phòng trong 2 tháng
Khi vừa nghe tin này, chị Đặng Thị Mai Xuân (quê Ninh Thuận, bán hàng rong) cảm động bật khóc. "Tôi mừng quá, tôi không cầm lòng được. Một tháng qua cuộc sống rất khó khăn, tôi đi bán không có khách nên phải ở nhà, chi tiêu tằn tiện. Được miễn tiền phòng tôi mừng lắm", chị Xuân chia sẻ.
Nhận được tin, anh Sơn (56 tuổi) cũng xúc động: "Tôi rất bất ngờ và cảm ơn cô chủ. Một tháng thu nhập công việc bảo vệ của tôi chỉ được 4,6 triệu đồng, tiền trọ của gia đình là 1,3 triệu. Được giảm 2 tháng liền cuộc sống sẽ đỡ lắm".
Nhiều người mừng rơi nước mắt trước tấm lòng của chủ nhà
Ở khu trọ của chị Dương có khoảng 400 người lao động đang sinh sống
Nói về việc đưa ra quyết định miễn 100% tiền trọ của người dân, chị Dương chia sẻ: "Gần một tháng qua, nhiều người lao động ở đây không có việc làm, thu nhập sụt giảm. Người đi bán hàng rong cũng ế ẩm, không có thu nhập. Thấy họ đang khó khăn, gia đình tôi quyết định miễn 2 tháng tiền thuê phòng, chỉ thu tiền điện nước".
Ai nấy đều vui mừng và xúc động khi nhận được tin
Việc làm của chị Dương xuất phát từ suy nghĩ rất đơn giản, khi được miễn tiền thuê, người dân sẽ bớt đi một phần gánh nặng trong cuộc sống và an tâm hơn trong việc phòng chống dịch bệnh. Dịch bệnh qua đi thì cuộc sống của người dân ổn định trở lại, khi đó công việc kinh doanh của mình cũng sẽ tốt hơn.
Bà mẹ tiếp tế đồ ăn cho nhân viên cách ly
Mới đây, câu chuyện về người phụ nữ "ngó lơ" con trai ở khu cách ly, nhất định chỉ tiếp tế đồ cho các chiến sĩ bộ đội được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Hình ảnh và câu chuyện được chia sẻ bởi Chi Nguyễn, con gái của người phụ nữ nói trên. Chi cho biết, em trai của cô là du học sinh, đang thực hiện cách ly tại Sơn Tây, Hà Nội nhưng mẹ cô nhất quyết không gửi đồ lên cho cậu. Thay vào đó, người mẹ mua mì gói, bánh trái... đem lên khu cách ly gửi các cán bộ, bộ đội đang công tác chống dịch. Chi cho biết, sắp tới mẹ cô còn mua cả khẩu trang vải và găng tay nữa.
Bà mẹ "lơ" con trai, chỉ tập trung tiếp tế đồ ăn cho nhân viên ở khu cách ly
"Mẹ em bình thường rất chu đáo nhưng lần này mẹ bảo không, kệ nó chứ, nhà nước lo cho nó đầy đủ rồi. Mẹ chỉ mua 1 thùng bánh 1 thùng sữa để nó chia cho mọi người cùng khu, lỡ như người nhà người ta chưa kịp tới. Còn lại mẹ lo cho các chú bộ đội hơn nên mẹ đã mua rau, mua phở gói, bánh và nước, tự tay đem lên Sơn Tây tặng các anh, các cô chú. Sắp tới mẹ còn mua cả khẩu trang vải và găng tay nữa. Các anh các chú ban đầu không nhận, bảo sẽ đem lên cho em trai em nhưng mẹ em nhất quyết bảo kệ nó, nó ở vậy được rồi, các cô các chú cứ lấy mà dùng", Chi chia sẻ.
Những hình ảnh này được dân mạng chia sẻ tích cực
Chi cho biết ban đầu cô đăng tải hình ảnh và câu chuyện lên nhóm với hy vọng làm ấm lòng mọi người trong những ngày chống dịch. Cô cũng cho rằng, chia sẻ quá rộng rãi có thể khiến nhiều người hiểu lầm, làm mất ý nghĩa của việc tốt.
Không chỉ tặng quà ở doanh trại tại Sơn Tây, Chi chia sẻ, mẹ cô còn có ý muốn gửi tặng một số khu cách ly quanh khu vực Hà Nội, để hỗ trợ một phần nhỏ vào công tác chống dịch cùng cộng đồng, động viên các chiến sĩ nơi tiền tuyến.
Cụ bà 95 tuổi may khẩu trang miễn phí
Những ngày qua, khi khẩu trang y tế khan hiếm cũng là lúc khẩu trang vải được lựa chọn. Và ngày nào cũng vậy, Mẹ Việt Nam Anh Hùng Ngô Thị Quýt (95 tuổi, ngụ phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) đều dành ít thời gian cần mẫn từng đường may may quần áo tặng người nghèo. Trong mùa dịch COVID-19, bà còn may khẩu trang vải để làm từ thiện.
Cụ bà 95 tuổi lưng đã còng nhưng vẫn cần mẫn may khẩu trang từ thiện
Năm nay bà đã 95 tuổi và cũng đã có hơn 30 năm chuyên may vỏ chăn từ thiện giúp đỡ những người nghèo khó. Khi thấy khẩu trang trở thành món đồ thiết yếu trong mùa dịch, bà Quýt ngỏ ý tham gia hỗ trợ chị em trong Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp, cắt vải may khẩu trang, đóng góp cho cộng đồng trong lúc chống dịch COVID-19.
Bà bảo: "Mỗi cái khẩu trang bà cắt chừng khoảng 5 - 10 phút là xong à, nếu thấy khỏe có thể cắt tới 70 cái/ngày. Người ta có điều kiện thì góp tiền, còn mình góp công".
Tuy lớn tuổi nhưng cụ vẫn ham việc, tay nhanh thoăn thoắt
Chị Phan Thị Hồng Đào, chi hội trưởng Hội phụ nữ khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp kể, từ hai tháng qua, hội đã có phong trào may khẩu trang và phát miễn phí cho người dân chống dịch. Năm ngày trước, trong lúc cắt may khẩu trang, hội thiếu cây kéo nên sang nhà bà Quýt mượn. Biết công việc của hội, bà Quýt liền hăng hái góp sức.
"Ngày nào cũng xem ti vi nên tình hình dịch bệnh trên cả nước tui biết rõ lắm. May khẩu trang tặng người dân là việc vừa sức, coi như tui góp phần cùng cả nước chống dịch", bà Quýt kể khi vẫn cắm cúi vào chiếc máy khâu. Đã 95 tuổi nhưng mắt bà còn rất tốt nên ngày ngày vẫn tự mình xỏ kim, đạp máy.
Những chiếc khẩu trang do bà Quýt may
May khẩu trang với những chi tiết nhỏ rất cần tập trung và để ý từng đường kim mũi chỉ khiến mắt bà Quýt nhanh mỏi. Hai hôm nay chị Đào quyết định chỉ để bà phụ giúp công đoạn cắt vải.
"Mấy cô mạnh tay thì cắt một lần ba bốn lớp vải, tui sức yếu thì chỉ cắt một lớp. Cũng như trong thời buổi dịch bệnh này, ai có nhiều giúp nhiều, tui tuổi già thì giúp chút ít", bà Quýt nói.
Chủ quán nấu 120 suất cơm miễn phí gửi tặng y bác sĩ
Chứng kiến nỗi vất vả của các y bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) - nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19, chị Nguyễn Thanh Thủy, chủ một quán ăn tại Hà Nội, đã nấu hàng trăm suất cơm và chè rồi vận chuyển đến tận tay các y bác sĩ tại đây.
Chị Thủy vui vẻ chụp cùng các y bác sĩ
Chị Thủy cho biết việc làm này xuất phát từ tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu, bản thân không có mục đích gì khác.
"Mấy hôm nay tôi xem báo đài đưa tin về dịch bệnh lòng rất lo lắng, khi biết được các bác sỹ ở bệnh viện Nhiệt đới trung ương đang phải gồng sức chữa trị và chăm sóc cho hàng trăm người tại đây nên tôi rất thương. Tôi có quen biết với bên bệnh viện nên đã nhờ họ kết nối, mở lòng muốn giúp đỡ họ chút gì đó. Thật lòng nhà nước cũng đã lo toan cho các bác sỹ tại đây rồi nhưng tôi nghĩ nhiều lúc họ mệt mỏi, thèm ăn thứ gì đó ngoài cơm cháo ra. Khi biết được mong muốn của tôi, phía bệnh viện có nhờ tôi nấu cho họ ít phần cơm. Thế là tôi đã nấu cơm hai ngày nay", chị Thủy cho biết.
Mỗi suất cơm đều được nấu đầy đủ dinh dưỡng, kèm một chai nước hoa quả
Cũng theo lời chị Thủy, chị và bạn bè nấu 120 suất cơm trưa và 100 chai nước suối mang vào cho các y bác sỹ. Ngày thứ hai nấu ăn chị nấu 90 suất cơm, để có cơm đúng bữa cho bệnh viện chị Thủy kể đã dậy từ 5h đi chợ, tự tay chọn thực phẩm tươi ngon.
Các suất cơm gồm có rau củ quả, thịt, tôm, cơm và canh. Ngoài ra, mỗi phần đều kèm thêm nước hoa quả ép để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hàng trăm suất cơm được gửi tận tay đến các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cơ sở 2
"Ngày đầu nấu 120 suất cơm với người chưa từng nấu nhiều nên tôi không làm kịp phải nhờ hàng xóm nấu hộ 5 nồi cơm, bạn bè xung quanh thấy tôi một mình cũng chạy đến phụ giúp một tay. Hôm đấy sợ muộn tôi chạy xe nhanh quá phanh gấp xíu làm đổ cơm. Khi đến viện mọi người nhận cơm vui vẻ, khen ngon nên tôi rất vui", chị Thủy nói.
Sau đó, các bác sỹ có chia sẻ ăn mãi cơm cũng chán nên đã nhờ chị nấu cho ít chè để ăn đổi vị. Nhận lời, chị Thủy nhanh chóng đi mua các nguyên liệu để về nấu. 100 hộp chè khoai dẻo có đủ thạch, nước cốt dừa, dừa khô do chính tay chị Thủy nấu đã được chuẩn bị xong để mang đến bệnh viện.
Chị Thủy cũng cho biết, bản thân làm công việc này rất vui, trong suy nghĩ thấy rằng đã góp chút công sức để chống dịch COVID-19.