Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống tại Hà Nội đã đóng cửa để tránh hạn chế đông người làm lây lan dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, có không ít hàng quán vẫn phớt lờ “lệnh” cấm của Thành phố Hà Nội.
Sẵn sàng đóng cửa để ngăn chặn COVID-19
Tính đến 12 giờ ngày 26/3, Việt Nam đã ghi nhận 148 ca nhiễm COVID-19, trong đó Hà Nội và TP HCM là địa phương có nhiều ca lây nhiễm nhất. Điều đáng nói, tại 2 thành phố này đã xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Để phòng chống và hạn chế lây lan COVID-19, mới đây chính quyền 2 thành phố đã có thông báo về việc đóng cửa các tụ điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, quá cafe… để tránh tụ tập đông người.
Nhiều hàng quán đã đóng cửa để phòng dịch COVID-19
Ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 26/3, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cafe đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố về việc đóng cửa để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Chủ các hàng quán kinh doanh cho biết đây là quyết định đúng đắn của UBND TP Hà Nội vì việc làm này không chỉ bảo vệ gia đình, mà còn là bảo vệ cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Từ (68 tuổi) - chủ cửa hàng kinh doanh cafe, nước giải khát ở phố Mai Anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) - cho biết chiều muộn ngày 25/3, ông được cán bộ phường đến tận nơi nhắc nhở về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh đến ngày 5/4. Ngay sau đó, ông đã dọn hàng và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố.
Ông Từ đã đóng quán kinh doanh cafe từ tối 25/3 để phòng COVID-19 theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Không chỉ có vậy, ông còn chủ động đi vận động các hàng quán cùng dãy phố thực hiện việc tạm đóng cửa. “Đa số các cửa hàng vui vẻ chấp hành, còn một số quán do phải chịu phí thuê của hàng đắt đỏ, hàng còn tồn nhiều nên sáng nay vẫn mở cửa, nhưng khách rất ít”, ông từ cho hay.
Chủ quán cafe này cũng cho biết, việc đóng cửa hàng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình, nhưng vì sức khỏe của nhiều người ông chấp nhận điều đó. “Nhà nước còn thiệt hại kinh tế để chống dịch, thì người dân vì sao lại cố chấp không thực hiện. Tôi cho rằng những hộ kinh doanh không tuân thủ cần phải có chế tài để xử lý nghiêm”, ông Từ cho hay.
Chị Hương cho rằng quyết định đóng cửa hàng quán là phù hợp vào lúc này.
Chị Hương (45 tuổi), chủ cửa hàng bán nước ép hoa quả, giải khát trên đường Huỳnh Thúc Kháng, cho biết sáng nay (26/3) chị mới nắm được thông tin phải đóng cửa. Vì thế chị ra cửa hàng để dọn dẹp và bán cho khách đi đường nốt số hoa quả còn lại. “Tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành vì đây là quyết định đúng đắn của thành phố vào thời điểm này”, chị Hương cho hay. Điều mong muốn lớn nhất của chị Hương cũng như người kinh doanh trong thời điểm này là dịch nhanh chóng được khống chế để người dân sớm trở lại hoạt động bình thường, khôi phục lại kinh tế.
Không chỉ các quán cafe, giải khát, mà nhiều quán ăn, quán bia có tên tuổi ở Hà Nội cũng đã “cửa đóng, then cài” và đưa ra thông báo tạm nghỉ để chống dịch. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn chưa hẹn ngày mở cửa trở lại, trên thông báo ghi rõ: “Hết dịch sẽ mở cửa trở lại”.
Các quán cafe cũng đóng cửa và đưa ra nhiều khẩu hiệu chống COVID-19.
Vẫn có điểm kinh doanh “phớt lờ” lệnh đóng cửa
Hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa hàng quán, tuy nhiên trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những quán cafe, nhà hàng “phớt lờ” lệnh đóng cửa, đặc biệt là các quán bia.
Tại khu vực phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) các quán cafe vẫn tấp nập đón khách, khi phóng viên có mặt ghi nhận bảo vệ và một số đối tượng còn tỏ thái độ thách thức, ngăn cản.
Còn trên phố Trần Kim Xuyến (Cầu Giấy, Hà Nội) vào giờ nghỉ trưa có rất đông người tập trung trong các quán cafe. Một chủ cửa hàng ở đây cho biết dù đã nhận được thông báo phải đóng cửa nhưng do hàng nhập về còn nhiều nên họ cố bán hết rồi mới tiến hành đóng cửa. “Chúng tôi vẫn thực hiện việc nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang khi ra vào và rửa tay với nước sát khuẩn. Dự định hết ngày hôm nay chúng tôi sẽ đóng cửa”, quản lý một quán cafe cho hay.
Vẫn còn một số cơ sở kinh doanh, phớt lờ lệnh đóng cửa của UBND TP Hà Nội.
Đa số các quán ăn, cửa hàng cho biết do giá thuê mặt bằng cao, lương vẫn phải trả cho nhân viên phục vụ, vì thế việc đóng cửa, ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất lớn. “Chúng tôi mong muốn có chính sách hỗ trợ nào đó để tồn tại. Đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến miếng cơm, manh áo và kế sinh nhai của nhiều người. Dù biết thời điểm này dịch bệnh đang rất căng thẳng”, chủ quán bia trên phố Vũ Phạm Hàm chia sẻ.
Trước đó, ngày 25/3, trong buổi họp của BCĐ phòng, chống COVID-19 tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chính thức đề nghị các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, trừ xăng dầu bán lẻ, cửa hàng thuốc, cửa hàng rau củ quả, lương thực thực phẩm,... đều phải đóng cửa từ nay đến hết ngày 5/4. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng các quán bar, nhà hàng, karaoke, phòng tập gym, quán cà phê không kể nội thành hay ngoại thành.
Sáng 26/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố thông báo, nếu phát hiện các địa điểm vui chơi, cơ sở kinh doanh nào còn mở cửa hoặc có dấu hiệu tụ tập đông người, người dân hãy chụp ảnh và gửi thông tin vào app Hanoi Smart City. Ban chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng. |