Ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết bị công an bức cung, “dạy” thực nghiệm theo kịch bản để dựng lại hiện trường vụ giết người mà ông không gây ra
Tại buổi họp báo sáng 5-11, ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh Văn phòng VKSND Tối cao, cho biết sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao, TAND Tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới.
Kéo dài 10 năm vì không đúng địa chỉ?
Trả lời về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, ông Nguyễn Việt Hùng thừa nhận: “Đây là một sai sót khách quan. VKSND Tối cao sẽ họp tất cả ban ngành để rút kinh nghiệm”. Về vấn đề bồi thường, ông Hùng cho biết: “Đến thời điểm này mới có quyết định tái thẩm và đình chỉ vụ án chứ chưa có bản án nên việc bồi thường chưa đặt ra. Nếu oan sai sẽ bồi thường theo quy định nhà nước”.
Ông Chấn vẫn còn bàng hoàng sau cơn ác mộng kéo dài 10 năm với án oan giết người
Liên quan đến việc trong vòng 10 năm đơn thư của ông Chấn mới được xem xét, khiến án oan kéo dài, bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3 (VKSND Tối cao), cho biết sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, VKSND Tối cao có nhận được đơn ông Chấn kêu oan vào năm 2004. “Chúng tôi có cử cán bộ trực tiếp thực hiện đúng quy trình. Song, bản án phúc thẩm bị hủy để xem xét lại trách nhiệm bồi thường dân sự của Nguyễn Thanh Chấn, do đó hồ sơ quay lại ở cấp sơ thẩm. Đến năm 2006, chúng tôi tiếp tục xem xét sau khi bị cáo Chấn có đơn trong trại gửi ra”. Tuy nhiên, bà Yến lại lý giải: “Chúng tôi có xem lại và thấy đơn không gửi tới TAND Tối cao và VKSND Tối cao để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Các đơn này gửi tới Văn phòng Chính phủ cho nên đơn này đến với VKSND Tối cao vào thời điểm sau”.
Theo bà Yến, trong thời gian gần nhất, Hội đồng Thẩm phán sẽ mở phiên tòa để quyết định ông Chấn có tội hay không có tội, có mở điều tra đối với Lý Nguyễn Chung (đối tượng vừa ra đầu thú) hay không.
Ác mộng 10 năm
Trong tâm trạng còn xúc động vì trải qua một cơn ác mộng dài, ông Chấn nói: “Đêm qua không ngủ được, hai vợ chồng ôm nhau khóc. Hai - ba ngày tôi không ăn được gì, người cứ lâng lâng”.
Ông Chấn cho biết vẫn còn thấy kinh hoàng khi nghĩ về những ngày bị thẩm vấn trong trại giam. “Cán bộ người thì hỏi, người cầm búa dọa nếu không khai thì cho chết. Khi bị tạm giam, có đêm tôi bị chuyển 3-4 buồng. Trong hơn 1 tuần, tôi không được ngủ nên đầu óc quay cuồng, lâng lâng và không còn muốn phản kháng nữa. Chưa kể còn bị bạn giam chung buồng dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát...” - ông Chấn uất nghẹn. Ông Chấn kể sau khi bị đe dọa thì được điều tra viên đọc cho viết đơn xin thú tội và đọc cả nội dung viết thư về cho vợ.
Cũng ở tòa án cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn đều kể lại câu chuyện trên song không được xem xét. “Để thực nghiệm hiện trường, các điều tra viên cho 1 tù nhân giả cô Nguyễn Thị Hoan (nạn nhân của vụ án - PV). Cán bộ còn đưa cho lúc cái thìa, khi cái lược để giả làm hung khí. Tôi phải tập nhiều lần cho đến khi thành thạo. Sau đó, họ đưa tôi đến một nhà dân để thực nghiệm hiện trường, bắt tôi diễn lại và quay phim” - ông Chấn nhớ lại.
Chủ tịch nước chỉ đạo sớm minh oan cho ông Chấn Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết. “Chừng nào còn bức cung, ép cung; chừng nào nguyên tắc suy đoán vô tội còn không được áp dụng một cách triệt để thì vẫn còn những trường hợp như ông Chấn” - luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. |