“Nhiều khi bài học được rút ra thì cha mẹ đã phải đánh đổi tài sản vô giá để rồi đau đớn”.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, hàng chục học sinh đã tử vong vì chết đuối. Trong số đó, hầu hết đều không biết bơi.
Người mẹ trẻ ngã quỵ trước di ảnh hai con bị chết đuối thương tâm
Đau xót không chỉ biết kêu than
TS.Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên gia dạy kỹ năng sống cho rằng, không có nội dung nào quan trọng và cấp thiết hơn bằng dạy trẻ phòng tránh và ứng phó với các tai nạn. Bởi kĩ năng xử lý tình huống khi gặp tai nạn giúp cho trẻ sống an toàn và có thể trợ giúp cho người khác.
Theo bà Hương, nội dung “dạy trẻ biết sinh tồn” chưa được quan tâm trong chương trình giáo dục của nước ta. Hầu như trên thế giới, bơi là nội dung bắt buộc trong chương trình tiểu học. Vì thế, nếu nội dung này không cần thiết, chắc chắn họ không thể coi nó là bắt buộc. Trong khi đó ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT, các phòng sở và các thầy cô giáo đã nhận thức được sự cần thiết của nội dung này nhưng vẫn bị bỏ ngỏ.
“Môn bơi lội bị bỏ ngỏ chính là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến trẻ em thiệt mạng trong các tai nạn đuối nước”, TS.Vũ Thu Hương nói.
Tuy nhiên, bà Hương cũng nhấn mạnh, trẻ bị đuối nước dù rất đau xót nhưng không nên chỉ biết than khóc. Việc cần thiết hiện nay không phải là tìm ra nguyên nhân mà tìm ra giải pháp trực tiếp, gốc rễ để hạn chế tối đa trẻ bị đuối nước.Vấn đề đáng lo ngại này rất cần được ngành giáo dục và cha mẹ trẻ quan tâm giải quyết.
Cũng theo bà Hương, thời gian gần đây, nhận thức của cha mẹ đã có nhiều thay đổi. Có không ít cha mẹ cho con tham gia các chương trình học về kĩ năng ứng phó các tình huống nguy hiểm. Tính mạng của con cái có an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào cố gắng của phụ huynh.
“Trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đầu tiên là phải đảm bảo cho con có khả năng tự lo lắng đến sự sống còn của chính mình”, TS.Vũ Thu Hương cho hay.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Sau sự việc hàng loạt trẻ em đuối nước, giảng viên cao cấp về kỹ năng sống, chuyên gia, giảng viên cao cấp về huấn luyện kỹ năng và phát triển con người Lê Anh Sơn chia sẻ: “Cha mẹ đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Nhiều khi bài học được rút ra thì cha mẹ đã phải đánh đổi tài sản vô giá để rồi đau đớn”.
Ví dụ đặt tình huống: Một người mẹ có con bị đuối nước, chắc hẳn bà sẽ ước mong nếu con tôi sống lại, tôi sẽ bán cả gia tài để cho con tôi ra nước ngoài học bơi”.
TS.Lê Anh Sơn chia sẻ chuyên đề kỹ năng sống cho học sinh.
Từ tình huống này, cho thấy, nếu nhiều người đồng cảm vấn đề thiếu bể bơi, hoặc bể bơi không đủ vệ sinh, không có thời gian.... hay ngàn lý do khác đều không còn ý nghĩa. Bởi mục đích cuối cùng giúp con cái phòng ngừa và tránh mọi hiểm họa có thể xảy đến.
Ông Sơn nói thêm: Trên lãnh thổ Việt Nam có hàng nghìn con sông lớn, nhỏ, hơn 3000km bờ biển, nhưng lại thiếu các chương trình kỹ năng bơi lội, sơ cấp cứu khi đuối nước, xảy đến. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành trên toàn quốc vốn đang có các trung tâm hành chính còn tốt. Nhưng tỉnh nào cũng toan xây lại với kinh phí hàng trăm ngàn tỉ đồng. Số tiền ấy có thể xây được bao nhiêu ngôi trường có đủ thư viện, hồ bơi… Có ai tính được thế không khi hàng năm, cả nước có hơn 7.000 ca chết do đuối nước.
“Dạy cho trẻ ý chí, nghị lực, tri thức để thành công, để hội nhập... rất quan trọng. Nhưng dạy cho trẻ biết cách sống an toàn, tự bảo vệ mạng sống của mình còn quan trọng hơn”, TS.Lê Anh Sơn bày tỏ.
Ông Sơn chia sẻ, ông từng có cơ hội nói truyện với hàng trăm trường, trước hàng ngàn học sinh. Sau khi đặt câu hỏi "Bao nhiêu em ở đây biết bơi?" thì đa phần con số dơ tay không quá 10%.
“Vậy điều gì sẽ xảy ra khi đất nước chúng ta có hàng ngàn km bờ biển, hàng vạn sông, suối, ao hồ..?”, TS. Lê Anh Sơn lo ngại.